Quay về bên trong thôi chưa đủ

4:54:00 PM
Ngày nay, cùng với sự phát triển vật chất trong đời sống, đã có rất nhiều người ý thức được việc quay về bên trong nhận biết chính mình mới có thể cảm nhận như thế nào là chân hạnh phúc. Nhưng chỉ quay về bên trong thôi là không thể đủ. Nguyên lý đời sống là sự tương giao, hướng ngoại và hướng nội đều quan trọng. Hướng ngoại trong khi hướng nội, và hướng nội đồng thời hướng ngoại mới là chìa khóa để ta có cái nhìn toàn diện về chính mình và đời sống. 

Có một người mới hỏi như thế này, kể từ khi biết đạo Phật, họ chỉ muốn học Pháp làm sao cho thành thục, chú tâm nuôi dưỡng tâm tính, nhưng đồng thời vì điều này mà họ cũng quên mất trách nhiệm gia đình, và vô thức có một sự cô lập với những mối quan hệ xung quanh. 

Thực ra, đây có lẽ cũng là vấn đề của người nhiều khi học đạo. Khi biết đến đạo, họ vô thức tạo ra một ranh giới giữa đạo và đời. Chú tâm vào đạo, tách ra khỏi các công việc và mối quan hệ đời thường, nhưng đây cũng chỉ là một lựa chọn vi tế của cái ta, mong muốn được an, được yên, mong muốn được thuận lợi. Nhưng khi chọn đường hướng này, thì bên trong họ chắc chắn cũng nảy sinh mâu thuẫn. Vì lựa chọn ấy xuất phát từ tà kiến và tham muốn bên trong họ. 

Thực ra, đạo không hề thay đổi đời sống của ta, mà chỉ giúp ta điều chỉnh hành vi và nhận thức của mình trong khi đối diện với các vấn đề trong đời sống mà thôi. Như vậy, đạo phải xuất phát từ nhận thức đúng đắn (chánh kiến) bên trong mỗi người, chứ không phải là môi trường nom có vẻ đầy đạo vị ở bên ngoài. Khi học đạo, ta biết cái nào đúng cái nào sai rất rõ ràng, chứ không phải đúng sai là như nhau. Ta biết cái nào ác, cái nào thiện rất rõ ràng. Ta phân biệt rõ ràng cái này cái kia, như chiếc gương soi sạch sẽ thì nó sẽ soi tất cả những gì trong nó một cách rất rõ. Nhưng nó không hề nắm giữ một điều gì. Chính ý nghĩa này gọi là tâm không phân biệt, tức không dính mắc vào bất cứ điều gì. Cũng vì thái độ rất đúng đắn này, ta biết cái gì cần thiết, cái gì không cần thiết, để từ đó tiếp xúc hay hạn chế tiếp xúc. Ta thanh thọc những tập khí bên trong mình đồng thời, nhờ sự thanh lọc tâm (gạn lọc những thái độ sai xấu) mà trong đời sống, dù đối diện với những vấn đề thế gian hóc búa, mà ta cũng không nảy tâm sân mà chọn lựa, ta chỉ đơn giản biết đúng sai ra sao để ứng xử cho hợp lý mà thôi. 

Mới học đạo, nhiều người đặt nặng việc quay vào bên trong. Nhưng chỉ quay vào bên trong thì dễ sinh thụ động trong đời sống. Như vậy, thông điệp tu học rõ ràng hơn nên là làm việc gì cũng biết trở về chính mình để tỉnh giác (thấy biết chân thật) trước mỗi hành vi và nhận thức. Vì như thế, chúng ta mới không bị vô thức chạy đuổi tập khí tham sân si để rồi tạo tác những hành vi bất thiện. 

Nguyên lý tu học, dù được giảng dưới bất cứ hình thức nào, đều không nên đưa ra áp dụng. Nguyên lý được đưa ra để bạn chiêm nghiệm lại, rồi chắt lọc và vận dụng trong chính trải nghiệm riêng của mình. 
Cái "thấy ra" của người khác không phải của bạn. Vì thế, điều người khác nói chưa phải là sự thật với bạn. Vì thế, dù bạn có được nghe pháp từ chân sư 100 lần, mà bạn không thực sống, thì bạn không có thể ngộ ra được điều gì cả. Bạn lặp lại lời nói của người khác có thể rất hoàn hảo, nhưng trong đời sống, khi được hỏi tư vấn, khi đối diện với các vấn đề, bạn sẽ hoàn toàn lúng túng.



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.