nhào nặn theo ý mình
Khi sinh con, ông bố bà mẹ nào cũng xem đứa con của mình là cả
thế giới, thế nhưng, cách họ yêu thương lại phạm phải một sai lầm lớn là từ
trong vô thức lẫn có ý thức, họ nhào nặn đứa con theo ý mình muốn. Điều đó làm
tôi liên tưởng đến những người chơi cây cảnh. Họ uốn cây theo sở thích của
mình, chứ không để cây phát triển một cách tự nhiên. Nhiều đứa con trong cuộc sống
này cũng đang phải chịu số phận như những cây cảnh kia. Họ bị nhào nặn, và thậm
chí, vì rơi vào hoàn cảnh này mà khi lớn lên, họ vô tình mang theo bản năng muốn
nhào nặn người khác theo ý riêng của mình.
Khi ta yêu một người nào, ta cũng vô tình phạm phải bản năng nhào nặn người ta yêu, với lý do là muốn tốt cho họ. Chẳng hạn, thấy người mình yêu dành thời gian cho những sở thích như vẽ vời, đàn hát… nhưng không kiếm ra tiền từ đó, bạn khuyên người yêu nên bỏ những sở thích này để lao vào việc kiếm tiền. Đây chẳng phải là tư duy nhào nặn người khác hay sao? Với một người có sự thấu hiểu, người đó sẽ chọn cách tìm hiểu và chia sẻ với sở thích của người mình yêu. Bởi đây là những sở thích tốt đẹp, dù không mang lại lợi nhuận tiền bạc, nhưng lại là phương tiện mang đến niềm hạnh phúc vô giá. Nếu không học cách tìm hiểu những lựa chọn của đối phương, không đào sâu vào những quyết định của họ, bạn đang chính là kẻ nới rộng khoảng cách giữa hai tâm hồn.
Mỗi cá nhân có một hành trình sống khác biệt nhau, có một giai đoạn tiến hóa nhận thức không như nhau, vì thế, việc lắng nghe và thấu hiểu nhau là điều vô cùng quan trọng để sợi dây gắn kết giữa hai đối tượng thêm bền chặt. Một lần nọ, trong cuộc trò chuyện tâm linh với nhóm bạn mới tại Quảng Bình, có một người phụ nữ là hiệu trưởng một trường mầm non mới chia sẻ rằng chị biết đến liệu pháp nhịn ăn thanh lọc một thời gian, chia sẻ với chồng mình rồi tự giác thử nghiệm trước. Song song đó, chị đọc một số cuốn sách về tâm linh nhằm đi sâu hơn vào thế giới tinh thần. Từ trước, chồng chị là một người không quan nhiều đến minh triết thiêng liêng trong đời sống, phần đa chỉ chú tâm làm ăn. Nhưng sinh hoạt cùng chị, thấy những thay đổi rõ rệt của chị cả về thân lẫn tâm, mà người chồng cũng tò mò về những cuốn sách mà chị đọc, và thực hành nhịn ăn cùng chị. Không ngờ, trong thời gian vợ chồng thực hành tâm linh, đằng nội và đằng ngoại biết, quan sát thấy những thay đổi bất ngờ, bèn lắng nghe và học hỏi. Nhiều người nghĩ rằng người phụ nữ ấy thật may mắn, nhưng tôi nghĩ, sự tinh tế và nhẫn nại của chị ấy là điều đáng khâm phục hơn cả. Bởi không phải ai cũng mau chóng chuyển hóa nhận thức trên con đường tâm linh, đặc biệt khi nhân duyên chưa chín muồi. Người phụ nữ này đã nỗ lực thực hành nghiêm túc để trở thành bằng chứng sống trước chồng, và dần dần chuyển hóa được hạt giống tâm linh bên trong chồng. Đấy là điều không phải ai cũng có thể làm được.
Trong đời sống vợ chồng, có người thức tỉnh tâm linh sớm, có người thức tỉnh tâm linh muộn. Nếu người thức tỉnh tâm linh sớm không có đủ lòng trắc ẩn để chia sẻ cùng, thì sợi dây gắn kết giữa hai tâm hồn sẽ dần rời rạc bởi nhận thức của họ bây giờ bỗng không còn đồng điệu nữa. Sự thật là chúng ta đã chứng kiến không ít cuộc đổ vỡ đến từ sự khác biệt nhận thức này. Thế nhưng, khác biệt tầng nhận thức không hẳn là lý do để chúng ta chia tay một người nào đó. Bằng sự nhẫn nại, chia sẻ và tự chuyển hóa mình tốt lên như người phụ nữ trên kia, chị ấy đã “cứu” gia đình lớn của mình. Chị ấy không thể ngay lập tức nhào nặn hay ép buộc người chồng rằng anh ta cũng phải nhịn ăn thanh lọc, cũng phải đọc sách tâm linh, chị ấy phải đi từng bước, chị ấy phải tốt lên thì người chồng mới được ảnh hưởng từ nguồn năng lượng này.
Sự nhào nặn nào cũng đến từ việc không đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu. Sự nhào nặn là sự bắt ép, thể hiện tâm ích kỷ, dù sự nhào nặn ấy xuất phát từ một nguyên do vô hại hay muốn người đó tốt đẹp lên. Nhưng tốt đẹp ấy đến từ định nghĩa của cá nhân bạn, và đúng hơn là về bản chất, bạn muốn điều tốt đẹp cho bạn, chứ chưa phải cho họ. Bạn cần chuyển hóa sự nhào nặn này bằng cách tiết giảm cái tôi để đi từ lắng nghe, thấu hiểu đến chia sẻ. Điều tốt nhất mà bạn có thể làm là tự mình sống tốt và hỗ trợ đối phương bằng những khả năng có thể.
No comments: