Hạnh phúc tại tâm

9:11:00 PM
Tôi vẫn luôn tin rằng sự chân thật luôn cuốn hút lấy nhau, như cá quấn lấy nước, như cánh chim bay mỏi cuối cùng sẽ trở về tổ ấm. Tôi và N cũng gần gũi với nhau theo ý nghĩa đó: sự chân thật.

Tôi chơi thân với N hồi vắt mũi còn chưa sạch. Nhà N ngay dưới nhà tôi, chỉ cách vài ba bước chân là đến nơi. Sau đó, nhà nó phải mua nhà mới để nhường ngôi nhà cho người em của bố. Khoảng cách vẫn gần đó, tầm một phút đi bộ đã tới nơi. 



Hai năm rồi tôi không về quê ăn Tết, nhưng mỗi lần về quê, nhà nó là nơi mà tôi không bao giờ quên ghé thăm. Hè năm ngoái mẹ nó bệnh, tôi tới chơi, kể lại chuyện xưa. Đôi khi, khóe mắt tôi rơm rớm nước mắt khi nghĩ đến hoàn cảnh của nó: không chỉ nghèo mà nó còn rất hy sinh. Là chị cả trong gia đình hai chị em, việc nó đi học đã chịu sự phản đối kịch liệt từ họ hàng, làng xóm. Người ta bảo: "Nhà nghèo còn gắng học cho lắm!" Đôi khi, bạn sẽ không thể hiểu nổi cách nghĩ ở quê, đặc biệt nếu bạn là người thành phố hay một người đến từ xã hội văn minh và bạn cũng đã văn minh, tiến bộ. Nhưng ở đây là như vậy, người ta sẽ luôn đồn thổi những câu chuyện, và tưởng tượng ra những viễn cảnh còn hơn một nhà văn. Người ta bảo N có người đàn ông này kia giúp đỡ. Tôi không bao giờ tin điều đó, vì nó là bạn tôi và tôi hoàn toàn tin tưởng vào nhân phẩm của nó. Và nếu ai đó giúp nó và nó nhận, tôi nghĩ rằng nó hiểu nó đang làm gì.

Năm ngoái, bố N mất, tiếng khóc của nó xé nát cả làng xóm, dội vào lòng người ta những nỗi buồn không thể lột tả thành lời. Mẹ nó đã cố gắng chạy chữa cho bố nó, và nó đã nỗ lực trở thành một đứa con ngoan bấy lâu. Nó bảo: "Sau khi bố tau mất, tau về lại Thái Nguyên học, tau hiểu bạn bè tau nghĩ gì, qua nét mặt của chúng. Chúng nó hẳn tò mò vì sao bố tau vừa mất mà tau có thể cười nói như thường. Tau thương bố, nhưng tau không muốn chịu đựng một nỗi buồn dài hơi." Tôi hiểu. Ở nơi này và có lẽ nhiều nơi khác, người ta luôn nghĩ rằng khóc là thương, buồn là yêu, và khi một người thân ra đi, sự đau khổ (được phô bày ra bên ngoài) càng dai dẳng bao nhiêu thì nghĩa rằng họ cũng yêu thương người đã khuất nhiều bấy nhiêu. Nhưng tình yêu không thể đo đếm bằng cách đó. Tình yêu, ý nghĩa nhất, thể hiện qua thái độ và ứng xử khi con người ta sống với nhau, chứ không phải khi họ chết đi. Và tôi chán ghét những nỗi đau giả tạo, và đó chính là đạo đức giả. 

Tôi hiểu rằng, và chính trong thâm tâm mẹ con nó đều hiểu, sự ra đi của bố nó chính là sự giải thoát cho chính bố và cho chính gia đình. Nhà nó nghèo, ông bố sống ở đó nhưng luôn là gánh nặng của cả nhà. Tôi còn nhớ hồi tôi còn nhỏ, bố nó luôn quay về nhà với tình trạng say xỉn. Và không chỉ chửi, bố nó còn đánh đập mẹ nó, hai chị em nhà nó. Tiếng khóc đứa trẻ thé lên nhói đau cả cõi lòng, in đậm sự bất hạnh dai dẳng của một gia đình. Suốt đằng đẵng hai mươi năm trời, khi xóm làng đã có cái cổng mới, và đã xây lên những căn nhà tuyệt đẹp, nhà nó vẫn thân xác cũ, giữa tiết trời lúc lạnh ngắt lúc nắng chang chang. Đợt này về, tôi thấy căn nhà đã được lát gạch hoa, tủ lạnh, tủ đồ quần áo khang trang. Tôi mừng cho gia đình nó. Mẹ nó giờ đây sống một mình, cô quạnh. Đứa con trai đang xuất khẩu lao động ở Nga, nơi băng tuyết gần như quanh năm và xé tan cả thanh xuân đời người đàn ông trong xưởng may chật hẹp. Nó bảo: "Tau chỉ còn 4 tháng nữa ra trường. Ra trường, tau cũng muốn xin việc ở Vinh cho gần mẹ. Mẹ tau cũng bệnh bấy lâu, cần người chăm sóc." 

Đời người con gái, sướng khổ chưa biết, vì đó còn là câu chuyện dài lâu. Cách đây nhiều năm, khi tôi còn học lớp 12, một đứa em khóa dưới hỏi tôi: "Theo chị, như thế nào thì được gọi là sung sướng?" Tôi đã trả lời như một người từng trải: "Là hạnh phúc tại tâm." So với N, tôi không có khổ về mặt tài chính. Và thật sự, tôi cũng không khổ vì đời tôi chưa bao giờ phải đứng giữa vách ngăn, một bên là hạnh phúc cá nhân, còn bên kia là số phận của cả gia đình. Nhưng đời nó đã bấp bênh giữa hai lựa chọn ấy. Nó đã cố cân bằng điều đó, bằng chính động lực và niềm lạc quan của chính nó. Nó bảo: "Tau sống lạc quan lắm, buồn có, đau khổ có, nhưng sau cùng, tau mỉm cười với đời." Nó và tôi, đều giống nhau ở chỗ, không bi kịch hóa số phận của mình. Vì có những nỗi đau, suy cho cùng, đều có thể chuyển hóa nếu chúng ta thật sự muốn điều đó sẽ xảy ra. 

Ai đó đã từng bảo rằng cuộc đời, mỗi người một số phận. Tôi nghĩ những lựa chọn trong đời đưa đến bức tranh số phận trọn vẹn nhất. Và tôi và bạn cũng đã từng, đang và sẽ đưa ra những lựa chọn liên tục như thế. Chúng là những gam màu và nét vẽ, tạo nên bức tranh số phận cuộc đời. Đen tối hay sáng bừng, hay là sự đan nối của cả hai, đều do chính chúng ta tự quyết lấy. N đã sống và vượt qua định mệnh tối tăm, nó đã vươn lên và trở thành một người phụ nữ tử tế.  Dẫu dư luận sát thương, dẫu những chuyện không có đã được dệt nối cho thành có bởi mồm mép độc cay của thiên hạ, nó vẫn cứ hiên ngang như thế. Tiếng ồn đám đông hãy cứ còn, nhưng nếu tâm bình yên thì ngoài kia vẫn mãi là bức tranh mang tên "Đời" rất đẹp.





No comments:

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.