tự do khỏi những cuốn sách

2:00:00 PM
Người ta thấy đạo đức ở ngay nơi chính mình và tha nhân, thì người ta sẽ không còn tìm đạo đức ở nơi những cuốn sách. Họ tìm điều gì ở nơi những cuốn sách nếu điều đó không phải là đi thỏa mãn sự tò mò và hiếu kỳ ngoại cảnh, một tập khí ngàn đời được chất chồng lên nhau. Người ta nói về việc hãy đọc thật nhiều sách, và rồi tập khí "tuân theo" của chúng ta bắt đầu được kích thích. Nhưng ta lại ít khi quay trở về chính mình và hỏi ta đọc sách để làm gì, nếu như việc đọc ấy không giúp ta thấy ra sự thật và giải thoát khỏi đau khổ thế gian. 

Khi nói tự do khỏi những cuốn sách không có nghĩa là khuyên hãy ngừng đọc sách, mà đừng để bị dính mắc vào tri thức được ghi chép lại trong đó. Người ta không bao giờ thấy sự thật trong sách. Đó chỉ là một mớ ngôn ngữ, và triết lý, câu chuyện thuộc về quá khứ. Việc khám phá sự thật phải bắt nguồn nơi thái độ của bạn, khi bạn đối diện với đời sống, và thấy được tính "thực tế" từ tâm mình lẫn vạn vật xung quanh mình. Khi xã hội định hướng văn minh, người ta định hướng đọc sách nhiều hơn. Đó là một mặt lợi, nhưng cũng có thể là một mặt hại khi người ta mải mê tìm kiếm trên bề mặt ngôn ngữ, mà không chịu quay về đọc chính mình, và thực sống. 

Việc tìm cầu của con người bắt đầu đi quá đà khi họ ưa thích những gì nằm ngoài tầm tri nhận của họ. Với người tìm đạo, họ dễ sa đà vào việc tin tưởng về một cõi nào đó thật xa xôi, nơi họ an lạc và thanh tịnh giác ngộ, đó hễ chẳng phải là nằm mộng giữa ban ngày hay sao. Tại sao họ không sống đúng tốt, không ngộ ra ngay bây giờ mà lại đi tin một nơi nào đó họ không thực biết? Và rồi họ cũng dễ "mê tín" vào những sự kiện tâm linh huyền diệu, thần thông quảng đại,... trong khi họ chẳng thể nếm được chúng. Vậy thì niềm tin này có nghĩa lý gì? Nó có đem đến cho bạn một đời sống giác ngộ hay không? Nó có thực sự cần thiết cho đời sống hiện tiền của bạn? Hay nó chỉ mang đến cho bạn những sự mơ hồ mới về thế gian, về một điều gì đó huyền bí nhưng bạn lại không thể trực nhận. Tâm tham và si của con người luôn ưa thích những cái gì được "quảng cáo" một cách lộng lẫy và đôi phần bí thuật. Và rồi bạn bắt đầu ôm vào trong mình những bức tranh huyền diệu không thực có nhưng bạn lại có vẻ rất sùng kính và thậm chí sợ hãi. Tại sao bạn lại sùng kính một điều bạn không thực biết, nhưng lại không thể sùng kính một người ăn mày đang hiện diện ngay trước mặt bạn! Đó là một câu hỏi mà bạn phải khảo sát lại tâm mình. 

Tôi nghĩ một đời sống giác ngộ thực sự rất giản đơn và mộc mạc. Nhưng nếu người ta sống bằng lý tưởng của chính mình, và thích khoe khoang/tìm kiếm những gì thuộc về khả năng thông linh đặc biệt, thì họ và những kẻ mê tín sẽ nhanh chóng sa vào bẫy ảo tưởng hay rời xa thực tại hiện tiền. Từ bất cứ phương tiện truyền thông nào, báo chí, YouTube đến Facebook, hễ nơi đâu có chuyện lạ, chuyện tâm linh dị biệt,... con người đều rất hứng thú và đắm chìm. Và thế, tâm tham của họ lại khao khát vẫy vùng khỏi thực tại, và rồi lại lơ lửng trên những thứ huyễn tưởng được tô vẽ thật nực cười và phô trương. Nhưng người ta không biết rằng vị ngọt đó thật nguy hại làm sao, và chính vì không nhìn ra được sự nguy hại, không nhìn ra được sự uyên thâm trong những điều giản dị, mà con người hiếm khi có thể bình thường, mà ở giữa lằn ranh phi thường hay bất thường. Mà phi thường hay bất thường đều là bệnh khổ nơi thế gian. Sự huyễn hoặc về một "cuộc đời trong mơ" dẫn đường con người rơi vào cuộc vỡ mộng. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.