về cái tinh thần trong ngệ thuật

10:00:00 PM
Sau một thời gian viết về nghệ thuật, có lẽ, cái tôi quan tâm nhất là thế giới ấy làm phong phú tâm hồn con người ra sao, con người thay đổi tốt lên vì nghệ thuật như thế nào, chức năng chữa lành của nó được biểu hiện ra sao, tính thẩm mỹ đi kèm tính giáo dục, truyền thông của nghệ thuật được thể hiện như thế nào,... Dường như tôi là một trong số ít người viết về nghệ thuật mà không quan tâm mấy đến thị trường nghệ thuật. Thị trường là cái gì đó về mua bán (thương mại), cạnh tranh, về đầu tư, toan tính, tiền bạc... Có lẽ, nó khó khiến tinh thần con người trở nên tốt đẹp hơn mà sẽ đẩy họ vào chỗ sở hữu và không đi sâu được vào cái đẹp của nghệ thuật (?!) Tất nhiên, tôi không phủ nhận tầm quan trọng của thị trường. Và tuyệt vời cho ai có thể cân bằng giữa hai thứ ấy: vừa hiểu thị trường vừa hiểu thấm chiều sâu nghệ thuật và được cảm hóa bởi nó. Tôi nghĩ số người đạt được cũng không phải là hiếm hoi. 

Amazon-Lá phổi của trái đất – tổng hợp trên giấy – 30x40cm – 2020 – Ciarna Hackett
Amazon-Lá phổi của trái đất – tổng hợp trên giấy – 30x40cm – 2020 – Ciarna Hackett


Trong một năm nay, thú vui mới của tôi là đi đến các bảo tàng, phòng tranh, triển lãm... để chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật. Dần dần, tôi nhận thấy, nghệ thuật cũng như văn học, chứa đựng nội dung và triết lý riêng. Nghệ thuật cũng như văn học đều có thể mở đường và mang ánh sáng vào tâm thức người thụ hưởng. Đó là bước dạo đầu trong hành trình khám phá nghệ thuật của tôi. Tôi chưa bao giờ có ý định trở thành một nhà sưu tập hay một nhà giám tuyển nghệ thuật. So với sách, nghệ thuật đắt đỏ hơn rất nhiều. Và bàn về khía cạnh giá cả, tôi cũng chưa bao giờ muốn mình là nhà sưu tầm sách (dù sách rẻ). Sách của tôi, hầu hết đang ở các thư viện trường trung học hoặc rải rác ở nhà một số bạn bè, người thân - những người mà tôi mong rằng họ có thể rút ra được thông điệp ý nghĩa gì đó từ những cuốn sách tôi tặng. Bây giờ tôi đang thụ hưởng nghệ thuật miễn phí giống như cái hồi tôi đọc sách miễn phí ở trong thư viện trường hay cửa hàng sách. Tôi khá yêu thích điều đó. Vì với tôi, tận hưởng nghệ thuật không nhất thiết là phải sở hữu nó. 

Tôi luôn nghĩ mối lương duyên giữa tôi và nghệ thuật là bước đệm cho hành trình tương lai của mình. Để ở đó, tôi nhận thấy một phương tiện chữa lành hữu hiệu khác mà bản thân có thể chuyển tải đến người đọc. Ngôn từ có thể chữa lành, giống như nghệ thuật và âm nhạc vậy. Tôi vẫn thường đi xem tranh một mình, và thi thoảng vẫn chiêm nghiệm nhìn ngắm đất trời thiên nhiên ở những công viên. Hôm nọ, tôi đi xem một triển lãm mang tên "Nguyên thoái - Organic Devolution", lòng tôi xúc động vô vàn. Một triển lãm quá đối tuyệt vời, nếu không nói là xuất sắc, khi chuyển tải thông điệp về bảo vệ môi trường. Toàn bộ các bức tranh đánh thức lòng trắc ẩn của con người trước cái đẹp của Mẹ thiên nhiên. Tấm toan chật hẹp giờ đây trở nên bao la và rộng lớn hơn cả. Không ngôn từ mỹ miều, hình ảnh giờ đây nói lên tất cả. 

Tôi rất vui vì bây giờ tôi hiểu tranh hơn một năm trước đây. Tôi nhận thấy sự đồng cảm của mình dành cho họa sĩ và thông điệp mà họ chuyển tải. Và tôi cũng rất vui khi ngồi trò chuyện cùng họ về quá trình sáng tác, về những chiêm nghiệm mà họ gặt thu trong cuộc sống. Thông qua nghệ thuật, con người kết nối với nhau nhiều hơn. Giống như hôm nọ, tôi bật YouTube lên và xem bản hòa tấu "The Lonely Shepherd" của André Rieu & Gheorghe Zamfir. Tôi xúc động vô vàn khi nghe ca khúc đó, nó khuấy động tánh người trong tôi. Rồi tôi chợt nhận ra, rất nhiều người trong đó rơi lệ, rất nhiều cái ôm, rất nhiều ánh mắt đồng cảm cùng đổ dồn về sân khấu. Chính lúc đó, tôi nhận ra rằng, hàng ngàn con người trong buổi biểu diễn hôm đó không cần trò chuyện cùng nhau, không cần nói với nhau một lời, nhưng đều đồng điệu và cảm hóa bởi thứ âm nhạc ấy. Nghệ thuật cũng vậy thôi. Trong một triển lãm ấy, tranh là thứ duy nhất khiến con người ta thức tỉnh và quay về bên trong. 

Giờ đây, ngoài những cuốn sách mà tôi gợi ý mọi người đọc cùng, tôi còn khuyến khích họ dành thời gian đi coi triển lãm. Thi thoảng lòng tự hào trong tôi cũng muốn họ thấy nghệ thuật tuyệt vời như thế nào. 

No comments:

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.