bản ngã (trong viết lách)

9:41:00 PM
Bản ngã thật mạnh mẽ và vì sự xuất hiện của bản ngã mà chúng ta không bao giờ đi sâu được vào bản chất. Vì muốn đi sâu vào bản chất thì buộc người ta phải đi về phía vô ngã. 

Bản ngã cũng thật tinh vi vì người ta có thể hành động dựa trên bản ngã nhưng không hề biết đến điều đó. 

Trong viết lách, để đi sâu được vào vấn đề, ta buộc phải trở thành một người quan sát trong khi viết lách. Một người quan sát thì chưa đủ để đi sâu vào bản chất vấn đề. Mà bên cạnh đó, đòi hỏi người ta phải có trí tuệ để giải quyết. Còn nếu chỉ đơn giản là một người quan sát, người ta chỉ đơn thuần mô tả vấn đề. Nhưng thông qua việc mô tả ấy, người ta thấy vấn đề sáng rõ, mà khi thấy vấn đề sáng rõ, người ta sẽ kiên nhẫn tìm cách giải quyết. 

Có người hỏi nếu không viết bằng bản ngã thì cái tôi trong bài viết còn đâu nữa, mà cái tôi trong bài viết chẳng phải quan trọng lắm hay sao. Thực ra, có thể phân tách như thế này. Khi ta viết bằng sự quan sát hay sự quan sát trí tuệ, ta nhìn thấy bản ngã, ta tránh được những câu cú do bản ngã định kiến phán xét, nhưng không có nghĩa rằng ta đánh mất cái tôi sáng tạo. Theo cách này, "cái tôi" không còn được hiểu là bản ngã đơn thuần nữa, mà là cá tính của con người đó. Thậm chí một người vô ngã vẫn có cá tính riêng của họ. Cá tính Bồ Đề Đạt Ma hẳn phải khác Đức Phật, dù họ vẫn truyền dạy chân lý ấy, nhưng bằng cách diễn đạt khác nhau, phương thức khác nhau. Vậy nên, nếu bạn hiểu viết không có bản ngã đánh mất cá tính sáng tạo có lẽ là một nhìn nhận còn phiến diện. 

Khi ta viết bằng vô ngã, tức là viết đi cùng đạo,  ta sẽ là một người viết tử tế. Bài viết ấy sáng tỏ, chứ không gây hại. Đó là một bài viết mở đường, không khiến người đọc rơi vào bế tắc, sợ hãi, giận dữ,... Thế nhưng, tất nhiên, thực tế có nhiều bài viết vô ngã vẫn bị chửi bới, vẫn bị ném đá do người đọc không chịu thấu hiểu hoặc dùng bản ngã để tái phán xét và định kiến. Đó là điều không thể tránh khỏi. Như khi xưa, Đức Phật giảng pháp nhưng vẫn có nhiều kẻ lăm le muốn hại ngài. Nhưng không vì thế mà ngài quy phục, ngài vẫn là bậc minh triết trước sau như một. 

Khi ta viết bằng sự giận dữ, bằng thái độ bất an, bằng những mối thù hận,... tất cả xuất phát từ bản ngã. Ta cứ viết nếu nó giải quyết được những bực dọc bên trong nhưng chớ nên nuông chiều những bực dọc ấy. Hãy quan sát các bực dọc, để tâm được thảnh thơi, và thế, câu cú của ta vững chãi hơn, sắc bén hơn, chạm và chuyển hóa lòng người. 




No comments:

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.