Về trải nghiệm!
Hôm trước có một bạn chia sẻ câu chuyện khủng hoảng tuổi đôi mươi với tôi: một du học sinh sống xa nhà, bị áp lực về mặt tinh thần vì gia đình có chuyện bất ổn. Ban vin vào sách để giải đáp tình trạng của mình và càng đọc, càng thấy rối bời, bế tắc. Trong thời gian cách ly, bạn có tập yoga, thiền và nghe Phật pháp trên YouTube. Bạn chỉ muốn bỏ hết để đi tu và dành cả cuộc đời để hiểu chân lý theo lời của Phật. Nhưng bạn lại không thể bỏ mặc gia đình: mẹ đơn thân, lớn tuổi mà vẫn tần tảo nuôi các con học. Trách nhiệm phải xây dựng sự nghiệp và phụng dưỡng mẹ khiến bạn hiện vô cùng áp lực. Vấn đề khủng hoảng của bạn, tôi nghĩ, là vấn đề của rất rất nhiều người trẻ. Và tôi đã đưa ra một câu trả lời như thế này, nếu bạn nào muốn hỏi sâu thêm, xin vui lòng liên hệ. Tôi sẽ nỗ lực trả lời dựa trên trải nghiệm cá nhân của chính mình.
![]() |
John Cage - Where R = Ryoanji, 1983 |
"Trong cuốn sách "Siddhartha" (Câu chuyện dòng sông) của Hermann Hesse, chị vẫn nhớ Siddhartha khi gặp Đức Phật, không hề nghi ngờ những lời giảng của Đức Phật, không hề nghi ngờ tính giác ngộ của Đức Phật, nhưng Siddhartha đã không chọn đi theo Đức Phật như những người tu hành khác, vì anh nhận ra rằng, con đường tu hành phải là tự thân trải nghiệm mọi ngóc ngách của cuộc sống. Anh trải qua rất nhiều nghề khác nhau, yêu đương khác nhau, và rồi "biết chính mình" ở một dòng sông, và trở thành người lái đò suốt cuộc đời mình. Trong khi, có hàng tá con người nguyện đi theo Đức Phật, khất thực mỗi ngày, nghe giảng đạo mỗi ngày, lại không thể giác ngộ.
Việc đọc sách, nghe Phật pháp là một sự vin vào mang tính bổ sung chứ không phải là chính yếu và quan trọng nhất trong con đường giác ngộ. Thậm chí, đọc hay nghe Phật pháp khi chưa thật sự trải nghiệm chính mình ở tầng mức nhất định sẽ khiến tâm con người cực kỳ nặng nề và dễ bị dẫn dắt sai hướng. Chị có biết một vài người bạn của chị suốt ngày nghe Phật pháp và đọc kinh Phật nhưng đời sống nội tâm lại dễ nhạy cảm và đảo lộn. Phần chất của họ chưa tới, nên khi đọc thì dễ bị hiểu sai, từ cái hiểu sai mà dồn nén, bế tắc và làm khổ chính mình. Em hiểu đơn giản như thế này. Một cậu bé lớp 1 mà đọc sách lớp 5 thì chắc chắn cũng sẽ không hiểu và gây đến sự khổ tâm khổ não. Vì cái lượng chưa đủ nên cái chất chưa tới. Cũng vậy, em phải thực sự trải nghiệm đã, thì khi đọc sách, em mới có một sự thức tỉnh đủ đầy và đúng đắn. Và cái sự tỉnh thức phải tự trong em bộc phát ra chứ không phải vì đọc sách mà có được.
Em nên nhớ rằng Đức Phật phải tu luyện (kể cả tu khổ hạnh) hàng năm trời mới đắc đạo. Tức phải đi qua rất nhiều đau khổ (có những đau khổ tột cùng), Người mới đạt đến lối sống an yên ấy. Nhưng, hầu hết con người trên trái đất này dễ bỏ cuộc trước những khổ đau và bất hạnh, và rồi, họ đưa ra những quyết định trái với lòng mình.
Chị kể câu chuyện này không phải vì chị khuyên em phải mạnh mẽ và gồng mình lên, mà khuyên em hãy thả lỏng mình ra và học cách lắng nghe những nỗi đau mà em đang cảm nhận. Nhân sinh này có quá nhiều nỗi đau và khiến con người ta tin rằng nỗi đau như một bản năng không thể xóa bỏ mãi mãi. Chị đã từng lên chùa hồi chị 20 tuổi, lên để trải nghiệm chứ không phải vì buồn mà lên. Chị được sư cô 70 tuổi dạy thiền vào 5 giờ sáng và 8 giờ tối, sư cô cũng kể cho chị nghe rất nhiều câu chuyện trong cuộc đời, rằng đa số những người vào đây tu tập là vì đã/đang đau khổ và tổn thương nhiều. Nhưng khi trở về sau thời gian vài ngày hoặc vài tuần tu tập, họ lại đau khổ. Vậy thực ra là, cái việc thoát khỏi đau khổ không thể chỉ ngày một ngày hai mà thoát ra được. Nhìn lại câu chuyện Đức Phật ở trên, ròng rã hàng năm trời tu luyện như vậy, ngài mới đắc đạo kia mà?
Em đang ở độ tuổi trải nghiệm để hiểu biết chính mình, đừng vì những nỗi đau và tuyệt vọng tạm thời hiện tại làm nền tảng để khép lại trang sử của chính mình ở chốn tu hành. Trong cuộc sống, chúng ta sợ cô đơn lắm. Và chúng ta luôn cần một người có thể lắng nghe và thấu hiểu mình. Nhưng trước khi cần một người như vậy, em hãy tự nguyện làm người lắng nghe và thấu hiểu em trước. Và đó phải là một điều bắt buộc. Chúng ta đến với cuộc đời này một mình và khi ra đi cũng như vậy. Chúng ta không thể mong cầu ai ở bên cạnh chúng ta mãi mãi, vì một lúc nào đó ta hoặc họ cũng sẽ rời đi. Chị luôn nhấn mạnh với mọi người rằng thái độ chấp nhận quan trọng lắm. Mình chấp nhận nỗi đau và tổn thương của bản thân. Mình chấp nhận rằng hoàn cảnh của mình đã là như thế. Mình chấp nhận rằng mình có thiếu sót. Mình chấp nhận rằng đôi khi bản thân chả thể tỏ ra mạnh mẽ hơn. Mình chấp nhận rằng tận sâu thẳm nội tâm của mình là những vết dao cứa chưa thể lành lại. Vì một khi chấp nhận, em sẽ mở lòng. Em sẽ không còn suy nghĩ cực đoan nữa.
Chị là một người sống và biết chấp nhận. Chấp nhận nhưng không có nghĩa là dễ dãi. Chấp nhận là thái độ biết rằng sự thật đã như thế và không thể thay đổi sự thật. Mình chỉ có thể thay đổi bản thân mình sao cho đạt đến bản thể tốt đẹp nhất mà thôi. Hãy tự thân trải nghiệm em ạ! Ở ngoài kia, biển khơi và những cơn gió đang lồng lộng chờ em. Em có thể làm bất cứ nghề gì, thậm chí bắt đầu với số tiền ít ỏi. Em có thể chọn về Việt Nam và trải nghiệm nhiều điều khác nhau. Và em cũng cứ hãy sống cho bản thân mình trước tiên, và khi em sống tốt nghĩa là em đã báo hiếu cho mẹ."
No comments: