Vấn đề chỉ là chúng ta lo sợ một mình
Lần đó, tôi gặp được
hai người trẻ nọ, một người sinh năm 1997, người kia sinh năm 1996. Ngày Chủ nhật, hai chị mới kể chuyện nằm nhà ngủ nướng
đến 11 giờ dậy, xem phim rồi lại quanh quẩn trong gian phòng trọ vỏn vẹn 15 m2.
Tôi hỏi sao hai chị không ra ngoài hưởng khí trời, đi đâu đó cho đời nó vui. Cả
hai đều lắc đầu, bảo lịch trống, không có hẹn với ai. Tôi bảo thế thì đi một
mình vậy. Cả hai đều xua tay nguầy nguậy, buông câu:
“Chị thà ở nhà cả năm
hơn là ra ngoài đi chơi một mình!”
Tôi giật mình.
Đối với họ, tôi khác
thường. Họ bình thường. Còn đối với tôi, họ không bất thường, không dị thường,
họ rất bình thường, bình thường đến nỗi tôi không nghĩ ra từ nào khác để mô tả.
Mỗi người có cách chăm lo cuộc sống khác nhau, nhưng chuyện người ta bảo thà ở
nhà cả năm còn hơn ra ngoài đường một mình không hiểu sao khiến tôi thất vọng
và hụt hẫng nhiều. Họ sợ cảm giác gì? Một mình? Cô đơn? Bị xã hội cho là kỳ quặc?
Hay còn cái gì khác nữa?
Hồi xưa, thấy người ta
đi du lịch nước nọ nước kia một mình. Tôi tự nhủ một ngày nào đó mình cũng sẽ
đi được như thế. Nhưng sẽ có người nhìn điều đó và suy nghĩ rằng bọn ấy là đồ
điên, hay họ sẽ không thể đi được một mình vì quá nguy hiểm, quá buồn, lúc đau ốm
thì xoay xở ra sao, lúc người ta không biết tiếng mình, tìm đâu ra một ai hiểu
giọng nói, xung quanh là toàn người lạ, đâu thể tin tưởng hay cậy nhờ? Hôm nọ,
ngồi với chị nhà báo, chị mở to mắt ngạc nhiên đáp lại “Em đi nước ngoài một
mình không sợ à?”. Tôi mới phải bất ngờ. Lẽ ra, nhà báo phải luôn ở tâm thế dám
lăn xả và đi một mình đây đó để viết bài chứ tại sao lại bất ngờ trước chuyện
đi du lịch một mình của con bé tuổi đôi mươi. Chị hơn tôi 5 tuổi và chưa từng
đi xa một mình bao giờ.
Hồi ở Sài Gòn, tôi ngồi
trò chuyện với giảng viên kia, người đã thực hiện chuyến đi một
mình trên con đường tơ lụa để sau đó cuốn Độc Hành ra đời, truyền cảm hứng cho
bao nhiêu người trẻ mơ ước đi nhưng nỗi sợ vẫn níu chân họ đứng một chỗ. Anh chân thành chia sẻ rằng anh cuốn gói rời quê hương một mình, nhưng không thể đếm
xuể số người anh gặp và nói chuyện trên đường. Trải nghiệm khiến con người cứng
rắn, độc lập và nhìn người tốt hơn. Nếu mới gặp một người, anh sẽ dùng sự trải
nghiệm dày dạn của mình để phán đoán liệu họ có thân thiện không, có thiện chí
cho một cuộc nói chuyện hay không và đi nhiều, trải nhiều cũng khiến con người
ta bỏ qua thói xấu phán xét và thay vì đó, họ nhìn đời với cặp mắt đa dạng,
phong phú hơn. Đến một lúc nào đó trong đời, chúng ta cần học cách tận hưởng niềm
vui khi ở một mình, đi một mình, đó không phải kỳ quặc, không phải dị thường, một
mình khiến ta tạo cho bản thân cơ hội quen biết thêm một ai đó, thúc đẩy bản
tính tò mò của bản thân để mở lời chào với một người lạ, và khiến người trẻ học
cách tự lập và học cách tự quyết định mọi thứ trong cuộc đời của mình.
Bạn tôi làm bên một
công ty du lịch, ngày Chủ nhật không có lịch đi chơi với bạn bè, cô bảo tôi thà
ở nhà tự kỷ một mình còn hơn ra ngoài một mình. Tôi mỉm cười bảo cô ấy tại sao
không tận hưởng niềm vui khi ở một mình. Đến một quán cà phê, vừa thưởng thức một
tách cappucchino nóng ấm, vừa đọc sách. Tôi vẫn thường dạo quanh một mình trên
con phố cổ Hà Nội, thi thoảng, với những người chưa từng trải nghiệm nó bao giờ,
họ sẽ không bao giờ cảm nhận được niềm vui ấy. Tâm hồn ta an nhiên hơn, nỗi cô
đơn cứ tưởng sẽ đến nhưng chỉ trong khoảnh khắc. Tôi ngòi bên gánh phở ở góc phố
Hàng Buồm. Người đàn ông kia lịch sự xin ngồi cùng bàn vì đã hết ghế trống, tôi
vui vẻ gật đầu rồi chào chú, hỏi chú người ở đâu. Chú vừa chạy thể dục về, hai
chú cháu ngồi trò chuyện với nhau. Bữa ăn một mình thật buồn, khi có người lạ
ăn cùng thật hạnh phúc và nỗi cô đơn đã bị thay thế bởi cảm giác hồ hởi, may mắn.
Ăn xong, chú gửi tiền cho tôi, mặc cho tôi chối đẩy như thế nào, chú mỉm cười đứng
lên: “Chú mời sinh viên một bữa, các cháu còn khó khăn, lúc nào đi làm kiếm tiền
thì mới có thể tự lập tài chính được.” Người lạ thật tốt các bạn ạ! Một chiều nọ,
tôi cũng bắt chuyến Grab lên Đinh Cafe, một trong những quán cà phê trứng nổi
tiếng và lâu đời ở thủ đô. Tôi ngồi ngoài hiên một mình, rồi có cặp vợ chồng từ
Hải Phòng lên chơi. Anh chị còn trẻ, gương mặt rạng ngời, họ nhờ tôi chụp một bức
ảnh. Từ sự chủ động ấy, tôi bắt chuyện với hai anh chị. Rồi cả ba con người hàn
huyên với nhau cả nửa tiếng đồng hồ rồi họ chào tôi, ra về trước. Vừa lúc đó, bạn
tôi tới. Lúc hai đứa gửi tiền nước để xuống lấy xe đi ăn mới biết hai anh chị
kia đã giả tiền cà phê trứng cho tôi, dù chỉ 20.000 đồng nhưng điều đó khiến
tôi biết ơn và trân trọng. Tôi tin rằng mỗi người đi qua trong đời ta đều có một
lý do nào đó, họ đã dạy cho tôi những bài học ý nghĩa không chỉ qua những câu
chuyện mà chúng tôi đã kể cho nhau mà
còn ở hành động nữa. Tôi nghĩ chúng ta không cần dành thời gian quá lâu với
nhau, phải trở thành bạn của nhau để tin tưởng và kể cho nhau nghe những câu
chuyện sâu xa, mà thi thoảng, ta thậm chí thoải mái hơn khi dành những câu chuyện
đó cho những người lạ, chỉ qua một vài câu nói, qua cử chỉ và hành động, ta có
cảm mến và ấn tượng một người, dù đó chỉ là lần gặp mặt đầu tiên. Với những người
lạ, nếu họ phát ra cùng một tần sóng như nhau, họ sẽ cuốn hút nhau ghê lắm.
Nhưng, có những người
chỉ giữ mối quan hệ với những người mình đã biết. Vòng xoay quan hệ chỉ vẻn vẹn
chừng đó, thi thoảng, khi bắt buộc phải tham gia sự kiện nọ kia hay được bạn bè
cũ giới thiệu bạn bè mới, vòng quan hệ của họ mới nới rộng hơn một chút. Bạn
tôi quê ở Quảng Ninh và chuyển đến Đà Lạt sống và làm việc đã được hơn một
tháng. Bạn nhắn tin cho tôi bảo nhớ nhà quá, muốn về sống lại Hà Nội, than vẫn
Đà Lạt lạnh nhạt và buồn đến dã man. Tôi bảo bạn hãy ra ngoài, quen người nọ
người kia để mở rộng thêm mối quan hệ, nghe thế mà cô chẳng chịu. Cô than đi
làm về mệt chỉ muốn ở nhà, cuối tuần thi thoảng lại phải lên công ty, nên chả
có mấy thì giờ thăm thú. Tôi bỗng nhớ lại chuyện đợi tôi bay từ Hà Nội vào Vũng
Tàu. Tôi ở đó 4 tháng, và chưa bay vào thì tôi đã quen được bao nhiêu người. Dù
là người hướng nội, thích dành những khoảng không gian một mình nhất định trong
ngày nhưng tôi không thể chịu được sự nhàn rỗi và thiếu bạn bè tại những vùng đất
mới. Khi những tin nhắn
của mình gửi đi trên trang mạng xã hội có đầu có cuối, từ giới thiệu bản thân, đến mục đích đến Vũng
Tàu làm gì, muốn làm gì và hi vọng có thể kết bạn, giao lưu học hỏi với họ, họ
sẽ mở lòng với mình. Anh bạn ở Vũng Tàu mới gửi cho tôi tất cả những nhóm hoạt
động trên Facebook từ CLB Tiếng Anh, nhóm leo núi đến nhóm tình nguyện lẫn
Expats in Vung Tau để tôi tham gia. Tôi liền giới thiệu bản thân mình trong đó,
người ta dồn dập gửi lời mời kết bạn và tin nhắn cho tôi. Thứ nhất, người ta thấy
profile Facebook của mình có nhiều câu chuyện hấp dẫn, thứ hai là người ta tò
mò một sinh viên Ngoại thương vào thành phố này ắt sẽ có nhiều câu chuyện thú vị
để kể. Khi vào Vũng Tàu, tôi mời nhiều người đi cà phê, và ngược lại, cũng có
những người mời tôi cà phê, nói chuyện. Khi mối quan hệ của tôi mở ra, tôi dần
nghĩ ra ý tưởng thành lập một tổ chức dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Sức
lan tỏa của tôi ngày càng lớn, càng có nhiều người lạ biết tôi. Vũng Tàu nhỏ bé
tý, chỉ cần truyền miệng đã có sức ảnh hưởng lớn, huống hồ trong thời đại công
nghệ thông tin này, người ta dễ dàng biết bạn qua một click vào tên bạn trên
Facebook.
Người lạ là những người
bạn ta chưa từng nói chuyện. Có những lần thấy có người ngồi một mình, ta cũng
ngồi một mình, họ và ta nhìn nhau, trong ta có cảm hứng muốn nói chuyện với họ
để giết chết khoảng không im ắng ấy, nhưng ta lại không tài nào mở miệng nổi,
rào cản vô hình nào đó khiến ta không thể mỉm cười chào họ hay đơn giản. Trong
lòng ta mâu thuẫn và đấu tranh, rồi ta nhìn họ rời bàn và đi, ta hụt hẫng. Ta
dùng bao nhiêu giả thiết “giá như lúc đó mình mạnh mẽ hơn, giá như mình chào cô
ấy một tiếng,...” Nhưng cuộc đời đâu có giá như, thời gian đã đi qua đâu níu
kéo lại được. Chính sự tự ti và đóng chặt lòng mình của ta khiến ta thiếu mất
can đảm để bắt đầu một câu chuyện, ta mất đi cơ hội biết một người, ta mất đi
cơ hội nói chuyện với người lạ. Từ khóa chính trong mỗi chuyến đi của tôi là
con người. Một chuyến đi được xem là bội thu khi tôi tiếp xúc và kết bạn với
thêm một người mới, học hỏi được cái gì đó từ họ và hiểu thêm về nền văn hóa,
phong tục tập quán của họ.
Khi tôi còn học năm nhất, tôi lên kế hoạch sẽ đi
Làng Gốm Bát Tràng một mình, trước khi đi, tôi kể chuyện này với một người bạn,
cô ấy bảo rằng cô ấy muốn đi với tôi, xem thử cách tôi khám phá vùng đất mới
như thế nào để học hỏi, lấy đó làm kinh nghiệm cho những chuyến đi lần sau. Tôi
gật đầu đồng ý. Nếu bạn muốn đi một mình, hãy thử đi với một ai đó hay đi một
mình trước, rồi bạn sẽ nhìn ra được cách khám phá vùng đất thú vị của người ta.
Khi đi du lịch một mình từ Bắc chí Nam, rồi các nước Đông Nam Á, tôi nhận ra rất
rất nhiều người phụ nữ mang cả ba lô lớn và dài đi khắp châu Á, rồi từ châu Á,
họ bay qua châu Phi, họ sống trong một chiếc ba lô suốt hàng tháng trời như vậy.
Du lịch một mình không còn là xu hướng của các bạn phương Tây nữa mà là cái gì
rất đỗi bình thường đối với họ. Những lợi ích của việc đi một mình dễ dàng nhìn
ra là thoải mái, tự do, tự chủ thời gian, không bị chi phối bởi quyết định của
ai, muốn dừng chân, ăn ngủ nghỉ ở đâu tùy thích. Mỗi người có mỗi cách khám phá
khác nhau, đó là lý do nếu chọn bạn đồng hành không cùng gu thì dễ dàng gây ra
mâu thuẫn. Nếu bạn thích khám phá các viện bảo tàng nhưng người đi cùng chỉ
thích mua sắm, cả hai phải chiều lòng người kia và phải đi theo người đó đến những
nơi mà mình không hứng thú. Tôi tự hỏi tại sao người ta thường hỏi tôi những
câu hết sức vớ vẩn như tôi không sợ bị lạc đường khi qua nước ngoài à. Tôi thản
nhiên đáp lại rằng tôi có phải đến sa mạc không một bóng người đâu. Tôi có thể
dừng lại hỏi người đi đường địa chỉ chỗ nọ chỗ kia bằng cách phát âm tên đường
hoặc đưa cho họ xem hình ảnh chỗ đến, hoặc tên điểm đến bằng tiếng Anh hoặc tiếng
địa phương của người dân nơi ấy. Họ sẽ chỉ cho bạn tận tình. Tôi thậm chí còn
ngạc nhiên hơn khi nhiều người ở Việt Nam chạy xe ở thành phố cứ chạy hoài, biết
lạc rồi mà vẫn bất lực, tại sao họ không dừng lại hỏi người bán hàng tạp hóa,
bác bảo vệ hay bất cứ ai đó xung quanh. Khi đi nhiều, tôi mới biết rằng con người
ở mỗi nơi khác nhau đều đến với nhau bằng sự chân thành và niềm hiếu khách. Bạn
đừng nghĩ dân bên Lào sẽ khác bên mình, dân Malaysia sẽ khác hẳn mình, họ cũng
thân thiện và cởi mở vô cùng. Khi nhìn thấy khách du lịch, họ không những tò mò
mà còn mỉm cười khi thấy mình bước lại. Cũng như ở bên mình, khi khách tây đi
qua hỏi, ta đều mỉm cười đáp trả, giúp đỡ.
Đi một mình là cách mở
rộng mối quan hệ tốt nhất, càng đi, mối quan hệ càng mở rộng. Tôi hạnh phúc khi
mỗi vùng đất tôi đi qua đều có những người bạn mà mình còn giữ mối liên hệ, dù
chúng tôi không tin nhắn cho nhau thường xuyên nhưng một lúc nào đó, có duyên, ắt
sẽ gặp lại.
Hà Nội/ Năm 2018
No comments: