có chiêm nghiệm mới có bài học giác ngộ

2:45:00 PM
Một anh chàng đi du lịch 20 nước, đọc hàng tá cuốn sách, nhưng khi đứng trước một người nông dân, anh ta phải tự nhận rằng mình thật yếu kém. Anh ta hỏi lão nông minh triết, theo ông lý do vì sao như vậy. Lão nông bèn trả lời:

- Anh trải nghiệm nhưng không "từng trải". 

- Là sao? – Anh chàng nhăn mày nhăn mặt thắc mắc. 

- Anh nhìn nhưng không thấy. Anh trải nghiệm nhưng không chiêm nghiệm thì làm sao anh có thể đi vào những tầng lớp sâu hơn của trải nghiệm ấy? Anh mới chỉ đang đi bề mặt. 

Anh gật gù chợt hiểu.

Bạn có bao giờ nhận ra nhiều trải nghiệm tương tự nhau cứ liên tục xảy đến với bạn? Bạn có bao giờ thấy những nỗi đau tương tự lặp đi lặp lại trong cuộc đời mình? Là vì bạn chưa học thật kỹ bài học đó, thế nên nó lại xảy đến để ta đi tận cùng bài học. Để ta tốt nghiệp một cách rốt ráo. 

Một người bạn nọ từng đến bên tôi và bảo: "Mỗi khi một cơn giận khởi lên vì có bất hòa trong gia đình, mình lại muốn dẹp nó đi, lại muốn đoạn diệt nó. Nhưng rồi, lần này đến lần khác, cơn sân hận lại cứ nổi lên như vậy trong các tình huống bất thuận lợi khác nhau. Mình thực sự không hiểu!" Tôi bèn trả lời: "Giận dữ nổi lên là tốt, là để cho mình thấy nó, và thấy luôn việc mình vẫn chưa học xong bài học về giận dữ. Khi cơn sân nổi lên mà mình muốn dẹp nó, thì mình còn gì để học nữa, thậm chí còn khiến cho bài học này kéo dài dăng dẳng. Sân biết sân, hận biết hận, nóng nảy biết nóng nảy. Thấy gì, biết vậy. Thì chúng không còn có thể kiểm soát mình nữa. Quan trọng là đừng tạo ra một nhãn dán khó chịu tới chúng. Sân, hận hay nóng nảy không xấu xa gì. Xấu xa là do mình áp đặt quan niệm lên để rồi cũng chính vì việc dính mắc vào quan niệm này mà ta bao giờ cũng ghét sân hận và yêu thích an lạc. Nhưng bạn có nhận ra, khi yêu thích an lạc, ghét sân hận thì ta luôn nhận lại sân hận mà thôi. Chính tư tưởng nhị nguyên này luôn khiến vấn đề của con người mãi chẳng thể giải quyết một cách triệt để."

Người bạn kia khi nghe tôi trình bày vậy vẫn chưa thực sự hiểu. Nhưng khi trở về nhà, thấy chồng phàn nàn chuyện nọ chuyện kia, mọi lúc, chị thường nổi sân lên và to tiếng với chồng. Nhưng giờ đây, chị trấn trĩnh lại, nhìn cơn sân bên trong mình, bỗng dưng, khi trở thành người làm chứng cho cơn sân, chị không còn bị cơn sân ấy lôi kéo vô thức. Chị lắng nghe chồng phàn nàn trong khi vẫn quan sát cơn sân bên trong mình. Dù chị thấy đi cùng cơn sân là cơn đau nhưng song song đó vẫn có sự bình tĩnh, nhẫn nại và tự tại. Chị liền tỉnh ngộ ra. Từ nay trở đi, chỉ cần quan sát cơn sân thì cơn sân chẳng bao giờ có thể làm chủ mình. Nó không có một động lực vô thức để tạo tác hành vi bất thiện. 

Chính quá trình thực hành rồi nhận ra này là sự chiêm nghiệm. Thế nhưng, nhiều người cứ hành một cách vô thức mà không có chiêm nghiệm, thành ra, họ không đi sâu được vào bản chất vấn đề. 

Khi tôi còn ở độ tuổi đôi mươi, tôi đi du lịch một mình rất nhiều và phần lớn du lịch bụi. Trong những chuyến đi đó, bản thân có cơ hội quan sát tự nhiên, văn hóa và con người của vùng đất mới rồi trở về ghi chép lại những cảm nhận và bài học cho chính mình. Việc đi, dù hướng ra bên ngoài, nhưng thực chất lại giúp ta hướng vào bên trong đồng thời làm mới cách ta tiếp cận đời sống cũng như làm nhạy bén cách ta nhìn về cuộc đời. Sự chiêm nghiệm vốn dĩ bắt nguồn từ việc mở lòng ra mà lắng nghe và thấu hiểu nhân sinh. Sự chiêm nghiệm cũng đến từ việc biết tận hưởng mọi cung bậc đời sống, dù là nghèo hay giàu, dù là sang hay hèn, dù là khổ hay sướng, thì cũng đều vô thường. Đứng trước vô thường mà tâm ta vẫn không biến đổi mới là sức mạnh. Sự chiêm nghiệm giúp tôi nhân ra mình cũng đã từng phán xét nhiều để rồi không còn một phán xét, từ so sánh hơn thua để rồi thấy mọi cuộc đời là hoàn toàn bình đẳng và hữu dụng riêng biệt, từ ích kỷ để rồi biết san sẻ với những số phận khác nhau. Sự chiêm nghiệm giúp tôi đánh tan những mê lầm để rồi trở về chân tâm. 

Rõ ràng, sự chiêm nghiệm không phải là để ta lún sâu hay dính mắc vào một quan niệm nào, mà để ta thoát ra khỏi những quan niệm nhị nguyên để rồi biết nương vào chân lý mà giải quyết vấn đề. Nếu không có nhận thức đúng đắn hay không biết nương vào chân lý, người ta thường dễ bị mắc kẹt vào chính những suy nghĩ và cảm xúc của mình, rồi gặp khó khăn trong việc thoát ra. Như mgười chị trên, thực ra chị ấy cũng đã có sự chiêm nghiệm, nhưng không biết tự gỡ rối, mới cần đến sự khai thị. Trong cuộc đời tôi cũng vậy, đã cần nhiều đến sự khai mở từ các vị thiền sư, từ những cuốn sách Phật pháp, rồi thực hành để thấy ra sự thật, để thấy sự chiêm nghiệm ấy càng ngày càng sáng chứ không phải dẫn mình vào trong bóng tối. 




No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.