Cuộc cách mạng 365
Gap year, tôi chính thức có một cuộc cách mạng
hoành tráng nhất từ trước đến nay. Sống tự lập, không trường học, không bạn bè
quen thuộc, không thời khóa biểu, không lo nghĩ chuyện thi cử hay làm bài tập
nhóm. Tôi hoàn toàn tự do theo đuổi con đường mình sáng tạo.
“Cha mẹ ơi, con bảo lưu ở trường một năm nhé?”
Tôi nhớ đó là một đêm Hà Nội dịu nhẹ, lạnh đã
tan, hè sắp đến, bầu trời đầy sao, bóng đen thành phố đan xen những ánh đèn
chói lóa huyền diệu.
Cha mẹ tôi gật đầu, những lòng chắc chắn lo
lắng.
Suốt 20 năm qua, tôi vẫn là đứa con ngoan của
cha mẹ. Suốt từ những năm cấp 3 đổ về trước, tôi chỉ biết vùi đầu vào học và
chỉ biết có học thôi. Tôi có một bảng điểm đẹp, đậu vào trường đại học danh
tiếng. Trong mắt cha mẹ, tương lai phía trước của tôi như thế nào được quyết
định dựa trên tấm bằng đại học tôi có được.
Nhưng bỗng một ngày, tôi chán học ở trường.
Tôi ghét toàn bộ tín chỉ mình đã đăng ký, mọi bài giảng của thầy cô, chỉ trừ bộ
môn Logic học, mặc dù tôi cũng chả rõ phải nghiên cứu nó để làm gì, nhưng tôi
thấy nó khá thú vị.
Ai đó bảo tôi: “Chỉ có em mới có thể thay đổi,
đại học thì mãi vẫn vậy thôi.” Tôi thấy đúng. Nếu 100% bạn trẻ đều quyết định
đi học, tốt nghiệp, tìm kiếm công ăn việc làm, xã hội sẽ đang phát triển trong
một khuôn đúc sẵn. Vì định kiến và áp lực xung quanh, họ đi trên con đường đã
được vẽ sẵn, vì đó là tiêu chuẩn mặc định của xã hội.
Nhưng khi quyết định gap year, tôi nhận ra
nhiều người cũng có tư tưởng giống mình. Chúng tôi ghét đại học, nhưng chúng
tôi không bao giờ ghét học. Chúng tôi tha thiết được học hỏi những điều kì bí
và thực tế hơn.
Chúng tôi không phải là những phần tử chống
đối. Chí ít, chúng tôi dám thẳng thắn thể hiện rằng chúng tôi ghét đại học,
chúng tôi ghét thầy cô không chịu sáng tạo hơn mà cứ luôn luôn đứng trên bục
giảng và luyên thuyên về những điều mà toàn bộ sinh viên ở dưới ngáp dài trong
khó hiểu. Nhưng từ ghét, chúng tôi không đổ lỗi cho ai cả. Chúng tôi thay đổi
bản thân, và trước hết, chúng tôi dám bảo lưu để trải nghiệm trường đời.
Chúng tôi sẽ có cuộc cách mạng 365 ngày, chính
thức từ giây phút rời chân khỏi trường, tạm biệt những người bạn ít nhất trong
vòng một năm. Hãy liên tưởng, giờ phút quyết định bỏ lại sau lưng tất cả để lên
đường, chúng tôi là những superman đích thực khoác lên chiếc áo choàng đỏ, ánh
mắt hướng về con đường dài miên man phía trước, tay chống nạnh, những ngọn tóc
bay phấp phới trong gió. Oa, thật ngầu biết bao nhiêu!
Cuộc cách mạng của tôi thật sự bắt đầu.
Chiếc balo đã theo tôi hơn một năm qua vẫn
tiếp tục theo đuổi hành trình xa xứ. Chiếc balo chỉ chứa được khoảng 5, 6 bộ
quần áo với tư trang cần thiết. Một mình ngồi giữa sân bay thành phố Vinh, tôi
cảm nhận sự thanh bình của chính vùng quê đã gắn bó với bản thân suốt 18 năm
qua. Tôi không buồn. Cũng không xúc động. Tim không nhói đau. Mà đó là cảm giác
của sự hồi hộp và hứng khởi. Anh bạn hỏi tôi “khi xa Hà Nội, em có buồn không?”
Tôi đáp “không”. Vì nó không đủ quan trọng. Và tôi có lý do để rời thủ đô. Vì
nó đã khiến con tim tôi mệt mỏi quá nhiều.
Này, bạn bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Đã bao giờ
bạn lên kế hoạch cho một cuộc cách mạng đổi mới bản thân? Với tôi, cuộc cách
mạng gap year này không nhất thiết phải rầm rộ, không nhất thiết phải lớn lao,
có những cuộc cách mạng ngấm ngầm nhưng đủ gây tiếng vang lớn. Và tiếng vang
đó, trước hết, phải là cho chính bạn và những người thân đã đặt kỳ vọng vào bạn
suốt thời gian qua. Và để một cuộc cách mạng ý nghĩa, bạn phải dám mơ và dám
đưa ra những quyết định táo bạo hơn, và quan trọng, dám chịu trách nhiệm cho
những gì bạn tự quyết.
Tôi sẽ cải cách bản thân. Tôi sẽ chứng tỏ mình
sẽ làm mọi thứ tốt hơn ở trường đời. Và tôi sẽ sống thật sự.
Tôi cần thay đổi thái độ của mình, và thói
quen bấy lâu. Tôi sẽ thức dậy sớm hơn, tập vài động tác thể dục. Tôi đọc báo và
cũng giữ thói quen đọc sách.Và quan trọng hơn hết, tôi sẽ viết blog đều đặn. Mẹ
tôi bảo rằng là con gái thì phải biết nấu ăn, nhưng tôi phải xin lỗi bà thật
nhiều, chuyện bếp núc của tôi vẫn thường dở dang và bữa đực bữa cái.
Tôi hướng nội, nhưng đó không phải là vấn đề.
Tôi sẽ đi dự các chương trình sự kiện, kết thân và nói chuyện với một vài
người, giữ liên lạc với họ và nếu có thể, nghĩ ra vài ý tưởng hay ho như tổ
chức chương trình chia sẻ hay lập một câu lạc bộ tiếng Việt, câu lạc bộ sách để
những người lạ chia sẻ với nhau.
Khi nào cuộc cách mạng
thực sự bùng nổ?
Đó là khi tôi giác ngộ ra một chân lý gì đó.
Đó là lúc tôi biết ở đâu có sự khoan dung, ở
đó có ít định kiến. Và khi người ta đi, người ta cần biết vận dụng sức mạnh của
con tim và khả năng giao tiếp của mình. Trong chuyến đi trải nghiệm chùa Lân
tại Quảng Ninh, tôi đã chân thành xin sư cô ở lại hai ngày. Ăn, uống, sám hối,
học thiền 3 ngày 2 đêm tại chùa, tôi cảm thấy sự an yên có được khi lòng lắng
lại, khi bản thân cho mình một cơ hội để quên đi mọi muộn phiền và học cách
sống trong thì hiện tại.
Những chuyến đi khiến tôi tha thiết một lúc
nào đấy có thể thay đổi một vùng đất nhỏ nào đó trở nên tốt đẹp hơn, và giờ
đây, tôi đang thay đổi chính bản thân mình.
Cách mạng thật sự bùng nổ khi bạn biến nỗi
buồn lẽ ra sẽ dài lâu với người yếu đuối nhưng bỗng ngắn ngủi hơn với bạn. Bạn
mài dũa cho mình sự bình tĩnh và biết kiềm chế những cảm xúc tiêu cực và hành
động ngáo ngơ. Bạn trưởng thành hơn trong việc nghĩ cho chính mình và cho người
khác.
Một cuộc cách mạng thật sự là?
Tự lập và tự lập một cách hoàn toàn.
Không xin tiền cha mẹ nữa. Và chỉ khi bạn thật
sự vứt khái niệm nguồn trợ cấp từ gia đình, bạn mới vận động trí sáng tạo của
mình để tìm ra những phương án tồn tại khác nhau.
Để cuộc cách mạng thành công, bắt buộc bạn phải
có kế hoạch và chiến lược cụ thể. Nhiều người đơn giản gap year vì chán học,
nói đúng hơn, họ chán học đại học. Và tôi cũng chán học đại học, đơn giản, cách
giảng dạy ở trường khiến tôi không thể thẩm thấu.
Bản kế hoạch của tôi trong 4 tháng đầu tiên là
mở một câu lạc bộ dạy tiếng Việt tại Vũng Tàu, ôn luyện tiếng Anh, nộp đơn tham
gia chương trình trao đổi tại Mỹ và đi Campuchia và Singapore. Đồng thời, tôi
vẫn giữ vị trí freelance cho công ty ngoài Hà Nội, viết báo hay dịch báo đều
đặn. Đọc tối thiểu 3 cuốn sách mỗi tháng, gặp gỡ các bạn nước ngoài thường
xuyên và lắng nghe những câu chuyện của họ.
Cuộc cách mạng thật sự là khi kế hoạch A bị
vỡ, kế hoạch B luôn ở đó chờ bạn sử dụng. Bạn có thể ghi chép lại trải nghiệm
của mình và tìm kiếm những người đồng chí hướng cùng thực hiện ý tưởng.
Bạn hãy nhớ, Mỹ và Anh, nhiều người quyết định
gap year, thực hiện một cuộc cách mạng trước khi bước vào đại học. Hầu hết họ
du lịch, tình nguyện hay làm dự án nào đó cùng bạn bè. Lúc đó, họ ở độ tuổi 17,
18.
Bạn đừng lo lắng đến việc liệu sau gap year
bản thân còn quay lại đại học được nữa hay không. Bởi, bạn phải học thật sự chứ
không phải mài mông trong 4 góc tường đại học để đạt tới thành công. Bạn và
tôi, hôm nay chúng ta đã dám thực hiện cuộc cách mạng 365, ngày mai chúng ta
chắc chắn sẽ còn dám thực hiện những điều lớn lao hơn nữa.
Tôi nhớ câu chuyện gap year của vài bạn sinh
viên, cũng bỏ ngang đại học giữa chừng để đi làm việc ở các nông trại tại Mỹ
hay New Zealand. Đó là các chương trình của Workaway hay WWOOF. Thành thật, các
bạn vay mượn tiền để đi, sang đó làm việc hoàn lại vốn chứ không phải lên đường
nhẹ nhàng hay đơn giản gì. Ngay cả việc quyết định đi của các bạn cũng đã thể
hiện sự can đảm của họ. Tôi có cô bạn, tốt nghiệp đại học thì đi Au Pair Mỹ, rồi
nhiều bạn nữa đi Au Pair Đức, hay các quốc gia khác nhau. Người ngoài cuộc cứ
tưởng tham gia chương trình dễ, nhưng lăn vào mới biết khó khăn, thử thách như
thế nào. Mỗi quyết định rẽ ngang đã cho chính bạn thật nhiều bài học, thu gom
gần như toàn bộ mọi cảm xúc của một người trưởng thành thật sự: từ thất vọng,
hối hả, hạnh phúc, đau đớn, cô đơn,… Cuộc cách mạng thật sự xảy ra khi bạn thấu
hiểu một điều rằng nếu muốn lớn và khôn ngoan, chỉ có một cách là liều lĩnh và
không ngại khổ, không ngại lăn xả.
Hôm trước, tôi vừa đọc bài viết về câu chyện
gap years của một người lạ. Tức là anh thực hiện cuộc cách mạng 365+ chứ không
phải 365 nữa. Trong cuộc đời, bạn không nhất thiết chỉ một lần gap year, bạn có
thể gap 2 years, 3 years và thậm chí nhiều hơn nữa. Có thể, sau những năm tháng
đó, bạn không thể trả lời rành mạch mình là ai cho người ta, nhưng tận sâu
trong đáy lòng, bạn biết mình đang không sống phí hoài những năm tháng tuổi
trẻ.
Cuộc cách mạng này, nhiều người nghĩ, sau đó
họ sẽ biết mình là ai. Thật ra không như vậy. Nhiều người thậm chí băn khoăn
hơn khi trở về. Họ có kế hoạch của tháng tới, nhưng không có kế hoạch cho năm
tới. Họ lại suy nghĩ nhiều về việc có nên tiếp tục kéo dài cuộc cách mạng này
hay không. Gap year, bạn sẽ không biết chuyện gì sẽ xảy đến phía trước. Cũng
giống như câu nói cuộc đời khó đoán, chả biết tương lai sẽ mang đến điều gì.
Tôi nghe bạn mình kể lại chuyện một cô gái sinh viên năm 3 quyết định gap year
để tham gia chương trình Au Pair Mỹ. Sau 2 năm ở bên, cô trở về Việt Nam và cảm
thấy khủng hoảng vì không biết phải bắt đầu như thế nào. Lúc đó, cô nghĩ nên đi du
học, nhưng tuổi cũng khá muộn rồi.
Và, thậm chí, tình yêu cũng có thể khiến con
người ta rẽ ngang. Bạn tôi tham gia chương trình Workaway, yêu và cưới một anh
chàng ở bên đó. Cuộc cách mạng đổi mới, con đường phía trước cũng rẽ theo một
hướng khác đi.
Cuộc cách mạng của mỗi người mỗi khác, vậy
nên, chớ nên so sánh làm gì. Lúc đầu, tôi cũng nghĩ, trải nghiệm của mình chả
là gì so với những bạn trẻ khác, nhưng rồi, nghĩ lại kì vọng ban đầu của bản
thân, tôi tin cứ nỗ lực và đổi mới bản thân chứ đừng nên rơi vào những cuộc
khủng hoảng tự ti ngấm ngầm.
Trong quá trình gap year, tôi cũng có nghe kể
đến chương trình thay thế đại học là VCIL, tôi bất ngờ vì bây giờ, nhiều bạn
trẻ thực sự cởi mở về việc lựa chọn con đường học cho mình. Tôi mong các bạn
nhận ra rằng không phải tốt nghiệp cấp 3 thì cứ sẽ phải thi vào một trường đại
học hay cao đẳng nào đó. Giá như cuộc cách mạng 365 này sẽ tiếp cận đến nhiều
phụ huynh và học sinh hơn. Để các bậc cha mẹ tâm lí hơn và những đứa con của họ
dám tự quyết tương lai của mình.
Gap year ở Việt Nam khó khăn quá
Bạn tôi giấu diếm cha mẹ nó để bảo lưu. Sau
hai năm, nhà trường gọi điện về nhà, gia đình mới biết nó đã bỏ học.
Cô bạn tôi, bảo lưu 6 tháng và phải xin mãi,
cha mẹ mới gật đầu nhưng đưa ra nhiều điều kiện khác nhau.
Còn tôi, cha mẹ lo lắng nhưng luôn luôn ủng hộ
quyết định của con gái.
Không phải cuộc cách mạng nào cũng có thể nổ
ra dễ dàng.
Gap year ở Việt Nam khó khăn vì áp lực xã hội,
vì định kiến xung quanh và vì người trẻ Việt Nam chỉ biết đi trên con đường đã
được vẽ sẵn. Nói vậy, không có nghĩa rằng, những người dám bảo lưu là những
người tiến bộ. Mà, tôi chỉ ám chỉ đến những người suốt ngày than vãn chán học
và không làm nên trò chống gì ở trường vẫn tiếp tục mài mông ở giảng đường để
cố lấy cho bằng được tấm bằng.
Nhưng, nhiều trong số những kẻ lấy được bằng
đỏ lại thất nghiệp.
Cuộc sống luôn chứa đầy những nghịch lý. Mâu
thuẫn vẫn cứ tiếp tục nảy sinh trong chính nội tại bạn và tôi.
Hai từ “bỏ học” vốn đã không đẹp đẽ. Nhiều
người lại ảo tưởng bỏ học có thể thành công như Bill Gates hay Mark Zuckerberg.
Đó lại là một sai lầm.
Không ai có thể đảm bảo gap year sẽ tốt hay
xấu, nhưng gap year chắc chắn mang đến trải nghiệm mới. Và cuộc cách mạng này
cũng không có khái niệm thành công hay thất bại, vì nó dựa vào kỳ vọng và cảm
nhận của mỗi người.
Gap year ở Việt Nam khó vì nó không thực sự phổ biến. Và thế hệ đi trước thành công từ gap year thật sự không nhiều hoặc không phù hợp với hoàn cảnh, trường hợp của họ. Người thiếu tiền, người không biết bắt đầu từ đâu, người mang nỗi sợ này nọ. Ngày rời khỏi trường, ngày tạm biệt cha mẹ để thực hiện chuyến bay từ bắc vào nam, không hiểu vì sao tôi hạnh phúc. Có thể, vì tôi đang ở ngày đầu tiên của hành trình. Và tôi biết mình sẽ phải làm gì trong cuộc cách mạng 365 này.
Tôi bảo anh bạn: "Tấm vé đại học nhiều khi chỉ là loại economy class thôi, còn em phải liều lĩnh và chịu rủi ro để có bằng được tấm vé hạng executive class anh ạ."
Ai biết được?
No comments: