phái yếu vs phái mạnh

Mỗi lần nghe đến từ phái yếu và phái mạnh dành cho lần lượt phụ nữ và đàn ông, điều đó có thể dẫn đến những quy chụp và cái hiểu hời hợt khi nhìn nhận nó ở mức độ tổng thể. Yếu và mạnh ở đây có thể đúng phần nào đó về thể lực chứ về phần nội lực của đàn ông lẫn phụ nữ thì chẳng thể so sánh. Nội lực vốn dĩ chẳng phân chia phe phái. Nhưng bởi cách dùng từ hay tư duy phái mạnh, phái yếu bấy lâu nay đã khiến đàn ông lẫn phụ nữ tự dán mác cho chính mình, từ đó mà dẫn đến những định kiến lẫn nhận thức vô cùng sai lầm, và không đi tận cùng bản chất nội tại.

Niềm tin như thế nào sẽ dẫn đến thực tế như thế đó. Nếu phụ nữ tin mình là phái yếu, cô ấy sẽ yếu đuối, dễ vỡ mà quên mất phần dẻo dai, mạnh mẽ của mình. Đàn ông tin mình là phái mạnh, được giáo dục là phái mạnh, sẽ tin mình mạnh, mà bỏ qua hay khước từ những phần nhạy cảm, yếu đuối hơn của chính mình. Cả hai niềm tin này đều khập khiễng vì không khiến đàn ông và phụ nữ nhìn thấy bức tranh tổng thể, mà chỉ một phần của bức tranh đó. Niềm tin một phần này sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy, bao gồm việc phân biệt giới tính, tự dán mác, tự huyễn hoặc, không đào sâu bên trong mình, không sống thật với chính mình, ...

Phụ nữ là phái đẹp, thì đàn ông cũng là phái đẹp. Phụ nữ là phái yếu, đàn ông cũng là phái yếu. Thực tế, linh hồn đâu có phân chia giới tính. Giới tính chỉ được phân chia khi có hình hài. Không hình hài, linh hồn chẳng có phái nào. Vì thế, không nên có sự quy chụp phái mạnh và phái yếu ngay từ khi trẻ lọt lòng cho đến khi lớn lên. Nếu tiếp cận theo kiểu nhị nguyên ấy thì thật khó để có được thái độ đúng về tự do và bình đẳng ngay từ trong tâm. Những đấu tranh bình đẳng mà ngay từ nội tại đã mang tính phân biệt như thế thì đấu tranh ấy chỉ là bề nổi chứ không thể giải quyết được tận cùng gốc rễ của nó.

Khi đầu thai, linh hồn được phép chọn giới tính. Trong các kiếp trước, linh hồn có thể là nam, và giờ đây, nó chọn là nữ nhằm trải nghiệm đời sống một cách toàn diện. Thế nhưng, con người rất dễ bị mắc kẹt trong tư duy về hình hài, cơ thể. Hình hài là một ngôi nhà giúp linh hồn trú ngụ, nó quan trọng nhưng có sinh có diệt, cái không sinh không diệt vẫn là linh hồn. Vì thế, nội lực nằm sâu thẳm trong linh hồn, và ta chỉ có thể chạm sâu vào nó khi rũ bỏ được tư duy phân biệt giới.

Cơ thể đơn thuần là một nơi trú ngụ. Ta trân trọng nơi trú ngụ đó của mình để chăm sóc nó đủ và cốt lõi của việc chăm sóc ấy là nhằm nuôi dưỡng linh hồn. Đó mới là mục đích tối cao. Vì sự tập luyện linh hồn bao giờ cũng quan trọng hơn tất cả.

Trong các mối quan hệ, phụ nữ thường cho rằng đàn ông lý trí còn đàn ông lại gác mác phụ nữ quá cảm xúc. Điều này nảy sinh có thể vì một số lý do như nền tảng giáo dục phân chia giới, mắc kẹt trong quan điểm xã hội về cách nhìn nhận đàn ông lẫn phụ nữ, hay một số điều mang tính tâm linh hơn như lá số tử vi về chiều hướng nhạy lý trí hay cảm xúc,... Nhưng thực chất, lý trí và cảm xúc của đàn ông và phụ nữ đều chẳng thể có sự phân biệt rạch ròi như vậy nếu họ được đặt trong một môi trường không có sự dán mác. Chưa kể, những người phạm tội phần nhiều đến từ việc không thể kiểm soát cảm xúc đâu phải phụ nữ chiếm ưu thế?!!

Nếu sự phát triển giáo dục lấy nội lực làm trọng, cả đàn ông lẫn phụ nữ sẽ quan sát sự tồn tại đồng thời của cảm xúc lẫn lý trí ở trong mình đang bị kiềm nén hay đang bị nuông chiều. Nếu phụ nữ cho rằng mình cảm xúc, cô ấy sẽ hành xử cảm xúc và có khả năng nuông chiều cảm xúc. Đàn ông cho rằng mình lý trí, anh ta sẽ hành xử lý trí và lấy lý trí làm trọng. Cảm xúc và lý trí mạnh lên bởi niềm tin lẫn thực hành vô thức lẫn ý thức của mỗi người, chứ không phải là điều định sẵn. Hồi xưa, có một người bạn trò chuyện với tôi và dán mác rằng "phụ nữ các em thường cảm xúc", tôi đã suy nghĩ cẩn trọng về câu nói đó. Tôi đã nhìn vào bên trong mình, và thấy, bản thân có sự nhạy về cảm xúc, nhưng bên cạnh đó, lý trí vẫn song song tồn tại. Biết tách mình ra khỏi cảm xúc suy nghĩ, biết quan sát nó sẽ giúp ích cho ta rất nhiều trong việc không tự dán mác và không dán mác bất cứ ai một cách vô thức hay ý thức. Chính việc quan sát này giúp ta có được sự thông minh về mặt cảm xúc (EQ).

Vì thế, nếu ai đó hỏi rằng tôi có phải là người sống thiên về cảm xúc không, tôi sẽ trả lời: Như bạn, tôi cũng CÓ cảm xúc nhưng không phải là người sống thiên về cảm xúc. CÓ và thiên về là hai phạm trù khác nhau. Có thể trong một khoảnh khắc nhất định nào đó của ngày, của tháng của năm, tôi thiên về cảm xúc, nhưng nó sẽ thay đổi và luôn thay đổi. Thế nên, tôi không tự dán mác mình là người thiên về cảm xúc.
 

No comments:

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.