điều học được từ kinh thánh

11:26:00 AM
Sau khi tìm hiểu những điều căn bản trong Kinh Phật, Ấn Độ giáo,... tôi mới bắt đầu đọc Kinh Thánh song song. Có thể nói, nhờ tìm hiểu nguyên lý căn bản của các tôn giáo khác mà khi tiếp cận Kinh Thánh, bản thân thấy sự giao thoa gần gũi giữa các tôn giáo, và rằng, các tôn giáo không mâu thuẫn nhau mà chỉ là diễn giải chân lý qua những câu chuyện khác biệt. Điều đó đòi hỏi bản thân phải vượt qua được sự phân tích từ cái đầu để đi về phía trái tim. Chỉ bằng trái tim rộng mở không phán xét, chúng ta mới có thể đến gần hơn với những chân lý được thể hiện qua các cuốn Kinh, đặc biệt trong thời đại mà người ta hết mực tôn vinh cái đầu (sự thông minh hay khoa học...).

Nền tảng gia đình tôi không tôn giáo, nhưng bản thân tôi không phải một người vô thần. Tôi vẫn tin rằng nếu không có tôn giáo thì cả thế giới này sẽ rơi vào hỗn loạn. Bởi như bạn thấy, chúng ta có các tôn giáo dạy ta về yêu thương mà vẫn tồn tại các cuộc chiến tranh loạn lạc thì nếu không có tôn giáo, trái đất này sẽ như thế nào, loài người sẽ đi về đâu. Ngẫm lại rất kỹ, tôi cho rằng sự xuất hiện của tôn giáo là vô cùng quan trọng. Nhưng điều đáng tiếc là có lẽ, con người tiếp cận tôn giáo với cái đầu nhiều hơn, hoặc nỗi sợ hãi, hoặc bằng cái tôi, vì thế, mà gây nên những niềm tin sai lầm và cực đoan. 

Ở Việt Nam, phần lớn con người không theo tôn giáo, nhưng tôi tin họ có một tôn giáo nhất định cho riêng mình, trong trái tim mình.

Dù chưa thực sự hoàn thành Kinh Thánh, nhưng dưới đây, là một số điều bản thân đã học được, và bằng cách này, chúng ta có thể tiếp cận Kinh Thánh một cách cởi mở hơn.

1/ Đức Chúa Trời tượng trung cho chân lý. Giống như trong Ấn Độ Giáo, người ta coi Krishna là Đấng tối cao, và Đấng tối cao ấy ta có thể hiểu là chân lý. Cũng giống như trong Phật giáo, các chân lý được Đức Phật giảng giải cho chúng sinh thời còn tại thế, chân lý về đau khổ, các quy luật bất biến như vô thường, nhân quả, hấp dẫn, cho nhận, luân hồi,... Hay trong đạo Hồi là Muhammad, người truyền giảng chân lý (hay còn gọi là ngôn sứ mà Thượng Đế cử đi rao giảng)

2/ Xuyên suốt Kinh Thánh, ta thấy rằng có một Đấng Chúa Trời cao hơn tất thảy con người, và những người được chọn như Mose phải rạp mình sùng kính. Điều đó muốn ám chỉ rằng con người phải hạ thấp cái tôi của mình xuống. Rằng con người chỉ như một hạt cát vô cùng vô cùng bé nhỏ trong vũ trụ bao la. Sự sùng kính mà Mose hay cư dân của ông dành cho Đức Chúa Trời không nên hiểu là sự sợ hãi với một con người nào đó là sự khiêm tốn chân thành trước chân lý vũ trụ. Chúng ta quá nhỏ bé và chúng ta luôn là học trò. Cũng tương tự trong đạo Phật, có người từng hỏi thiền sư Ajahn Chah rằng tại sao người ta phải quỳ lạy, ngài trả lời rằng: "Hãy vái lạy một cách tôn kính và đầy tình thương. Khi trở về cốc liêu một mình, hãy để mọi thứ xuống và việc trước tiên là nằm dài ra lạy. Muốn đi ra ngoài để quét dọn, hãy nằm dài ra lạy trước. Lúc quét dọn xong trở vào, lại tiếp tục lạy nữa. Vào nhà vệ sinh, phải vái lạy trước. Và vái lạy trước khi trở về phòng. Lễ lạy rất quan trọng. Đó là cách chữa bệnh kiêu ngạo và ngã mạn." Điều ngài nói, hay đọc sự sùng kính của con dân của Chúa làm tôi cảm thấy đồng điệu, bởi bạn và tôi, trong quá trình quan sát tâm mình đều sẽ nhận ra một sự thật rằng cái tôi của con người thật sự khổng lồ. Dường như mọi hoạt động suy nghĩ thái độ trong ngày của chúng ta đều bị nó chi phối, và chi phối đến nỗi khiến ta đau khổ. Cái tôi khiến chúng ta mãi mắc kẹt trong lập trình nhị nguyên, luôn cồn cào mâu thuẫn như ta bị lạc vào mê cung sâu thẳm tăm tối vậy. 

3/ Trong sách thứ hai của Mose, ta thấy Đức Chúa Trời chỉ cho ông cách dựng đền tạm rất cụ thể, rất chi tiết, và từ đó có những người thợ đã chung tay dựng đền tạm này. Điều đó để chúng ta thấy rằng mọi sáng tạo mà con người làm ra đều có tính tương đối chứ không phải nguyên bản. Những thứ chúng ta tạo ra thực chất đều được chỉ dẫn, được thông qua một linh hồn được dẫn dắt bởi lực lượng tối cao. Điều đó có thể khiến bạn cảm thấy khó hiểu. Nhưng hãy nắm bắt một cách dễ hiểu như thế này: chẳng hạn bạn là một kiến trúc sư, bạn tạo ra cái ghế, nhưng bạn không tự dưng mà tạo ra được cái ghế đó, bạn phải học, chất liệu bạn lấy là tự tự nhiên, bạn không hề tạo ra được gỗ. Vậy sáng tạo của bạn không thể nói là đầu tiên và nguyên bản được. Điều đó cũng nhấn mạnh rằng con người mỗi ngày phải thật sự khiêm tốn trước chân lý. Bởi sự sáng tạo tuyệt đối, con người không thể tạo ra được.

4/ Cũng ý trên, khi Đức Chúa Trời bảo con dân của Mose dựng đền trạm, đó là một cách để thể hiện sự sùng kính với Chúa, một ngôn ngữ để trò chuyện với Chúa (chân lý), một nơi để họ củng cố niềm tin, nuôi dưỡng tình yêu thương (như bây giờ, con người đến nhà thờ Thiên chúa giáo cầu nguyện). Bạn sẽ thấy rằng trong bất cứ một đạo nào từ Hindu, Phật giáo, Đạo Cao Đài,... đều có ngôn ngữ trò chuyện riêng để chạm vào chân lý, để nuôi dưỡng bộ rễ của tâm hồn mình. Và để ý thấy, Đức Chúa Trời nói rất chi tiết về cách dựng đền trạm từ chọn vật liệu ra sao, dựng như thế nào,... Điều này làm tôi liên tưởng đến cách mà người Tây Tạng làm tranh Mandala từ nguyên liệu đất, và triết lý đằng sau đó. Tôi đã xem video các sư làm tranh này, và cả cuộc đời, họ luyện tâm mình từ việc làm tranh Mandala không sai một ly nhằm thể hiện sự sùng kính và ứng tâm mình vào chân lý vũ trụ. 

5/ Tương tự, Đức chúa trời bảo con dân Mose dùng chế dầu thánh để xức, và hương thanh sạch bằng các hương liệu theo người thợ chế hương. Điều này cũng giống với các tôn giáo như Phật giáo và Ấn Độ giáo, trong vũ trụ, luôn có nhưng năng lượng linh thiêng được thể hiện qua các vật liệu. Như hương Tây Tạng chẳng hạn. Hiểu điều đó để chúng ta nuôi dưỡng những năng lượng thanh sạch bên trong mình, và nói không với các nguồn năng lượng không thanh sạch. 

6/ Khi Đức Chúa Trời bảo Mose rằng đừng lập giao ước cùng dân xứ đó (Ca na an, He tit, A mo rit,...), ý này không ám chí rằng chúng ta phải rời xa khỏi những người khác đạo của chúng ta, không phải ám chỉ rằng người thiên chúa chỉ được giao du với người thiên chúa, và không được lấy ai khác ngoài con dân Thiên chúa. Ý Đấng tối cao rất khác, ngài ám chỉ là hãy tránh xa những người coi thường chân lý vũ trụ, những người tôn thờ tà đạo thay vì chính đạo. Ý Người là thế, chứ đừng hiểu theo nghĩa đen. Và Ngài phán rằng nếu các ngươi không nghe ta thì các người sẽ rơi vào cảnh khốn cùng. Còn nếu làm theo ý Người thì cư dân Mose sẽ mở rộng bờ cõi (tức cái thiện được lan tỏa, cái ác thu hẹp lại). Điều này cũng ứng với quy luật Nhân Quả của đạo Phật, nhưng Kinh Thánh đã diễn giải nó theo một câu chuyện khác đi. 

7/ Khi Mose xin tha tội cho con dân tội lỗi, Đấng Tối Cao đã rủ lòng thương mà tha cho. Điều này rất giống với định nghĩa nghiệp/ và gánh nghiệp bên Phật giáo, và có cả Ấn Độ giáo. Rằng mỗi một hành động suy nghĩ của chúng ta đều có thể gây ra nghiệp xấu hay tốt. Khi đọc "Tự truyện của một yogi", trong đó có người thầy đã gánh nghiệp cho người trò của mình, và từ đó mà người trò của mình thoát nạn. Hay Giesu cũng gánh nghiệp cho những người Do Thái đã đóng đinh ông trên thập tự giá. 

8/ Kinh Thánh phần Cựu ước có thể dùng những từ khá mạnh như "giết", mạng thế mạng, ai phạm luật sẽ bị xử tử bao gồm luật lộng ngôn, luật phong tục, luật hòa dụ... Cũng là để ám chỉ là luật nhân quả này, nhưng được nhấn mạnh. Chẳng hạn, Khi Đức Chúa trời bảo nếu ai thờ tế thần khác ngoài Người thì sẽ bị diệt, muốn nói về việc đức tin chung thành với chân lý, chứ không phải là con người tôn giáo này không được mở rộng hiểu biết về các "thần khác" trong tôn giáo khác.... 

Vậy, đọc Kinh Thánh có quan trọng không. Thực ra có hoặc không, quan trọng với người này và có thể không quan trọng với người khác. Theo tôi, đọc Kinh Thánh phải bằng với một trái tim mở chứ không phải sự cái đầu phân tích. Vì cái đầu phân tích sẽ luôn rời xa Chúa (chân lý), và linh hồn chúng ta ngự trị ở trái tim. Bất cứ một tôn giáo nào mà tôi đọc cũng vậy, là để con người đi về phía trái tim mình, quan sát cái tâm đầy hỷ nộ ái ố của mình để gột sạch chúng. 

Tôi nhớ mình từng chạm cuốn Kinh Thánh năm 18, 20 tuổi, lúc ấy bản thân đã phải đặt xuống. Và phải thông qua rất nhiều cuốn sách và trải nghiệm sống, nay đọc Kinh Thánh thấy vô cùng gần gũi, thấy chạm vào trái tim mình hơn. Một trong những bài học quan trọng, nói như Albert Eisntein, là phải rạp mình xuống (hạ cái tôi xuống) trước sự bất tận của vũ trụ. 



No comments:

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.