"mảnh đất bình an chỉ có trong lòng ta"
Cõi trần gian không bao giờ có sự bình an bền vững. Mọi nhân duyên hội tụ về nơi đây không phải là những con người có cùng một nhận thức hay cùng một thái độ sống. Người thì mang trong mình đầy tâm sân hận (tâm atula), người thì mang trong mình dục vọng lớn (tâm ngạ quỷ), người thì để cái ác bên trong điều khiển mình (tâm địa ngục),... như vậy, đừng bao giờ trông mong sự bình yên ở cuộc đời, mà hãy tự quay về chuyển hóa chính mình. Chí ít khi chuyển hóa tốt bản thân, bạn cũng có thể mang đến những năng lượng mát mẻ cho những người thân cận hay nhiều hơn là một cộng đồng. Nhưng nói điều đó không có nghĩa là vận mệnh của cộng đồng giờ đây nương cậy vào một người như vậy, mà vận mệnh của một cộng đồng là tổng nghiệp của toàn bộ cá nhân trong đó.
Khi chưa biết đến đạo, ta mong mọi thứ đến với mình đều tươi đẹp, còn những phiền não thì làm ơn nhanh trôi qua. Khi học đạo, ta nhận ra bài học ở đây là làm sao để sẵn lòng đón nhận những điều đến đi trong cuộc đời mình bằng một tâm hồn cởi mở. Làm sao có thể trông chờ một ngày tất cả ngoại cảnh như gia đình, công việc, môi trường sống,... ổn thỏa thì mới có thể an nhiên. Vì thế, trở về đạo chỉ đơn giản là hiểu mọi khổ não đều tại tâm, mọi phiền muộn đều vì nơi thái độ sống của mình. Đừng đổ lỗi cho xã hội là bất ổn nên tâm mới không an. Đừng đổ lỗi vì gia đình nghèo, mà mình luôn phiền muộn. Đừng đổ lỗi cho tình yêu trái ngang nên mới bi lụy. Thế gian luôn chất chứa khổ đau. Vì thế, nếu nương nhờ vào thế gian mà an vui thì niềm an ui đấy không bao giờ vững bền. "Mảnh đất bình an chỉ có trong lòng ta mà thôi!"
Khi mới học đạo, chúng ta nói ra những nỗi khổ niềm đau của mình, nhưng phần lớn là đổ lỗi cho ngoại cảnh phiền não ở bên ngoài: như mất hết tài sản, mất người thân, ly hôn, công việc không thuận lợi,... Nói chung, vì trước đây ta đã vô thức phụ thuộc vào ngoại cảnh (nhân duyên đưa tới), nên giờ nhân duyên đó biến đổi, ta vô cùng loay hoay và hoang mang. Ta vô thức đổ lỗi. Ta muốn giải thoát khỏi phiền não bên trong mình ngay lập tức.
Có một độc giả chia sẻ với tôi gần đây họ bị dính mắc vào một mối quan hệ chập chờn khiến họ mệt mỏi và trầm cảm. Tôi trả lời: "Lặng lẽ cảm nhận tận cùng nỗi đau. Nguyên lý để thoát ra nỗi đau là phải thấu đáo lắng nghe thấu hiểu nó trước. Giải thoát đơn giản là hệ quả của việc thấy ra sự thật về khổ mà thôi. Nếu bạn không kiên nhẫn thấy ra sự sinh diệt của nỗi đau (sự vô thường của đau khổ) thì không thể nào thoát ra được. Và đối tượng kia, nếu thấy không cần thiết, thì tránh giao tiếp là một điều tốt."
Một người khá thắc mắc khi nghe tôi nói rằng nguyên lý tu học chỉ nằm ở một câu rất ngắn gọn: "Không hại mình, không hại người, chánh niệm - tỉnh giác". Tôi trả lời họ rằng: "Ngắn gọn thế thôi mà tại sao chúng ta vẫn không thể làm được? Ngày ngày chúng ta vẫn tiếp tục can thiệp vào cuộc sống của nhau, rồi sinh ra mâu thuẫn, đấu đá, giành giật, hãm hại lẫn nhau. Tự ta chuốc lấy phiền não vào mình, rồi giờ đây ta còn yêu cầu sự tu học phải dài dòng phức tạp hơn sao?" Sống với sự thật thì không hề phức tạp, mà tâm hồn ta luôn phức tạp nên giờ đây sống đơn giản lại hết sức khó khăn và "cao siêu" với ta.
Có một tác giả từng viết như thế này: "Thời niên thiếu, hạnh phúc là một chuyện vô cùng đơn giản. Khi trưởng thành, đơn giản lại là một chuyện vô cùng hạnh phúc." Nhưng con người lại đánh mất đi khả năng sống đơn giản. Và họ cũng đang lầm hiểu sự phức tạp của mình là sự sâu sắc tinh tế. Và cũng vì bên trong ta phức tạp nên ta nảy ý hoang mang và đa nghi khi nghe rằng chân lý hết sức giản đơn, dung dị. Vậy mà có mấy ai mà sống được với cái dung dị đó đâu? Mấy ai hiểu được mảnh đất bình an dung dị vốn đã sẵn có bên trong họ rồi?
Nguyên lý tu học "Không hại mình, không hại người, chánh niệm - tỉnh giác" chính là đang nhắc đến "Giới - định - tuệ". Giới ở đây tức là "không hại mình và không hại người". Khi nhắc đến giới, người ta cảm thấy rất e ngại vì họ sợ cái gì đó mang tính phép tắc, khuôn mẫu. Nhưng họ không hiểu giữ giới tức là để họ không tạo ra nghiệp bất thiện. Bạn có thấy giữ giới này toàn là "không": không sát sinh, không tà dâm, không nói dối, không trộm cắp, không dùng chất gây nghiện,... Vậy, giữ giới không phải là đưa bạn vào một khuôn mẫu, một phép tắc, mà để bạn có tự do. Vì nếu bạn sát sinh, bạn đang tự ràng buộc mình vào mối quan hệ vay - trả với chúng sinh đó. Nếu bạn dùng chất gây nghiện, bạn tự làm "nô lệ" cho chất gây nghiện. Như vậy, giữ giới không phải là đưa bạn vào một khuôn mẫu, mà để bạn tự do được khỏi những ràng buộc nơi thế gian càng nhiều càng tốt.
Con người thường can thiệp vào cuộc sống của nhau và của chúng sinh, và vì sự can thiệp này mà gây tai họa lớn. Yêu-ghét hữu hạn là một sự can thiệp, bận tâm nhau cũng thành một sự can thiệp, sân hận cũng là một sự can thiệp, tham lam cũng là một sự can thiệp,... Bất cứ sự can thiệp nào đều có vay phải có trả, tạo duyên thì gặt nợ, đó là đang tự ràng buộc mình. Chắng hạn, một bà mẹ thương con, và bằng mọi giá cho con học trường chuyên, rồi khi nó đi làm, lại vay tiền khắp nơi cho nó đầu tư kinh doanh buôn bán, đến khi nó phá sản, thấy nó đau khổ cũng sinh phiền muộn. Vậy cái thương này thực ra lại là đang can thiệp vào cuộc đời đứa con đó, không để cho nó tự thân trải nghiệm, vấp ngã và trưởng thành. Và cũng chính vì sự can thiệp này, mà người mẹ cũng không khỏi bất an lo lắng. Thế nên, trong nhà Phật mới có chữ tùy duyên. Tùy duyên ở đây là hãy dể mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên, đừng phá trật tự của nó. Bất cứ ai phá trật tự, thì họ đang mất trật tự ở bên trong chính mình trước.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.