bài học về thiền

2:29:00 PM
Trong cuộc sống, chúng ta có thể đã trải nghiệm thiền nhiều lần, chỉ là ta không biết. Vì khái niệm thiền đến sau trải nghiệm thiền, và phần lớn trạng thái thiền mà ta đã từng trải nghiệm hòa lẫn vào sinh hoạt cuộc sống thường ngày, nên ta dường như khó nắm bắt chúng một cách dễ dàng và rõ ràng như khi ta ngồi xuống thực hành thiền theo hướng dẫn của nhà Phật. Nhưng cuối cùng, thực hành thiền nào cũng vậy, không mang con người tách rời khỏi cuộc sống, mà để hòa nhập vào cuộc sống trong trạng thái không còn vô minh. 

Lựa chọn ngồi thiền một quãng thời gian nhất định trong ngày là cách tốt nhất giúp ta soi rõ thân tâm mình, điều mà khi sinh hoạt và làm việc sẽ khó lòng quan sát một cách trọn vẹn. Nhưng tốt hơn cả là vừa ngồi thiền vừa thực hành chánh niệm trong lúc đang làm những việc khác, điều đó giúp tạo ra thói quen hữu hiệu để mỗi ngày ta đi sâu hơn vào bản chất của tâm, thấu triệt những vận động của nó, từ đó thoát khỏi những phiền não xuất phát từ sự vô minh. 

Nền tảng gia đình tôi không tôn giáo, và xung quanh nhà không có chùa chiền, vì thế, bản thân không có cơ hội tiếp cận khái niệm thiền từ sớm. Cho đến khi lên năm nhất Đại học, từ một quyết định ngẫu hứng "lên chùa đi du lịch'', tôi đã bén duyên với giáo lý nhà Phật tại Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử - Quảng Ninh. Trong vài ngày ở lại, tôi được một sư cô hướng dẫn ngồi thiền lúc 8g30 vào mỗi tối và 4g30 mỗi sáng. Trước khi thiền và sau khi thiền, cô kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện, từ việc vì sao cô chọn đi tu, những người vào đây thường vì nguyên do đau khổ ra sao,... Trí nhớ của tôi không đủ tốt để nhớ tất cả nhưng tôi tin toàn bộ câu chuyện ấy đã hằn sau trong tiềm thức và ở yên đó như một dấu hiệu cho sự tu tập về sau. Những ngày ấy, có một nguồn năng lượng tĩnh lặng và an lành bao phủ lấy thân tâm tôi, không một sự chống đối, không một biểu lộ khó chịu, tôi hòa nhập vào bầu không khí thanh tịnh của thiền viện và biết ơn sư cô đã dành thời gian quý báu ngồi một - một cùng tôi và khai sáng cho tôi nhiều điều liêng thiêng và kỳ bí trong cuộc sống.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đã 5 năm trôi qua kể từ ngày ấy, nhưng mỗi lần nhớ lại khoảnh khắc ngồi yên cùng sư cô trong chùa, dạo quanh thiền viện vào mỗi sáng mai và mỗi hoàng hôn đẹp thơ mộng giữa vùng núi đồi thâm nghiêm, tôi tin rằng nhận thức của bản thân được hình thành và đi sâu thông qua một chuỗi sự kiện - nhân duyên được dẫn dắt bởi một linh hồn cao hơn ẩn sâu bên trong mình. Khi nỗi đau lẩn khuất trong hạnh phúc, và giáng một đòn mạnh vào tâm ở thời điểm mà lý trí lẫn con tim không hề dự tính trước hoặc thậm chí đang tràn trề hy vọng, thì dường như cũng là sự sắp xếp có chủ đích sẵn để bản thân từ nỗi đau mà lột xác hay đạt một sức mạnh nội tại lớn lao hơn. 

Sau khi học thiền ở chùa Lân, và mãi đến nửa cuối năm 2020, tôi gần như không ngồi xuống và thực hành thiền. Tôi cho rằng việc tự trải nghiệm nhằm có thêm kinh nghiệm sống, cùng việc đọc hiểu các giáo lý Phật giáo căn bản như Tứ Diệu Đế (chân lý về khổ), các quy luật vũ trụ bất biến (luật nhân quả, luật luân hồi, luật hấp dẫn,...),... là vô cùng quan trọng để có một cái hiểu/ thái độ đúng đắn trước khi hành thiền. Mỗi người sẽ có một cách học hỏi khác nhau, và có những người trong cả cuộc đời không cần hành thiền, vẫn có thể đạt cuộc sống bình an, điều đó cho thấy nhân duyên lẫn nhận thức của mỗi người là khác biệt. Một ý tưởng sống không thể áp dụng cho tất cả, vì ý tưởng sống không phải là bản chất cuộc sống, mà chỉ là một cách để thông qua việc thực hành nó, ta có thể chứng nghiệm bản chất. 

Tính tâm linh sẵn bên trong cho tôi cơ hội thấy những thực tại khác vẫn đang diễn ra song song với cuộc sống của con người trên trái đất. Thực tại ấy rõ ràng và vẫn đang quan sát chúng ta. Trải nghiệm này diễn ra khi tôi 20 tuổi, sau đó một năm và đến giờ, giá sách của tôi gần như về triết học - tâm linh. Nhờ có trải nghiệm kia, mà khi đọc các cuốn sách về huyền học, triết học, tâm linh, tôi hiếm khi thấy những câu chuyện viết trong đó là khó tin. Tôi cảm nhận sự gắn kết đặc biệt với triết học Ấn Độ, Ai Cập và Hy Lạp cổ đại. Nhờ đọc những tri thức bí truyền, biết đâu, bạn và tôi có cơ hội khai thác phần ẩn trong lịch sử (tức những gì mà chúng ta đã trải qua trong vô lượng kiếp), cộng thêm chìa khóa hiện tại, lẫn linh cảm và sự xác nhận,... góp phần giúp ta thấu rõ dần dần trong thinh lặng. 

Bằng việc thực hành phương pháp thiền Đại Thủ Ấn, một trong những giáo pháp quan trọng của Kim Cương Thừa, tôi bắt đầu tinh nhạy về mặt cảm xúc lẫn suy nghĩ. Bài thiền tập trung vào sự ra vào hơi thở này đặc biệt quan trọng để đào thải chất độc thân tâm, một vài biểu lộ tích cực rõ rệt xuất hiện với tôi là khí huyết lưu thông, luân xa tim dần mở sau quãng thời gian bị đóng, không còn cảm giác thiếu ngủ, không còn nhiều giấc ngủ mộng mị. 

Tôi nhớ trải nghiệm giấc ngủ kinh khủng nhất xảy đến khi tôi lên lớp 12, điều mà trước đó chưa từng xuất hiện. Có lẽ vì áp lực học tập và có một hệ thống hô hấp lẫn tim khá yếu từ trước, nên tôi thường bị bóng đè suốt một thời gian khá dài, từ lớp 12 lên đại học, và cho đến một thời gian sau đó, đặc biệt vào lúc ngủ trưa. Trải nghiệm này dẫn đến việc đã có lúc tôi rất sợ ngủ trưa, vì khi rơi vào giấc ngủ, bóng đè lại xuất hiện. Nhưng lành thay, kể từ khi thực hành phương pháp thiền Đại Thủ Ấn, bóng đè đã biến mất. Tôi đã thử ngủ trưa nhưng không còn trải nghiệm điều kinh khủng ấy. Và thậm chí, kể từ khi hành thiền, tôi không còn muốn ngủ trưa, buổi tối, tôi có thêm nhiều sinh lực để học tập và làm việc. Quả là một điều hết sức kỳ diệu!

Chủ nghĩa vật chất khiến con người lướt vội sự sống một cách bề mặt mà bỏ xa rất xa chiều sâu vô cùng của nó. Chính việc tôn sùng vật chất kéo dài mà nền tảng triết học bí truyền gần như bị thất lạc hoặc ít được đón nhận và tiếp cận. Còn tâm linh hôm nay thì bị bẻ cong cả về chiều sâu lẫn chiều rộng, về hình tướng lẫn bản chất, về cách tiếp cận lẫn cách thực hành,... để từ đó, không ít người, thậm chí cả giới tri thức, đã có cái nhìn giễu cợt trước vấn nạn này. Người vô minh thì dễ mê tín dị đoan, còn người có cái nhìn cực đoan thì đôi khi lại nói không với tâm linh, chứ không thực sự tìm hiểu nền tảng triết học tâm linh nguyên bản. 

Thông qua những trải nghiệm thiền mà bản thân đã thực hành, phải khẳng định rằng nền tảng tri thức cổ xưa dường như vẫn luôn mở toang đón nhận những người thật sự muốn trở về ngôi nhà tinh thần.

 

No comments:

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.