Trò chuyện có thể chữa lành?

Câu trả lời là có.

Bất cứ điều gì tương tác với ta đều có thể tác động lên tinh thần của chúng ta. Trò chuyện cũng vậy. 

Khi còn chưa biết nói, chúng ta trò chuyện với cha mẹ qua ngôn ngữ cơ thể. Một cái chạm vào bầu ngực mẹ đã khiến ta cảm thấy ấm áp và quen thuộc. Chỉ cần nằm trong vòng tay cha đã cảm giác như được bảo vệ hoàn toàn và tuyệt đối. Nhưng, chỉ cần cha mẹ quát mắng và rời xa, chúng ta sẽ lập tức khóc toáng lên hoặc cảm thấy sợ hãi. 



3 đến 5 tuổi, chúng ta đã bắt đầu trò chuyện đơn giản với mọi người. Thậm chí, lúc này, chúng ta dễ dàng trò chuyện với cỏ cây hoa lá, những thứ sẽ chẳng bao giờ đáp lại ta bằng thứ ngôn ngữ của ta. Nhưng ta có cảm giác rằng chúng ngoan ngoãn theo ý ta muốn, hoặc chúng "láo xược" theo ý ta muốn. Vạn vật lúc ấy phản chiếu tâm hồn của chúng ta. Đó là lý do vì sao, trẻ con nhìn xung quanh cái gì cũng đẹp, cũng trong sáng, cũng tò mò. Những tương tác đó khiến chúng ta vui vẻ, hồn nhiên và thoải mái.

6 tuổi đến 10 tuổi, chúng ta đã bắt đầu trò chuyện nhiều hơn, chơi với bạn bè, biết nghe lời hay không nghe lời, biết tức giận hay vui sướng nhiều hơn, biết như thế nào là ghen tỵ và đau khổ. Độ tuổi này dễ dàng bị tổn thương bởi những cuộc trò chuyện tiêu cực, và cũng dễ "tiếp thu" những tích cực. Tất cả các cuộc trò chuyện ít nhiều ảnh hưởng lên tư duy và tinh thần của trẻ ở độ tuổi này. Chúng dễ dàng bắt chước, ngay cả một lời nói tục. Bắt chước dần dà sẽ tạo thành thói quen khó sửa chữa. 

11 tuổi đến 15 tuổi là thời điểm chúng ta dậy thì. Tâm sinh lý giờ đây thay đổi chóng mặt. Nhiều bố mẹ cảm thấy kinh ngạc trước tính "sớm nắng chiều mưa" của con.  Nếu không có sự quan tâm đúng mực, trẻ trong giai đoạn này sẽ dễ dàng bước vào lối rẽ không đúng đắn. Cũng trong thời điểm này, các cuộc đối thoại nội tâm của trẻ bắt đầu nhiều hơn. Trẻ biết yêu ghét, giận hờn, biết vui sướng đau khổ. Nó sẽ tự độc thoại với bản thân, dù rằng nó không tự dưng phát hiện là nó đang tự nói với chính mình. 

16 đến 18 tuổi, đứng trước ngưỡng cửa sắp trở thành người lớn, độ tuổi này mang đến những thử thách và lo lắng nhất định. Tư duy của chúng ta trưởng thành hơn rất nhiều, và vì thế, các cuộc trò chuyện giờ đây đóng vai trò vô cùng quan trọng định hình nên nhân cách của ta, đặc biệt là khi ta sống tự lập.

18 tuổi trở lên, hầu hết mọi người rời gia đình, ra thành phố học tập hoặc đi làm. Đây là thời điểm chúng ta muốn tự quyết cuộc sống sau này của bản thân. Tâm sinh lý trong thời gian này phức tạp hơn bao giờ hết, con người cũng dễ rơi vào khủng hoảng như trầm cảm, cô đơn trong giai đoạn này.  Các cuộc trò chuyện với chính mình xảy ra liên tục khiến họ rơi vào trạng thái độc thoại cực đoan. Khi sự cô đơn lên ngôi, họ tha thiết những kết nối, các cuộc trò chuyện với ai đó để làm lành những đứt gãy bên trong họ. Nhưng họ khó chấp nhận được một chuyện rằng những đứt gãy đó phải giải quyết từ việc họ cần tái thực hiện trò chuyện tích cực với bản thân để chữa lành.

Trong mỗi con người luôn tồn tại một cảm giác tự ti, cảm giác đó xuất hiện khi họ đang ngấm ngầm so sánh chính bản thân họ với người khác. Khi thấy một người giàu có và xinh đẹp hơn, họ sinh cảm giác này. Họ tự độc thoại với bản thân rằng "Mình chẳng là gì cả!" hay "Mình thật kém cỏi". Chính những độc thoại đó kéo năng lượng bên trong họ xuống mức thấp, khiến họ không muốn cố gắng hoặc thiếu động lực để cố gắng. Chính sự tự ti khiến họ thấy cuộc đời bỗng kém ý nghĩa. Các cuộc độc thoại sẽ càng tệ hơn khi con người rơi vào trạng thái này. Vì thế, cần có một thứ gì đó kéo họ lên. Hoặc họ phải tự lực vươn lên và thoát ra khỏi hố sâu đó. Cả hai cách đều có thể. Nhưng, sẽ chẳng là gì nếu có ai đó kéo họ lên trong khi họ vẫn bám víu vào hố sâu. Tâm thức/vô thức họ bám víu vào hố sâu thì việc ai đó kéo họ lên chỉ là tạm thời. Vì thế, không ai có thể giúp mình đến tận cùng ngoài bản thân mình. Và cũng vậy, trò chuyện với ai đó không giúp ta đến tận cùng, mà chỉ có ta trò chuyện với chính ta như thế nào mới khiến ta vượt thoát khỏi cảm giác "địa ngục" đó. 

Một cách trò chuyện tốt với chính mình là ngồi thiền để có thể quan sát hết tất thảy những gì đang diễn ra nội tại. Khi cuộc "trò chuyện" là tĩnh, ta sẽ dễ dàng đi sâu hơn vào bên trong ta. Nếu ta cứ trò chuyện bằng các câu nói âm thầm với ta, nó vẫn là động, là bận rộn, và sự bận rộn sẽ dẫn đến mệt mỏi. 

Tất nhiên, bạn vẫn có thể trò chuyện chữa lành với bản thân bằng các câu nói khích lệ: "Hôm nay sẽ là một ngày tốt lành!" hay "Mình chắc chắn sẽ làm tốt!" Và thế, bạn sẽ tự cười rạng rỡ với chính mình, đẩy năng lượng bên trong lên và bắt đầu ngày mới bằng niềm hứng khởi. 

Nhưng rồi sau cùng thì, chúng ta luôn cần một sự tĩnh lặng nhất định. Sự tĩnh lặng ấy là quan trọng. Sự tĩnh lặng sẽ khiến chúng ta nhìn xuyên qua thế giới của ta. Rồi từ đó, ta sẽ thấy ánh sáng để luồn lách và khám phá tận cùng. Đó cũng chính là lúc ý tưởng của tôi chợt lộ. 

---

Đăng ký tham gia sự kiện "Cách trò chuyện trước đám đông và với chính mình" ngày 21/06 này của Trang ở Sài Gòn:  https://forms.gle/S1QZK9ney7rS8u1a9





No comments:

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.