Cách học tốt nhất là tự tạo dựng trường học cho chính mình
Càng đi học, con người càng hình
thành nên quan điểm rằng họ sẽ phải học tiến lên những cấp bậc cao hơn, từ: tiểu
học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học và sau đó có thể đến cao học,
tiến sĩ… Nhưng cuộc đời vốn dĩ vô thường, chẳng hạn, điều kiện gia đình của bạn
không cho phép bạn đi học lên cấp 3, lúc này, bạn bắt buộc phải ngừng thói quen
đến trường ở độ tuổi 15. Nếu là một người bi quan, không có chí tiến thủ, phải
chăng bạn cũng bắt đầu tự thuyết phục bản thân rằng cuộc đời mình tiêu tan ngay
từ đây hay như đoán trước đường đi nước bước tương lai gói gọn trong số phận
“làm thuê rồi lấy chồng/vợ”.
Khái niệm “trường học” dường như
đang được hiểu theo một khuôn khổ nhàm chán nào đó. Đó là ngôi trường mà chính
phủ hay tư nhân xây dựng lên, ở đó có thầy cô và học trò, bạn phải đóng học phí
để được đi học và ở đó có giảng dạy những môn học mà bạn yêu thích hay ghét bỏ,
nhưng bắt buộc bạn phải học nếu bạn muốn lên lớp. Khi trường học hình thành,
con người ta bắt đầu vin vào nó như một chỗ dựa an toàn, là nền tảng để đánh
giá tri thức một con người hay sự thành bại của ai đó trong xã hội. Nhưng họ
không biết rằng, trường học theo định nghĩa này chỉ là một nhân tố vô cùng nhỏ,
vô cùng nhỏ giữa trường đời thênh thang, rộng lớn.
Ngày hôm nay, con người có điều
kiện học hỏi nhiều hơn khi xưa gấp bội lần. Trường học của chúng ta được dựng
lên nhiều hơn, người trẻ chiến đấu cho tấm vé du học nước ngoài cũng ngày một
tăng lên. Nhưng bạn có biết, trước khi trường học được phổ quát, thì loài người
có những cách học và cách dạy học vô cùng thú vị mà tôi nghĩ rằng hôm nay,
chúng ta cũng cần học hỏi. Trong suốt gần 20
năm, từ năm 34 tuổi, Khổng Tử dẫn học trò đi khắp các nước trong vùng để truyền
bá các tư tưởng và tìm người dùng các tư tưởng đó. Có nơi ông được trọng dụng nhưng
cũng có nơi ông bị coi thường. Khổng Tử cùng các học trò đi qua các nước: Vệ,
Khuông, Trần, Tống, Thái, Sở, mong thuyết phục các vua chư hầu chịu đem Đạo của
ông ra ứng dụng để đem lại thái bình cho dân chúng. Thế rồi, vào năm 68
tuổi, Khổng Tử trở về nước Lỗ, tiếp tục dạy học và bắt tay vào soạn sách. Ông
cũng chỉnh lý lại các bản nhạc nước Lỗ khiến cho nhạc nhã và nhạc tụng mỗi loại
có vị trí thích đáng của nó. Có thể nói Khổng Tử là người thầy tư nhân chuyên
thu nhận học trò đầu tiên trong lịch sử giáo dục Trung Quốc. Trước thời ông,
trường học hoàn toàn là của triều đình và thường chỉ thu nhận con em của gia
đình quý tộc. Khổng Tử sáng lập ra trường học tư, thu nhận nhiều đồ đệ bất kể
xuất thân sang hèn, đưa giáo dục mở rộng cho bình dân, đem tri thức văn hóa
truyền bá cho dân gian, có cống hiến thật to lớn đối với giáo dục thời cổ đại.
Khi trường học được hiểu theo
nghĩa bóng, trường học đó có thể là sách, có thể chỉ đơn giản là một người thầy,
có thể là những chuyến đi, có thể là cha mẹ, có thể là những người lạ trên mọi
nẻo đường. Tôi thường nhìn một từ ngữ trên bình diện rộng lớn, từ đó, tôi tự
xây trường cho tôi, tôi chính là học trò và người tự tạo dựng ra những người thầy
cho chính mình. Khi nghĩ rộng được như thế, tôi đã phần nào lý giải trọn vẹn ý
nghĩa của nhận định “trường học không tệ như bạn nghĩ”, ngôi trường này có thể
không phù hợp với bạn, nhưng ngôi trường kia thì sao, hãy trải nghiệm xem, đôi
khi lại phù hợp hơn với bạn.
18 tuổi là độ tuổi mà mỗi người gần
như đủ khả năng để tự chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình. Lúc này,
họ đã có thể tự tạo dựng trường học riêng cho chính họ. Và việc bỏ học đại học
không hề mâu thuẫn với tình yêu mà họ dành cho trường học khi họ hiểu khái niệm
“trường học” trên bình diện rộng lớn mà tôi đã nêu trên. Trước khi bàn đến việc
vì sao tôi bỏ học ở trường đại học, có lẽ, tôi xin kể lại câu chuyện về một người
thầy, người cố vấn (mentor) – người đã giúp tôi nhận ra khái niệm “trường học”
trên bình diện rộng lớn này. Anh không phải là tác nhân khiến tôi bỏ học trường
đại học, nhưng chính xác là người khai sáng cho tôi về vấn đề học đại học không
phải là tất cả và mỗi người nên tìm cho mình những trường học phù hợp hơn khi
thấy một trường học nào đó không thực sự đáp ứng đúng cá tính và phong cách sống
của họ. Người thầy đầu tiên của tôi là một doanh nhân, anh từng bỏ học Đại học
Bách khoa Hà Nội nhưng lại là người tiến thân rất tốt trên con đường du học.
Anh vừa là cử nhân quản trị kinh doanh (BA) của trường Edith Cowan, Úc vừa là
Thạc sỹ Quản trị kinh doanh (MBA) của trường Latrobe, Úc. Mối nhân duyên của
chúng tôi bắt đầu thông qua một người khác – chị này làm giúp việc tại nhà anh
và là bạn cùng quê với tôi. Trong quá trình tuyển dụng nhân sự, chị ấy đã giới
thiệu tôi với anh. Và từ đó, mối nhân duyên thầy trò chúng tôi nảy nở. Tôi đã
làm việc cho anh tổng cộng 4 năm nay và viết cho anh 2 cuốn sách mang tên “Tâm
lý học về tiền” và “Huy động vốn cộng đồng”. Chuyên ngành tôi học ở trường đại
học là Kinh tế đối ngoại, nhưng thú thật, việc ngồi cà phê và nghe người thầy đầu
tiên giảng giải về những kiến thức kinh tế khiến tôi say mê và hứng thú hơn việc
mài mông ở giảng đường. Anh cũng chính là người đầu tiên đặt niềm tin vào một
người có tiềm năng chứ không phải là một người đã có kinh nghiệm sẵn. Vào một
ngày đẹp trời, khi tôi ở độ tuổi 18 non tơ, anh bảo tôi: “Trang viết sách cho
anh nhé!” Anh ấy bảo rằng: “Nếu một cô bé 18 tuổi có thể hiểu và viết ra được một
cuốn sách thì những học viên của anh ấy chắc chắn sẽ hiểu”. Dù là Chủ tịch của
một doanh nghiệp, nhưng người thầy đầu tiên không hề cố ý uốn nắn tôi trở thành
một người đam mê kinh doanh. Ngay từ khi gặp tôi, anh ấy đã biết tôi có khả
năng viết lách và quan sát. Anh ấy định hướng con đường tương lai của tôi dựa
trên tiềm năng mà tôi đang sở hữu. Đó có lẽ vẫn là thiếu sót của những trường học
hiện nay, khi chỉ tập trung dạy kiến thức mà không khai phá tiềm năng của học
trò. Vào một sáng mùa Xuân năm 2016, khi tôi đã theo học anh trong vòng vài
tháng, anh hỏi tôi:
“Giá trị mà em hướng đến trong đời
là gì?
Lúc ấy, tôi lập tức nghĩ ngay đến
hình ảnh Tom Sawyer và một cuộc đời thú vị của thám tử lừng danh Sherlocks
Holmes. Tôi buột miệng:
“Tự do, thưa thầy!”
“Vậy em có biết làm cách nào để đạt
được sự tự do?”
“Em vẫn đang tìm kiếm”.
“Tôi hỏi, nếu em chọn một công việc
văn phòng bó buộc trong khi tinh thần vẫn đấu tranh cho sự tự do. Điều này có hợp
lý?”
“Rất mâu thuẫn, đúng không ạ?”
“Mấu chốt chính là ở đó. Rất nhiều
người muốn thế này nhưng lại hành động thế kia. Nếu em muốn tự do, em không thể
lấy một người chồng thích kiểm soát. Nếu em muốn bay nhảy, em không thể ăn rồi
chôn chân ở văn phòng từ thứ 2 đến thứ 7. Nếu em muốn tự do, em cũng không thể
tự giam cầm mình ở trong những suy nghĩ bó buộc. Em hiểu ý tôi chứ?”
Đầu óc tôi lúc ấy hoàn toàn trống
rỗng, cho đến khi thầy tiếp lời:
“Sau này, tôi tin em sẽ tìm được
một công việc, tận hưởng một cuộc sống có thể mang đến cho em sự tự do về thể
xác lẫn tinh thần. Sự tự do tinh thần bao giờ cũng chiếm thế mạnh hơn bất cứ sự
tự do thể xác nào mà em cảm nhận”.
Trường học theo khái niệm tôi biết
chưa bao giờ dạy tôi điều đó, chưa bao giờ đưa tôi vào một cuộc hội thoại dài với
tính triết lý cao và để lại nhiều suy ngẫm cuộc đời đến như vậy. Thay vì giảng
dạy cho tôi kinh tế vi mô, vĩ mô là gì, người thầy đầu tiên khiến tôi tò mò nhiều
hơn về cuộc sống, và cũng chính là tác nhân dẫn tôi vào cuộc trải nghiệm chính
bản thân mình trong mối tương quan với những hiện tượng, con người xung quanh.
Tôi nhớ lại, trong một lần trò chuyện cùng một vị đạo diễn nổi tiếng, anh chia
sẻ: “Trong lĩnh vực điện ảnh Việt Nam, chúng ta không có đủ mentor. Mentor là nhà cố vấn và định hướng cho chúng ta. Khi còn là sinh
viên, bạn phải đi học gần như mỗi ngày nhưng bạn chỉ cần mỗi tuần một buổi cà
phê trò chuyện với mentor, như vậy là
đủ”. Câu nói của anh đạo diễn lại rất đúng với trường hợp giữa tôi và người thầy
đầu tiên, và suy rộng ra, nó đúng cho cả xã hội.
Có thể nói, trong lịch sử, có nhiều
mối quan hệ thầy trò mang tính huyền thoại. Thầy trò Sokrates và Plato là một
ví dụ điển hình. Plato được 29 tuổi khi Sokrates phải uống chất độc cần. Từ
lâu, ông đã là học trò của Sokrates và đã chăm chú theo dõi vụ án của thầy
mình. Công việc đầu tiên của Plato như một triết gia là xuất bản lời biện hộ của
Sokrates. Còn trong lĩnh vực thời trang, chúng ta còn được mở mang đầu óc thêm
khi biết mối tình thầy trò giữa hai nhà thiết kế huyền thoại Christian Dior và
Yves Saint-Laurent. Yves Saint-Laurent tốt nghiệp trường Chambre Syndicale de
la couture và vào những năm 1950, ông được Christian Dior thuê làm trợ lý
riêng. Kể từ ngày đó, Dior đã dạy cho Laurent những bí mật trong lĩnh vực haute
couture cũng như cách để sáng lập một doanh nghiệp.
Sau trường học chính thống mà
chúng ta biết, người cố vấn chính là ngôi trường tuyệt vời mà tôi may mắn bước
vào và tận hưởng nguồn tri thức độc nhất vô nhị mà không một trường học nào có
thể giảng dạy. Thật may mắn, người thầy cũng chính là trường học phù hợp hơn
cho tôi. Chính người thầy đầu tiên đã đưa tôi vào trường đời, và khuyến khích
tôi tự tạo dựng nên những ngôi trường thích hợp với phong cách học của mình.
Tôi là người thích tự nghiên cứu những vấn đề mình yêu thích, thích cảm quan thế
giới bằng những chuyến đi thực tế và tôi cũng bị mê hoặc bởi những con người.
Người thầy đầu tiên gieo rắc vào tâm trí tôi ba từ “trải nghiệm sống”, và nhờ vậy,
tôi sẵn sàng chấp nhận một cuộc phiêu lưu vượt ra ngoài khuôn khổ trường đại học.
Có lẽ không giống với nhiều người,
trực giác của tôi cực kỳ nhạy bén. Ngay từ khi ngồi vào giảng đường khoảng chừng
6 tháng, tôi đã nghĩ đây là một nơi mà mình không thuộc về. Tôi bắt đầu tách dần
ra khỏi những tiết học nhàm chán, và đẩy bản thân mình vào những cuộc phiêu lưu
riêng ở thế giới ngoài kia. Có một người nào đó đã từng bảo tôi rằng: “Mỗi lần
dạy học cho trẻ nhỏ, anh đều nhắc nhở các em phải biết nóng biết lạnh là gì, từ
đó mà thay đổi và phản ứng”. Nhiều người bạn của tôi luôn than phiền về trường
học, mỗi ngày đến trường đối với họ giống như cực hình. Thế mà, họ vẫn chịu đựng,
cắn răng đi học tiếp. Sao mà ta ở những năm tháng đại học chẳng giống ta ở những
năm tháng cấp 1, cấp 2 gì cả. Hồi tôi còn nhỏ, tôi háo hức được đến trường mỗi
ngày. Tôi sợ những ngày cuối tuần, vì những ngày đó, tôi phải làm việc. Gia
đình tôi ở nông thôn, và trẻ em phải làm đủ thứ từ chăn trâu, cắt cỏ, gieo trồng,
gặt hái… Những công việc đó rõ ràng chán chê và mệt nhọc hơn việc học nhiều lần.
Đến trường, được nghe giảng, được cô giáo khen, được ra chơi với bạn bè là thú
vui “đẳng cấp” nhất thời đó. Thế nhưng, lên đại học cũng là lúc con người chúng
ta hình thành nên những suy nghĩ trưởng thành. Hòa mình vào dòng người đa dạng
trong xã hội, lối so sánh ngấm ngầm xuất hiện đều đặn trong tâm trí ta. Bạn kia
xuất thân trong gia đình giàu kếch xù, nhóm nọ bận lên người nào là đồ hàng hiệu
của Gucci hay Chanel, nước hoa Dior, Calvin Klein thơm phức. Nhiều lúc nhìn đến
đó, bản thân chỉ muốn tàng hình giữa dòng người chật chội. Sống giữa thế giới
mà ai cũng học tập và làm việc như đánh trận, người trẻ đang độ tuổi trưởng
thành nhiều lúc cảm thấy nghẹt thở thực sự. Sự nôn nóng và ồn ào của thành phố
đôi lúc lại khiến người ta bất đắc dĩ phải gồng mình lên bắt nhịp cho kịp, và
khi không bắt nhịp được, sự tự ti và thất vọng khiến họ thu mình trong căn
phòng kín. Những cảm xúc tiêu cực bị đè nén và tích tụ lại lâu ngày, sinh ra trầm
cảm, cô đơn và không ít người tuyệt vọng tìm đến giải pháp cuối cùng là tự tử.
Cái thú của tôi trong một năm rưỡi
đi học đại học, là tôi có dịp quan sát sự mâu thuẫn nội tâm của mỗi con người.
Áp lực điểm số khiến bạn bè tôi ghì đầu ghì cổ lên những bài tập thâu đêm. Tôi
của những năm tháng sau này không còn giống tôi của những năm tháng cấp 3 nữa,
tôi nổi loạn thật sự, tôi tìm đến những trường học khác ngoài trường đại học.
Tôi học từ bà cụ ngồi một mình trên ghế đá ở hồ Hoàn Kiếm. Tôi tự hỏi, tại sao
trong thế giới mà dân số đều tăng lên mỗi ngày, con người càng lúc càng ít bạn
bè. Sao đám đông càng dày đặc hơn mà chúng ta càng cô đơn hơn. Vũ trụ này tồn tại
cái gọi là định luật vạn vật hấp dẫn của Newton, nhưng rõ ràng cũng tồn tại định
luật mâu thuẫn nội tâm con người. Và vế sau thì phải giải thích trong một cuốn
sách không trang cuối cùng. Kể từ ngày
rong chơi thủ đô, tôi nhận ra bản thân mình bị mê hoặc bởi con người. Hễ thấy
ai ngồi một mình mà nhìn vẻ mặt dễ chịu, tôi đều cố gắng bắt chuyện. Tôi như kẻ
thèm thuồng lắng nghe và thèm thuồng được nói. Và mỗi một người tôi gặp, tôi đều
về viết lại trên blog của mình. Thầy cô ở trường thường dạy và giải thích những
gì trong sách, kiến thức trong sách cũng chỉ bằng chừng ấy thôi, không hơn
không kém, nhưng rõ ràng, học ở con người là bài học vô tận, bài học đó còn đeo
đẳng mãi đến khi người ta thở những hơi thở cuối cùng trên mặt đất này. Vậy là
kể từ ngày hôm đó, tôi theo đuổi những con người. Ở đâu có con người, ở đó có
trường học. Và khi đã chán chê con người ở vùng đất này, tôi chuyển qua vùng đất
khác, để học hỏi con người mới. Tôi học ở người quét rác, người tàn tật, từ con
bé phục vụ trong quán cà phê đến chủ tịch của một tập đoàn. Họ kể những câu
chuyện thật sự khác nhau, và tôi thấy ai ai cũng có “thành tựu” và niềm vui của
riêng mình. Một cô quét rác không có tiền tài, địa vị của một vị chủ tịch nhưng
cô có niềm vui mỗi khi dọn sạch phố xã.
Cô bé phục vụ trong quán cà phê không được quyền lực như ông chủ của cô
nhưng cô sống một cuộc đời đỡ đau đầu hơn ông chủ.
Hồi đó, tôi có phỏng vấn một ông
họa sĩ, ông bảo với tôi: “Càng vẽ, tôi càng phát hiện một điều thú vị như thế
này, chỉ có bản thân mình mới cày lên được những vùng đất mà mình biết thôi. Từ
đó, tiền đồ của mình mới tiến xa hơn được”. Rõ ràng, chỉ có ta mới là thầy của
ta mãi mãi thôi, và trường học thú vị nhất trên cuộc đời này cũng do tự ta tạo
ra.
No comments: