đừng sợ sai

10:03:00 AM
Nhiều người khi học Phật, biết về sống thiền, thực hành sống thiền, nên thi thoảng, họ sợ rằng không biết  làm vậy có đúng hay không, không biết là có đang đưa bản ngã ra tu hay không. Nhưng họ không biết rằng nỗi sợ đấy cũng xuất phát từ bản ngã, còn chân tâm thì vốn dĩ không sợ một điều gì. Sống thiền không có nghĩa là cứ cố làm đúng trong tất cả mọi trường hợp, mà là trải nghiệm các trường hợp để thấy mình, để rồi từ đó điều chỉnh hành vi và nhận thức của mình cho đúng đắn. 

Sợ sai khiến ta lặp đi lặp những thứ thân thuộc an toàn, từ chối trải nghiệm, thiếu can đảm, và bị động trong cuộc sống... Điều này chẳng khác nào đóng khung tâm mình vào một chiếc hộp. Bạn không có cơ hội để thấy những mặt đa dạng khác nhau của tâm, và thế, rõ ràng, vẫn không thể tự do khỏi bản ngã. Sợ sai khiến bạn băn khoăn và thiếu dứt khoát trong hành vi và nhận thức. Chẳng hạn, vì sợ sai, mà bạn không biết mình diễn đạt như vậy có ổn hay không, vì tâm lý sợ sai này, mà trong khi diễn đạt, bạn hoàn toàn ấp úng. Nếu bạn cứ diễn đạt một các tự nhiên và thấy mình trong việc việc diễn đạt đó, thì bạn sẽ học ra bài học tốt hơn. Nếu diễn đạt quá dài dòng, lần sau, bạn diễn đạt ngắn gọn lại. Nếu thấy phần chuẩn bị chưa tốt, lần sau, bạn chuẩn bị tốt hơn. Như vậy, chính vì tâm lý tự tin trải nghiệm này, bạn học ra bài học tốt hơn, làm mọi việc vừa trôi chảy vừa hoàn thiện nhận thức và hành vi của bản thân. Và việc hoàn thiện bản thân đó chẳng phải xuất phát từ việc phát hiện ra cái sai của mình hay sao? Không sai thì lấy gì mà học nữa? Còn nếu sợ sai, thì lại chẳng thể học ra bài học đắt giá, cứ thế sự tốt nghiệp rốt ráo còn lâu mới hoàn thành. 

Tuy nhiên, đừng sợ sai này không có nghĩa là cứ đâm đầu vào những trải nghiệm. Chẳng hạn, chớ hiểu đừng sợ sai ở đây là cứ hút thuốc lá, uống rượu bia một cách thái quá. Trải nghiệm mà bạn thực hiện làm sao để không hại ai, không hại mình. Nhưng nếu rơi vào một trải nghiệm hại mình, hại người, thì phải biết nhận ra để không tái phạm nữa. Quay lại câu chuyện hút thuốc lá, nếu bạn hút thuốc lá, lá phổi của bạn bị ảnh hưởng, thì lúc này bạn cần điều chỉnh hành vi và nhận thức của bản thân sao cho nó không còn bị dính mắc vào thói quen hút thuốc lá, và duy trì một lối sống lành mạnh cả về thân lẫn tâm để sức khỏe thể xác lẫn tinh thần trở nên tốt đẹp hơn. Đó chính là quay trở lại mình mà thấy. 

Nếu bạn muốn làm gì (không hại ai, không hại mình) thì cứ làm, để học ra bài học. Chẳng hạn, nếu muốn kinh doanh thì cứ kinh doanh. Trong quá trình kinh doanh, bạn sẽ học được rất nhiều bài học. Chẳng hạn, nếu kinh doanh thuận lợi, bạn học bài học về việc chớ nên ngạo mạn mà hãy chuẩn bị tốt tâm lý cho việc nếu kinh doanh thua lỗ thì sao. Nếu kinh doanh ít khách hàng, bạn học bài học về sự nhẫn nại và linh hoạt, sáng tạo hơn trong cách tiếp cận. Nếu kinh doanh thất bại, bạn học bài học về sự buông bỏ, để không bị dính mắc vào thất bại. Qua thất bại, bạn cũng rút ra được bài học vì sao mình vấp ngã. Nếu kinh doanh ảnh hưởng đến các cá nhân ở địa điểm kinh doanh, hay sản phẩm nhập về không ổn, bạn phải tìm cách làm sao để đảm bảo chất lượng sống cho những người tiếp cận sản phẩm của mình, trở về bài học về nhân cách sống, lương tâm con người. Như vậy, trong quá trình kinh doanh, rõ ràng đó là một trải nghiệm xúc tác cho quá trình điều chỉnh hành vi và nhận thức của bạn, khiến bạn đi từ sai thành đúng. Nhưng muốn kinh doanh mà sợ kinh doanh, thì bạn lấy gì mà học. 

Nhiều người sợ mong muốn là bắt nguồn từ tâm tham, nên băn khoăn không biết có nên thực hiện mong muốn ấy hay không. Nhưng, có ba loại mong muốn: mong muốn xuất phát từ tâm trong sáng muốn lợi lạc cho người; mong muốn vì chỉ vì phục lợi ích ích kỷ của mình mà không màng đến người khác; và có một mong muốn nữa là xuất phát từ ham muốn dục vọng cá nhân. Chỉ cần trải nghiệm, có thấy mình trong trải nghiệm, rồi bạn sẽ phân biệt được ba loại mong muốn này. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.