minh triết đời sống

Thi thoảng có một vài cuộc gặp gỡ khiến ta thêm phần minh triết, và cuộc gặp gỡ với cư sĩ vào ngày hôm trước là một trong số đó. Anh là họa sĩ, đã tu tập được gần 10 năm nay. Trước đó, anh nghiên cứu Phật pháp một thời gian khá dài, rồi nhận ra rằng, đây mới chính là con đường duy nhất khiến anh thoát khổ, y như Tất đạt đa Cồ Đàm đã từng dẫn dắt chúng sinh. Hội họa là nghề sạch, theo anh chia sẻ, và anh cảm thấy rằng đó là một điều thật may mắn. Anh vẫn vẽ, và chọn lối vẽ trừu tượng vì phù hợp với lối tư duy thanh khiết và cũng góp phần thanh lọc tâm tưởng của mình. Làm sao để trong khi vẽ, anh vẫn có thể quan sát được rằng đó không phải là sự toan tính, không phải là những xúc cảm tiêu cực hỷ nộ ái ố tham sân si, mà là gieo một ý nghĩ hay sự tưởng tượng minh triết.

Anh bảo tôi: "Trước đây, anh cực kỳ ghét và căm thù những người tham ô và lạm dụng quyền lực để 'sát hại' người khác. Anh ghét những bọn chạy theo quyền lực, danh vọng, anh ghét cay ghét đắng những kẻ có chức có quyền mà tâm tưởng lại bệnh hoạn và dốt nát. Nhưng giờ đây, khi đi trên con đường này, anh chỉ thấy thương họ. Anh biết rằng ở trong kiếp này, họ phải đóng những vai ấy. Như Shakespeare nói, cuộc đời là sân khấu và mỗi chúng ta là diễn viên. Thì những người kia, họ dường như quá 'tận tụy' với vai diễn của mình. Họ 'say' trong vai diễn đó, như thể, nếu đạo diễn có đóng máy, sân khấu có hạ màn, thì họ dường như cũng khó lòng thoát vai, vì diễn mà như thật mất rồi."

Rồi anh tiếp: "Anh ăn chay cũng đã một thời gian dài. Anh giữ giới, nhưng vì là cư sĩ, nên không thể giữ giới tận cùng như một tu sĩ. Anh đọc được rằng nhưng con vật sống có tình cảm như con chó, con mèo, thì nếu chúng ta để chúng chết tự nhiên, thì cơ hội kiếp sau làm người sẽ cao hơn. Còn nếu ta giết thịt nó, thì thì nó không có cơ hội tiến hóa thành người. Đó mới gọi là tiến hóa, chứ không phải kiểu tiến hóa Darwin, đó là vớ vẩn và vô minh. Cũng chính vì thuyết Darwin mà cái tôi của xã hội loài người kinh khiếp hơn, vì cái thuyết ấy nhấn mạnh vào việc đấu tranh sinh tồn, và là một nguyên do cho hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20." Thế mới nói, cuộc sống còn nhiều tri thức giả, còn nhiều cái vô minh, nếu kiếp này, ta được tiếp thu tinh hoa Phật pháp, đó là may mắn của ta vậy. 

Trong một lần nọ, tôi thấy anh đang vẽ ba bức Như Huyễn trông thật đẹp. Anh chia sẻ: 

"Trong quan niệm Phật giáo, tất cả chúng sinh, tinh cầu đại địa đều không thật, đều mộng huyễn mà chúng ta do mê lầm chấp là thật có,  vì vậy gọi là như huyễn. Bức tranh là huyễn trong huyễn, tức là anh cũng không thật có, gọi là huyễn nhân! Vì huyễn nên biến hóa trong từng sát na. Phật nói: Tâm như người họa sĩ, khéo vẽ nên pháp giới này (pháp giới là vũ trụ, nhân sinh). Đối với anh, hội họa là phương tiện để anh truyền tải chút hiểu biết của mình về triết lý nhà Phật và vũ trụ nhân sinh. Phật giáo có khái niệm gọi là trùng trùng duyên khởi, tức tất cả mọi thứ đều là nhân duyên tụ hội. Anh cố gắng theo đuổi lối vẽ này để bản thân mình tích đủ cảm xúc, ý tưởng là hạ bút. Anh thường không phác thảo, mà chỉ mường tượng trong đầu những ý niệm, chiêm nghiệm mình sẽ sử dụng màu sắc, vệt bút, hình tượng gì… để rồi bắt tay thực hiện. Trong lúc vẽ sẽ có những biến hóa phong phú nảy sinh, tâm thức mình lại cuốn theo những trải nghiệm mới không dứt. Bức tranh chỉ hoàn thành khi mình buông bút, sau đấy là phần của công chúng và khán giả. Nhưng anh sống và hành động vì trong chính những khoảnh khắc ấy."

Như anh chia sẻ, tôi cũng cảm thấy may mắn vì sinh ra đã gắn bó với viết lách để có thể lan tỏa những điều tốt đẹp mà bản thân đã được vũ trụ ban ơn cho mà lĩnh hội được trong cuộc sống này. Khi đã nằm lòng quy luật cuộc sống, ta sẽ không oán thán điều gì mà chỉ cảm thấy biết ơn. 

Bức họa Như Huyễn của họa sĩ Nguyễn Chí Long




No comments:

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.