Hà Nội cô đơn, Sài Gòn lặng lẽ

8:56:00 PM
Người ta nói mọi sự xúc chạm trong cuộc đời này được gọi là nhân duyên. Năm mười tám tuổi, tôi trở thành cô sinh viên trường Ngoại thương Hà Nội. Bao háo hức trong lo lắng, niềm hy vọng trong e sợ, nhưng tất cả những mặt đối nghịch cảm xúc ấy phải đầu hàng trước cái gọi là sức mạnh niềm tin. Ba năm cấp 3 sống xa nhà, và xuất thân từ một gia đình làm nông bình thường và khó khăn đã tôi luyện cho tôi một nội tâm vững chãi.  Cũng giống như bao bạn bè trong xóm làng, tôi chẳng còn lạ lẫm gì về việc sống tự tập hay lo sợ về viễn cảnh sẽ phụ thuộc hay nhớ nhung gia đình và quê nhà. Quả vậy, tôi nhanh chóng ổn định cuộc sống chốn thủ đô nhưng mọi thứ lại quá đắt đỏ so với những gì mà tôi suy nghĩ. Nếu thuở học cấp 3, mỗi tuần, tôi chỉ tiêu tốn khoảng 50.000 VNĐ tiền ăn thì tại Hà Nội, từng đó tiền chỉ đủ cho khoảng hơn một ngày ăn. Vậy là, chỉ sau hai tháng học ở trường, tôi đã tìm đủ mọi cách hỏi han bạn bè về việc làm thêm. Công việc đầu tiên tôi có là viết nội dung cho một trang web chuyên về hướng dẫn nấu ăn. Vì mới chân ướt chân ráo, sau tháng đầu tiên, tôi chỉ kiếm được khoảng 300.000 VNĐ trong khi gần như ngày nào cũng phải cặm cụi làm việc khoảng một hay vài tiếng đồng hồ. Giá cho mỗi bài viết chỉ cỡ khoảng mười mấy đến hai chục ngàn đồng. Sau khi làm một vài tháng, tôi thấy khá tốn thời gian nên đành bỏ việc. Tôi chuyển qua tìm kiếm cơ hội gia sư. Trung tâm gia sư lúc ấy nhiều nhan nhản, và vì cả tin, tôi gửi chứng minh nhân dân cho một trung tâm để rồi khi đến trụ sở thì mới biết trung tâm này đã chuyển đi, không những thế, họ còn làm mất chứng minh thư của tôi khiến tôi phải buồn bã, mất công bắt chuyến xe về quê trong khi chẳng nhận được đồng tiền xe nào từ họ. Tôi nhớ có lần, một trung tâm gia sư đồng ý để tôi dạy thử cho một học sinh nữ lớp 12 cách chỗ tôi trọ khoảng 2 km. Ngày ấy, tôi mượn chiếc xe đạp dưới lầu của một người bạn, rồi lặng lẽ đạp đến nhà cô bé này. Vào nhà, tôi không bao giờ quên căn gác xép chật chội và dù đã cúi đầu vẫn sợ bị chạm trần. Người ta nói Hà Nội đất chật người đông thật đúng biết bao. Thế nhưng, sau khi dạy cô bé một buổi, thì tôi cũng bị người ta tự chối khiến tôi khá thất vọng. Con đường vào đời của tôi ở thủ đô bước đầu đã đối mặt phải những chông chênh như thế.

Hồi đó, tôi ở trọ trong ngõ 1194 đường chùa Láng. Đường vào ngôi nhà trọ sâu ơi là sâu, khuất vào bên trong, và bên hông là trường Đại học Giao thông Vận Tải. Cứ mỗi chiều, một là tôi cuốc bộ một mình đến chùa Láng gần đó rồi đi dạo đường Láng nơi nổi tiếng với nhiều tiệm sách cũ và cũng có cả sách lậu, hai là đi qua cổng nhỏ của trường Đại học Giao thông Vận Tải rồi ghé công viên Thủ Lệ, ba là bắt xe buýt 09 đến Hồ Gươm. Dù sống chung với một số người bạn, nhưng tôi không thường tìm kiếm được sự đồng điệu, và không hiểu sao tôi lại cứ yêu thích việc lặng lẽ đi đây đi đó một mình như vậy. Đến bất cứ đâu, tôi cũng thấy những người già, người trẻ đeo bên hông một giỏ đựng mấy thức đồ bán dạo quanh đường này đến đường kia. Trông họ lầm lũi và khó nhọc biết bao nhiêu trong thân hình gầy gò có phần thiếu sức sống và khuôn mặt đậm vẻ ưu sầu suy tư. Cứ mỗi lần thấy họ, tôi lại mua giúp họ một món chỉ vài ba ngàn đồng thôi nhưng có lúc gặp họ quá nhiều đến nỗi tôi chỉ biết cúi chào cảm ơn trong sự chân thành. Ở giữa thành phố phồn hoa, công cuộc mưu sinh của bao người vẫn thực sự bất hạnh, kém may mắn và quá gian truân.

Tôi vừa là sinh viên tại Hà Nội vừa là một vị khách du lịch bụi tại đây từ lúc nào chẳng hay. Có lần, khi đang dạo phố Hồ Gươm, có hai đứa bạn nhìn thấy tôi bèn ngạc nhiên hỏi: “Mày đi một mình hả Trang!” Tôi mỉm cười gật đầu rồi thản nhiên bước tiếp trong khi vẫn còn nhớ đôi mắt chữ O của họ. Vậy mà tôi chẳng chút chạnh lòng. Sự cô đơn trong những bước đi khiến tôi thanh thản, và dù có chút buồn đi chăng nữa thì điều đó chưa bao giờ là lý do để tôi phải mong cầu rủ rê ai đó sánh bước cùng mình. Tôi thi thoảng ngồi lại bên một vài bà cụ người Hà Nội, lắng nghe các bà kể chuyện, và thi thoảng có bắt gặp một số người nước ngoài thì chia sẻ vài điều cùng họ.

Khi nghĩ về thủ đô, tôi thường tâm đắc trải nghiệm trò chuyện với người lạ của mình. Ngay khi bước vào đại học, tôi bèn lập blog trangps.com để chia sẻ những trải nghiệm cá nhân. Không hiểu sao sau một thời gian, đã có một vài độc giả trẻ tuổi nhắn tin cho tôi mời tôi uống cà phê. Với một thái độ sống hoàn toàn trong sáng và vô tư, thời ấy cho đến bây giờ, tôi luôn xem trai hay gái, già hay trẻ là hoàn toàn bình đẳng. Vì thế, khi trò chuyện với họ, dù chỉ là người lạ mới quen, một số trong đó đã nhanh chóng trở thành bạn của tôi. Thậm chí, giờ đây, khi tôi đã sống ở Sài Gòn, thì chúng tôi vẫn giữ liên lạc và có điều kiện vẫn sẵn sàng trò chuyện và giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, dù mối quan hệ lẫn sự cởi mở và hòa đồng của bản thân có nới rộng theo thời gian thì tôi vẫn yêu thích những bước chân lặng lẽ và cô đơn như thuở ban đầu. Tôi vẫn luôn nhớ những ngày rảo bộ một mình giữa đường Thanh Niên và Hoàng Diệu mỗi độ thu về giữa lòng thủ đô. Những hàng cây thay lá, xanh ngả vàng, rớt từng chiếc một, sà xuống lòng đất, để cơn gió cuốn lá đi giữa lòng đường dài bất tận. Những thân cây to một vòng tay ôm không xuể, tôi nhớ những cái dựa lưng của mình vào người hùng lực lưỡng và ấm áp ấy. Tôi nhớ Tranquil Cà phê trên cung đường Nguyễn Quang Bích, tôi có thể ngụp lặn trong thế giới của sách ở tiệm cà phê ấy mà quên hết lối về. Mùa Thu ở Sài Gòn rơi vào từng khoảnh khắc, và mùa Thu ở Hà Nội cũng chỉ ở lại bên ta độ hai ba tuần. Nó đọng lại trong ta giấc mơ ngắn mà đẹp, để ta mãi không thể quên cái ngày hôm ấy, ta và một người bạn nào đó cùng dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm, nói những câu chuyện không đầu không cuối nhưng cũng mãi đến thâu đêm mới xách balo lên đi về. Mùa Thu đã khiến ta quên rằng thời gian vẫn trôi, mãi đến khi màn đêm buông xuống, ta mới nói lời tạm biệt và không quên câu nói "hẹn gặp lại" với người bạn thân thương. Tôi vẫn rất nhớ thủ đô mỗi khi tiết trời thay đổi! Hôm đó, tôi và Kim Anh ngồi cạnh nhau trong một quán cà phê phố Nguyễn Hiền, chúng tôi chia sẻ những giấc mơ tuyệt vời từ chiều đến khi quán đóng cửa. Có những câu chuyện chẳng thể ngừng, có những con người mới gặp lần đầu đã ngỡ quen nhau từ kiếp nào không hay biết. Những mối nhân duyên tuyệt đẹp, những cái ôm thắm nồng, tất cả để lại những dư vị khó tả thành lời, luôn ùa về mỗi khi tâm hồn ta hóa nhạy cảm.

Dù chỉ mới vào năm nhất thôi, nhưng tinh thần học hỏi thúc đẩy tôi thực hiện những buổi chia sẻ về những chủ đề khác nhau, mà chủ yếu là về sách, thu hút biết bao nhiêu bạn, anh chị khắp thủ đô. Cũng nhờ thế, mà cuộc sống cô đơn của tôi tại Hà Nội dần có thêm những sắc màu mới mẻ. Song song đó, hữu duyên cho tôi gặp gỡ người cố vấn làm doanh nhân. Thông qua những cuộc trò chuyện, làm việc, trao đổi một – một với anh, tôi được truyền cảm hứng về việc đi du lịch để mở mang trí tuệ. Và những năm tháng ấy, cũng vì bị ảnh hưởng bởi những cuốn sách du lịch – trinh thám mà tôi trở nên tò mò thật nhiều về thế giới bên ngoài. Những chuyến đi cô đơn đầu tiên của tôi không đâu khác xa xôi mà tại chính thủ đô. Tôi nhớ có lần, tôi còn xin nghỉ học sớm để đi dạo công viên Thống Nhất và Bờ Hồ. Cứ thế rong ruổi và khám phá những gì trong tầm tay mình. Từ nhỏ đến mãi về sau này và bây giờ, đi bộ vẫn là phương tiện bền bỉ nhất gắn liền với tôi. Những cuộc dạo bộ khiến tâm tôi tĩnh lặng đến lạ kỳ. Có lần, người bạn cũ của tôi bảo: "Tao quen đi bộ rồi, 3 km với tao là chuyện thường mày ạ". Tôi suy nghĩ rất nhiều về câu nói đó. Và kể từ đó, cứ quãng đường nào ở thành phố khoảng 2 km, nếu không có việc gì gấp gáp, tôi sẽ thong thả đi bộ, mặc cho thế giới xung quanh đang xoay chuyển thế nào, kẻ đi bộ vẫn là kẻ thơ mộng nhất cõi đời này. Vì anh ta có thời gian mà thư thả, trong khi, cả xã hội này đang mải đuổi theo tốc độ, như thể đang trốn chạy khỏi một điều khủng khiếp nào đó. Kẻ đi bộ vẫn điềm nhiên đặt từng bước chân vững chãi trên đường, mắt ngắm nhìn những mái nhà chầm chậm lùi dần về phía sau. Thú vui của kẻ đi bộ là được ngắm nghía vạn vật theo tốc độ yêu thích của mình, và có thể dừng lại ở bất cứ nơi nào mà không bị vướng bận về thời gian hay vật dụng. Đó là món quà xa xỉ của kẻ đi bộ, mà một kẻ đi xe khó khăn mới có.

Những chuyến đi cô đơn cứ thế được nới rộng ra, từ trung tâm thủ đô rồi về xa kia là Làng Gốm Bát Tràng, Làng cổ Đường Lâm, Ba Vì, Hải Phòng, Quảng Ninh, Sa Pa,… Nhiều người hỏi tôi: “Trang yêu thích cô đơn? Không thấy buồn trong cô đơn hay sao?” Tôi trả lời: “Trong cô đơn, ta có sự tự do. Cuộc sống của một người viết lách như Trang thường cô đơn, mà cái cô đơn này là hoàn toàn lặng lẽ tự tại. Cô đơn ở đây tức là mình kết nối sâu với bản thân gần như toàn bộ thời gian trong ngày, và cảm thấy tận hưởng với điều đó. Trang không thúc ép mình đi tìm mối quan hệ bên ngoài mà chỉ đơn giản có mặt trọn vẹn trong các mối tương giao. Tức tùy duyên đến thì mình sẵn sàng đối diện, còn nếu không thì mình cũng chẳng mong cầu. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp này, Trang đang chịu đựng nỗi cô đơn thì Trang sẽ thấy rất khó chịu và buồn bã, Trang sẽ muốn ra ngoài kết nối với ai đó, sẽ muốn có người này người kia bầu bạn thấu hiểu mình. Nguyên nhân của sự chịu đựng cô đơn là do thiếu soi sáng lại chính mình, hay nói theo ngôn ngữ nhà Phật là thiếu tinh tấn - chánh niệm – tỉnh giác.”

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, việc trải nghiệm thực tế ở thế giới bên ngoài khiến tôi nhận ra mình không còn phù hợp với trường đại học nữa. Dẫu ở đây có những người bạn, những cơ hội, thế nhưng, tôi đã thấy nó không còn là bến đỗ phù hợp với mình. Tôi gap year ở đầu năm 2 đại học, rong ruổi một mình khắp Việt Nam và Đông Nam Á bằng số tiền mà mình vừa kiếm ra vừa tiết kiệm được. Cũng chính thời gian gap year này khiến tôi nhận ra rằng quyết định bỏ học là hoàn toàn đúng đắn. Những chuyến bay lang thang đây đó cứ ngỡ tưởng chẳng bao giờ dừng, cho đến khi tôi vào Sài Gòn lập nghiệp.

Dù Sài Gòn đầy nắng gió, chẳng có một mùa đông lạnh lẽo, và cơn mưa cũng không khiến lòng người dễ buồn man mác như ở thủ đô, nhưng tôi vẫn mang theo một thứ mà tôi từng trải nghiệm ở Hà Nội vào thành phố miền Nam hoa lệ, ấy chính là sự cô đơn lặng lẽ. Luôn có một sự đối nghịch giữa tâm hồn tôi và thế giới bên ngoài. Dòng người có ngược xuôi đến đâu, đô thị có hối hả sớm tối như thế nào, tâm hồn tôi vẫn thanh tịnh và lặng lẽ đến kỳ lạ như thế. Trải qua những thăng trầm của cuộc sống, tôi nhận ra có lẽ, mỗi người nên có những khoảng lặng để tự soi sáng lại mình. Không một ai ở bên ngoài có thể làm đầy bên trong chúng ta ngoài chính chúng ta. Mỗi người đến trong cuộc đời ta chỉ đơn thuần đóng vai trò nhân duyên và họ cũng ra đi vì nhân duyên. Thế nên, nếu ta tìm cầu mối quan hệ để mong có sự đủ đầy thì điều đó là hoàn toàn bất hợp lý. Vậy nên, khi buồn thì cứ có mặt trọn vẹn với nỗi buồn, để thấy chính mình, để học bài học về nỗi buồn đó một cách sâu sắc nhất. Còn nếu cô đơn, hãy nhìn thẳng vào sự cô đơn của chính mình, tôi tin rằng một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra rằng à thì ra cô đơn không đáng sợ đến thế, cô đơn thật tĩnh lặng và đẹp đẽ biết bao. Trong cô đơn, ta có sự tự do để làm những điều mình thực sự thích và đam mê. Và trong sự cô đơn tự nhiên đó, ta không còn bị ảnh hưởng bởi những tiếng nói bên ngoài, ta không còn bị lôi kéo bởi những phù phiếm của cuộc sống.

Ảnh: Trang ở Hà Nội 2018



 

No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.