Giải đáp câu hỏi "Luật hấp dẫn giữa những người lạ"
Sự kiện "Luật hấp dẫn giữa những người lạ" đã đón
nhận rất nhiều câu hỏi thú vị từ các bạn khán giả. Trang xin giải đáp thắc mắc
của bạn trong blog này (bài khá dài). Góc nhìn dựa trên trải nghiệm và quan điểm
của bản thân.
Bạn lặp lại về trực giác khá nhiều. Trực giác hiểu đúng
là thế nào và bạn có thể chia sẻ một trải nghiệm thú vị nào đó được không?
Trực giác, đối với mình, giống như tiếng gọi của con tim. Nó
không phải là tiếng nói phát ra trong đầu, hay một thứ đơn thuần thuộc về cảm
nhận - xúc cảm bình thường. Trực giác giống như thần hộ mệnh hay người canh
gác, luôn đưa ra những báo hiệu nào đó để bạn tự nhủ có nên cân nhắc trước khi
đưa ra quyết định hay không. Chẳng hạn, khi đi du lịch một mình, chúng ta thường
dùng trực giác của bản thân để quyết định có tin tưởng người lạ này hay không
và nhận trợ giúp từ họ. Lúc này, sự tin tưởng ấy không phải thông qua khả năng
phân tích lý luận trong đầu mà là một cảm giác đặc biệt tự nhiên nảy sinh khiến
bạn đưa đến một quyết định.
Mỗi người đều sở hữu trực giác này, nhưng "độ mạnh"
luôn khác nhau. Có người sở hữu trực giác rất nhạy cảm, trong khi người khác
thì không. Và theo mình, trực giác có thể rèn luyện được thông qua tính trải
nghiệm bản thân. Càng trải nghiệm, trực giác (có thể) sẽ càng nhạy bén. Bằng một
cách nào đó, độ mạnh của trực giác có mối liên hệ tỷ lệ thuận với độ chín của
tâm hồn. Có những người thiên về lý tính nhiều hơn, họ ưa thích lập luận - phân
tích, họ không quyết định dựa trên trực giác, họ bỏ qua nó. Nhưng trực giác sẽ
đưa bạn đến một thế giới trải nghiệm đầy thú vị, một cuộc phiêu lưu đầy tính
tâm linh.
Mình là một người sống khá nhạy cảm. Và trực giác của bản
thân mình vì thế mà cũng nhạy cảm theo. Bản thân mình nghĩ, trực giác ấy đã có
sẵn âm ỉ trong con người mình từ khi mình còn nhỏ. Nhưng, cho đến khi khái niệm
trực giác hình thành trong tâm trí mình, mình mới để ý đến sự tồn tại của nó.
Điều này bắt đầu vào năm 2012, khi mình là học sinh lớp 10 và mình có xem một
bài diễn văn của Steve Jobs trong lễ tốt nghiệp của đại học Standford năm 2005.
Mình xem bài nói đó để học tiếng Anh, nhưng đã bị hút hồn bởi những câu nói và
câu chuyện của ông. Trong đó, có một đoạn dài mình không bao giờ có thể quên được: "Thời gian của bạn là hữu hạn, vì vậy đừng lãng phí nó
để sống cuộc đời của người khác. Đừng nghe những lời giáo điều – đó là sống với
kết quả từ những suy nghĩ của người khác. Đừng để âm thanh của những quan điểm
khác lấn át đi giọng nói bên trong bạn. Và quan trọng nhất, hãy giữ lấy sự can
đảm để đi theo trái tim và trực giác. Chúng biết bạn thực sự muốn trở thành con
người như thế nào. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu".
Có thể nói rằng, câu nói ấy
đã ứng nghiệm vào cuộc đời mình theo chiều dài thời gian và sự trưởng thành dần
dần của bản thân. 15 tuổi, mình đã bị cuốn hút bởi câu nói, nhưng cho đến độ tuổi này, mình thực sự hiểu thông điệp đằng sau đó, và toàn bộ trải nghiệm sống của
mình đã thực hành trên lý thuyết ấy (mà đôi khi không hề hay biết). Mình đã từng
nghĩ giữa mình và người đàn ông này có một mối liên hệ nào đó về lý tưởng sống,
ý là quan niệm sống, và mình đồng điệu với tư tưởng của ông.
Cũng có thể nói rằng, gần như
toàn bộ quyết định quan trọng trong đời sống của mình đều dựa trên trực giác.
Và một trong số đó là bỏ học đại học. Mình không bỏ đại học dựa trên nền tảng
truyền thông "tỷ phú bỏ học", mình bỏ vì mình tin trường học của mình
phải là trường học mình tự xây dựng nên. Thi thoảng, bạn cũng sẽ có một vài cảm
giác mãnh liệt rằng cái đó hợp hoặc không hợp với chính bạn, và nó thúc đẩy bạn
đi đến một quyết định. Nó đúng trong các mối quan hệ, cảm nhận ổn hay bất ổn,
đó là trực giác, chứ không phải qua lý luận phân tích. Và việc bỏ đại học là một
trong những quyết định sáng suốt nhất trong cuộc đời mình, nó mở tung một cánh
cửa rộng lớn hay một bước ngoặt "vĩ đại" cho chính mình để mình
sải bước trên cung đường mà mình chọn. Nghĩa rằng, mình đã dùng trực giác đó và
quyết định dựa trên nó không hề mang đến cảm giác hối hận hay luyến tiếc nào.
Nhưng đôi khi trực giác có thể
sai lầm. Nhưng không sao cả, nói như ai đó, có sai thì mới có đúng. Ngay cả bản
thân mình cũng thế, đôi khi vì tính an toàn và tự vệ, mà không nhận sự trợ giúp
hay lảng tránh một/nhóm người lạ.
Trong công việc, phải nhận định
một điều rằng mình chọn người sếp của công việc đó chứ không phải chọn một công
việc. Mình không nghĩ trước đó mình đã từng chọn một công việc nào sai, mà là
công việc chưa phù hợp thì đúng hơn. Và thông qua những trải nghiệm công việc
chưa ứng nghiệm với tính cách và tiềm năng của bản thân, trực giác của mình
ngày càng nhạy bén hơn để tiến đến một việc làm thích hợp với con người của
chính mình. Và thế, mình nghĩ, hãy làm một công việc nào mà bạn vừa có thể hoàn
toàn là chính mình vừa có khả năng bộc lộ tiềm năng của chính mình. Trong trường
hợp của mình, mình là người (một phần nào đó ) tách biệt ra khỏi công việc kiếm
tiền ở doanh nghiệp để xây dựng ước mơ cá nhân và sáng tạo những thứ thuộc về
mình.
Trước đây, mình gặp người lạ và kết bạn rất nhanh, nhưng ở hiện tại, mình cảm
thấy hơi chán - kiểu sự gắn bó của người trưởng thành trở nên khó khăn. Bạn có
thể giải đáp?
Khi còn trẻ, chúng ta tha thiết một cuộc sống năng động, trẻ trung với thật nhiều
trải nghiệm như những người bạn xung quanh mình. Và bạn bè là một trong số đó,
chúng ta cũng mong muốn bản thân có thật nhiều bạn. Chúng ta sợ lạc lõng và cô
đơn. Thế nên, chúng ta kết bạn cũng nhanh chóng, và "nhanh chóng" thì
dẫn đến sự nông cạn. Nông cạn thì thiếu gắn kết. Thời đại học, mình có rất nhiều
bạn, nhưng gần như chỉ có một hay hai bạn là có thể chia sẻ được một chút thứ
trong cuộc sống riêng tư của bản thân. Có thể nói, mình là người dễ kết bạn -
thoáng tính - cởi mở, nhưng không phải là người mà những bạn khác dễ đi sâu vào
nội tâm.
Khi trưởng thành hơn, con người ta có những mối bận tâm khác, công việc cuốn họ vào dòng xoáy cơm áo gạo tiền, thế nên họ không còn chú tâm kết bạn nhiều như trước nữa. Thậm chí có người, mối quan hệ chỉ là làm ăn, không kết thêm được một người bạn mới chất lượng nào. Thế nên, đời sống của họ khá cô đơn. Khi cô đơn mà còn không biết tự chính bản thân làm đầy từ bên trong, người ta dễ dàng rơi vào trạng thái cô lập và trầm cảm. Khi lớn tuổi, độ chín tâm hồn của ta cũng tỷ lệ thuận theo. Có những người hồi xưa rất năng động nhưng giờ bỗng trở nên điềm đạm hơn rất nhiều, họ sống bên trong con người mình nhiều hơn, vì thế, mà họ cảm thấy rằng gắn kết với những người xung quanh trở nên khó khăn. Thậm chí đôi khi, bạn cứ có cảm tưởng người xung quanh ai ai cũng đeo một chiếc mặt nạ - hay vỏ bọc. Điều này khiến bạn thụt lùi lại một bước, dè chừng và không dám mở lòng với người khác.
Gầy dựng mối quan hệ chất lượng rất cần sự chân thành - thời gian và sự sẻ chia. Và đối với mình, đừng cố gắng theo đuổi một mối quan hệ phù phiếm nào, đừng tư duy "gắn bó" mình vào một ai đó. Vì khi có thái độ gắn bó và muốn sở hữu, bạn sẽ trở nên đau khổ và tổn thương khi không có được người ta. Bạn tự hỏi "Làm sao mà không có tư duy gắn bó được đúng không?" Thật thế, rất khó, nhưng chỉ cần chú tâm vào hiện tại - vun vén cho hiện tại, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc biết nhường nào. Mối quan hệ bạn bè hay tình yêu đều thế. Đối với mình, bạn bè chất lượng là những người mà dù một, hai hay mười năm mới gặp nhau một lần nhưng khi khó khăn, hoạn nạn đều sẵn sàng hỗ trợ nhau. Còn với tình yêu, yêu thương ai đó là không đòi hỏi người ấy phải yêu thương lại mình, là loại yêu thương vô điều kiện không mong cầu. Yêu một ai đó là mong muốn người đó hạnh phúc. Tình yêu là hai người cùng nhìn về một hướng, nhưng con người rồi có thể thay đổi, hướng nhìn của một trong hai có thể thay đổi theo, khi cả hai không còn nhìn chung một hướng nữa, mình cũng chấp nhận và ủng hộ người đó thôi. Và trong trường hợp này, bản thân ta có buồn nhưng cuộc sống vốn dĩ phải tiếp diễn cơ mà.
Đời sống vốn dĩ rất đa dạng và bản năng của mỗi chúng ta là được chia sẻ. Như anh chàng Chris trong cuốn "Vào trong hoang dã" trước khi lìa cõi đời mình đã bảo rằng "Hạnh phúc chỉ tồn tại khi sẻ chia". Trong thế giới rộng lớn này, bạn chỉ cần một người có thể lắng nghe bạn và chia sẻ cùng bạn thôi, nó đã đủ may mắn và hạnh phúc lắm rồi.
Em thích một
bạn nam trong trường nhưng bạn lại thích những cô gái xinh kiểu hot girl, hoạt
bát nhưng em không đáp ứng được một tiêu chí nào cả và cũng không có ý định
thay đổi để giống vậy, vì: em không có dư khả năng để trang trải cho quần áo, mỹ
phẩm,... và em là một người ít nói, ngại giao tiếp vì khó cảm thấy an toàn với
người lạ (không rõ là do bẩm sinh hay hoàn cảnh gia đình bất ổn hồi bé). Rõ
ràng là khó để chinh phục bạn ấy, dù em luôn tin vào lực hấp dẫn sẽ thu hút được
bạn vào một ngày đẹp trời nào đó trong tương lai. Nhưng em sắp năm 4 ra trường
rồi, ngành học và hướng đi của em và bạn cũng khác nhau nên chắc là khó tiếp cận
bạn sau này? Chị cho em hỏi liệu em có thể làm gì để thay đổi tình huống hiện tại?
Khi mình còn trẻ, mình dễ bị thu hút bởi một ai đó, và để gây thú hút với bạn khác giới, xu hướng của phụ nữ là trở nên xinh đẹp hơn, dịu dàng hơn hay thay đổi sao cho phù hợp với gu của người ấy. Nhưng có nhất thiết phải vậy không em, yêu ai đó và thay đổi chính con người chân thật của mình? Liệu điều đó có tốt hơn việc "yêu một người mà người đó chấp nhận con người thật sự của em"?
Tuổi trẻ có những bồng bột và sai lầm, nhưng chị thích một điều là tình cảm của em dành cho bạn ấy là chân thành, và em nhận thức được rằng em không có đủ điều kiện để chạy theo gu con gái của bạn ấy. Đồ đạc, mỹ phẩm chẳng qua là vật ngoài thân. Một người đàn ông thực thụ dành cho em là người mà khi em không tô son môi hay chỉ mặc một chiếc quần kaki sờn màu, họ cũng yêu em như khi em mặc một chiếc váy trắng xinh xắn. Ở độ tuổi trải nghiệm, em có thể xem tình yêu như một sự trải nghiệm, nhưng khi gặp một người đàn ông mà em tin rằng em yêu người ấy không còn để trải nghiệm nữa, mà yêu như thể người đó là người mà em có thể đồng hành suốt cuộc đời mình, chị tin chàng trai đó thực sự đặc biệt.
Chị cũng từng là người ít nói (bây giờ vẫn nhiều lúc ít nói lắm em à), chị cũng từng ngại giao tiếp và khó cảm thấy an toàn với người lạ, nhưng nếu đọc các câu trả lời trên của chị, chị tin em đã có câu trả lời và tự rút ra bài học để hành động. Khi em bảo mình là người ít nói, em đồng hóa mình với sự ít nói đó. Nhưng đó không phải là em, em ạ. Em có thể vươn lên để trở thành một bản thể tốt hơn, và em xứng đáng với những điều tốt đẹp. Khi em yêu chính bản thân em, em sẽ tự khắc trả lời được câu hỏi của chính em "Liệu em có nhất thiết chinh phục bạn trai kia hay không?"
Mình cũng là người hay lắng nghe, nhưng vẫn chưa biết cách duy trì tốt cuộc hội thoại. Bạn có lời khuyên nào để duy trì cuộc hội thoại tốt hơn?
Điều kiện cần là biết lắng nghe, nhưng đó chưa phải điều kiện
đủ. Duy trì tốt một cuộc hội thoại giống như sự tung hứng đồng điệu nhau. Nếu
chỉ một bên tung, bên kia hứng hoài thì cũng mệt và nhàm chán. Như vậy, bạn phải
là một người biết gợi mở câu chuyện, có câu chuyện để nói về, tóm lại bạn là một
storyteller. Hãy nhớ, ai ai cũng có thể là một người kể chuyện giỏi.
Hồi còn nhỏ, chúng ta đều được học bộ môn kể chuyện. Sau khi
đọc một tác phẩm, giáo viên mời học sinh lên bảng kể chuyện và còn kèm thêm điệu
bộ nữa cho phần trình bày thêm hấp dẫn. Chúng ta có cuộc thi kể chuyện cấp huyện,
rồi cấp tỉnh, cấp quận hay cấp thành phố. Hồi đó, mình là đứa kể chuyện rất dở.
Mình bị giáo viên chủ nhiệm loại thẳng ngay vòng gửi xe. Thế mà giờ đây, mình
đã tiến bộ hơn rất nhiều.
Mỗi người đều có cảm nhận khác nhau về như thế nào là một cuộc
hội thoại tốt. Nhưng suy cho cùng, ấy là sự đồng điệu và tôn trọng giữa hai người.
Chúng ta có những cuốn sách self-help về ứng xử, điển hình là Đắc Nhân Tâm, cuốn
thay đổi Warren Buffett và khiến cuộc hôn nhân của ông hạnh phúc tràn đầy. Mình
cũng đã được truyền cảm hứng và thay đổi rất nhiều từ tác phẩm đó, dù rằng nhiều
ý kiến trái chiều về sách self-help lắm, nhưng bản thân mình nhận thấy nó có
ích trong độ tuổi 17, 18 - khi mình tiếp cận cuốn sách. Nó đã giúp mình mở
lòng, thay vì chỉ tâm tư với nhật ký, thì mình bắt đầu kể chuyện của mình cho một
vài người tin cậy nghe.
Để có thể nói chuyện khá như bây giờ, mình đã phải nói chuyện
với rất rất nhiều người. Ai ai mình cũng nói chuyện, từ cô dọn dẹp ở công ty đến
tầng lớp doanh nhân, nghệ sĩ. Để duy trì tốt cuộc hội thoại, nó cũng giống như
viết lách thôi, là bạn cần thực hành nhiều, gặp gỡ nhiều, giao du nhiều và tự
hoàn thiện bản thân sau mỗi cuộc gặp. Chỉ cần bạn sẵn sàng cho việc học hỏi,
thì không còn chút e ngại nào với người lạ nữa đâu. Chỉ cần nụ cười, là bạn có
thể mở đầu ngay một câu chuyện.
Nhưng phải nói thêm một điều nữa: xác suất duy trì tốt cuộc
hội thoại không phải lúc nào cũng 100% đâu. Bản thân mình cũng không phải người
duy trì tốt nữa. Mình cố duy trì tốt với người bạn, người yêu, người thân...Một
số người gặp lần đầu, mình duy trì tốt, nhưng sau đó không còn duy trì nữa vì
mình và họ không có sự liên hệ với nhau. Bản thân mình có mối quan hệ khá rộng,
nhưng xã giao phàn nhiều, và suy cho cùng, mình có vài người bạn thân và xung
quanh mình là gia đình, duy trì hội thoại với họ tốt nhất có thể là đã tốt lắm
rồi. Con người cần có sự ưu tiên mà, mình hạnh phúc với những người mình thân
thuộc nhất thôi.
Em rất e sợ khi đi du lịch một mình và làm sao để nói
chuyện với người lạ?
Người ta nói đường xa vạn dặm thì khởi đầu cũng đơn giản là một bước chân. Đi du lịch một mình cũng thế, nếu sợ thì hãy đi từng bước nhỏ trước. Đây là câu chuyện của mình để bạn hình dung nhé.
Hồi xưa mình ra Hà Nội học, mình cũng ham hố du lịch lắm
nhưng không có tiền. Sinh viên rất nghèo mà, và bản thân không hề muốn sử dụng
đồng tiền mồ hôi xương máu của cha mẹ vào việc đó. Thế là, mình bắt đầu làm
thêm, tiền gom góp lại được thì du lịch. Đầu tiên chỉ là du lịch trong lòng Hà
Nội thôi. Bạn ngạc nhiên ư? Người ta bảo du lịch phải xa xôi lắm đúng không, phải
vào Nam ra Bắc, nước ngoài các thứ, nhưng không, "bước chân đầu tiên"
của mình nhỏ bé thế thôi, mình du lịch một mình trong băm sáu phố phường. Rồi đến
ngoại ô Hà Nội như Làng gốm Bát Tràng và làng cổ Đường Lâm. Đó là những chuyến xe
buýt kéo dài một hai tiếng đồng hồ thôi, nhưng nó đã cho mình cảm giác muốn được
tận hưởng niềm vui du lịch một mình. Thi thoảng đi bộ lướt qua vài em bé, mình
lại cười, các em cũng cười theo mình, thế là bọn mình nói chuyện. Hãy nói chuyện
với những người lạ mà bạn biết họ chắc chắn vô hại trước (như trẻ con), bạn sẽ
có can đảm để tiến thêm một bước nữa - là nói chuyện với người lớn. Sau
Hà Nội, mình bắt đầu lên Sapa một mình. Thoạt đầu, mình cũng sợ đó, sợ bị bắt
cóc hay sợ bị hãm hiếp các thứ, nhưng nỗi sợ ấy đã được gạt bỏ nhanh chóng vì
niềm hân hoan phấn khích của mình lớn hơn rất nhiều. Đôi khi bản thân ta phải
chiến đấu với nỗi sợ hãi của ta chứ, và chiến thắng được rồi thì vui mừng khôn
tả lắm. Sau những trải nghiệm từ dễ đến vừa vừa rồi đến khó, mình nhận ra con
người ở đâu cũng vậy thôi, hiền hòa và gần gũi, chứ chẳng drama như trong tác
phẩm trinh thám đâu.
Mình hay nói với các bạn rằng "You need to have a
reason to talk" - bạn cần có lý do để nói chuyện với người ta, đó là động
lực tự nhiên nhất khiến bạn cất tiếng nói với một người lạ nào đó. Chẳng hạn, hồi
du lịch ở Bangkok, do không tìm được địa chỉ đến chỗ kia, mình đã hỏi một vài
người địa phương, hay do không sử dung sim card trong khi du lịch nước ngoài,
mình đã có lý do để hỏi đường người lạ. Khó khăn sinh ý tưởng mà.
Nhiều người cho rằng luật hấp dẫn có thể gây phá hoại bản
thân vì nó yêu cầu không bao giờ được nghi ngờ bản thân, không bao giờ xem xét
những hậu quả tiêu cực hay những lời chỉ trích, và không bao giờ được giữ suy
nghĩ tiêu cực và nó như "một kiểu ảo tưởng", có thể sẽ có ích trong một
vài trường hợp nhưng càng về sau sẽ càng nguy hiểm. Em hy vọng sẽ có thể được
nghe thêm ý kiện của chị về quan điểm này?
Người Việt Nam vẫn thường cho rằng đa cấp là xấu xa, và họ nhìn nó là một mô hình kinh doanh hết sức tiêu cực. Nhưng ở Mỹ thì không, Bill Gates thậm chí từng nói: "Nếu tôi được làm lại sự nghiệp từ đâu, tôi sẽ chọn bán hàng đa cấp". Như vậy, đa cấp ở Việt Nam chẳng qua bị biến tướng, theo chiều hướng tiêu cực, từ đó góc nhìn của ta về đa cấp bị méo mó theo. Và sự biến tướng ấy chẳng phải do con người tạo ra hay sao?
Chị lấy ví dụ đa cấp để em có thể đối chiếu với quan điểm em
vừa nêu ra. Luật hấp dẫn nếu bị vận dụng sai, nó cũng sẽ bị biến tướng theo kiểu
đó. Cũng giống như NLP vậy, về căn bản là nó tốt, nhưng chỉ cần vận dụng sai
thôi, hoặc chưa hiểu hết mà vận dụng, nó sẽ dẫn đến những thực hành không đúng
hướng. Người thực hành ảo tưởng, huyễn hoặc và dần dà khi không đạt được kết quả
như ý muốn, họ có cái nhìn tiêu cực về NLP, cũng như là luật hấp dẫn vậy.
Mình muốn hiểu thêm về hai chữ "nhân duyên"?
Nếu mà diễn dịch "nhân duyên" theo ngôn ngữ Phật giáo thì thực sự khó hiểu, và chính bản thân mình cũng chưa thể hiểu được đâu. Thế nên, mình sẽ giải thích nhân duyên dựa trên quan điểm của bản thân nhé.
Có một câu nói mà hầu như chúng ta đều nghe: "Những người
ta gặp là những người cần gặp. Ai đó đi qua cuộc đời ta đều dạy cho ta bài học
nào đó". Và mình nghĩ, gặp gỡ một người lạ nào đó đã là nhân duyên cao quý
trong đời rồi, không nhất thiết là hai người phải trở thành cái gì đó của nhau
về sau. Khoảnh khắc hiện tại lúc đó giữa hai người mới thực sự quan trọng và cần
trân trọng.
Làm sao để không bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ, cảm xúc, lời nói
của những người tiêu cực xung quanh mình mà không cắt đứt mối quan hệ với họ?
Hồi xưa, Mạnh Mẫu Tam Thiên (mẹ Mạnh Tử) đã 3 lần chuyển nhà
để dạy con. Câu chuyện dạy cho ta bài học về việc môi trường sống ảnh hướng đến
tính cách của con người mạnh mẽ đến cỡ nào. Thầy Minh Niệm - người mong muốn
giúp cho biết bao nhiêu người bị trầm cảm vượt qua khỏi khủng hoảng cá nhân -
cũng phải thừa nhận rằng khi thường xuyên ở cạnh họ, năng lượng tiêu cực của những
người đó khiến thầy không còn có khả năng chịu đựng được thêm nữa, thầy cần thời
gian để tách ra.
Rõ ràng, con người ta bị ảnh hưởng lẫn nhau, chứ nó không xảy
ra theo một chiều kích nhất định. Nhưng, hãy nhớ, nếu năng lượng bên nào mạnh
hơn - nó sẽ có tác động mạnh hơn. Ví dụ, bạn ở trong một công ty "độc hại",
năng lượng ấy mạnh hơn bạn, nó khiến bạn bị ảnh hưởng mạnh mẽ theo. Nếu bạn ở
trong một tập thể tích cực, bạn cũng được ảnh hưởng tích cực theo. Thế nên,
theo mình, hãy cân bằng môi trường sống, có những thứ tiêu cực cũng được, nhưng
cần để những thứ tiêu cực đó không được áp đảo tích cực, và nên hạn chế càng
nhiều càng tốt. Đặc biệt là những người mà nội tâm chưa vững vàng, họ càng dễ
dàng bị ảnh hưởng.
Người tích cực có bao giờ buồn? Nếu có, nỗi buồn của họ khác
thế nào với những người bình thường?
Buồn là một gia vị của cuộc sống, cũng như đau khổ. Nỗi buồn là nguồn cảm hứng sáng tạo của thiên tài nói riêng và những người làm sáng tạo nói chung. Và thế, nỗi buồn có mặt tích cực.
Mình là một kẻ sống tích cực, nhưng cũng có khi buồn. Thậm chí ở thời điểm
nhạy cảm nhất, nỗi buồn tự dưng chợt đến lúc đang vui. Nhưng, cũng vì bản thân
là kẻ tích cực nên mình không để nỗi buồn ấy gặm nhấm quá lâu, nó đến vừa đủ để
khiến đời sống thi vị, và ra đi để khiến đời sống tinh thần cân bằng.
Mình có thể hiểu nôm na đây là điện sinh học không? Mình tin
chỉ cần lòng luôn hướng về một người, nhớ thương về họ thì khi năng lượng đủ mạnh,
họ cũng sẽ nhớ đến mình. Liệu điều này có đúng?
Khi đọc được câu hỏi này của bạn, mình cảm nhận giữa chúng ta có sự kết
nối nào đó, vì đây cũng là câu hỏi mình từng tự hỏi chính bản thân mình. Các bạn
yêu đơn phương hình như cũng hay hỏi câu này thì phải "liệu người kia có
nhớ đến mình hay không?"
Dường như, cả hai phải có mối liên hệ từ trước. Nhưng đôi
khi, ta có cảm giác như bản thân đang tự huyễn hoặc chính mình vậy. Vì nếu chỉ
nghĩ và hướng về người ta trong suy nghĩ thôi mà không hành động thì có giống với
việc bạn nghĩ và tin mình là triệu phú nhưng chẳng làm gì để biến giấc mơ đó
thành hiện thực? Điều quan trọng giờ đây là bạn đi hỏi người kia là họ có nhớ bạn
không.
Việc mình gặp một người hoàn toàn xa lạ một cách tình cờ, nói
chuyện và rồi trở thành bạn của nhau, nhưng trước đó mình chưa bao giờ nghĩ đến
việc sẽ gặp một người lạ nào như thế. Vậy cuộc gặp gỡ tình cờ đấy có được xem
là luật hấp dẫn hay là "duyên" như cách nói trong Đạo Phật ạ? Người
ta vẫn hay nói chữ "duyên" trong Đạo Phật có liên quan đến kiếp trước
của mỗi người, chị nghĩ như thế nào về điều đó ạ?
Đúng là mình tin vào nhân duyên, con người ta gặp nhau đã là khởi đầu
cho một chữ duyên đáng trân trọng. Mình không theo tôn giáo nào, và mình đã từng
đọc về "duyên" trong Đạo Phật liên quan đến kiếp trước của mỗi người,
nhưng vì chưa trải nghiệm nên chỉ tạm gọi là biết và để đó thôi. Nếu có, thì thật
sự thú vị nhỉ!
Có những điều mình muốn, nghĩ tới, nói ra thì thấy nó đến
ngay (ví dụ đi Đà Lạt), nhưng có những điều mình cố gắng và gào thét cả năm cho
vũ trụ nghe thấy nhưng vẫn chưa thấy gì cả... Là sao ấy nhỉ?
Có lẽ là nó chưa đến, chứ không phải không đến. Và nếu nó
không đến bây giờ, bạn cũng hãy coi rằng có lẽ chưa đúng thời điểm hay chăng?
Có những người phải chờ đợi hàng chục năm để biến một giấc
mơ thành hiện thực. Còn chuyện đi Đà Lạt thì không cần luật hấp dẫn, bạn cũng
có thể tự bắt một chuyến xe qua đêm, sáng ngày mai có mặt ngay ở hồ Xuân Hương.
Quá dễ dàng đúng không? Vũ trụ đang thử thách lòng kiên nhẫn và sự quyết tâm
hành động của bạn đó thôi. "Được voi đòi tiên" không khiến con người
ta trân trọng thành quả, chỉ có cay đắng - chông gai mới khiến chặng hành trình
ý nghĩa, bạn à.
Nên làm gì khi mình bắt buộc phải làm việc với người không thực
sự hợp với mình?
Không thực sự phù hợp hay là chưa cố gắng để hòa hợp? Để thực sự hợp với
ai đó thật khó khăn và đòi hỏi nỗ lực. Có những cặp vợ chồng yêu nhau nhưng sau
này chia tay vì không còn hòa hợp nữa đó thôi.
Trong công việc, khi phải làm việc với người bạn chưa cảm thấy phù hợp,
hãy hạ cái tôi của mình xuống và lắng nghe nhiều hơn. Từ sự bình tâm đó, bạn biết
sếp - hay đồng nghiệp ấy thuộc kiểu lãnh đạo - làm việc như thế nào. Sẽ có ít
nhất một kiểu hành xử phù hợp với họ. Điều đó không có nghĩa rằng bạn không còn
là chính bản thân mình nữa, mà là bạn đang điều chỉnh hành vi thái độ của mình
sao cho hòa hợp với người kia. Và đó là bài học quan trọng.
Tại sao có những người lần đầu tiên chạm mắt nhau đã có thật
nhiều cảm xúc với nhau?
Về mặt sinh học, con người ta thường bị thu hút bởi cái đẹp bề ngoài.
Cái đẹp bề ngoài thì phát hiện rất nhanh chóng, chạy xe qua con phố, một người
đàn ông thấy cô gái xinh kia, tự dưng bị hút hồn. Hai ánh mắt chạm nhau, càng
khiến hấp lực ấy mạnh mẽ hơn nữa.
Một nghiên cứu thực hiện vào năm 1989 chỉ ra rằng giao tiếp bằng mắt đơn
giản có thể khiến một người phải lòng bạn. Trong nghiên cứu này, hai người lạ
khác giới được yêu cầu nhìn vào mắt nhau trong hai phút, đủ để tạo tình cảm nồng
nàn cho nhau. Giao tiếp bằng mắt là tác phân kích thích mạnh mẽ của tình yêu.
Khi bạn nhìn thẳng vào mắt ai đó, cơ thể bạn sẽ tạo ra chất hóa học mang tên
phenylethylamine có thể khiến bạn cảm thấy yêu. Vì thế, người ta bảo rằng, nếu
bạn muốn phenylethylamine chảy qua tĩnh mạch người yêu, hãy nhìn vào mắt họ nhiều
hơn.
Tiết lộ thêm là mình cũng đã từng trải nghiệm cảm giác chạm mắt và có thật
nhiều cảm xúc này. Và khi điều đó xảy ra thì mình tin rằng giữa cả hai người dường
như có sự đồng điệu lớn.
Tại sao con người có xu hướng thân thiết với người cùng tuổi
nhưng chênh lệch tuổi thì một số lại không?
Con người kết nối vì cái chiều sâu bên trong, chứ không phải
tuổi tác - thứ bề ngoài.
Chúng ta nói chúng ta dễ kết nối với người đồng tuổi, nhưng
chẳng qua là ta cần tìm đến người đồng điệu tâm hồn, sở thích. Tuổi tác thực sự
không quan trọng, tuổi tác chỉ là con số mà thôi. Chẳng hạn, những người sở hữu
tâm hồn già dặn lại có xu hướng kết bạn với người lớn tuổi hơn mình vì người đó có khả
năng thấu hiểu họ.
Vì mỗi người chúng ta có cơ hội trò chuyện và gặp gỡ đều mang
đến những năng lượng khác nhau cho chúng ta. Mặc dù nhận được năng lượng tích cực
mạnh mẽ sau mỗi lần được gặp gỡ và trò chuyện cùng người khác, mình lại không
thể duy trì cảm hứng đó lâu dài. Mình có 2 câu hỏi cho Trang: 1) Bạn làm thế
nào để giữ năng lượng tích cực cho bản thân và duy trì được cảm hứng và động lực
từ những cuộc gặp gỡ người lạ? 2) Chúng ta cần làm gì để có thể mở rộng các mối
quan hệ của mình nói chung và xây dựng những mỗi quan hệ chất lượng?
Kết nối và trò chuyện với người lạ cũng giống như một cuộc phiêu lưu vậy,
và đã là cuộc phiêu lưu thì cũng có lúc này lúc kia, mình không thể đoán trước
được câu chuyện sẽ như thế nào. Nhưng niềm hân hoan cho cuộc phiêu lưu đó thì
chẳng bao giờ ngừng lại, như đứa trẻ nhận được quà, lòng luôn phơi phới.
Tiêu cực hay tích cực, suy cho cùng, đều dẫn đến một thông điệp nào đó.
Có lẽ, điều khiến con người mắc kẹt là họ cứ sợ mình gặp xui, gặp điều không
hay, và không ngờ rằng, cuộc đời họ - bằng cách nào đó - bị đẩy vào những trái
khuấy ấy. Mình gặp người lạ - và chả bao giờ nghĩ rằng - mình sẽ gặp người xấu.
Nếu ta gieo ý nghĩ xấu cho họ trước khi gặp họ, phải chăng ta cũng đang đẩy ta
vào vòng xoáy luật hấp dẫn những điều không hay ho.
Nhiều người nói rằng trái đất thật tròn, quanh đi quẩn lại toàn những
người quen. Mối quan hệ của mình có khắp mọi nơi mình đặt chân tới, chỉ cần
chân thành ngay khoảnh khắc gặp mặt thôi, mối quan hệ đó đã chất lượng lắm rồi.
Đừng bận tâm nghĩ ngợi chi nhiều rằng sau khi về Sài Gòn, bạn và họ không còn kết
nối (gặp mặt) thì mối quan hệ sẽ mất đi, điều đó chỉ xảy ra khi mà trong lúc gặp
mặt họ, sự chân thành của bạn vắng mặt mà thôi.
Bản nhạc hôm nay:
No comments: