khiêm nhường là chìa khóa tu học
Trong quá trình tu sửa bản thân, tôi nhận ra một điều rằng càng có nhiều hiểu biết, thì có hai trường hợp xảy ra. Một là mình cảm thấy rằng cuộc sống này quá rộng lớn, có quá nhiều thứ ngoài tầm với của mình, và sự tu học của bản thân đòi hỏi thật nhiều kiên nhẫn và nỗ lực hơn nữa. Và thứ hai là, nhờ duyên tiếp cận nguồn minh triết thiêng liêng nên đôi lúc tâm có thể trở nên ngạo mạn (tâm so sánh), từ đó thấy mình hơn người, rồi quay ra khinh thường/phê phán người khác. Quá trình tu sửa nếu không phát hiện ra điểm ngã mạn vi tế này thì thật đáng tiếc. Bởi ngã mạn dù chỉ chút ít, rất ít, cũng là một nghiệp bất thiện, khiến chúng ta đi ngược trên con đường chạm đến bản chất rỗng lặng của tâm. Ngã mạn khiến ta không thể thấu cảm cho ai đó một cách chân thực mà chỉ là thương hại.
Thi thoảng, thật không hề phủ nhận rằng tôi cũng rơi vào trạng thái này, nhưng nhờ có chánh niệm/tỉnh giác, nên bản thân đã khiến nó không thể làm được gì hơn nữa. Ngã mạn như mọi cảm xúc khác là buồn bã, ghen tỵ, giận dữ,... nếu ta nhận thức và quan sát chúng, chúng chẳng thể nào lấn lướt và kiểm soát ta. Tu tập là như vậy, là thấy được mọi thứ như nó đang là, không thêm không bớt, không dính mắc hay bám chấp vào chúng.
Thế giới có khoảng 8 tỷ người, mỗi người đều đang ở giai đoạn nhận thức khác nhau và niềm tin khác nhau, nhưng tất cả đều đang đi trên con đường toàn thiện. Chúng ta chẳng thể biết được người này đang ở đâu trên con đường đó. Trong kẻ tội đồ đã có sẵn sự ân xá, trong kẻ thiện đã có sẵn cái ác,... Mỗi một người đều đã trải qua vô thỉ kiếp sống, đã trải qua thân phận của một hòn đá, một con cá, một cây xanh, một bông hoa, một con mèo,... rồi đến thân người này. Nếu thực sự thấu suốt được điều đó, chúng ta nhận thấy rằng chúng sinh thực sự bình đẳng. Điều mà anh thấy trong tôi, thì cũng có trong anh. Bởi thế, khi tiếp cận một con người, nếu ta tiếp cận anh ta như một vị Phật đang trở thành (một vị Phật vị lai), ta sẽ dễ dàng chuyển hóa họ, thay vì tiếp cận họ như một kẻ bất thiện, để rồi phê phán/định kiến. Bởi rằng sự phê phán và định kiến cũng đồng nghĩa với việc tự khơi dậy năng lượng tiêu cực bên trong mình. Mà dùng năng lượng tiêu cực thì làm sao có thể chuyển hóa một người nào đó?
Trong quá trình học Phật, thú thực đã có lúc, tôi mong mỏi rằng nếu ai trong cuộc đời này cũng biết và thực hành Phật pháp thì tốt biết bao. Rồi tôi nhận ra, giáo lý nhà Phật vô cùng tốt đẹp và có lẽ là giáo lý "duy nhất" đưa con người thoát khỏi được khổ đau - luân hồi sinh tử, nhưng như chia sẻ phía trên, mỗi người đều có nhận thức khác nhau và niềm tin khác nhau, dù đạo Phật có đẹp đẽ đến đâu thì cũng không thể phục vụ toàn thể con người trên thế gian này. Những giáo lý của Công giáo, Hồi giáo, Kỳ Na giáo, Đạo giáo,... rõ ràng cũng có tính giáo dục cao và hướng con người đến chân thiện mỹ. Hiểu được vậy, nên tôi nghĩ mọi tôn giáo chân chính có mặt trên trái đất này là đang phục vụ cho nhận thức khác biệt của con người. Cách tiếp cận ấy hóa ra lại vô cùng bình đẳng.
Những giáo lý trong các tôn giáo đều hướng đến từ bi, bác ái, yêu thương, về cơ bản, chúng không hề đối chọi nhau, mà chỉ có niềm tin cực đoan lẫn cái tôi của con người đã đưa đến các cuộc chiến tranh giữa các tôn giáo. Mà chiến tranh này rõ ràng cũng đến từ cái tôi ngã mạn và kiêu ngạo đó thôi, tức cái tôi so sánh hơn thua, cho rằng tôn giáo này hơn tôn giáo kia,... để rồi gây ra bao tang thương đau khổ.
Biểu hiện chân thật nhất của sự khiêm nhường chính là tâm từ bi, tức thái độ coi trọng và thương yêu bình đẳng với tất cả chúng sinh, dù chúng sinh đó có gây ra lỗi lầm, thì lỗi lầm đó không thể nói lên rằng họ hoàn toàn ác độc. Khi Đức Phật còn tại thế, Đề Bà Đạt Đa tuy xuất gia làm đệ tử Phật nhưng trong tâm luôn khởi lên sự ganh ghét, đố kỵ, thậm chí nhiều lần còn tìm cách hại Đức Phật và chia rẽ Tăng đoàn. Nhưng Đức Phật vẫn giữ thái độ với Đề Bà Đạt Đa y như những đệ tử khác. Ngài không oán trách, không kết tội, cũng không đuổi vị đệ tử này đi. Đức Phật luôn nhìn thấy tất cả chúng sinh từ loài bé mọn nhất đến loài người đều có hạt mầm Phật, và tất cả là một vị Phật tương lai. Chúng ta không thể nói con đường thành Phật của anh nhanh hơn tôi, vì về bản chất, thời gian đâu có tồn tại. Chính vì hiểu thấu điều này, Đức Phật đã có một cách tiếp cận thật từ bi bình đẳng với tất cả. Chỉ là những người phàm như như chúng ta, vì dính mắc vào một cái tôi không thực có mà sanh khởi ý hơn thua với người này người kia, so sánh giàu nghèo, thông minh - ngu ngốc, đẹp đẽ - xấu xí,... giữa người này với người kia.
Nhưng bạn hỡi! Có kiếp chúng ta là một vị vua nhưng có kiếp chúng ta lại chỉ là một người ăn mày, có kiếp chúng ta là một nhà tri thức nhưng có kiếp chúng ta lại chỉ là một kẻ không có cơ hội học hành, có kiếp chúng ta được cho thân hình đẹp đẽ nhưng có kiếp lại xấu xí, có kiếp dốc công tu tập nhưng có kiếp lại rời xa chánh pháp,... Chúng ta đã đóng vô vàn vai diễn khác nhau từ trong vô lượng kiếp mà chỉ là ta không biết. Nếu ta đem cái kiếp sống ngắn ngủi này ra để so sánh hơn thua thì thật đáng tiếc biết nhường nào. Nếu chỉ biết có kiếp sống này thôi thì cái tôi ngạo mạn của ta có thể sẽ càng trở nên mạnh mẽ.
Mục đích thật sự của tu tập tức là giải thoát khỏi tất cả mọi ràng buộc để đi đến tự do tuyệt đối (niết bàn). Tự do đó vốn đã có sẵn hết cả đây rồi, mà chỉ vì vô minh nên ta đã tự trói buộc mình. Ngã mạn là một trong những sự trói buộc ấy. Vì thế, trong tu tập mới có bố thí (cho đi), lễ lạy,... là để ta tháo gỡ dần cái tôi mà ta tự tạo ra nhưng về bản chất lại không thực có.
***'
ReplyDelete