cuộc trò chuyện về nội tại
Trên hành trình đi đến toàn giác, chúng ta học hỏi từ những người khác nhau. Từ một ông lão ăn xin, một cô bán hàng ngoài chợ, một người bạn dọc đường, một người yêu, một triết gia, hay một thầy tu. Ta thấy rằng ai ai cũng có tâm thức riêng biệt. Có lẽ, thế giới có nhiều tôn giáo vì tâm thức của người này và người kia khác nhau. Có người cảm thấy Công giáo gần gũi, song có người lại thấy Phật giáo mới chính là suối nguồn. Nhưng vốn dĩ, các tôn giáo không hề đối chọi nhau, chỉ có cái tôi của con người là hứng thú với việc đấu tranh, và cố chấp bảo vệ niềm tin của mình bằng được. Và thế, mục đích sau cùng của tôn giáo là cứu cánh thì nay bỗng trở thành chốn để con người ta bám vào và lên tiếng hết mình vì nó, mà thật buồn lại thường xu hướng cực đoan.
Những ngày nay, tôi có chuyến công tác đến Phú Quốc. Dự sự kiện cùng là biết bao nhiêu người thành đạt đến từ các lĩnh vực khác nhau, và hiển nhiên, tôi sẽ không bao giờ trò chuyện cùng họ về những chủ đề mà tôi đang viết. Bởi một cuộc trò chuyện như vậy phải là với những người trong tâm thế sẵn sàng. Một người anh giới thiệu tôi đến hai người chị khác cùng có sự quan tâm, bảo rằng tôi viết và chia sẻ nhiều về đề tài tâm linh. Nhưng thực sự, tôi viết và chia sẻ về những điều tôi cảm nghiệm từ bên trong và từ những gì tôi cho là đồng điệu. Trong một buổi ăn sáng, họ chủ động mời tôi sang bàn ngồi và trò chuyện. Một cuộc trò chuyện không còn định nghĩa thời gian và không gian.
Họ hỏi tôi về tử vi, về tarot, về kinh dịch, về thần số học,... Nhưng tôi nói rằng bản thân không nghiên cứu sâu những thứ đó, và chỉ đọc nhằm biết thêm thông tin. Ví như, trong cuộc sống, ta thường tìm đến tarot vì tự trong ta có chút tò mò, hoặc phần nhiều là tìm kiếm một điểm tựa, để ta thấy phần tương lai nào đó được mở ra trước mắt mình, để ta bớt đi đôi chút sợ hãi. Hoặc vì cuộc sống ta đã có những nỗi đau và thế, ta không muốn ngày mai của mình càng thêm tồi tệ, nhờ tarot, ta củng cố niềm tin và đề phòng những hiểm nguy nếu có trong phần lý giải. Thế đấy, nhưng với tôi, tâm linh không phải là chuyện bói toán. Và cũng không tìm về bói toán như cứu cánh. Tâm linh đơn thuần là quay về bên trong, nhận biết chính mình để hướng đến một lối sống cân bằng, an nhiên. Những thứ mà người ta nói về chùa chiền, về tôn giáo, về ăn chay, về giải hạn,... cũng là một phần trong vấn đề tâm linh, nhưng tâm linh đúng nghĩa ở đây là hành trình nội tại.
Và thế, khi có sự nhấn mạnh như vậy, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi đi sâu hơn vào vấn đề cá nhân, những dính mắc mà một người bình thường sống giữa cuộc đời gặp phải mỗi ngày. Tôi cũng nhấn mạnh về việc tâm linh trước hết là một thái độ sống đúng đắn. Mà muốn có thái độ sống đúng này thì bắt buộc họ phải có nền tảng lý thuyết về các quy luật vũ trụ (luật vô thường, luật nhân quả, luật hấp dẫn,...), tứ diệu đế (nền tảng lời Phật dạy),... để thứ nhất là sống xuôi dòng, không dính mắc, và thứ hai là hiểu được sự vận hành của tâm thức sẽ dẫn đến kết quả của hiện tại và tương lai. Mọi thứ xảy ra trong cuộc sống đều có lý do, đôi khi việc truy tìm nguyên do là khó khăn và càng khiến ta thêm phần phiền não, nhưng ta cần hiểu rằng mọi điều xảy đến với mình là có nguyên nhân để ta không bám chấp vào quả ta gặt phải, mà hãy chăm bón cho hiện tại nhằm gặt quả tốt đẹp hơn trong tương lai (luật nhân quả).
Tâm linh chưa thể nói ngay đến thiền và thực hành chánh niệm nếu chưa nói đến thái độ sống đúng. Thái độ đúng luôn là phần gốc rễ, rồi mới đi đến thực hành thiền hay chánh niệm, vì những thực hành này phải dựa trên một nhìn nhận đúng đắn. Chẳng hạn, một người bị ép buộc (hoặc tự ép bản thân) thiền sẽ không bao giờ có thể thiền nếu họ chưa có một nhìn nhận đúng về thiền và thiền có thể giúp ích gì họ. Nó giống với việc tâm thức con người khác nhau sinh ra những tôn giáo khác nhau mà tôi nói ở trên. Có khi, người này phù hợp hơn trong việc thực hiện lời răn của Chúa, chứ không phải thiền. Hoặc, anh ta có thể thiền vào một thời điểm nào đó khác chứ không phải bây giờ. Và điều này cũng đúng với quy luật lượng chất rằng, một học sinh lớp 1 sẽ không thể tiếp thu kiến thức lớp 5.
Trên con đường đi đến toàn giác này, như tôi nói ở trên, ta sẽ gặp những người thầy. Sau khi đi một chặng đường, tìm hiểu về các tôn giáo và bậc thầy khác nhau, tôi cảm thấy Phật giáo là gần nhất với mình và cũng thấy rằng Đức Phật chính là người thầy mà tôi cảm thấy tin tưởng nhất. Sẽ có những triết gia và vị thầy tâm linh khác, nhưng sau cùng tôi hướng về lời răn dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni. Ở thầy toát lên một bậc giác ngộ từ bi, trí huệ và phẩm hạnh. Tôi nói với hai chị: "Sẽ có những triết gia khác mà em cũng tìm hiểu, điển hình tại Việt Nam, ta có Krishnarmuti và Osho. Nhưng rồi, em thấy rằng Osho dường như có nhiều điều trái ngược lời răn dạy của Phật. Riêng chuyện tình dục là một trong số đó. Đọc Osho về tình dục, nó càng thêm kích thích ham muốn ở bên trong con người, nó khuấy động cái tôi nổi loạn thay vì vô ngã. Nhưng không vì thế mà em định kiến và phán xét Osho, không hề. Chỉ là thấy rằng càng đọc Osho thì mình không còn cảm thấy đồng điệu nữa. Và càng đọc Đức Phật thì mình thấy đó mới chính là mình, mới chính là suối nguồn của mình. Ái dục là điều gì đó mà em tin rằng sẽ khiến con người ta thăng hoa nhất nhưng cũng khiến con người ta đau khổ nhiều nhất. Con người sẽ dễ bị đắm chìm trong dục, và quên mất chánh niệm. Có lẽ vì thế mà nhà Phật là tôn giáo giữ giới nhiều nhất, và nhà Phật cũng phản đối việc ngoại tình hay tà dâm. Những kìm nén về dục là do con người ta không chịu thực hành chánh niệm, tức quan sát cái ham muốn đó của mình. Bởi chỉ bằng quan sát và nhận biết, ta mới không bị đồng hóa trong ham muốn đó. Nhưng Osho thì khác, Osho bảo nếu giận hãy cứ giận toàn tâm toàn ý, bộc phát hết ra, như vậy cơn giận mới hết được. Nhưng nếu ta nuông chiều cơn giận của mình mà thiếu đi chánh niệm, ta sẽ đồng hóa mình vào cơn giận, và chưa kể cơn giận có thể sẽ làm tổn thương đến người khác. Một cơn giận khởi phát, điều trước hết là ta phải nhận biết cơn giận, và nhìn cơn giận trôi qua đi. Ta không phản ứng lại với cơn giận, ta đứng ra xa quan sát cơn giận. Và đó mới là cách mà em chọn."
Một chị gái kể câu chuyện về bài thuyết giảng của thiền sư Thích Nhất Hạnh, trong đó thầy có nhấn mạnh rằng trong thời gian thầy xây dựng cơ sở thực hành tỉnh thức tại Việt Nam thì có những thế lực bên ngoài quấy nhiễu và điều đó gây ra bên trong thầy ít nhiều sự giận dữ. Nhưng nhờ có chánh niệm mà những giận giữ ấy ấy dần tiêu tan. Tôi trả lời chị: "Trước hết, những điều thiền sư nói khiến em cảm thấy trân trọng ông bởi ông đã dám nói ra sự thật, bởi một người ở vị thế như Thích Nhất Hạnh thì dễ để đám đông tạo cho ông một hình mẫu về một bậc toàn giác. Có thể sẽ có một bộ phận định kiến ông vì ông vẫn còn xao động trước thử thách. Thông qua chia sẻ của thiền sư, ta mới thấy rằng hành trình nội tại thật khó khăn và đòi hỏi lòng kiên nhẫn. Một người "tu chùa" như thiền sư mà còn vậy, huống hồ, ta sống giữa cuộc đời đối diện với bao khó khăn và thử thách trong các mối quan hệ, công việc... thì lại càng gặp nhiều trở ngại hơn. Một người sống đời không thể bám vào lối sống kẻ tu hành, bởi hai lối sống này là hoàn toàn khác xa nhau, một bên ở trong môi trường nhiều quấy nhiễu, một bên là môi trường thanh tịnh. Một bên còn những ràng buộc về hôn nhân, gia đình, bạn bè,... còn một bên thì đã hoàn toàn buông bỏ chúng. Mà như chị biết, môi trường ảnh hưởng đến tâm thức con người ta rất mạnh mẽ. Vì thế, nếu sống đời, ta cứ trải nghiệm hết mình và nhận biết bản thân thông qua những trải nghiệm đó. Đó là cách tốt nhất để ta không mâu thuẫn."
Tôi giới thiệu đến hai chị 2 cuốn sách ảnh hưởng đến tôi nhất trên hành trình nội tại là "Câu chuyện dòng sông" của Hermann Hesse và "Tự truyện của một yogi" của thầy Paramahansa Yogananda. Với ngôn ngữ nhẹ nhàng, điềm đạm mà sâu sắc, tôi cảm thấy bản thân đã tìm thấy suối nguồn của chính mình, để dựng xây một tâm thức vững vàng trước bao biến động. Càng ngày, con người ta càng có xu hướng quay về bên trong, nhưng mọi quay về bên trong không thể bắt nguồn bằng một thái độ định kiến cho từ ngữ "tâm linh". Tâm linh, với tôi, đơn thuần là hành trình nội tại, hành trình con người giải thoát mình ra khỏi những phiền nhiễu và đau khổ. Thiền hay chánh niệm chỉ đơn thuần là phương pháp, và ăn chay càng không phải là một điều gì đó bắt buộc của thực hành tâm linh. Khi xưa, Gautama Buddha đi khất thực, người ta cho gì thì thầy ăn nấy, và chỉ lấy đủ, không lấy thừa. Ngày nay, việc ăn uống chỉ cần hướng đến cân bằng là tốt đẹp, và nếu có ăn chay thì bắt nguồn từ một sở thích cá nhân chứ không thể là một sự ép buộc hay dựa vào một niềm tin sai lầm (hay mê tín dị đoan).
No comments: