tự do trong mối quan hệ
Những mối quan hệ ràng buộc về mặt tâm thức đều không thể bền vững tuyệt đối. Bởi vì về bản chất, con người luôn hướng đến sự tự do. Và tự do là giá trị cao nhất mà con người hướng tới trong suốt chặng đường sống của họ.
Trong xã hội hiện đại, sự ràng buộc về mặt pháp lý chỉ là sự ràng buộc mang tính hình thức. Nó không có tính quyết định chủ đạo đến sự tự do của mối quan hệ ấy, đúng hơn là mỗi cá nhân trong mối quan hệ ấy. Chúng ta đã chứng kiến không ít cặp đôi có sự ràng buộc về pháp lý nhưng lại tự do về mặt tư tưởng, vợ chồng Gandhi và Kasturba (hai anh hùng dân tộc Ấn Độ) là ví dụ tiêu biểu. Đây là một mối gắn kết đặc biệt và tâm linh. Cuộc hôn nhân sắp đặt diễn ra khi họ ở độ tuổi 13, 14. Cả hai đã kinh qua rất nhiều sóng gió và thử thách nhưng chính những khúc khuỷu trên con đường chung mà họ trưởng thành hơn về nội tại, từ đó vợ chồng chuyển hóa thành tình bạn, tình tri kỷ. Còn nhớ Kasturba đã từng bày tỏ lòng thành kính với chồng mình - Thánh Gandhi như thế này:
"Tôi cảm ơn ngài vì ân huệ được là bạn đồng hành và bạn suốt đời của ngài. Tôi cảm ơn ngài về cuộc hôn nhân toàn hảo nhất đời, dựa trên brahmacharya (tự tiết chế) chứ không phải dục tính. Tôi cảm ơn ngài vì đã xem tôi bình đẳng trong sự nghiệp cả đời ngài dành cho Ấn Độ. Tôi biết rằng cái chết vẫn sẽ tìm chúng ta là vợ và chồng."
Cuộc chia ly về mặt pháp lý không có ý nghĩa gì cả nếu hai tâm hồn thực sự hướng về nhau, tức mối quan hệ ấy trở thành tình tri kỷ. Họ cam kết nhưng thực ra lại không cam kết. Họ gắn kết nhưng lại được tự do tư tưởng. Để có sự bền vững như vậy, thì chắc chắn, mối quan hệ ấy không thể xây dựng trên vấn đề sinh lý, mà sâu hơn, ấy là sự đồng điệu về mặt tâm hồn.
Và thế, khi xác định bản thân hướng đến sự tự do, người ta sẽ không xem tình yêu nam nữ là quan trọng, hay thậm chí có một người tri kỷ là quan trọng. Tất cả chỉ là thứ yếu. Có cũng được, không có cũng được. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng họ không tôn trọng người phối ngẫu hay tri kỷ. Họ tôn trọng đối phương. Nhưng họ không để tình người (tức cái yêu ghét, giận hờn...) làm hủy hoại con đường đạo của họ.
Để đạt đến tình tri kỷ là một điều khá khó khăn và thử thách vì nhu cầu sinh lý và những tham sân si hỷ nộ ái ố, cái tôi, tính chiếm hữu,... bên trong mỗi người bị tích tụ trong tiềm thức qua nhiều chặng đường sống, trở thành một kho tàng bí ẩn khiến chúng ta khó nắm bắt và đào sâu tận cùng. Khi tương tác trong một mối quan hệ, những mô thức.. này sẽ diễn ra, nếu không nhận biết, chúng ta dễ nuông chiều chúng, mất kiểm soát,... làm tổn thương nhau. Ngay cả với những người có sự tu tập, có sự kiểm soát cảm xúc cao thì cũng gặp khó khăn trong việc đạt tự do trong một mối quan hệ nam nữ. Nhưng nếu cả hai người cùng hướng đến sự tự do về mặt tâm thức, họ sẽ giảm thiểu việc ràng buộc, sở hữu nhau cho đến khi không còn trói nhau. Giữa họ là một kết nối vô hình, sâu sắc mà không dựa dẫm, thấu hiểu mà không mắc kẹt, thủy chung nhưng không buộc trói...
Gandhi là một người hiểu rất rõ điều này. Ông là người được chọn, nhưng ông hiểu rằng trong mối quan hệ vợ chồng với Kasturba, ông đã có cơ hội hoàn thiện mình, ông nhận diện được những ham muốn để rồi đi đến tiết chế ham muốn dục năm ông 36 tuổi. Đó là một phép tu khổ hạnh, nhưng ông không nói đây là con đường duy nhất mà mọi người cần làm nếu muốn đạt tự do trong mối quan hệ. Đơn giản, đó là cách ông chọn. Trong "Tự truyện của Gandhi", ông kể chi tiết về việc chống lại sự thôi thúc dục tính của bản thân, và cho rằng, tuyệt dục là cách thức nhằm phát triển lòng từ bi và trọn trách nhiệm với dân tộc.
Chính Gandhi là người khẳng định bản năng dục là năng lượng vô cùng mạnh mẽ và khó kiểm soát trong chính ông, và chính mỗi người. Vì thế, sự tự do về mặt tâm thức buộc con người ta phải làm chủ được nó. Đó là một điều khó khăn vì một người tu khổ hạnh như Gandhi cũng đã gặp trở ngại khi ông chọn có thái độ dứt khoát với dục. Nhưng điều đó không có nghĩa là phải thoát dục để tự do tâm thức. Nên hiểu rằng có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Tức không bị vương vấn, không bị mê hoặc, không bị nó điều khiển.... Bạn có thể liên tưởng đến những cặp vợ chồng già vẫn sống với nhau dù họ không còn nhu cầu tình dục nữa. Lúc này, mối quan hệ ở một cấp bậc tự do cao hơn, vì không còn bị phụ thuộc vào sinh lý.
Khi người ta nói đến các cuộc chia tay, thì phần lớn đều đến từ sự thiếu tự do. Vì tính tự do và giải thoát là giá trị cao nhất mà một con người hướng đến. Người ta vẫn nói là chia tay để giải thoát cho nhau. Nhưng với tri kỷ, không có cái gì gọi là chia ly. Họ xa nhau, nhưng gặp nhau trong tâm hồn, trong một cõi vô hình.
Với một tâm thức tự do thì cuộc sống này, chẳng có cái gì gọi là tạm biệt.
No comments: