nhận thức phản ứng

Có một đợt, khi tôi ngồi trò chuyện với nhà giáo dục nghệ thuật Đỗ Kỳ Huy, tôi có hỏi thầy một câu như thế này: "Người ta nói nghệ sĩ nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Phải chăng đó là điều cần thiết trong sáng tạo?"

Thầy trả lời: "Người nghệ sĩ là người phát hiện. Công việc của họ là phát hiện. Giống như radar, nếu không có độ nhạy, sẽ chẳng dò được gì. Người nghệ sĩ mà không có sự nhạy cảm để phát hiện, họ không thể sáng tác. Những rung động (dù rất nhỏ) là cần thiết trong thực hành nghệ thuật. Tuy nhiên, tổn thương chẳng qua là một phản ứng của họ. Nó không mang tính cần thiết trong nghệ thuật."

Câu nói của thầy khiến tôi suy nghĩ. 



Một vài người có chia sẻ với tôi về khúc mắc trong cuộc sống của họ. Một cô gái trẻ tuổi vừa chia tay người yêu và cảm giác đau khổ cùng cực. Vậy thì, đau khổ ấy cũng như tổn thương trên kia, đó là phản ứng của mình. Chỉ khi chúng ta nhận thức được tính không cần thiết thực sự của khổ đau, chúng ta bắt đầu yêu thương chính mình bằng những cảm xúc tích cực. Đôi khi, chúng ta không nhất thiết phải ngăn cản kiểm soát nỗi đau, mà là đừng để cho nó lớn lên thêm. Thì cuối cùng, đi cùng những trải nghiệm và suy nghiệm lạc quan của bản thân, chúng ta sẽ miễn dịch với nỗi đau ấy. 

Và điều quan trọng ở đây vẫn ở chỗ nhận thức và quan sát nội tâm của mình. Còn khi không nhận thức, chúng ta cứ sống mù quáng cùng những tổn thương, cho đến khi nó hình thành một thói quen, biến nỗi đau trở thành virus thâm nhập sâu vào tinh thần và lúc này, virus ấy sẽ ăn mòn tinh thần đến kiệt quệ. 

Một điều rất sai lầm khi trải qua những xúc cảm tiêu cực (đau, buồn, tổn thương...) là chúng ta cố gắng kiềm chế nó. Việc kiềm chế này giống như giữ lại chất độc trong mình, dễ gây nên một số căn bệnh liên quan đến tinh thần về sau. Chúng ta có thể chọn cho mình một phương án giải tỏa hợp lý và nhân văn. Chẳng hạn, những em bé tự kỷ thường được đưa tới các lớp vẽ chữa lành. Khi các em không thể giải tỏa năng lượng qua lời nói thì bây giờ có thể giải tỏa qua hành động vẽ. Cũng như người nghệ sĩ, họ chọn phương thức giải tỏa qua hội họa hay ca hát, còn người cầm bút thì qua văn chương, thơ ca. Khi người trẻ rơi vào tổn thương, họ có thể tham gia một vài hoạt động tình nguyện giúp đỡ những người ở vùng khó khăn để thấy rằng trong cuộc sống mình vẫn còn may mắn. Khi những giác quan chứng kiến và quyện hòa hoàn cảnh đó, tinh thần của chúng ta dần được chữa lành. Chúng ta khao khát sống ý nghĩa hơn, mà cũng là vì, bản năng sinh tồn của con người thực sự lớn. Chẳng qua là, đôi khi, vì những tuyệt vọng tạm thời, hoặc khối nặng nề ấp ủ dai dẳng qua thời gian, khiến con người đưa ra quyết định bồng bột. 

Khi cuộc sống bế tắc, nghĩa là cuộc sống sắp sửa mở ra một con đường mới cho chính chúng ta. Sau bế tắc, ai ai cũng có cảm giác như được hồi sinh: ta mang trong mình nguồn năng lượng mới, dồi dào và tràn đầy. Nhưng con đường từ bế tắc đến hồi sinh đòi hỏi quá trình nhìn nhận và chiến thắng bản ngã, và quá trình đó đôi khi khó khăn và thử thách khiến không ít người vấp ngã và bỏ cuộc. Buông bỏ gánh nặng tinh thần luôn luôn bắt đầu từ việc nhận thức được sự thừa thãi ấy trước. Và sau đó, chúng ta tự chữa lành chính mình bằng cách tự định nghĩa cho mình trong một cuộc sống tương lai, mới và vui tươi hơn. Nhưng cũng chớ quên một điều, quá trình từ bế tắc đến hồi sinh đôi khi con người ta rơi vào tình trạng lạc mất chính mình. Tức có một quãng: lạc mất chính mình, tìm ra chính mình và hồi sinh ở đây. Biết được mình đang lạc cũng là một sự thức tỉnh rồi. 

Bản hòa tấu này năng lượng nè:



No comments:

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.