Chuyện làng và rời làng
Tôi sinh ra ở một vùng
nông thôn bình thường. Bây giờ, làng quê ấy đã công nghiệp hóa đi nhiều, số lượng
đông đảo nông dân hồi nào giờ đã thành…công nhân. Mỗi ngôi nhà hiện tại chỉ còn
lại thế hệ trung niên, người già và trẻ nhỏ, không còn mấy thanh niên ở lại
làng. Họ đi học xa, kéo ra thành phố, xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Cách đây
10 năm về trước, một doanh nghiệp mua một vùng đất rộng lớn ở xã tôi để xây dựng
nhà máy xi măng nên nhiều cánh đồng, nhà cửa rơi vào khu quy hoạch khiến nhiều
hộ gia đình, trong đó có gia đình tôi phải kí vào một tờ giấy đồng ý bán ruộng,
bán đất với một mức giá vô cùng rẻ mạt. Năm đó, tôi còn là học sinh tiểu học,
ngây dại, non thơ, không biết gì nhiều về con số, tiền bạc, do đó, không thấm đẫm
nổi cuộc đấu tranh quyết liệt với thái độ uất ức của cha mẹ và những người dân
trong làng xóm với chế độ chính quyền. Tôi nhớ cảnh cha và hàng chục người dân
họp bàn, đồng lòng, đoàn kết không chịu ký giấy đồng ý bán đất, bán ruộng. Cả
bao đời nay, người dân vùng quê lấy ruộng đất làm kế sinh nhai, đó là miếng ăn
chính của biết bao gia đình, bán ruộng đi rồi, họ lấy gì để sống, lấy đâu ra tiền
nuôi con cái ăn học. Giọt nước mắt của biết bao hộ dân đã rơi ngay trên chính
thửa ruộng của họ, mảnh đất đó họ đã cày cấy suốt gần hai mươi năm nay, hết mùa
lúa, người ta lại trồng rau lang, trồng ngô, trồng lạc, quần quật, liên miên
như vậy, chưa bao giờ để đất trống, đất hoang một ngày giờ nào.
Sau một năm, do
không chịu được sự phản đối kịch liệt của dân chúng, người ta phải đáp ứng kì vọng
là tăng giá đất lên, khi đó, cha mẹ tôi và bao láng giềng xung quanh mới chịu
kí giấy xác nhận. Nhà tôi mất hơn 2 sào ruộng trên tổng số 4 sào. Tôi không còn
nhớ số tiền mà cha mẹ tôi nhận về lúc đó là bao nhiêu, nhưng bản thân hộ gia
đình nào không có ruộng ở vùng quy hoạch đều tỏ vẻ ghen tỵ và cảm thấy những
người như cha mẹ tôi thật may mắn biết bao. Thế rồi, tôi mới nhận ra, bản thân
người nghèo nào cũng cần tiền, và cần thoát cảnh túng quẫn, khó khăn. Gia đình
kế cạnh nhà tôi có 7 sào ruộng, nhưng họ luôn ở trong cảnh nghèo khó, mãi không
xây nổi căn nhà. Vậy mà, sau khi bán được 3 sào, họ liền có vốn xây một căn nhà
thiệt đẹp, mua thêm gà về nuôi, mở một trang trại nho nhỏ gồm các loại gia cầm
khác nhau. Vì không có ruộng nằm tại nơi quy hoạch, gia đình bạn thân tôi hơn một
thập niên qua vẫn không thay da đổi thịt. Khi gia đình kế cạnh đã xây được nhà
tầng, một vườn cây sai hoa trĩu quả, cha mẹ bạn vẫn ở trong ngôi nhà cấp bốn cũ
kĩ, hai gian bé xíu, ngày nắng thì nóng mà mưa thì dột ướt hết. Gia đình tôi có
một xưởng mộc nhỏ, cha tôi không thuê mướn nhân công nhiều, ông là người có
tánh quảng giao, cũng đi đây đi đó hồi còn trẻ, nay đã ngót nghét 50 nhưng cha
vẫn luôn thích bay nhảy nếu có cơ hội. So với các hộ xung quanh, kinh tế gia
đình tôi xếp hàng khá, chả bao giờ phải đi vay mượn ai. Ngược lại, nhờ làm ăn,
tích góp được, cha tôi vẫn thường cho anh em họ hàng vay mượn. Bản tính người
miền trung là tiết kiệm, chịu khó, có lẽ vì thế mà suốt những năm tháng học
hành ở quê, thói quen sống của tôi bị ảnh hưởng bởi cha mẹ nhiều.
Dân gian ta có câu “gần
mực thì đen, gần đèn thì sáng”, mãi đến lúc ra thành phố, thoát li khỏi vùng
nông thôn bình thường, tôi mới thấm thía ý nghĩa của câu tục ngữ ấy. Người ta
thường nói sự thật là những gì bạn tin, nhưng bạn tin lời nói của người ta dễ
dàng, bạn gật dạ hoang mang vì bạn thiếu kiến thức và trải nghiệm sống. Do đó,
dù thấy ở làng quê người ta đùm bọc nhau, sống với nhau có tình làng nghĩa xóm
nhưng đó vẫn luôn là xứ sở của nhiều lời ra tiếng vào, con người a dua theo đám
đông và bốc đồng dữ lắm. Cha tôi vẫn luôn dạy tôi rằng phải nỗ lực học thật tốt
và cố gắng đi tìm cho mình một môi trường phù hợp nhất để thể hiện tiềm năng và
khát vọng của bản thân. Nông thôn có lẽ không dành cho người trẻ sáng tạo và
năng động, vì thế, cứ trẻ, người ta lại ùa ra thành phố. Vì thành phố mới là
nơi tôi tìm thấy bộ lạc đích thực của mình, nơi có những con người giống mình
và biết bao tư duy hiện đại, lối sống cá tính cùng hàng loạt cơ hội đều nằm ở đấy.
Lúc tôi còn bé xíu, ở làng, có một vài người ra thành phố làm giúp việc ở các
gia đình giàu có, một vài năm, họ trở về nhưng điều khác biệt mà người ta trông
thấy rõ nhất ở họ là làn da bánh mật năm xưa giờ trắng hơn và họ nói thứ giọng
lơ lớ của người miền bắc. Họ kể cho các chị em nội trợ, tay xách nách mang một
vài đứa con rằng thành phố tấp nập lắm, giàu lắm, bữa ăn nào cũng cá thịt tràn
trề mâm, dùng không hết thì vứt đi chứ để qua ngày này ngày khác như nhà quê tụi
mình. Bỗng dưng, nghề ô sin ở thành phố những năm tháng đó lại được người ta ao
ước nhiều đến vậy…vì với chị em phụ nữ, ai cũng muốn đổi đời, đổi nghề, thoát
khỏi cảnh ao làng chán chê, túng quẫn… và quan trọng, họ có tiền gửi về quê đều
đặn mỗi tháng để nuôi sống gia đình chứ hạt thóc, hạt gạo được bán ra với giá rẻ
mạt quá. Nhưng, về mặt tư duy, không mấy người làm nghề ô sin ở thành phố về
quê mà tiến bộ hơn, họ vẫn mang trong mình “văn minh” lạc hậu thời xưa cũ, vẫn
ngồi lê đôi mách và tám chuyện gia đình nọ, xọ chuyện gia đình kia. Họ vẫn dạy
con cái mình y chang trước, họ không hề tỏ ra bản thân mang chút tinh hoa đã học
được ở thành phố về áp dụng ở chính tổ ấm của mình.
Tôi có dịp trở lại Sapa
vào đầu tháng 05/2018, một mình lao bộ xuống một con dốc ở bản Cát Cát thì trời
bỗng đổ cơn mưa. Tôi ngước nhìn lên phía trên, bất chợt thấy một bà già người
Mông thân hình đầy đặn đang ở ngoài cửa chính. Tôi tò tò bước lên, qua vài chục
bậc tam cấp được trét xi măng xuề xòa, tôi chạy xốc tới trước hiên nhà người
ta, chào bà lão người Mông trong hơi thở hổn hển. Tôi loay hoay hỏi cho có lệ một
vài câu trước khi quay lưng ra đằng sau và thấy cảnh gia đình đang dùng cơm
trưa. Thức ăn trên bàn nom đơn giản: canh rau muống, lòng lợn, thịt trâu hun
khói. Trên bếp củi của các gia đình trong bản, người ta đều treo các loại thịt
khác nhau, thịt đen thui nhưng có thể giữ ngày này qua tháng khác mà không sợ bị
thiu thối, ẩm mốc gì. Mâm cơm gồm có 5 người, họ thấy tôi bèn mời vào dùng bữa.
Lúc ấy tôi hãy còn đói, đành không khách sáo nữa mà ngồi gọn ghẽ bên cạnh người
đàn ông đã ngoài 40 tuổi, gương mặt cứng rắn với nhiều nếp nhăn thể hiện trải
nghiệm sống dày dặn và cuộc sống lao động mệt nhọc giữa núi rừng hoang vu. Chị
gái ngồi kế cạnh đã ngoài 30, là người Kinh, chị kể từng xuống Hà Nội hai năm
tròn làm giúp việc trong một gia đình khá giả, nhưng suốt ròng rã hai năm trời
đó, chị như chim bị nhốt trong lồng, gần như chưa một lần ra ngoài thăm thú cuộc
sống thủ đô ra sao. Chị kể vì cứ mải lủi thủi, lủi thủi suốt ngày ở nhà như vậy,
mỗi lần leo lên tầng thượng phơi quần áo, mắt chị khít lại khi gặp ánh nắng mặt
trời, chói lắm, khó chịu lắm, giống như thể mối sáng mai thức dậy đang ngái ngủ
thì bị ai đó kéo rèm cửa ra, ánh nắng hắt vào mắt đến khó chịu.
Đấy, bởi vậy mới
nói, dù đã ở kề cạnh một vùng đất tiến bộ nhưng không va vấp, trải nghiệm, học
hỏi gì thì mãi mãi là chú chim bị nhốt trong lồng, muốn bay cũng chẳng được.
Sinh ra ở một vùng quê
như vậy nhưng tôi luôn luôn được dạy dỗ là phải luôn có chí tiến thủ và vượt ra
khỏi mọi lời đàm tiếu lẫn phán xét để tự do bay nhảy theo phong cách sống của
mình. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, hồi xưa tôi là một cô bé…cực kì nhát đám
đông, nhát đến nỗi khách khứa đến nhà là tôi lại chui tọt ra đằng sau vườn hoặc
nấp dưới nhà bếp cùng với mẹ. Tôi sợ phải chào hỏi, sợ nhìn người lạ hay sợ cái
cách mà người ta đáp trả mình. Nhưng, kể đến đây mới thấy rõ nhiều mâu thuẫn. Bởi,
sinh ra ở miền quê, tôi xem những đứa trong làng là bạn, người ta đi ra đi vào
đều chào hỏi nhau, dễ giao tiếp và bắt chuyện lắm. Tôi nói đùa với anh bạn
Luke, đến từ Anh: “Thực chất, vùng quê cũng là một thế giới showbiz thu nhỏ.”
Khi mà, câu chuyện ai đó nổi bật lên một tý, dù tiêu cực hay tích cực đều được
đồn thổi đi rất nhanh. Các bà nội trợ gặp gỡ nhau ở chợ kể cho nhau nghe chuyện
nọ, chuyện kia, rồi cứ thế, văn hóa truyền miệng ở làng quê lan tỏa nhanh đến
chóng mặt. Tôi nhớ hồi mình đỗ Đại học Ngoại thương, bỗng dưng, ngày mai, ngày
kia, khi tôi ra đường, ai nấy đều chúc mừng, khen ngợi. Hồi còn nhỏ, thầy cô
luôn bảo tôi rất ngoan, học đều các môn, nổi bật tiếng Anh và Toán. Với những
môn chính, tôi luôn đứng đầu lớp. Thế mà, chơi cờ vua, ô ăn quan hay các trò nhảy
dây, tôi cũng đều thắng ở tất cả các mặt trận ấy. Cuộc sống ở miền quê cứ trôi
qua thanh bình, và khi mà người ta sống trong một môi trường chưa có tính hiện
đại hóa gì nhiều như vậy, tôi luôn nghĩ liệu năng lực của họ có bị ẩn khuất đi
hay chăng?
Nhiều người trẻ từ
thành phố trở về quê và bỗng dưng không có nhiều tiếng nói chung với cha mẹ, họ
lại tiếp tục đi làm ăn và xây dựng tổ ấm ở một nơi thật xa nào đó khác. Và,
cũng như vậy, cuộc sống của tôi hoàn toàn thay đổi khi tôi trở ra thủ đô, tự lập
tại một thành phố lớn và vây xung quanh tôi đều là những người lạ. Khi tôi gặp
chú Phan Thế Hải, tác giả cuốn “Giữa dòng xoáy cuộc đời”, cũng là một người đồng
hương Nghệ An, chú mới bảo tôi “Đầu óc của cháu không thể nuôi dưỡng những quan
điểm nông thôn tại thành phố.” Đến bây giờ, tôi mới hiểu hết điều đó. Con người
ta luôn thay đổi, luôn bị ảnh hưởng bởi môi trường sống và quan trọng… tôi
nghĩ, ta bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những câu chuyện của người khác, đặc biệt
là những người ta chưa hề hiểu rõ những điều cơ bản nhất ở họ, ta gọi họ là những
người lạ. Rời làng quê lên thành phố, bằng cách nào đó, tôi bị thu hút bởi những
người lạ này, họ có sự kết nối bí ẩn với mọi giác quan của tôi, và chính sự thu
hút ấy đã khơi mào cho một vài cuộc trò chuyện thú vị, thăng tiến cho chúng tôi
lên một vài mối quan hệ mới. Tôi luôn luôn bị kích thích bởi ánh mắt và dáng vẻ
của người khác, đấy là những dấu hiệu tích cực để tôi nở một nụ cười ra hiệu
cho sự tương tác đầu tiên hoặc thoải mái cất lên một lời chào với họ.
William
Butler Yeats, một trong những nhà thơ vĩ đại của thế kỉ 20, đã từng nói: “Chẳng
có người lạ nào ở đây, chỉ là những người bạn mà chúng ta chưa từng gặp gỡ.” Cuộc
phiêu lưu cùng người lạ là hành trình vô tận, là chuyến đi khơi mào cho lòng tò
mò, trí sáng tạo và niềm hào hứng khi dừng lại ở một nơi nào đó, trò chuyện
cùng một người lạ và hiểu hơn về thế giới kì bí trong đầu óc của họ. Chính đầu
óc con người cũng chính là chiếc giếng không đáy, cũng là nguồn kiến thức vô tận
mà cứ ngồi thêm một giờ, họ lại “giảng giải” cho ta thêm một quan niệm sống mới,
một góc nhìn mới, còn quyền học hỏi và thu nhận hay không là quyền cá nhân của
mỗi người. Con người ta có hai cái tai, nó thể hiện sự dung hòa và chọn lọc, một
tai thu nhận, một tai đào thải những thứ ta không hiểu hoặc không thích ra
ngoài. Tất nhiên, nó đơn thuần là quan điểm của tôi, không sai hay đúng, quan
trọng là bạn đọc thấy hợp lý hay không.
Nhiều người sợ nói chuyện
với người lạ, còn tôi, tôi chọn lọc họ bằng mọi giác quan của mình để đến với họ
hay không. Người chưa động chạm gì đến bạn, hoàn toàn vô hại với bạn, vậy cớ
sao, rất nhiều người tự khoác lên bản thân một chiếc áo giáp, tự đặt ra những
rào cản tâm lý tiêu cực, tâm lý sợ người lạ, sợ đám đông, sợ một trải nghiệm mới
toanh. Tôi nghĩ, một là họ không dám thoát ra khỏi vùng an toàn, hai là họ
không có nhu cầu cho điều đó, bà là, có thể, họ thiếu kiến thức để bắt đầu dù họ
thật sự muốn và khao khát.
Chuyện làng và rời làng
đánh dấu thời kì chuyển đổi tư duy của tôi, từ một cô bé gan dạ nhưng khép kín,
trở thành một người liều lĩnh và cởi mở hơn. Để người ngoài cuộc thấy rằng,
thay đổi môi trường là một phần, nhưng điều thay đổi bạn mạnh mẽ nhất lại là những
câu chuyện và bài học mà bạn lĩnh hội được ở trường đời, nơi mà người lạ trở
thành người thầy, và họ là những người thầy chưa bao giờ nhận mình là thầy của
bạn.
Hà Nội 2018
Bản nhạc đồng quê:
Hà Nội 2018
Bản nhạc đồng quê:
No comments: