yêu thương trong chánh niệm

4:15:00 PM
Trong cuộc trò chuyện "Yêu thương trong chánh niệm" vừa rồi, câu hỏi trọng tâm mà các bạn đặt ra vẫn luôn là:  Làm sao để yêu thương một người trong chánh niệm? 

Con người không biết xuất hiện tự bao giờ, hành tinh này có mặt chính xác khi nào, vũ trụ thực hư ra sao,... nhưng từ cổ chí kim, con người kinh nghiệm được điều quan trọng luôn cần nuôi dưỡng là tình yêu. Thiếu tình yêu, thế giới này khác nào một sa mạc khô khan không có sự sống. Nhưng thật thú vị, con người phải trải qua hằng hà kiếp sống mới kinh nghiệm rõ tình yêu thực sự là gì. Trong hằng hà kiếp sống ấy, con người từ giống loài không có tình yêu, đến có tình yêu trong cái tôi với trạng thái nhị nguyên đầy mâu thuẫn, đến trải nghiệm một tình yêu đại đồng rộng lớn. Đó là một chặng đường thực sự quá dài và chông gai. Trên con đường ấy, tình yêu của con người được nới rộng ra song hành cùng lòng từ bi và trí tuệ. Đã có lúc, họ ngỡ tưởng thứ tình yêu họ đang dành cho một đối tượng là tình yêu thực sự. Vì tình yêu ấy đang đậm sâu, và cuồng nhiệt, nhưng đi cùng thời gian và sự chuyển hóa trong hành trình trưởng thành, họ nhận ra đó đơn thuần là tình cảm nam nữ, tình cảm bạn bè,... vẫn còn vô cùng giới hạn, và có thể bị nhạt phai theo thời gian.... Vậy thì đó có còn là tình yêu thực sự? Nếu định nghĩa thì đó đơn giản là chữ duyên trong đạo Phật mà thôi. 

Thứ yêu thương cắm rễ sâu trong ta luôn tồn tại trong trạng thái nhị nguyên, có hạnh phúc và có khổ đau, có sở hữu và có ghen tuông, có tham lam và có ích kỷ, có oán trách và có thứ tha, có giận hờn và có vui vẻ,... Trong nhiều kiếp sống trước, trải nghiệm tình yêu trong sự dẫn dắt của cái tôi ấy đã đeo đẳng ta và khiến cho ta tách rời khỏi lòng tấm lòng bao dung và thánh thiện. Nhưng suy cho cùng, đó có lẽ là một điều kiện cần để ta nhận ra như thế nào là một tình thương bền vững thực sự, một tình thương trong sự cho đi vô điều kiện mà vẫn cảm thấy cân bằng đầy tự nhiên. 

Khi ta nói yêu thương trong chánh niệm, nghĩa là ta yêu thương trong sự quan sát và nhận thức chính mình để thái độ và hành động thể hiện yêu thương được đúng đắn với đối tượng. Đối tượng ấy có thể là bất cứ ai, kể cả chính ta. Bạn có biết không, từ lúc đứa trẻ chào đời cho đến khi trưởng thành và chết đi, chặng đường ấy, các đối tượng yêu của đứa trẻ cũng thay đổi theo thời gian, lúc đầu có thể là cha mẹ, sau đó là bạn bè, người thân trong dòng họ, người yêu, rồi đến con cái,... Chặng đường yêu thương ấy thật hạnh phúc nhưng cũng đầy rầy khổ đau. Có lẽ một trong những nguyên nhân gây đau khổ là bản năng sở hữu cắm rễ trong ta tự rất lâu. Khi ta sinh một đứa con, ta nói đó là con của ta. Ta xem con như vật báu nhưng cũng vì thế mà ta thản nhiên điều khiển kiểm soát nó như thế nào là tùy ý. Cái đó ta gọi là tình yêu đó sao? Cũng tương tự như thế, trong tình yêu nam nữ, ta nhầm lẫn việc "thuộc về nhau" thành "sở hữu nhau". Thuộc về nhau ở đây nghĩa là sự đồng điệu về mặt tâm hồn, hai mà như một, vậy mà ta bám vào đó để áp đặt người ta yêu rằng giờ đây em là của anh rồi thì nếu yêu anh, em phải làm anh vui, phải theo ý anh. Cái đó ta gọi là tình yêu đấy ư? Khi ta không có một thái độ đúng về tình yêu thực sự, làm sao ta có thể yêu thương thực sự. 

Chánh niệm trong yêu thương quan trọng là vì thế. Để ta biết rõ những cảm thọ và suy nghĩ trong ta được thể hiện như thế nào trong mối quan hệ ấy. Bởi khi nhận thức được cảm thọ và suy nghĩ của mình, ta sẽ không để chúng làm tổn hại đến yêu thương ấy, ta sẽ biết giữ cho chúng quay về trạng thái cân bằng. Chẳng hạn, bạn giận mẹ vì mẹ đã làm một việc nào đó khiến bạn bị tổn thương. Đầu tiên, bạn phải quan sát sự giận dữ, bạn chấp nhận bạn đang có sự giận dữ. Bạn bình tĩnh làm việc với chính mình để bản thân có được sự bình tĩnh nhất định rồi mới quay ra chia sẻ với mẹ. Như vậy, bạn sẽ tránh được việc giận dữ của mình làm tổn thương mẹ. Đó là biểu hiện của yêu thương trong chánh niệm.  

Khi ta yêu thương một người nào, ta dễ rơi vào tình trạng nghiện ngập cảm xúc và dựa dẫm. Nếu thiếu đối tượng ấy, ta bỗng cảm thấy nguồn năng lượng bên trong mình dường như thật ảm đạm, như âm thiếu dương, dương thiếu âm, chệc khỏi sự cân bằng. Chưa kể, trong tình yêu nam nữ thì tình yêu đó còn bao gồm tình dục. Như vậy, nếu ta cắm rễ sâu trong cơn say tình ái và dựa dẫm vào người ta yêu một cách vô thức không kiểm soát, thì sức khỏe tinh thần của ta chắc chắn sẽ không ổn, thậm chí rệu rã và rơi vào trạng thái tiêu cực cực đoan nếu nhân duyên bắt buộc cả hai phải tách xa nhau. Sức khỏe của một đối tượng quyết định đến sức khỏe của tình yêu ấy. Nếu ta không khỏe, tình yêu ấy không bền vững cường tráng. Bởi vậy, nếu không nhất thiết dựa dẫm, ta hãy tự lực cánh sinh, khi ta thực sự yếu đuối và cần sự giúp đỡ, thì đừng quên người yêu ta vẫn ở cạnh bên. Đó là mới là một tình yêu tự do và lành mạnh. 

Niềm tin và sự thấu hiểu là hai giá trị thật sự quan trọng trong yêu thương. Và khi có vững hai giá trị ấy, ta đặc biệt phải có những đối thoại thẳng thắn và chân thành với đối tượng ta thương nếu bên trong ta có bất cứ một khúc mắc nào dù thật nhỏ. Các cảm thọ, suy nghĩ tưởng chừng lặt vặt ấy nhưng nếu không được giải quyết rõ ràng thì dễ sinh ra mối nghi ngờ, dè dặt, dễ tích tụ thành điều lớn về sau, và tạo ra sự tổn thương lớn cho cả hai. Sự thật dẫu đắng đến đâu thì với một tình yêu có sự thấu hiểu và niềm tin thì nỗi đau sẽ nhẹ nhàng đi thật nhiều. 





No comments:

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.