lắng nghe giúp ta bình tĩnh
Một người bạn của tôi nói rằng cô ấy rất hay nổi nóng và là một người dễ dàng nổi nóng. Lúc nổi nóng, cô như biến thành một con quỷ dữ. Không còn là cô nữa. Trong một lần, vì tức giận quá, cô ấy thậm chí không chào tạm biệt người chồng của mình mà cứ thế tắt điện thoại, rồi lẳng lặng về nhà mẹ. Cho đến khi chồng đến đón thì mới nguôi nguôi cơn giận.
Có lần cô hỏi tôi:
"Nhìn Trang điềm tĩnh thế thì có lúc nào nổi điên không?"
Tôi đáp:
"Có chứ! Trong quá khứ thì đã nổi điên nhiều lần, đặc biệt lúc còn nhỏ. Còn bây giờ thì không. Vì mình có đủ sự bĩnh tĩnh để không còn phản ứng thái quá như hồi kia nữa."
Cô hỏi tôi bí quyết. Tôi suy nghĩ một lúc rồi đáp trả:
"Lắng nghe sâu là một trong những điều quan trọng để chúng ta có được sự bình tĩnh. Khi ai đó nói điều không hay với ta, nhưng ta lắng nghe sâu, tự dưng ta có một cái nhìn nhận sáng suốt. Lắng nghe sâu là lắng nghe một cách tập trung, không phán xét, không lập luận đúng sai, tức chỉ lắng và nghe trong khoảnh khắc đó thôi. Cho đến khi người đó nói hết tất cả, ta mới bắt đầu xử lý. Và trong lúc xử lý này, ta cũng đã có đủ sự bình tĩnh cần thiết rồi. Không phải kêu gào, bực tức, nóng nảy nữa. Vì tất cả những cái đó chỉ xảy ra khi trong ta thiếu bình tĩnh và sáng suốt, nó bắt nguồn từ cái việc ta nghe để hồi đáp, hoặc thậm chí ta chả buồn nghe mà chỉ muốn nói toạc ra ý cái tôi của ta muốn thét gào. Và thế, phản ứng cũng rất gay gắt và không được văn minh."
"Bình tĩnh và sáng suốt rất khó, dường như ta dễ bị cảm xúc dẫn dắt?"
"Đúng thế. Đi qua những lần nổi điên, mình mới biết nguyên do nổi điên đó đến từ đâu. Nó có thể là một phản ứng dựa trên cái tôi/cảm xúc hoặc thói quen/bản năng tập hợp từ ký ức/quá khứ. Khi bạn nổi điên nhiều lần, nó sẽ tạo thành một thói quen. Như hút thuốc lá hay nghiện ma túy vậy. Ta dễ nổi điên, khi ta bắt gặp chuyện gì đó khiến ta không hài lòng, khiến ta cáu gắt, bực dọc. Từ bỏ một thói quen là khó, vì nó đã ngấm vào tâm thức. Bây giờ, chỉ có một cách là ta làm chủ tâm thức của mình bằng cách quan sát nó, lắng nghe nó. Chúng ta gần như phải học cách lắng nghe, lắng nghe mọi người và lắng nghe nội tại của mình."
Lắng nghe sâu là để có được sự bình tĩnh. Khi có bình tĩnh và sáng suốt thì ta giải thoát chính mình, chứ không phải lắng nghe là để chịu đựng. Trong gia đình truyền thống, có những người phụ nữ rất khổ tâm vì họ không được lắng nghe và nhiều lúc, họ cũng không lắng nghe người chồng của mình. Vì tâm thức họ có một phản ứng là chịu đựng tất thảy, hoặc khi phản ứng, thì họ càng bị người chồng phản ứng lại gay gắt hơn. Và thế, họ trơ, họ không còn muốn lắng nghe nữa. Họ tuyệt vọng trong mối quan hệ ấy. Vì thế mà gây ra rất nhiều khổ đau. Cuộc sống này rất cần những lắng nghe để tĩnh tại. Đàn ông lắng nghe, đàn bà lắng nghe, thì khi đó con người trong thế giới này mới có thể thấu cảm, đồng cảm cho nhau.
No comments: