Khi đi làm, hãy học những tố chất của Sherlock Holmes
Từ
lâu, chân lý đã nói rằng những thứ nhỏ nhặt nhất chắc chắn là quan trọng nhất.
Đi làm, tôi nhận ra hai bài học. Thứ nhất:
không được ngạo mạn. Thứ hai: hãy học cách quan sát và tò mò về mọi thứ.
Người ta thường có câu tài không đợi tuổi. Tôi
từng gặp nhiều người nhỏ tuổi hơn hoặc bằng tuổi mình vô cùng giỏi giang nhưng
một số lại thiếu đi sự khiêm tốn, họ luôn chắc chắn phương pháp mình làm là
đúng cho tới khi áp dụng, nó không hề phù hợp với môi trường mà họ đang làm việc.
Tài giỏi mà không đi đôi với sự quan sát là một thiếu sót cực kì lớn.
Định nghĩa đi làm không thể dừng lại ở việc
đến công sở, lo chu toàn phần việc của mình rồi trở về nhà và lại tiếp chục
chuỗi ngày tương tự với phần việc tương tự ở công ty. Đối với tôi, đi làm cần
sự hòa hợp và sự gắn kết. Đó là sự hòa hợp với môi trường, với đồng nghiệp, với
sếp và với cả chính bản thân bạn. Đó là phần kết nối mà bạn thể hiện với chính
bên trong con người bạn, với những người mà bạn làm việc cùng.
Khi còn đi học, bạn thường đến lớp, nghe
giảng, làm bài tập thầy cô giao, trở về nhà, ôn và làm bài, được thầy cô chữa
bài rồi lại tiếp tục vòng tuần hoàn đó. Bạn cảm thấy cách thức giảng dạy ở phần
đa các trường phổ thông đều theo một mô típ giống nhau, vì nhiều hạn chế, các
buổi giảng dạy ở lớp trở nên nhàm chán khiến nhiều người tốt nghiệp cấp 3 có tư
duy là sản phẩm đúc ra từ một khuôn mẫu. Đi làm, mọi thứ được yêu cầu theo một
cách linh hoạt hơn. Nếu bạn là người bị động, bạn chỉ biết lắng nghe yêu cầu
của sếp, làm theo những gì sếp bảo cho đến khi chất lượng đạt chuẩn. Nếu chủ
động hơn, bạn sẽ trình bày ý tưởng mới, bạn tìm thấy một đối tác phù hợp với dự
án của công ty, bạn cho mình cơ hội để được nói chuyện nhiều hơn với sếp. Từ
đó, bạn trau dồi kinh nghiệm lẫn trải nghiệm sống cho mình.
Đứng từ góc độ là một sinh viên gap year đi
làm, tôi nhận ra bạn không cần có một tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi để có một
công việc tốt lương cao. Công việc có thể được tạo ra từ mối quan hệ có sẵn và
mối quan hệ có sẵn sẽ sinh ra những mối quan hệ mới nếu bạn là một chú ong chăm
chỉ biết kiến tạo mạng lưới cho mình. Ngày nay, nhiều người càng ngày càng lệ
thuộc vào Facebook. Họ kết thật nhiều bạn, họ like và share nhiều nội dung trên
newsfeed của mình và bắt gặp nhiều nội dung đi từ nhảm nhí đến có ích của nhiều
bạn khác. Facebook gậm nhấm thời gian của họ và bằng cách nào đó họ không nhận
ra bản thân họ lại chính là công cụ của Facebook chứ không phải là điều ngược
lại. Đối với tôi, Facebook lại chính là trợ thủ đắc lực, là kênh kết nối đúng
nghĩa cho tôi những mối quan hệ đi từ online đến offline. Và tôi nghĩ, bất kể
một tương tác nào có thật ngoài đời sẽ cho mình thật nhiều cảm xúc và trải
nghiệm đúng nghĩa. Từ Facebook, tôi quen chị Hương, rồi từ chị Hương, tôi có cơ
hội được làm việc ở Toong và cũng chính nhờ Facebook, tôi gửi tin nhắn cho anh
Dương Đỗ, hai anh em biết nhau rồi làm việc với nhau trong một quãng thời gian
không quá dài nhưng đủ để thay đổi tư duy và cách nhìn nhận của tôi không chỉ
về ngành marketing mà về con đường đi xây dựng ước mơ của người trẻ tử tế.
Tôi còn nhớ những ngày đầu tiên mới vào làm
việc ở Toong Oxygen, cơ sở đầu tiên của Toong tại Sài Gòn, tôi đã rất may mắn
vì đúng dịp này anh Dương cũng bay vào Sài Gòn. Hôm đó, công ty tổ chức một sự
kiện lớn, mọi thứ được chuẩn bị và trang hoàng thật chu đáo. Lúc giữa trưa, anh
Dương bèn gọi tôi lại, chỉ vào chữ “inovation” và đưa cây bút bảo tôi viết thêm
ký hiệu bình phương trên chữ “n”. Anh ấy có thể tự viết lấy nhưng nếu anh ấy
viết, chuyện ấy chỉ diễn ra âm thầm và chỉ mình anh ấy biết. Anh ấy gọi tôi như
dạy cho tôi bài học về sự tỉ mỉ và chính xác. Tôi hãy còn nhớ, dòng chữ
“innovation” khá nhỏ, lại nằm khiêm tốn trong một bức tranh lớn và bình thường,
nếu không quan sát, chẳng ai có thể nhận ra. Nhưng chỉ đơn giản bước qua tấm
kính trong suốt ấy, anh Dương đã có thể phát hiện ra một lỗi sai mà ít người có
thể chú ý. Ở tuổi này, bạn và tôi đều đang tập cho mình kĩ năng quan sát. Mỗi
ngày đi làm, nếu bạn không thấy có sự thay đổi nào, đó là lúc bạn phải nhìn lại
và đặt cho mình những câu hỏi. Hôm nay, đồng nghiệp A có vẻ buồn, đồng nghiệp B
có vẻ vui, công ty vừa thay một chậu cây mới, những chiếc gối đang được đặt
không đúng chỗ, bàn làm việc của lễ tân đang có vẻ bừa bộn,… Tôi nhận ra nhiều
người đang mải bận rộn với công việc của mình mà lãnh đạm, ích kỷ quên mất rằng
họ đang ở trong một tập thể và ở dưới chung một mái nhà với nhiều người khác.
Họ quên dành cho nhau một lời hỏi thăm, họ quên dành tặng một lời khen khi thấy
đồng nghiệp có chiếc áo mới. Mỗi người đều thích được quan tâm, và họ khi không
được quan tâm, họ cũng trở nên vô cảm và lạnh lùng với người khác. Môi trường
cấy tạo nên bầu tâm trạng và cảm xúc, bởi thế, đôi khi bạn đừng để sự quan sát
ấy cho riêng mình, từ sự quan sát, hãy có hành động cụ thể. Tôi còn nhớ chuyến
xe đi từ quận 1 đến Gò Vấp cùng anh Dương và thư ký của anh ấy, anh ấy bảo một
câu khiến tôi nhớ mãi: “Anh thấy nhiều người chỉ quan sát cho riêng mình và nó
bỗng trở thành một sự quan sát ích kỷ.” Lắp ghép câu nói ấy vào câu chuyện thêm
ký hiệu bình phương lên chữ “n”, tôi nhận ra ý nghĩa sâu sa trong câu chuyện
giản dị của anh với hai bạn trẻ ngồi trên xe.
Quan sát luôn cần sự tập tành và chịu khó.
Nhưng đừng bao giờ thấy khó mà bỏ không quan sát những gì đang diễn ra xung
quanh mình. Tôi lục lại những video Lò Xo Talk mà Toong thực hiện cách đó một
năm, rồi ấn tượng bởi câu nói của CEO Uber Đặng Việt Dũng: “Có những lúc phải
make a decision là let someone go” (Có những lúc phải đưa ra một quyết định là
để ai đó rời đi). Có những người vào làm ở Toong hơn tôi tầm vài tuổi, thực sự
giỏi, thành tích cực nhiều và cũng có mối quan hệ rộng rãi, nhưng tôi cũng từng
chứng kiến việc Toong đã phải chối hợp tác với một bạn trẻ đầy năng lực sau một
tháng thử việc với lý do không phù hợp. Họ từng thức thâu đêm suốt sáng để hoàn
thành một bản kế hoạch, từng chịu nhiều áp lực vì làm việc trực tiếp với CEO,
nhưng rồi nhận phản hồi không tích cực. Lúc còn trẻ, không ít người giỏi giang
mắc phải hội chứng tự kiêu. Họ cứ nghĩ với bằng chứng ấy thành tích, họ tự nhận
thấy họ ở trên rất nhiều người, họ có cảm giác như vậy. Nếu giỏi nhưng thiếu đi
sự quan sát hay không tự đặt những câu hỏi như tại sao CEO lại không thích ý
tưởng này của mình, tại sao họ lại muốn khởi động tại dự án kia, tại sao con
chữ phải theo tông giọng này chứ không phải tông giọng khác? Đi làm, tôi nhận
thấy phải luôn tò mò về dụng ý của sếp, bởi khi hiểu được dụng ý sâu xa, bạn sẽ
hiểu rõ công việc và tìm cách chia sẻ với cấp trên về ý tưởng cũng như nguyện
vọng của mình. Và có thể, nếu thấy không phù hợp, bạn có thể phản biện lại với
họ vì họ cũng cần nghe nhiều thêm về dụng ý của bạn. Và ở vị trí của một lãnh
đạo, phần đa họ sẽ cởi mở với những ý tưởng mới.
Tôi luôn tò mò về mọi thứ và khi sự tò mò về
bất cứ thứ gì xuất hiện, tôi luôn có một danh sách câu hỏi trong đầu. Khi ngồi
nói chuyện với ai đó, tôi muốn biết thực sự họ là ai, có bất cứ cái gì hay ho
thú vị, tại sao họ chọn Toong, họ đã từng làm ở đâu, thấy môi trường như thế
nào, trước đây học gì và từng có trải nghiệm gì hay ho. Tôi nghĩ, không chỉ một
người viết lách mới cần đặt những câu hỏi để có chất liệu cho bài viết mới mà
bất cứ ai cũng nên học cách tò mò về mọi thứ xung quanh mình, để họ có thể tiếp
cận gần hơn với những mảng màu thú vị. Và khi sự tò mò xuất hiện, bạn cũng sẽ
trở nên sáng tạo và nhạy bén hơn. Thiết nghĩ, chúng ta không mất một đồng xu
cắc bạc nào cho những câu hỏi, vậy tại sao không làm giàu kiến thức bởi những
chia sẻ, bởi những câu chuyện hoàn toàn miễn phí?
Bạn có khuynh hướng sợ làm sai, sợ bị cấp trên
mắng hay làm phật lòng đồng nghiệp xung quanh mình. Tôi nghĩ người ta sẽ đánh
giá bạn là ai bởi những thứ bạn đã làm, bởi kết quả mà bạn tạo ra ở công ty chứ
không phải là thành tích bạn đã có từ trước. Và khi bạn dốc hết sự tử tế vào
công việc và đối xử chân thành với đồng nghiệp của mình, người ta sẽ đối xử bạn
theo cách mà bạn đối xử với họ. Đi làm, tôi nhận ra rằng thái độ quyết định tất
cả. Bạn có năng lực chưa đủ, sau một ngày đi làm, bạn phải ngẫm lại liệu trong
ngày hôm nay những hành động và cách cư xử mà bạn thể hiện ở công ty liệu đã
phù hợp hay chưa. Tôi thấy, có những người ứng dụng phong thái và cách làm việc
ở công ty cũ để áp dụng nguyên xi ở công ty này rồi sau một thời gian thấy nó
không hề phù hợp. Nhiều người nghĩ họ có thể thích nghi tốt với môi trường mới
nhưng trên thực tế, họ đã không chịu sáng tạo cách ứng xử mới để có thể gọi là thích nghi.
Đầu Sài Gòn, chỉ mình tôi phụ trách mảng
marketing và khi làm việc thì làm việc với nhóm marketing tại Hà Nội. Điều khó
khăn nhất trong quãng thời gian ấy là thảo luận để mọi người hiểu được ý tưởng
của nhau vì tính chất hai đầu đôi lúc cũng khá khác. Bên cạnh đó, việc không có
bất cứ ai đủ kinh nghiệm làm chung trực tiếp với tôi là một thiệt thòi khá lớn.
Nhưng tình huống ấy lại giúp tôi có thật nhiều ý tưởng mới mẻ để thực hiện tại
không gian làm việc chung Toong Oxygen. Khi có ý tưởng, tôi trực tiếp thảo luận
với anh Dương, với đội marketing ngoài kia. Điều mà bản thân tôi ấn tượng nhất
ở Toong là mọi người rất cởi mở với ý tưởng mới và sẵn sàng ngồi lại để thảo
luận với nhau, từ đó, biến ý tưởng ấy thành hành động. Thêm nữa, người Sài Gòn
mang lại cho tôi cảm giác cởi mở, khi mà họ không hề câu nệ hay than phiền, họ
hào sảng và năng động. Bởi thế, việc chọn làm việc và sống ở Sài Gòn suốt 4
tháng qua đã thay đổi tôi rất rất nhiều.
Ở tuổi 20, điều mà chúng ta thiếu đó là những
kinh nghiệm và trải nghiệm sống. Chúng ta có thể thiếu tiền, nhưng chúng ta
phải có trước trải nghiệm và kinh nghiệm, trau dồi chúng thật tử tế để là bệ phóng
vững chắc cho việc theo đuổi ước mơ về sau. Vẫn rất nhiều người bảo tôi sao
không học hết đi, lấy một tấm bằng rồi muốn làm gì thì làm. Nhưng tôi nghĩ
nhiều lúc chúng ta phải học cách lắng nghe trực giác mình mách bảo điều gì và
cũng cần mạnh dạn để bước trên con đường mới. Việc quan sát và tò mò mọi thứ ở
trường đời sẽ cho bạn cảm giác thú vị và thiết thực hơn so với việc học ở
trường vì những hạn chế trong cơ hội thực hành của hệ thống giáo dục chung.
Tôi thấy ở Việt Nam, chúng ta đang sử dụng hai
từ “tự lập” quá sớm cho người trẻ. Bởi họ chưa bao giờ có thể tự lập trong
chính suy nghĩ của mình. Họ bị chi phối bởi nhiều quyết định của gia đình, của
bố mẹ họ, của bạn bè họ, của xã hội lên cuộc đời họ và câu nói “lòng ta vẫn
vững như kiềng ba chân” mà họ từng đọc và thấm nhuần từ cuốn sách giáo khoa
thời tiểu học chưa thể áp dụng cho tới khi họ lớn lên. Họ được đào tạo bởi
những kiến thức giống nhau và khi ra trường đời, họ bỡ ngỡ vì mọi thứ ở ngoài
kia sẽ không được vận hành trong một chiếc khuôn giống nhau. Bởi thế, sự tự
học, tự quan sát, tự tò mò và đặt câu hỏi là những điều mà tôi đã học thật kĩ
và áp dụng thật sâu trong thời gian gap year.
Tôi không cổ xúy cho việc xã hội Việt Nam quá
đặc thù khiến người trẻ không dễ dàng bước ra ngoài và đi trên con đường riêng
khác với tiêu chuẩn mặc định của số đông, nhưng chính thế hệ trẻ lại phải là
những người cần tiên phong trong việc dám chấp nhận rủi ro, dám sống cá tính
hơn, bản lĩnh hơn, dám tự lập trong suy nghĩ nhiều hơn để không bị cản trở bởi
quyết định của gia đình, người thân lên cuộc đời họ. Bởi nỗi sợ hãi trải nghiệm
cái mới, họ náu mình, họ chỉ dám thực hiện những việc an toàn mà họ nghĩ họ có
thể làm trong khả năng của họ. Vậy là, họ bỏ qua những khả năng mà họ chưa khai
thác tới, vì chưa khai tác tới nên họ nhận ra giới hạn của bản thân đến đâu. Và
đó là điểm yếu của họ. Bởi chỉ có thực sự ở ngoài vùng an toàn, bạn mới cảm thấy luôn luôn được học hỏi. Vì lúc ấy, bạn sẽ nhận ra thế giới còn to rộng lắm.
Có thể bạn sẽ không thể trở thành Sherlock
Holmes nhưng bạn nên học những tố chất của thám tử lừng danh ấy, để bạn nhận ra
rằng, nhiều thứ xung quanh bạn xứng đáng hơn một cái liếc nhìn.
hay quá chị ơi, nếu được chị để cỡ chữ to hơn đọc cho dễ c ah
ReplyDeleteCám ơn em nhé ! :)
Delete