Nguyễn Hoàng Bảo - Đam mê chưa đủ, ta phải táo bạo hơn nữa
(Vui lòng không copy bài viết - trích một đoạn nhỏ)
Người ta thường bảo tôi
rằng những nhân vật mà tôi phỏng vấn đã được báo chí viết nhiều, thậm chí không
ít trong số họ đã từng có sách xuất bản, không chỉ một mà có thể vài ba cuốn, vậy
tôi sẽ khai thác họ theo khía cạnh nào để những câu chuyện không lặp đi lặp lại
và trở nên nhàm chán? Trước khi gặp họ, tôi đã tìm hiểu họ thật kĩ, có thể
không kĩ đến mức như các bạn đang tưởng tượng nhưng tôi hiểu bản thân phải làm
gì để những gì mình sắp chia sẻ ra đây sẽ là những thứ mà các bạn khó tìm thấy ở
các kênh thông tin nào cho tới khi cuốn sách này ra đời. Tôi nhớ tháng 12 năm
2017, tôi có cơ hội gặp hai anh bạn thú vị tại Sài Gòn, và bằng cách nào đó,
câu chuyện bỗng dưng chuyển sang nói về du lịch. Anh P. kể về người thầy từng
đi tới hơn 70 quốc gia, tôi bắt đầu tò mò, tôi muốn nghe nhiều hơn, tôi là một
người có thể sẵn sàng trả tiền để được nghe câu chuyện của người khác. Điều đó
muốn nhấn mạnh rằng tôi đã hào hứng và phấn khích như thế nào khi anh P. đã
“chiều” đề nghị của tôi để có thể một lúc mà tuôn ra biết bao nhiêu câu chuyện
hay ho và thú vị về người đó mà trước đây tôi không có dịp biết đến. Quả nhiên
là một thiếu sót không hề nhỏ cho một cây viết trẻ đam mê du lịch! Ấy chính là
giảng viên Nguyễn Hoàng Bảo, không ít người biết đến anh dưới bút danh Những Bước
Chân.
Chính đêm hôm đó, sau
khi về nhà, tôi đã có sự kết nối đầu tiên với thầy Nguyễn Hoàng Bảo, tôi có gửi
lời chào, nhưng tôi không hề tìm ra được lý do nào để có thể gặp gỡ. Cho đến
khi dự án này bắt đầu, tôi lập tức nghĩ đến anh- người mà mình rất ngưỡng mộ, không
chỉ sau khi biết đến Độc Hành, cuốn sách chia sẻ về Con Đường Tơ Lụa mà thầy đã
trải nghiệm vào tháng 7 và tháng 8 năm 2015 mà còn là kế hoạch táo bạo mà thầy
thực hiện trong suốt thời gian qua. Người đàn ông ấy đã không chịu an phận sống
cuộc đời của một giảng viên du lịch, thầy đã sống hơn thế gấp bội lần, nhưng điều
đặc biệt là mọi thứ thầy trải qua, thầy chia sẻ đều liên quan đến du lịch. Và
đó là thứ khiến tôi vô cùng ấn tượng, mọi thứ đều nhất quán và tập trung logic
đến bất ngờ. Thầy Bảo từng là sinh viên trường kinh tế!
“Từ
nhỏ đã thích dạy học. Cuộc sống gắn liền với từ “leader”
Sinh ra ở quê ngoại An
Giang, tuổi thơ của Nguyễn Hoàng Bảo gắn liền với một tuổi thơ đẹp thiệt đẹp. Cứ
mỗi dịp nghỉ hè, anh đều về quê học. Đối với bất cứ đứa trẻ nào, đặc biệt của
những thập niên 70, 80, đều mong những ngày hè để được thỏa thích cuộc sống
làng quê mộc mạc cùng tụi nhỏ trong làng. Cũng như bao gia đình khác, ba mẹ anh
là những người lao động bình thường, sự bận rộn công việc trải qua đơn giản và
đều đều như vậy. Nên, cứ mỗi năm, lúc được ba mẹ dẫn về quê ngoại, anh đều háo
hức. Gia đình bên ngoại, anh lớn nhất trong đám em, tuổi thơ của anh giống như
một “leader” vậy đó. Và nhìn lại hơn 30 năm trước, Nguyễn Hoảng Bảo từng là một
người thầy tí hon. Anh thích dạy học và anh dạy kèm cho các bạn tại chính nhà của
mình. Việc đứng lớp ấy đã khiến anh có cơ hội được trải nghiệm công việc của một
nhà giáo ngay từ khi còn tấm bé.
Dù là gia đình lao động
nhưng sách vở là thứ không bao giờ thiếu thốn, anh thậm chí nhấn mạnh “sách nhiều
lắm em ơi” trong cuộc trò chuyện của cả hai vào buổi chiều hôm ấy. Anh thích
làm hiệu sách nhỏ ngay tại nhà mình, lúc ấy sách truyện Liên Xô nhiều nhan nhản,
những truyện tranh được xếp chồng xếp đống thành những dãy dài nhìn đến mê li.
Hồi xưa anh đọc những cuốn dày thiệt
dày, không hiểu sao sách thời ấy đẹp lắm, giấy rất tốt và mùi thơm của giấy khiến
bất cứ đứa trẻ nào yêu sách đều chết mê chết mệt trong thế giới thần tiên ấy. Cứ
hễ cuối tuần, anh giăng dây ni lông ra tận cửa sổ, treo sách cho các bạn đọc hoặc
cho các bạn thuê. Không hiểu sao, cậu bé Nguyễn Hoàng Bảo bấy giờ đã bộc lộ
năng khiếu sáng tạo trên mọi lĩnh vực. Anh thích vẽ, và không chỉ dừng lại ở vẽ
chơi, tranh của anh còn bán được, và khách hàng là những đứa trẻ trong làng
trong xóm. Dù ít, dù nhiều, đó cũng là thành quả mà anh đã cất công tạo ra.
10 tuổi, anh bắt đầu thực
hiện chuyến đi ra nước ngoài đầu tiên. Anh có ông cậu làm hải quan cửa khẩu, sống
giữa hai miền đất An Giang và Campuchia,
lúc ấy được trải nghiệm trên chiếc xe chôm chôm bập bềnh trên sông như vậy.
Đến thủ đô Phnom Penh, anh bất chợt nhận ra có nhiều người Việt sống tha phương
ở đây quá, có những người đi làm ăn ở Campuchia lâu lâu mới về một lần. Ông cậu
thứ 3 của anh làm xưởng nấu rượu ở bên ấy, anh được cậu dẫn đi chơi. Một tháng
tròn trĩnh ở bên kia, không chỉ được dẫn đi đây đi đó, anh còn cơ hội sống giữa
thế giới của những người hằng ngày thức dậy nói ra một thứ tiếng khác mà anh
không hề hay biết.
“Có
những chuyện xảy ra không cần đao to búa lớn như một kịch bản phim đã được trau
chuốt sẵn như vậy.
Thời của anh đi nước
ngoài rất khó, không phải ai cũng có thể đi được. Và đó cũng khoảng thời gian
không có quá nhiều thông tin về định hướng nghề nghiệp. Người đời có câu “Nhất
anh, nhì tin, tam kinh, tứ luật” hay “nhất y, nhì dược”… những gì xã hội định
nghĩa “top” là những thứ là bản thân anh và không ít người mơ ước có thể chạm đến.
Họ khát khao trở thành bác sĩ, kĩ sư, nhưng tự trong thâm tâm, họ không biết để
trở thành những người đó, họ sẽ phải học những gì. Ngay cả việc bây giờ có nhiều
thông tin mà các bạn trẻ cũng vô cùng chới với. Ngày xưa, đậu đại học hay tốt
nghiệp đại học là một việc rất đáng tự hảo. Nhưng bây giờ thời thế thay đổi quá nhiều và thay đổi một cách chóng
mặt, chúng ta đang leo lên bậc thang, không phải chiếc thang nào khác mà chiếc
thang mà bạn bè quốc tế cũng đang nỗ lực leo lên để trở thành một đất nước hiện
đại và văn minh hơn. Ngày xưa, không ai dám bỏ đại học nhưng bây giờ các bạn lại
dám bỏ, dám chấp nhận sai lầm của mình.
(1/3)
No comments: