lối sống thời dịch

10:51:00 AM
Dịch bệnh, thành phố giãn cách, ngay cả công viên gần nhà cũng đóng cửa, đường Đề Thám (vốn là nơi mà tôi thường đến để ghé siêu thị mua đồ) nay cũng đã bị phong tỏa. Vậy là hơn một tháng nay, tôi gần như không ra khỏi nhà, nhu cầu đi đây đi đó cũng gần như biến mất. Không phải đại dịch khiến mình trở nên ù lỳ, mà dường như, tình trạng giãn cách từ thời dịch bắt đầu từ năm 2020 đến giờ giúp tôi nhận ra ẩn dật một mình trong gian phòng bé nhỏ không hề đáng sợ với bản thân đến thế, thậm chí tôi còn cảm thấy sự cô đơn ấy nhiều phần thoải mái và dễ chịu. 

Thi thoảng, vào buổi sáng, tôi dạo bộ ghé tiệm bánh mì và trở về mua một tách cà phê ở dưới lầu trệt, rồi lên phòng ăn sáng, nghe nhạc, đọc sách, viết lách... Dạo gần đây, tôi cùng mấy chị em thức dậy vào 5h30 sáng để thực hành thiền. Việc sử dụng thời gian trong một ngày được tối ưu hóa. Ngoảnh lại, đã 28 ngày kể từ khi thành phố ban lệnh giãn cách xã hội, thời gian trôi đi thật nhanh. Nửa năm 2021 đã qua rồi đấy! Có sự chảy trôi nào đáng kinh ngạc như thời gian? Có vô thường nào mạnh mẽ bằng khoảnh khắc ta ngoái đầu nhìn lại quá khứ và quán xét thực tại của chính mình? 

Trong 28 ngày qua, tôi nghĩ mình cũng đã làm được một số việc cho sự phát triển nhận thức cá nhân. Những thứ đã qua, và những thứ đang diễn ra đây, tôi luôn học cách hài lòng và biết đủ. Bởi nếu không hài lòng với những gì mình đã và đang có thì có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ hài lòng nổi với những thứ mình sẽ có. Hài lòng cũng là một biểu hiện của chấp nhận bản thân và biết buông khỏi những gì đã từng và buông dần với những gì đang là để biết đón nhận trọn vẹn với những gì đang-sẽ là. Trong cái khoảnh khắc ta nắm bắt thực tại thì ta cũng đang thực sự buông dần nó. Giống như lời chào và tạm biệt, tuy hai mà một, cho đến thời điểm nào đó, tâm thức ta chẳng còn phân chia chúng...

Tôi đã di chuyển rất nhiều trong những năm nay. Ở độ tuổi 18 đổ đi và nếu đại dịch không diễn ra, tôi nghĩ cuộc sống du mục luôn phù hợp với chính mình. Thế nhưng, những chuyển biến cuộc sống dẫn đến những chuyển biến mạnh mẽ về nội tâm, tôi nhận ra rằng nhu cầu đi đây đi đó chẳng bao giờ bức thiết nữa. Tôi vẫn giữ cho mình niềm vui tận hưởng cuộc sống thông qua việc dịch chuyển, nhưng không hề xem đó là chất gây nghiện để bám víu và mê say. Tôi tin rằng mình có thể ngồi trong phòng một mình và đi đâu đó bằng tất cả nỗi cô đơn hài lòng của bản thân và thầm tạ ơn Thượng Đế đã mang đến cho tôi món quà là khả năng tuyệt vời ấy. Tôi tin rằng chỉ khi sẵn sàng một mình đối diện với chính mình, thì những vết thương nội tâm (sâu thăm thẳm của con người) mới được chữa lành một cách triệt để. Có cái dựa nào mà vi diệu bằng dựa vào chính mình đâu? 

Đối diện chân thành với nỗi đau cả về thân lẫn tâm, con người mới thực sự bộc lộ bản năng sáng tạo và bản năng tự chữa lành của mình một cách triệt để nhất. Tôi nhớ hồi nhỏ xíu ở quê, đau ốm gì, tôi đều dựa dẫm vào mẹ. Mẹ là tất cả. Đau bụng, mẹ nấu cháo và mua thuốc cho uống. Cảm lạnh, tôi lập tức tìm mẹ làm nũng. Thậm chí, có lúc còn ước mình bị ốm để được mẹ chăm, dường như đứa con nào cũng nghiện tình yêu bao la của người mẹ dịu hiền. Thế nhưng, khi lớn lên, và sống xa nhà, tôi bắt đầu nhận ra những tổn thương và nỗi đau của cha mẹ thông qua những tổn thương và nỗi đau của chính mình. Đó cũng chính là lúc tôi không bao giờ để bản thân trở thành gánh nặng của bậc sinh thành. 

Một lần, tôi đọc được bài viết của cư sĩ Minh Đạt kể câu chuyện chim đại bàng dạy con về nỗi đau là hiện thực sự sống. Trước khi sinh, đại bàng mẹ xây tổ bằng những lọn cỏ mềm nằm trên và gai nhọn nằm dưới. Khi lọt lòng, đại bàng con được mẹ mớm từng miếng ngon lành trong chiếc tổ ấm áp. Nhưng khi đủ lớn, đại bàng con bị mẹ ném ra khỏi tổ để tập bay, những con non sợ hãi nhảy lại vào tổ, rồi bị những chiếc gai nhọn đâm tóe máu. Chúng loạng choạng nhảy ra và ngơ ngác nhìn mẹ. Đại bàng mẹ cứng rắn đẩy chúng khỏi vách đá, đại bàng con từ không trung rớt xuống vực thẳm. Cứ liên tục như thế cho đến khi đàn con vỗ cánh bay lên. Phải đủ đau đớn, đại bàng con mới có đủ sức mạnh để cưỡi lên những giông bão. Đọc câu chuyện đó, tôi cảm động, vì cách dạy con của đại bàng thật giống với cách dạy con của Cha Mẹ tôi, rằng Cha Mẹ luôn có mặt lúc con thực sự cần, chứ không phải lúc con có thể tự thân vận động.

Đại dịch hướng con người trên trái đất về những trạng thái chung cả về thân xác lẫn tâm hồn, là nỗi đau, sự bất an và cả mất mát. Và cạnh bên những điều gây tổn thương to lớn ấy, chúng ta có cơ hội quay về bên trong mình nhiều nhất có thể. Khác với trước đây, điều kiện cho phép chúng ta tung tăng khắp nơi, thì giờ này, không gian lộn ngược vào bên trong. Đó là không gian tâm hồn, thế giới mà chúng ta từng bỏ quên để chạy theo những tất bật bên ngoài hoặc dựa vào tất bật bên ngoài để lảng tránh nội tại. Nhưng trong đại dịch, không còn cách nào khác, là ta phải đối diện với chính mình, những bức bối, tù túng, cô đơn, tham sân si nổi lên, nhưng đồng thời, theo thời gian, ta tập quen dần cho đến một lúc, ta bất giác nhận ra thiên hướng hướng nội của mỗi người là sẵn có. Và trong sự hướng nội ấy, trạng thái an tĩnh bỗng xuất hiện khiến nỗi cô đơn lúc này mới thật dễ chịu và nên thơ. Chỉ khi không chống đối cô đơn, ta mới có thể tìm về trạng thái tịch tịnh đó. 

Tôi thấy lối sống của mình không có nhiều biến đổi, cả kể trước và sau khi giãn cách, vẫn một mình và tận hưởng những khoảnh khắc ngồi yên, lặng lẽ ở bất cứ đâu, trong phòng, công viên, giữa thành phố chật chội, trong rừng sâu thăm thẳm hay trước biển khơi vô tận. Tôi luôn thích những lúc mình dạo bộ, ở bất cứ nơi nào, sân thượng, trong nhà, ban công hay một không gian địa lý nào đó rộng lớn hơn. Có thú vui nào tao nhã và lãng mạn như đi bộ! Được đặt bàn chân trần lên sàn nhà, cảm nhận hơi mát rượi dưới lòng bàn chân, sự vững chãi của đôi chân và cơ thể, nhịp đập con tim, hơi thở,... tất cả như phá tan định nghĩa thời gian và chiều kích vật lý để linh hồn hòa lẫn vào một không gian nào đó vô hình, vô tận, không đầu, không cuối,... Mọi cảm thọ diễn ra nhưng được cất sang một bên như thể chúng chẳng bao giờ có thể làm vướng bận mình thêm một lần nào nữa. Tôi nhớ những cuộc hẹn cà phê hay gặp gỡ bạn bè, chúng tôi thường dạo bộ trên con đường đầy lá khô và nhìn ngắm thị thành trong tâm hồn riêng tư của mỗi đứa. Chúng tôi kết nối với nhau có lúc bằng sự thinh lặng, và có khi là những câu chuyện tương đối vu vơ. Nhưng bước đi ấy cũng đủ xoa dịu tâm hồn. Tôi nhớ những ngày dạo bộ cùng bạn trong công viên thành phố, nói chẳng dứt, lắng nghe chẳng buồn, những tâm hồn đôi khi gặp gỡ và đồng điệu với nhau đến thế, nhưng nếu chẳng còn cạnh bên nữa, tâm hồn ta vốn đủ rộng lớn và bao dung để không bao giờ rơi vào trạng huống cô độc.

Ngồi yên là một thực hành có lẽ thật cần thiết với tất cả mọi người, đặc biệt là quãng thời gian ngồi yên mà chẳng laptop, điện thoại hay internet... Ở nhà mùa dịch, để làm được điều đó càng khó khăn nhiều hơn. Chúng ta dễ theo quán tính mà ôm lấy chiếc smartphone, tâm trí lại thêm cơ hội vọng động. Tôi đang bắt nhịp với những khoảnh khắc "không làm gì", để đọc tâm và hiểu tâm mình thật cặn kẽ. Và khi thực hành, tôi nhận ra một điều rằng để không làm gì là một điều khó khăn, và khó hơn nhiều so với việc bận rộn làm một điều gì đó. Bằng cách thực tập ngồi yên, tôi học rất nhiều về lòng kiên nhẫn, bởi thân tâm ta cứ luôn ưa thích được "múa máy". Ngồi yên giúp tôi có đủ kiên định để nhìn thấy những vận động vội vã bên trong mình. Tất cả mọi thứ đều vận động, chẳng có gì thực sự đứng yên, nhưng nếu không quan sát những vận động ấy thì có lẽ, chúng ta sẽ dễ bị dẫn dắt bởi chúng, dễ bị kích động, dễ phán xét, dễ chiều chuộng cái tôi và cảm xúc,... rồi tất cả sẽ dẫn đến việc ta tự làm tổn thương mình và người xung quanh. Nếu không ngồi yên mà quan sát tất cả những vận động ấy, chúng sẽ càng hối hả và ngông cuồng hơn, từ đó tạo nên những phản ứng thân tâm mà đôi lúc ta không kịp kiểm soát để rồi hối tiếc mỗi lần nhìn lại. Nếu ta học đủ bài học về lòng kiên nhẫn này, ta như hình thành cho riêng mình một lớp màng bảo vệ linh hồn khỏi những cảm xúc, suy nghĩ lẫn hành động vốn bản năng. 

Nếu không thể tập trung ngồi một mình, bạn có thể thực hành ngồi yên thư giãn thân tâm thật sâu theo lời dẫn đọc trong clip "Powerful Guided Meditation". Với âm nhạc có tần số giúp thả lỏng hoàn toàn cơ thể và tâm trí, cùng giọng đọc nữ chậm rãi, ấm áp và nhẹ nhàng, bạn chỉ cần tìm một chỗ ngồi thật vững chãi và lắng nghe để kết nối thật sâu vào bên trong và giúp chữa lành những tổn thương hiện có. Như ai đó đã từng nói một khoảnh khắc có thể thay đổi một ngày, một ngày có thể thay đổi một đời, và một cuộc đời có thể thay đổi cả thế giới. Mỗi ngày, chỉ cần ngồi yên khoảng 15 đến 30 phút như vậy, chắc chắn cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi tích cực rõ thấy. Chỉ khi nguồn năng lượng trong ta được thanh lọc, ta mới có thể lan tỏa sự an lành trọn vẹn đến những người xung quanh. 




No comments:

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.