muốn độ người khác
Vì bản năng hướng ra bên ngoài của con người quá sâu dày nên mong muốn độ/cảm hóa người khác dường như cũng được họ đề cao chọn lựa hơn cả. Điều này cũng dẫn đến những khuynh hướng tu tập khác nhau, mà nói theo ý trên, thì là nhiều người ngày nay tu học với nhu cầu chuyển hóa người khác, đặc biệt là những người thân cận với họ. Nhưng rốt cuộc, khuynh hướng này có đúng đắn hay không thì phải tự nhìn vào chính mình thì mới có thể thật rõ.
Trước đây, khi mới tu học, tôi thấy mình đã nhìn ra được sự thật phần nào trong cuộc sống, nhưng việc sống với chánh pháp đôi khi khiến tôi cảm thấy chưa thật sự đủ bởi khi nhìn ra bên ngoài, thấy người thân mình vẫn còn hoàn toàn mù mờ trên con đường đạo, tôi khởi sinh ý muốn hoằng pháp đến họ. Thế nhưng, dù nỗ lực ấy là chân thành, thì việc làm này dường như không hề khả quan. Tôi nhận ra, duyên của người thân của mình chưa tới, dù lời nói của mình là ngón tay chỉ trăng đi nữa, thì chẳng có tác dụng nhiều đối với họ. Từ đó, tôi rút ra được một bài học rằng, hãy cứ sống đúng tốt ngay nơi mình là đủ, vì khi mình sống đúng tốt, thì rõ ràng, việc tương giao đối xử giữa mình với người khác cũng sẽ là đúng tốt. Như thế, ý muốn độ hay chuyển hóa người khác là không hoàn toàn cần thiết.
Sinh nghiệp và căn cơ trình độ của con người trên thế giới này thực sự rất khác nhau. Có người phải để tự họ trầm luân trong khổ đau, phải tự họ sai lầm, phiền não, thì mới đi đến một cấp độ nhận thức cao hơn. Dù ta có cố gắng chia sẻ cho họ chân lý, trong khi họ vẫn chưa sẵn sàng, thì vẫn chưa thực sự có lợi cho họ, mà chỉ cho thấy sự cố chấp ở nơi ta. Khi xưa, Đức Phật giác ngộ chân lý, nhưng Ngài cũng không hề có ý muốn độ người khác. Mà đơn thuần khi gặp ai đó, thấy vấn đề và căn cơ trình độ của người này, người kia, ngài khai thị theo vấn đề của cá nhân đó. Ngài không hề để lại hệ thống giáo lý hay triết học như người đời ngày này vẫn nghĩ. Ngài đơn thuần chia sẻ sự thật ứng với sinh nghiệp ngay nơi mỗi người, vậy nên, dù lời Đức Phật dạy là chỉ ra sự thật, thì nó không thể nào áp dụng cho toàn bộ các cá nhân, mà chỉ thông qua trải nghiệm của mỗi cá nhân để nhận ra mà thôi.
Nhiều người cho rằng việc tự giác ngộ, không đoái hoài đến ai, không lo cho ai, thì hóa ra lại ích kỷ quá chăng. Tôi không cho rằng đó là sự ích kỷ, mà khi biết mình, thì ta sẽ không làm khổ ai, không làm khổ mình, như vậy hóa ra, ta lại quá giúp ích cho đời. Thế nhưng, với những người chưa thực sự biết mình, mà lại có ý mong muốn độ người khác, thì việc hướng ra đó vẫn còn mang theo năng lượng của cái tâm mù quáng tham, sân, si, dù tấm lòng có chân thành đi nữa thì khởi tâm độ người ấy vẫn chưa thực sự sáng suốt.
Người biết mình không khởi tâm độ bất cứ ai, nhưng khi đã hướng ra bên ngoài, thì việc làm của họ lại thực sự giúp ích cho đời. Họ thấu rõ căn cơ của mỗi người mà khai thị chứ không "vơ đũa cả nắm" mà chia sẻ. Và cũng bởi tâm vô ngã vị tha ấy, đôi khi, họ lại không thực sự chia sẻ một điều gì, mà để cho người trong cuộc tự trải nghiệm, tự đau khổ, để tự nhận ra, vì sinh nghiệp của họ đòi hòi họ phải như vậy. Thi thoảng, vì cái tâm lăng lăng mong muốn giúp người mà ta lại nảy sinh ý nghĩ rằng họ ích kỷ và không có tâm.
Trước sự đau khổ của một người nào đó, lời khuyên hãy cảm nhận đau khổ đó thật trọn vẹn hóa ra lại là một chia sẻ giúp họ nhìn ra được chân lý rốt ráo. Thế nhưng, nếu ta tìm đủ mọi cách để giúp họ hướng ra bên ngoài cho họ quên đi đau khổ, thì việc giúp đó hóa ra lại là hại họ, vì điều đó chỉ khiến họ có thói quen lảng tránh đau khổ, và không đi được tận cùng bản chất của nỗi đau. Thế nên, việc giúp người thật sự đòi hỏi mỗi người phải tự biết mình chứ không phải nhìn ngắm bất cứ ai khác.
Ngay cả những việc nhỏ nhất như giúp một ai đó qua đường, giúp một người ăn xin,... thì cũng đòi hỏi ở ta sự biết mình. Nếu không biết mình, làm sao ta có thể dẫn người qua đường thật an toàn. Và nếu không biết mình, ta làm sao biết ta giúp người ăn xin đó với tâm gì, vô ngã vị tha hay vẫn là sự thương hại của bản ngã. Vậy nên, dù có làm gì đi nữa, hướng ra đâu đi nữa, thì cốt lõi căn bản vẫn là trở về mình mà thấy ra sự thật ngay nơi mình. Khi đó, việc ta làm sẽ không có nguy cơ gây tai hại cho chính ta và người.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.