ngắm nhìn một dòng sông
Trước đại dịch Covid, tôi kịp du lịch một mình đến hòn đảo Bali - xứ sở Hindu giáo và cố đô Luang Prabang - vùng đất Phật giáo. So với những nơi khác ở Đông Nam Á mà tôi đã ghé qua, có lẽ, Bali và Luang Prabang khác biệt hơn cả bởi nguồn năng lượng tĩnh tại và thanh bình bao trùm lên vạn vật. Tâm hồn tôi như được tắm mát và thanh lọc trong quãng thời gian một tuần trải nghiệm.
Tôi đã dành gần hai tuần tại Lào, chỉ hai ngày ở thủ đô Viêng Chăn, bốn ngày tại Vang Viêng, và một tuần tròn tại Luang Prabang. Cuộc sống tại Luang Prabang khiến tôi như hóa thân thành một Phật tử. Những ngôi chùa ẩn mình giữa bao ngôi nhà dân cư, nhưng không hề bị trộn lẫn. Khuôn viên chùa rộng rãi và tràn ngập cây xanh, lối vào xinh xắn, kiến trúc trang nghiêm, những thầy tu mặc áo cà sa màu cam toát lên vẻ đẹp thanh tao và trí tuệ. Tôi không biết mình đã bước vào bao nhiêu ngôi chùa, và đi bộ bao nhiêu cây số mỗi ngày, những bước chân chậm rãi không mệt mỏi ở miền đất lành.
Tôi cũng chẳng rõ Luang Prabang rộng bao nhiêu, nhưng kể từ lúc đặt chân lên xứ sở này, tôi không nghĩ rằng việc thuê một phương tiện như xe máy hay xe đạp là hữu ích. Tôi đi bộ, như những lần tôi đã ghé thăm Kuala Lumpur (vùng đất Hồi giáo) và Manila (vùng đất Công giáo), để mọi giác quan có thể thấm chậm rãi linh hồn con người và văn hóa. Trên từng cung đường, lối đi bộ và lối đi xe tách biệt rõ ràng, những cây xanh tràn đầy sức sống, cỏ dại mọc um tùm từ những vết nứt trên bề mặt bê tông, tôi cứ lang thang như một vị hành giả cô độc nhưng tràn trề sinh lực. Tôi leo lên đỉnh Phousi ngắm mặt trời lặn, có đến gần một trăm con người đang ở đó để chờ khoảnh khắc linh thiêng trong ngày xảy đến. Và khi ánh mắt trời dần chuyển sang một khối đỏ rực và dần hạ xuống ở phía những ngọn núi trập trùng xa xăm, tôi cứ ngây người ra mà chiêm ngưỡng rồi không rõ trời đất xẩm tối tự lúc nào. Bước xuống đồi, lòng tôi nhẹ bẫng như thinh không. Ánh mặt trời đỏ rực ngự trị trong trái tim tôi như lời nhắc nhở về một đức tin tối cần thiết trong cuộc sống.
Trước đó, tôi gần như chưa bao giờ trải nghiệm khung cảnh khất thực của các vị thầy tu ngoài việc đã từng đọc về nó trong những cuốn sách như Siddhartha của Hermann Hesse. Nhưng đến Luang Prabang, tôi đã hoàn toàn xúc động trước nghi lễ này. Vào 5 giờ sáng, đoàn tì kheo khất thực nối đuôi nhau đi qua các con đường. Những người dân, già có trẻ có, ngồi bệt hoặc đứng ngay ngắn sát mép đường, cung kính chờ đợi. Trong tay họ là một thố cơm, xôi, bánh,... Họ bố thí cho từng nhà sư đi qua với lòng khiêm nhường lan tỏa. Trong Phật giáo, bố thí được xem là hạnh quan trọng nhất trong Phật pháp để nuôi dưỡng công đức. Tôi cứ thế theo chân đoàn khất thực, và khi đi qua một bà lão với thố xôi trong tay, bà và tôi mỉm cười chào nhau, bà đưa lên nắm xôi với ý muốn trao cho tôi, tôi cúi đầu, mở rộng khuôn miệng cười đáp lễ, cảm ơn. Cứ thế, cứ thế, cho đến khi ánh bình mình hé rạng cũng là lúc nghi lễ khất thực trong ngày kết thúc.
Mỗi ngày, tôi đều rảo bộ quanh dòng sông Nậm Khan, và từ dòng sông ghé đến ngôi chùa Wat Chomephet tọa lạc trên một đỉnh đồi cao nhìn ra vùng dân cư và sông núi trập trùng phía xa xăm. Ở đây, tôi trò chuyện bằng nụ cười và ngôn ngữ cơ thể khác với những sư nhí dễ thương, lòng như được gột sạch khỏi bụi quá khứ để thanh thản hoàn toàn trong giây phút hiện tại.
Hòa vào năng lượng tĩnh tại của dòng sông, dường như tôi cũng rơi vào một trạng thái định tâm như lúc đang tọa thiền. Nhờ trạng thái tịnh lặng này, bản thân có thể dễ dàng quán xét tâm hơn. Khi ấy, bạn và tôi sẽ thấu suốt dòng sông nội tại của chính mình, rằng trong sự thanh bình có sự gào thét, trong niềm hy vọng có kỳ vọng, trong hạnh phúc ẩn tàng khổ đau, trong khó chịu ngứa ngáy của tâm thì tâm cũng đang đi trên hành trình tự chữa lành chính bản thân nó. Khi quan sát một dòng sông, ta thấy phía xa những khúc sông hiền hòa là những khúc sông với dòng xoáy mạnh, bề mặt của sông sạch trong nhưng ai biết rằng sâu trong đó là bùn lầy. Nhưng bạn tôi ơi, dòng sông chưa bao giờ chán ghét những gì thuộc về nó. Dòng sông dung chứa tất cả nhưng cũng vượt lên tất cả bởi sự bao dung đầy thấu biết của nó. Dòng sông sẽ về nguồn nhập một với biển cả. Dòng sông là biển cả tương lai, như tiểu ngã đang trên hành trình về đại ngã, và con người hiện tại cũng là một vị Phật tương lai...
Và thế, khi quan sát một dòng sông, tôi quan sát thấy một bức tranh rộng lớn hơn của dòng sông đó. Hình hài có ý nghĩa gì nữa đâu. Nước sông có ý nghĩa gì nữa đâu. Mà ta thấu suốt nội tại dòng sông cũng như nội tại của con người ta vậy. Dòng sông luôn vận động, như chính ta luôn vận động. Dòng sông luôn thay đổi, như chính ta mãi mãi đổi thay. Dòng sông về nguồn, như ta cũng đang về nguồn. Dòng sông không vô tri vô giác, nếu ta quán mình vào chính dòng sông ấy mà thấu suốt linh hồn nó cũng có thể từng là linh hồn một con người, một vị thánh, một vị Phật, một con chiên ngoan đạo,... Nếu ta kiên nhẫn mà quán xét tâm mình như vậy, nếu ta có đủ một đức tin, thì làm sao mà ta lỡ đối xử tệ bạc với một dòng sông hay bất cứ một sự vật nào xung quanh mình...
Trên dòng sông Nậm Khan này, có một cây cầu tre bắc qua, không biết tự bao giờ, nhưng đã tiếp đón biết bao linh hồn từ bến bờ này sang bến bờ kia, không chỉ con người, mà có thể là những đàn kiến, con mèo, con chó,... Nó đã giao tiếp và hỗ trợ chúng sinh trong thinh lặng giữa bao nắng mưa, nhưng nó chẳng hề đòi hỏi một điều gì. Khi được sinh ra và được nhận biết về sứ mệnh, nó bỗng trở nên khiêm nhường một cách tự nhiên. Nó không than thở, như dòng sông cũng chẳng bao giờ than thở. Khi nhận biết sứ mệnh, dòng sông và cây cầu chẳng tìm kiếm nữa. Chúng phục vụ cho những điều tốt đẹp. Chúng tận hưởng và đối diện với những gì xảy đến, bởi chúng biết mình chẳng thể chạy trốn đến bất cứ một nơi nào. Khi thời gian trôi đi, sự đổi thay hay tan rã bắt đầu xuất hiện, nhưng linh hồn của chúng chẳng bao giờ quên rằng chúng cũng từng trong hình hài của một dòng sông hay một cây cầu...
Bức họa: Câu chuyện dòng sông, bột màu trên giấy, Trang Ps
No comments: