Những rạn nứt gia đình
Đã từng có lúc, tôi không hiểu tại sao con người ta lại rơi vào ngõ cụt trong hôn nhân. Và bây giờ, dù đã thông minh và sáng suốt hơn, hoặc sâu sắc và trưởng thành hơn, cũng thật khó mà hiểu một vấn đề xã hội nếu như mình chỉ nhìn nó ở từng cá nhân đơn lẻ.
Gia đình nào cũng có những lục đục riêng. Gia đình tôi cũng thi thoảng rơi vào những cuộc cãi vã không hề dễ chịu. Vấn đề thì nhan nhản, từ chuyện con cái, học hành, tiền nong, ruộng đồng đến tiệc tùng, bữa ăn... Vô thứ chuyện có thể khiến con người ta bất đồng và nổi nóng. Thế mới nói, cảm xúc cũng vừa khó ưa khó chiều, cũng vừa dễ ưa dễ chiều. Chính cái tính cợt nhả và dễ dãi ấy của nó mới khiến con người trên đời này gặp thử thách trong việc điều khiển mình và cuộc sống tốt đẹp lên. Vậy nhưng, gia đình tôi vẫn được xếp vào tuýp gia đình văn hóa, vì cãi vã thì tổ ấm nào cũng trải qua thôi, nhưng cha mẹ tôi biết điểm dừng và không bao giờ đưa hỗn loạn cỏn con đi vào chiều sâu bi kịch.
Thế mà, hồi tiểu học, tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu cuộc ly hôn của cha mẹ bạn học tôi. Năm tôi học lớp 4, chủ nhiệm của tôi là một người thầy cao ơi là cao. Thầy có nụ cười rất đẹp, hai hàng răng trắng tinh, trán cao và luôn mặc áo sơ mi có đóng thùng lịch sự mỗi lần tới lớp. Tôi không phải không ưa thầy, nhưng tôi có cảm giác thích một người cô là chủ nhiệm hơn. Vì từ mẫu giáo đến lớp 3, giáo viên chủ nhiệm của tôi đều là phụ nữ, và bây giờ, có một người đàn ông đứng lớp từ sáng đến chiều, từ thứ 2 đến thứ 6 khiến tôi phải tập làm quen. Dần dà, tôi cũng cảm nhận được sự ngọt ngào và "nữ tính" ở thầy. So với thầy chủ nhiệm lớp kế bên, tôi cảm giác thật may mắn vì có thầy là chủ nhiệm. Nếu thầy lớp bên khó tính bao nhiêu, thì thầy tôi dễ tính và bao dung bấy nhiêu. Thầy chả hề quát mắng hay đập đánh, theo trí nhớ của tôi là vậy, hoặc nếu có đập đánh thì cũng nhẹ nhàng và mang tính cảnh cáo thôi. Thầy thương mến tôi vì tôi là học sinh giỏi nhất lớp. Cũng có lần tôi khiến thầy thất vọng vì có một bài toán tôi đã nhầm và giải sai. Nhưng sau cùng thì, thầy vẫn dễ chịu với tôi, chứ không hề bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự kỳ vọng thái quá vào cô học trò còn nhiều khuyết điểm.
Những buổi học ngập tràn tiếng cười, nhưng tất cả đều bị lắng xuống khi thầy thông báo bạn Thuận sẽ chuyển trường trong kỳ học tới. Trong ký ức của tôi giờ đây, Thuận là đứa lười biếng, nghịch ngợm, thấp và béo ú. Tóm lại, nó để lại trong tôi một ấn tượng chẳng hề xuất sắc hay hoàn hảo gì. Tôi cũng chẳng ghét nó, vì thế giới nghịch ngợm và trêu đùa của nó không hề có tôi. Tức tôi không phải là đối tượng mục tiêu để nó làm bẽ mặt. Vậy nên, tôi và nó hoàn toàn là hai thế giới cách biệt. Thế nhưng, khi nghe thầy bảo thế, tôi cũng buồn, buồn thật sự chứ không phải nỗi thất vọng giả vờ. Thứ nhất, buồn vì thiếu vắng một người bạn đã học cùng tôi suốt hơn 3 năm qua. Và thứ hai, lớp đã ít nay còn ít hơn. Và rồi đây, một chỗ ngồi sẽ trống vắng. Hỏi lý do mới biết cha mẹ bạn ấy ly hôn. Cha một nơi, mẹ một nơi. Đứa em theo mẹ, đứa lớn theo cha. Vậy là, Thuận theo cha lên Con Cuông học, một nơi xa lắc xa lừ với tôi ở thời điểm ấy, dù về địa lý thì cũng chỉ cách chỗ tôi ngồi bấy giờ khoảng 40 km. Hồi đó, với tôi, đi ra khỏi xã và huyện đã là xa lắm rồi!
Chúng tôi còn quá nhỏ để biết ly hôn là gì. Tôi chỉ biết ấy là người vợ và người chồng không còn sống cùng một nhà nữa. Tôi cũng chả rõ liệu họ có cãi vã gì không, con cái có bị tổn thương không. Nhưng giờ đây, tôi đang tự hỏi bản thân những lời đó. Vì tôi biết rằng đằng sau một gia đình tan vỡ là một tương lai gãy đứt của những đứa con. Người vợ và người chồng có thể tự tìm lấy hạnh phúc riêng, nhưng tinh thần những đứa con giờ đây như bị xẻ làm đôi. Khó có thể lành lặn như cũ một lần nữa.
Đối với tôi, ly hôn là một hệ quả của cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, và nó đồng thời nói lên thực trạng không tốt của xã hội. Khi có nhiều gia đình ly hôn, nghĩa rằng có nhiều cá nhân và tập thể đang phải chịu đựng một đời sống tinh thần thiếu lành mạnh. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng để xã hội lành mạnh thì con người không nên ly hôn. Con người ai ai cũng có mưu cầu tìm kiếm hạnh phúc riêng, và khi cái mưu cầu ấy vượt lên cả sức nặng trách nhiệm gia đình thì họ có quyền dứt bỏ những thứ mà giờ đây không còn nằm ở vị trí đầu tiên nữa. Có những người phụ nữ chạy theo cuộc tình, như nàng Anna Karenina trong tác phẩm cùng tên. Nàng chạy theo tình yêu vì nàng đang sống cùng người chồng mà nàng cảm thấy không được yêu thương. Vậy nàng đúng hay sai? Tôi nào có quyền xét đoán. Có lẽ không có đúng hay sai ở đây, mà là người phụ nữ ấy phải tự chịu lấy trách nhiệm ấy của mình trong mối quan hệ với mình, với các bên liên quan, và đặc biệt là gia đình hiện tại. Rồi, con người ngày nay cũng thế. Tôi cho rằng hôn nhân là vô cùng quan trọng. Nó dường như nắm giữ tương lai và tầm nhìn trong cuộc đời một con người. Nó níu giữ trật tự một xã hội, nhưng nó cũng đồng thời khiến đời sống người trưởng thành nay thăng hoa hoặc bi kịch.
Tôi từng có xem một bộ phim, trong đó có một cặp vợ chồng không phải nhân vật chính, họ chỉ xuất hiện thoáng qua ở trong một giai đoạn nhất định của phim nhưng phần nào nói lên được thông điệp trọn vẹn. Người chồng gặp lại bạn gái gũ mà anh hết mực yêu thương cách đây nhiều năm nhưng vì hoàn cảnh mà không thể đến được với nhau. Anh cảm thấy một sự thay đổi xúc cảm len lỏi trong mình, mơ hồ, ám ảnh rồi mạnh mẽ không thể dứt ra được nữa. Những lạc lối diễn ra trong xúc cảm người chồng rơi vào hoàn cảnh khi vợ chồng anh đang gặp sóng gió. Người vợ biết được điều đó ở chồng, không nặng lời, không bi quan ra mặt, không cãi cọ inh ỏi, với lý trí minh mẫn và khả năng thấu cảm, người vợ để chồng mình thời gian đôi tuần suy ngẫm một mình sau khi đã trò chuyện cùng anh. Đi cùng với những xúc cảm dĩ vãng chợt trào về, người chồng loay hoay trong mớ bừa bộn dư âm và khó lòng thoát ra nổi. Nhưng cùng với thực tế, cuộc hôn nhân tốt đẹp đã nỗ lực xây dựng trong vài năm, anh ta bắt đầu sáng suốt. Người vợ trở về và bảo: "Khi từ bỏ, hãy nhớ lý do mình bắt đầu!" Họ quay về với nhau, dựa trên những suy ngẫm, sự thấu cảm và cả sự tha thứ. Giữa họ không hề có ràng buộc con cái, không hề có ràng buộc về phân chia tài sản, nhưng họ biết điều gì khiến họ không thể tách rời.
Nếu chỉ xem hôn nhân là một cuộc vui trong chương mới cuộc đời thì có lẽ, cuộc vui ấy cũng sớm hoặc đột ngột kết thúc trong cú sốc của người trong cuộc. Có lẽ thì, trước khi đi đến hôn nhân, con người ta nên thành thật với cảm xúc của mình, với cảm xúc của đối phương, và thế, lời thề nguyện sẽ không hề sáo rỗng. Con người có thể dễ dàng bị lay động cảm xúc, như người đàn ông trong câu chuyện trên kia, nhưng thế giới sẽ không có quá một người thực sự thấu hiểu bạn và có thể đi cùng bạn đến cuối cuộc đời, trong đời sống hôn nhân.
"Nếu chỉ xem hôn nhân là một cuộc vui trong chương mới cuộc đời thì có lẽ, cuộc vui ấy cũng sớm hoặc đột ngột kết thúc trong cú sốc của người trong cuộc" -> thích nhất câu này. Cuộc vui nào rồi cũng sớm tàn :(
ReplyDeleteNhững điều không thể bỏ qua khi đến San Francisco
ReplyDeleteDu lịch Đại lộ số 5 USA
Kinh nghiệm du lịch San Francisco Mỹ - Vaness Booking
Tham quan Tượng Nữ thần Tự do
Khám phá Rock xuyên thời đại tại West Hollywood, California
Công viên quốc gia hoa lệ Alaska Mỹ
Kinh nghiệm du lịch Washington
Your Blog - Du lịch Hoa Kỳ giá rẻ nhất
VÉ MÁY BAY GIÁ RẺ ĐI ASPEN - COLORADO
Vé máy bay đi Mỹ 1 chiều khám phá thung lũng Zion