Đừng cố gắng chánh niệm - tỉnh giác

6:33:00 PM
Với những người thực hành chánh niệm - tỉnh giác, đừng cố gắng để chánh niệm - tỉnh giác tốt hơn vì đó có thể là ý chủ quan của mình, sẽ lại là đưa bản ngã ra đối phó. Hãy làm sao để biết mình một cách tự nhiên và thả lỏng. Khi thất niệm biết thất niệm cũng là đang quay trở về thực tại. Cứ thế, rồi cái tâm trong sáng sẽ làm việc được tốt đẹp. 

Công việc viết lách khiến tôi lặp đi lặp lại việc viết, việc ngồi xuống với các tư thế tương tự nhau. Trong khi viết, tôi thi thoảng có nghe một vài bản nhạc piano, bên một ô cửa kính nhìn ra bầu trời phóng khoáng. Đôi khi các lựa chọn và việc làm lặp lại nhanh chóng rơi vào tiềm thức. Mỗi lần viết mới, ta cũng có nguy cơ thất niệm, không quan sát rõ thân tâm mình và mọi thứ xung quanh như thế nào. Nhưng kể từ ngày biết chánh niệm - tỉnh giác, tôi thường thả lỏng thân tâm quan sát việc viết cũng như suy nghĩ cảm xúc của mình. Tôi không bị quên mình trong công việc. Nhưng đôi khi việc viết kéo dài, với những hành động lặp đi lặp lại cũng dễ khiến tôi thất niệm. Và mỗi lần thất niệm, tôi lại như được thức tỉnh, và thế, lại quay trở về thực tại mà thấy. 

Hồi xưa tôi có phỏng vấn một nghệ sĩ. Anh bảo rằng trong lúc làm việc trên máy tính, anh bị cuốn theo công việc đến nỗi có lúc anh nhận ra anh nín thở lúc nào không hay biết. Khi phát hiện, anh mới lại hít thở bình thường, tinh thần lúc ấy như bớt căng thẳng hơn. Vậy nên, nếu không quan sát mình sáng suốt và trọn vẹn, ta có nguy cơ đánh mất chính mình. 

Ngày nay, có rất nhiều người lãng quên mình trong công việc. Họ say mê công việc đến nỗi không thể thấy thân và tâm như chúng đang là. Họ hoàn toàn không biết mình, dù họ có vẻ là rất thành công trong công việc đi chăng nữa, nhưng họ lại có quá ít thời gian trong ngày sống trong thực tại. Họ có thể là một người rất thông minh nhưng lại không phải là một người trí tuệ. Thông minh là việc biết nhiều hiểu rộng về mặt kiến thức, nhưng trí tuệ là thấy chân lý và sống với chân lý đấy. Thông minh ngược lại hoàn toàn với trí tuệ. Trong cuộc sống, con người lại thường thích chạy đuổi sự thông minh, và đôi khi nhầm lẫn rằng thông minh là trí tuệ. Trí tuệ đơn giản là thấy biết thực tại nhưng nó đang là. Nhưng ít người lại sống được như vậy. 

Một số thực hành chánh niệm - tỉnh giác biết rằng khi ăn biết ăn, khi xem TV thì biết xem TV, khi nói chuyện với bạn bè biết nói chuyện với bạn bè, nhưng thi thoảng họ vẫn gặp khó khăn trong việc trọn vẹn với việc mình làm. Chẳng hạn, khi ăn, họ có thể vừa xem phim vừa đọc báo vừa lướt Facebook, và khó bỏ thói quen này. Nhưng ban đầu, cứ đơn giản là thấy biết như vậy đã. Rồi pháp sẽ tự chuyển. Quan trọng là khi ăn mà xem phim thì vẫn biết ăn và xem phim, dù có vẻ là không đang trọn vẹn hoàn toàn nhưng vẫn thấy biết mình là tốt. Không cần phải bắt ép mình làm gì cả. Cái cốt yếu vẫn là sự thấy biết sáng suốt. 

Cũng có khi, ta đưa tay lên gãi lưng, nhưng khi xong hành động ấy rồi, ta mới biết, tức chánh niệm - tỉnh giác "chậm". Hoặc khi ta bóp còi xe, ta bóp còi rồi mới biết mình bóp còi, nghĩa rằng hành động bóp còi ấy vẫn đang bị chi phối bởi vô thức. Nhưng không cần đặt nặng điều này, ban đầu, việc chánh niệm - tỉnh giác có thể chưa thực sự khớp với hành vi và nhận thức trong ta, nhưng chỉ cần trở về mà thấy, chỉ cần nhớ thận trọng trong mỗi việc mình làm, thì dần dần, cái thấy biết của ta sẽ trở nên hoàn hảo. Vì cái thấy biết này đã có sẵn. Và ta đang luyện tập để trở về cái có sẵn ấy mà thôi. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.