tôn giáo
Bạn nghiên cứu triết học nào?
Lên đại học, tôi tỏ ra không mặn mà gì với triết học, vì lúc đó, triết học chỉ gói gọn ở Mác Lê nin. Những trình bày lẫn học thuyết trong đó không chạm được vào khả năng hiểu của tôi, vì thế, trong một thời gian ngắn ở độ tuổi 18 đến 19, tôi không nghĩ mình đang nghiên cứu một triết học nào.
Ngay cả bây giờ, tôi vẫn cho rằng mình không thực sự nghiên cứu một triết học nào, ngoài nghiên cứu tâm mình. Tôi cho rằng tâm mình là một vấn đề lớn để nghiên cứu. Trong quá trình nghiên cứu tâm mình, tôi thấy triết học Phật giáo vừa gần gũi vừa khiến mình cảm thấy đây là cây cầu để đi sâu hơn vào tâm. Tôi vẫn nghiên cứu tâm, nhưng thông qua triết học Phật giáo.
Tôi đã đọc một vài tư tưởng của Henry David Thoreau, Plato, Socrates, Diogenes,... Nhưng tôi không nghĩ rằng mình đủ duyên với những triết học của những nhân vật như thế này. Tôi hướng đến việc đọc nguyên lý căn bản của các tôn giáo, và trong đó, tôi cho rằng Phật giáo đang là một đề tài vô cùng quan trọng với bản thân hiện tại. Phật giáo cũng là một triết học khó. Vì nó không thể dùng cái đầu để hiểu, mà bắt buộc phải qua thực hành. Vì thế, tôi cho rằng Phật giáo là thể loại triết học làm tôi hứng thú hơn cả. Mối nhân duyên giữa tôi và những lời Phật giảng là rất sâu sắc. Tôi nương theo bên trong mình mà đi.
Một số cuốn sách Phật giáo căn bản mà tôi đang tìm hiểu như Tứ Diệu Đế, Tạng thư sống chết, Kinh Diệu pháp liên hoa,.. cùng đó là một số tài liệu được các thiền sư uy tín trên thế giới trình bày như Ajah Chan, Goenka, Dalai Lama 14,... Trong đó, tôi đồng điệu với Ajah Chan với trí tuệ, lòng từ bi và sự khiêm nhường của thầy trước tất cả mọi điều.
Bên cạnh đó, tôi có tìm hiểu về Ấn độ giáo thông qua một số cuốn sách như Sự sống bắt nguồn từ sự sống, Học thuyết kinh Veda... Tất cả những học thuyết này giúp tôi đi đến thế giới tinh thần và dần buông bỏ thế giới vật chất, dù tôi biết rằng con đường ấy là rất rất khó.
Bạn nói rằng sự có mặt của tôn giáo rất quan trọng?
Để nói được tầm quan trọng của tôn giáo thì trước hết ta cần phải hiểu rằng tôn giáo vượt ra khỏi các nghi lễ, mà là các nguyên lý của nó, đặc biệt là nguyên lý bài giảng để giúp chúng ta hướng thiện, hướng đến từ bi bác ái, trí tuệ, yêu thương. Khi bạn hiểu được điều này, bạn sẽ thấy rằng tôn giáo không chỉ quan trọng mà nó là một nhu cầu rất cần thiết trong xã hội. Tôn giáo không hề có tội lỗi, mà là sự đọc hiểu sai cùng nhận thức lầm lỗi của một bộ phận loài người đẫn đến những mâu thuẫn và chiến tranh vô cùng nguy hại.
Chúng ta có các tôn giáo dạy ta về yêu thương mà vẫn có chiến tranh, vẫn có đổ máu, vậy không có tôn giáo, thế giới này sẽ đi về đâu?
Bạn nên hiểu rằng tôn giáo không đơn thuần là một tổ chức, mà đó là một linh hồn của yêu thương bác ái trí tuệ bao trùm lấy xã hội loài người. Không có tôn giáo dạy ta về tình yêu, phần con trong con người sẽ luôn chiếm đoạt lấy linh hồn họ, phần cái tôi vô cùng khủng khiếp sẽ đưa quyền lực lẫn tham vọng mà điều khiển thế giới này. Vì thế, nếu bạn vẫn cho rằng tôn giáo không quan trọng, thì bạn phải đặc biệt nghĩ ngợi thật kỹ. Vì sự vận hành của tôn giáo hướng con người về tinh thần, luôn là về tinh thần, nó làm quân bình phần cái tôi, cái phần con bên trong con người là hướng về vật chất.
Bạn thử nghĩ xem, các cuộc chiến tranh trên thế giới này chẳng phải là để phục vụ cho quyền lợi, tham vọng, cái tôi, phục vụ cho một thế giới vật chất hay sao.
Nhưng con người về bản chất không phải là vật chất, không phải thể xác, mà là cái linh hồn bên trong. Từ Ấn độ giáo, Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo... đều công nhận điều này. Và trải nghiệm của biết bao con người cũng công nhận điều này. Thế giới chúng ta sống quá nhỏ bé so với vũ trụ, nhưng cái tôi của con người có thể khủng khiếp bằng cả một thế giới này.
No comments: