Cuộc trò chuyện dài với một người anh (phần 1)
Các bài viết này thuộc một phần rất nhỏ trong cuộc trò chuyện rất dài giữa tôi và anh Dương Xuân Phi. Mọi kiến thức mà tôi ghi lại dưới đây đều do anh chia sẻ. Tôi chỉ đơn giản sáng tạo nó thành các cuộc hội thoại để các bạn dễ đọc và dễ hình dung.
Cuộc trò chuyện diễn ra nhiều ngày vào tháng 05/2018. Đây cũng là người cho tôi nhiều góc nhìn cởi mở hơn về các vấn đề sâu sắc trong cuộc sống. Cám ơn anh vì đã chia sẻ, và giờ thì tôi nghĩ mình nên chia sẻ một số câu chuyện mà chúng tôi từng bàn luận để bạn đọc có dịp chiêm nghiệm.
Sự
đơn giản là sự phức tạp ở mức độ cao nhất
Tôi lại nhớ hôm ngồi nói
chuyện với cô bé sinh viên kinh tế nhưng lại yêu thích văn chương. Câu chuyện với
các nhà văn tương lai luôn chứa đựng nhiều điểm hay ho và thú vị. Tôi nhớ hôm
đó, em có nhận xét tôi một câu: “Nhìn anh Phi có cách sống đơn giản nhưng lại
có chiều sâu.” Câu nói của cô bé khiến tôi nghĩ đến chủ đề về sự đơn giản mà cuộc
trò chuyện có thể chạm tới nhiều tầng ý nghĩa thú vị.
Tôi giơ chiếc Iphone
lên trước mặt em, bảo:
“Em xem chiếc điện thoại
này có đơn giản không?”
“Dạ đơn giản nhưng chắc
chắn phía trong rất phức tạp.”
“Chiến điện thoại này
nhìn đơn giản và việc sử dụng nó cũng thật sự đơn giản, đúng không nào. Nếu bây
giờ, anh sản xuất chiếc điện thoại có rất nhiều phím, chức năng phức tạp, chắc
chắn nó sẽ chẳng thế tiếp cận đến người dùng. Vì người dùng không có tư duy như
dân lập trình và dân kĩ thuật. Vậy bài toán đặt ra cho những người sản xuất chiếc điện thoại này là làm sao để biến
những thứ phức tạp thành gọn nhất, nhiều chi tiết linh kiện như vậy thì bằng
cách nào có thể thu nhỏ được. Ngày trước, máy vi tính rất lớn, với công năng phức
tạp, nhưng dần dần, người ta đã cải tiến nhiều thứ. Quá trình làm mọi thứ đơn
giản hơn gọi là tinh giản. Nhưng, để biến mọi thứ đơn giản và tinh tế thì cẩn cả
một quá tình tư duy phức tạp.”
![]() |
Anh Dương Xuân Phi và tôi ở Utopia Eco Lodge, Sapa |
“Còn ví dụ nào khác nữa
dễ hiểu không ạ?”
“Ai ai cũng biết vũ trụ
này rõ ràng phức tạp, nhưng thực ra các quy luật của nó hết sức đơn giản. Nhưng
quá trình khám phá các quy luật ấy lại cực kì phức tạp. Giống như em vậy, đối
với em việc viết hàng chục trang hàng ngày và ngồi viết hàng tiếng đồng hồ bây
giờ là chuyện dễ dàng nhưng để đạt đến cấp độ ấy, khởi điểm của em có thể chán
chường và hết sức khó khăn. Việc viết của em bây giờ đơn giản vì em đã trải qua
quá trình phức tạp ấy rồi, em đã đúc rút tinh hoa từ việc phức tạp ấy để làm mọi
thứ đơn giản hơn.”
“Ồ, em đã hiểu. Còn điều
này áp dụng trong kinh doanh thì sao anh?”
“Hãy lấy mô hình KFC
làm ví dụ. Người ngoài nhìn vào KFC và nghĩ rằng KFC thật đơn giản. KFC sản xuất
công thức gà rán, và mỗi cơ sở chỉ cần làm đúng công thức ấy, các cửa hàng cùng
một phong cách thiết kế, quy trình đã được viết sẵn và bây giờ nhân bản cũng vô
cùng dễ dàng. Nhưng để có được quy trình đơn giản như thế thì KFC đã trải qua
chặng đường hết sức phức tạp, từ kiểm nghiệm vấn đề rồi rút gọn lại. Để có thể
nhân bản thì đòi hỏi quy trình đó phải đơn giản, nhưng quy trình đơn giản đó lại
phải trải qua quá trình phức tạp và tiêu tốn nhiều thời gian để biến nó thành
đơn giản. Và kết quả của những sự phức tạp đó là sự đơn giản.”
“Em nghĩ câu nói này chắc
chắn sẽ áp dụng được nhiều trong cuộc sống. Vậy anh Phi đã áp dụng nó như thế
nào ạ?”
“Đúng vậy, khi hiểu được
chân lý này, con người sẽ khiến cuộc sống của mình trở nên nhẹ nhàng hơn. Cũng
giống như vậy, khi hiểu sự đơn giản là sự phức phức tạp ở mức độ cao nhất, khi
gặp vấn đề to lớn và rắc rối, anh sẽ ngầm hiểu là anh đang trong giai đoạn để
khiến mọi thứ trở nên đơn giản hơn. Anh chấp nhận nó chứ không cáu bẳn với nó.
Và khi biết kết quả đủ đơn giản và tinh tế, điều đó có nghĩa là anh đã đạt được
điều mình mong muốn.” Cô bé tại ghi chép điều gì đó trước khi ngẩng mặt lên
nhìn tôi. Tôi lại tiếp:
“Chẳng hạn, anh đang muốn
nhân bản mô hình Utopia Eco Lodge này. Anh bắt buộc phải làm mọi thứ đơn giản nhất, nếu mọi
thứ không đơn giản thì không thể sao chép được. Khi một mô hình kinh doanh quá
phức tạp, đặc biệt lại phụ thuộc vào tính cá nhân nữa thì sẽ gây nhiều khó
khăn. Ví dụ, nếu vấn đề thiết kế đều chịu sự can thiệp của anh thì mô hình nhân
bản sẽ cần anh thiết kế lại lần nữa, hoặc một người có thẩm mỹ tốt mới có thể
làm được, như vậy sẽ khó nhân bản.”
“Anh Phi nói hay quá!”
– Cô bé mỉm cười như gặt hái được mùa bội thu.
“Chưa hết nhé. Thông
thường, khi con người ta gặp vấn đề, họ sẽ bối rối không biết phải bắt đầu từ
đâu đúng không nào? Ví dụ, một người hỏi tư vấn em về viết lách, em sẽ trả lời
ra sao?”
“Em sẽ khuyên họ hãy cứ
đặt bút viết đi đã. Viết những gì mà họ thích trước.”
“Đấy. Điều đơn giản như
vậy nhưng ít người lại nghĩ ra được. Khi ta có vấn đề cần giải quyết, hãy bắt đầu
tư những việc đơn giản nhất. Việc tích lũy những việc đơn giản sẽ góp phần giải
quyết bài toán phức tạp. Hay nói cách khác, một bài toán phức tạp là bao gồm những
vấn đề đơn giản móc nối lại với nhau. Nhưng do ta chưa tách được chúng ra nên
ta thường có cảm giác chúng vô cùng phức tạp như những sợi chỉ buộc vào nhau.
Khi giải quyết được một vấn đề đơn giản, em có khả năng để đi đến những bài
toán phức tạp hơn. Trong cuộc sống, em gặp nhiều vấn đề nhức đầu, vậy bằng cách
nào để giải quyết nó?”
“Phải thật tỉnh táo
phân tích vấn đề và tìm cách giải quyết phù hợp đúng không anh?”
“Đầu tiên, em phải chấp
nhận nó đã đúng không nào. Em phải chấp nhận rằng đó là vấn đề mà em cần phải
giải quyết và không đểu cảm xúc của mình trở nên tức tối vì nó.”
“Nhưng con người hầu hết
đều phản ứng tiêu cực với vấn đề xấu mà anh. Làm sao tránh được việc cảm xúc
không chi phối?”
“Hãy để ý thức của mình
vẫn còn vấn đề đó chứ đừng để cảm xúc có vấn đề đó. Giống như anh đang nghĩ về cô gái đó nhưng đó
không phải là cảm giác nhớ nhung. Cũng giống như khi gặp một vấn đề, ta nghĩ về
nó chứ đừng để cảm xúc bị can thiệp. Anh luôn tin rằng cuộc đời vốn dĩ là một
quá trình phức tạp để con người rút ra bài học và chiêm nghiệm ra những điều
đơn giản trong cuộc sống này. Khi em hỏi những người già và hay những người đã
từng trải, họ trả lời mọi thứ nhẹ tênh. Hay khi gặp những người giác ngộ, họ trả
lời những câu hỏi của em bằng những lời vô cùng giản đơn.”
"Còn sự đơn giản của trẻ con thì sao ạ?"
"Còn sự đơn giản của trẻ con thì sao ạ?"

Đấy là một câu hỏi thú
vị. Trẻ em đơn giản nhưng sự đơn giản ấy lại không có chiều sâu. Sự đơn giản ấy
là sự đơn giản tinh khôi, khi qua bên kia đồi thì đó là sự đơn giản ở mức độ
cao nhất, đơn giản nhưng sâu sắc.” – Tôi vừa nhâm nhi ngụm trà vừa nhìn ra phía
con suối ngoài kia, sắc xanh tỏa từ chân trời đến mặt đất.
“Cuộc sống như một trò
chơi nhập vai, và em được giao đóng nhân vật nào đó và nhân vật ấy có một sứ mệnh
nhất định, và em phải thực hiện nó. Em phải đi trên con đường và thực thi những
nhiệm vụ nhỏ, và em học được những bài học. Em tin rằng cuộc sống của mình là
thực hiện nhiệm vụ to lớn nào đó đến cuối đời, em tin là cuộc sống sẽ mang đến
cho em những thông điệp ở một giai đoạn nào đấy và em cứ tiếp tục đi trên con
đường của mình, đón nhận mọi thứ xảy ra
trong cuộc sống của mình. Em không quan tâm thất bại hay thành công, em cứ thực
hiện nhiệm vụ ấy thôi, đơn giản là như vậy.”
Cô bé gật đầu, ánh mắt
xa xăm như độ sâu sắc của em đã tăng thêm phần nào đó. Mặt trời từ từ xuống
núi, để lại quầng đỏ màu trứng gà phía cuối chân trời...
Lòng
kiên trì
Bruce Lee (Lý Tiểu
Long) là nhà võ thuật, diễn viên võ thuật gốc Hoa nổi tiếng trong nền điện ảnh
Hoa Kỳ, ông cũng là một nhà triết học và đồng thời là võ sư sáng lập võ phái
Triệt quyền đạo. Bruce Lee được tờ tạp chí Time xếp vào danh sách 100 nhân vật
có tầm ảnh hưởng nhất của thế kỉ 20. Sinh thời, Bruce Lee có câu nói hết sức nổi
tiếng: “I fear not the man who has practiced 10.000 kicks once, but I fear the
man who has practiced one kick 10.000 times.” (Tôi không sợ người luyện tập
10.000 cú đá chỉ một lần mà chỉ sợ người thực hành 1 cú đá 10.000 lần). Ai đã
hiểu câu nói này và áp dụng nó hiệu quả sẽ sớm thành đạt!
Tôi đã từng chứng kiến
rất nhiều người thích làm điều gì đấy, khi có hứng, họ làm một mạch, nhưng hết
hứng rồi, họ bỏ dở. Nhưng có người, họ làm điều đó đều đặn mỗi ngày, có thể họ
không dành quá nhiều thời gian cho công việc ấy trong một ngày nhưng ngày nào họ
cũng làm. Sự khác biệt giữa tôi và cô bé thích viết kia là ở một yếu tố. Cô ấy
đã viết hàng ngàn bài viết và ngày nào cô cũng viết, kĩ năng đó được trau dồi đều
đặn. Nhưng có người chỉ hăng hái được một ngày, họ viết thật nhiều vào hôm nay
nhưng ngày mai và nhiều ngày sau đó, họ không viết nữa. Vậy, để phát triển kĩ
năng được, thay vì viết 24 giờ một ngày, thì mỗi ngày hãy viết một giờ và rèn
luyện nó lâu dài, sự bền bỉ sẽ tạo thành
thói quen, thói quen tạo ra sự tiến bộ và sự khác biệt. Tôi từng đọc đâu đó quy
luật 10.000 giờ, ai đó dành thời gian cho một lĩnh vực nào đó 10.000 giờ liên tục,
đều đặn, họ sẽ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó. Và khi kết hợp quy luật
này với câu nói của Bruce Lee, ta đúc rút rằng nếu trau dồi kĩ năng nào bền bỉ
như kiến tha mồi về tổ, như ong đi tìm mật, từng chút từng chút một đó dần dần
sẽ tạo được thành tựu.
Quy
luật lượng và chất
Nếu một người tham gia
trò chơi, anh ta hiểu rõ luật chơi và càng thông thạo về trò chơi đó, khả năng
chiến thắng của anh ta càng cao. Và con người cũng như vậy, nếu họ hiểu cách vũ
trụ vận hành thì khả năng chiến thắng càng lớn. Người ta luôn suy nghĩ rằng các
quy luật luôn cứng nhắc, nhưng nếu hiểu các quy luật, không có nghĩa cuộc sống
phức tạp mà ta nhìn vạn vật và thấy mọi điều đơn giản hơn. Tôi nhớ đến quy luật
lượng – chất của Ph. Ăng – ghen: “Những thay đổi đơn thuần về lượng, đến một mức
độ nhất định, sẽ chuyển hóa thành những sự khác nhau về chất.”
Và cứ mỗi lần kể về các
quy luật, cô em lại nheo mày, tỏ vè khó hiểu:
“Lượng và chất ở đây được
hiểu như thế nào anh?”
“Lượng ở đây không phải
là số lượng. Lượng ở đây như lượng nước trong ly, lượng gạo trong bao hay chúng
ta vẫn thường nói lượng kiến thức lớp 1, lượng kiến thức lớp 2,... lượng kiến
thức lớp 12 hay lượng kiến thức đại học. Chất là cái bao hàm lượng. Khi sự tích
lũy đủ về lượng sẽ có sự tích lũy đủ về chất. Vậy, nhiệm vụ của chúng ta là phải
lấp đầy lượng kiến thức lớp 1 rồi mới có thể sang chất của lớp 2. Cũng giống
như khi em đã rót đầy cốc nước thứ nhất, em mới có thể rót sang cốc thứ 2. Chất
ở đây giống như đẳng cấp (level), còn lượng là lượng trải nghiệm, sự sâu sắc. Chất và lượng nói về
quá trình phát triển của yếu tố nào đó, khi nào đủ lượng, yếu tố đó sẽ có sự
chuyển biến về chất. Cũng giống như khi trải qua lớp 1, trẻ em sẽ có sự chuyển
biến về nhận thức.”
“Vậy, hiểu cái này thì
áp dụng được gì cho cuộc sống ạ?”
“Hiểu câu này để mình
tích lũy kiến thức từng ngày. Lượng càng vào, chúng ta sẽ nhận thấy sự chuyển
biến rõ rệt về mặt nhận thức. Chúng ta nhận ra mình giỏi hơn, khôn ngoan hơn,
lượng cũng giống như tầm nhìn, và nó thay đổi nhận thức của mình, nhận thức này
là chất. Khi hiểu nguyên tắc này, ta biết rằng nếu bản thân mình chưa thay đổi
nhiều điều đó có nghĩa là sự tích lũy của mình chưa đủ, cần phải học hỏi thêm.”
Cô bé lúc đó lại mỉm cười,
gật gù như vỡ ra một bài học quan trọng khác.
Có
nên tự cao?
Tôi thà thích một người tự cao thật
sự hơn là một kẻ khiêm tốn giả tạo
Có ba từ “tự ti, tự tin
và tự cao”, cùng bắt đầu bằng “tự” nhưng mỗi từ lại có một sắc thái nghĩa khác
xa nhau. Thậm chí, khi hỏi nhiều người lớn, họ cũng chẳng thể diễn giải rõ ý.
Sơ đồ trên mô tả chu
trình phát triển của tự tin, tự tin quá sẽ thành tự cao, tự cao cực đại sẽ chuyển
thành khiêm tốn. Trong cuộc sống, chúng ta được dạy rằng cần phải khiêm tốn.
Nhưng đối với không ít trong số họ, dù trong lòng rất tự cao nhưng ý thức nhắc
nhủ họ phải nói khiêm tốn. Đấy gọi là khiêm tốn giả tạo. Cảm xúc của họ về điều
đó là thật nhưng ý thức lại giả, sự thật là cái bên trong nó nhưng được ngụy
trang bởi lớp áo khó nhìn thấy.
Khiêm tốn có nghĩa là
gì? Đấy là tự ti. Vì họ không tự tin với giá trị của bản thân mình. Khi vấn đề
này khó khăn ít người có thể giải quyết được nhưng tôi bảo “tôi có thể”, ấy là
tự tin, vì tôi biết khả năng của bản thân mình đến đâu, chứ không khoa môi múa
mép, không múa rìu qua mắt thợ và tôi hiểu giá trị đích thực của mình. Khi tự
tin đi kèm cái tôi, nó được chuyển thành tự cao. Khi đề cập đến cái tôi, ta nhắc
đến sự so sánh. Một người tự cao cảm thấy anh ta hơn người. Nhưng phải chạm đến
tự cao cực đại mới có sự chuyển thành khiêm tốn.
Chú cá vàng bơi trong
ao, nó chỉ biết cái ao đấy thôi, và trong nhận thức của nó, chiếc ao kia là lớn
nhất, là cả thế giới. Nhưng khi nó được thả ra đại dương, nó nhận ra bây giờ
mình chẳng là gì cả, và nó trở nên khiêm tốn một cách tự nhiên, nó nhận thức được
rằng nó rất nhỏ bé. Khi một người nhận ra kiến thức họ lĩnh hội được chỉ là một
hạt đậu tý hon giữa vũ trụ mênh mông này, họ bắt đầu trở nên khiêm tốn.
Ích
kỷ
Đa số mọi người đều thể
hiện một thái độ tiêu cực với hai từ “ích kỷ” và họ tung hô cách sống vị nhân
sinh, là hi sinh bản thân mình để suy nghĩ cho người khác.
Tại sao vậy?
Đức Phật đã từng là một
người vô cùng vô cùng ích kỷ. Ông là vua nhưng lại bỏ việc triều chính và gia
đình để đi tu, để đạt giác ngộ. Ông ta cũng chỉ vì muốn giải thoát khổ đau
trong chính bản thân, ông ta đã nghĩ cho mình trước cơ mà. Ấy không phải ích kỷ
thì là gì?
Nhưng khi đạt được đến
trạng thái vô cùng ích kỷ ở đỉnh điểm của giác ngộ, ông ta lại thay đổi tâm thức
hoàn toàn. Đức Phật có thể yêu muôn loài, yêu tất cả mọi thứ. Khi mới sinh ra
cho đến lúc trưởng thành, bản ngã (ego) của con người từ rất nhỏ thì dần phát
triển lên. Bản ngã tăng lên vì chúng ta hiểu giá trị của bản thân mình. Nhưng đến
một giai đoạn nào đó, khi ta ở phía bên kia đồi, như Đức Phật, ta không cần chứng
minh bản thân mình với bất cứ ai, không so sánh mình với người nào khác.
Chúng ta không thể sống
vì người khác nếu không trải qua giai đoạn sống vì mình. Bạn không thể hiểu
khái niệm cống hiến nếu bạn chưa yêu thương bản thân mình trước khi yêu thương
người khác. Ai cũng phải vượt qua cái đỉnh ích kỷ, phải rất rất yêu thương bản
thân, phải rất rất ích kỷ. Sự ích kỷ này là vô hại, tức nó không làm hại bất cứ
ai khác. Trong gia đình, người bố phải có trách nhiệm với tổ ấm của chính anh
ta. Nhưng anh ta phải có trách nhiệm với chính bản thân mình trước. Anh ta phải
có khả năng nuôi sống bản thân anh ta đã, thì khi giàu rồi, anh ta mới có thể
nuôi sống gia đình và yêu thương gia đình mình. Tính ích kỷ này mang tính vị kỉ
và vị tha.
Không
đúng hoặc không sai
Trong một lần dẫn tour
du lịch, tôi tình cờ nghe được câu chuyện thú vị từ gia đình có 3 người, bố mẹ
dẫn đứa con trai 15 tuổi đi trải nghiệm cuộc sống vùng nẻo cao. Không ít những
gia đình có điều kiện hiện nay không tiếc tiền để thực hiện những chuyến đi thực
tế cùng con nhằm mở rộng vốn sống và truyền đạt cho con cái họ những bài học từ
câu chuyện người thật việc thật trong cuộc sống. Bà mẹ nhìn đứa con thở dốc, nhễ
nhại mồ hôi mới xót xa, bảo chồng:
“Anh ạ, tội nghiệp con
quá, để nó ở nhà có phải hay không. Nhỡ đi hết chuyến này về mà ốm lăn ra thì lại
khổ.”
Ông chồng vẻ cau mày,
hơi hơi lớn giọng:
“Ơ, mẹ nó hay nhỉ. Đi
như thế này là một cách học, là cách rèn sức khỏe cho con. Nó sướng hơn vua rồi.
Đây mới là cách học đúng, chứ cứ suốt ngày chú tâm vào cái máy tính bảng là hư
người ngay. Em cứ suốt ngày cho nó đi học thêm khiến nó ngơ người ra. Giáo dục
phải đưa con cái về thiên nhiên, cứ ở trong bốn cái bức tường với cách giảng dạy
truyền thống kia là sai bét nhè.”
Tôi đem câu chuyện này
kể với thằng bạn thân, anh cho rằng cách dạy con của ông bố là đúng còn của bà
mẹ rõ ràng sai. Tôi mỉm cười không phản biện lại anh, nhưng dẫn anh đến một câu
hỏi vui vui:
“Ông nhìn con chó cái
kia, tôi nghĩ nó phải quan hệ trên dưới mười con chó đực khác. Vậy, những con
chó đực khác có nghĩ rằng con chó cái kia lăng nhăng hay không?”
“Tất nhiên không.”
“Tại sao không?”
“Vì đó là chuyện thường
tình với loài chó.”
“Đúng vậy. Nhưng nếu một
người đàn ông đã có vợ lại ngoại tình với mười người phụ nữ ngoài kia thì sao?”
“Tất nhiên là anh ta
sai.”
“Nhưng ông có biết với
xã hội Nhật, đàn ông có vợ mà ngoại tình là chuyện bình thường không?”
“Hả? Tại sao?”
“Vì phụ nữ cho phép điều
đó. Vì công việc căng thẳng quá, họ cần một hoạt động giải stress. Người Nhật
cho việc ngoại tình khi đã kết hôn là bình thường, họ chấp nhận được. Nhưng ở
Việt Nam, xã hội không chấp nhận điều đó.”
“Rồi, ý ông rốt cuộc là
gì?”
“Ý tôi là thay vì dùng
“đúng” hay “sai”, chúng ta nên sử dụng từ phù hợp hay không phù hợp. Phù hợp gần
với đúng nhưng không phải đúng. Không phù hợp gần nghĩa với sai nhưng lại không
phải sai.”
“À. Tôi hiểu. Giống như
ngoại tình ở Nhật là phù hợp nhưng ở Việt Nam lại không phù hợp đúng không?”
“Đúng thế.”
Chúng ta đều biết rằng
chân lý luôn đúng trong mọi trường hợp, nếu cái gì đúng trong hoàn cảnh này mà
sai trong hoàn cảnh khác, đó không phải là chân lý nữa. Trong một lần nói chuyện
với cô sinh viên từ dưới Hà Nội lên Utopia chơi, cô mới kể cho tôi nghe về quan
điểm sống của người này người kia khiến tôi liên tưởng đến hai tình huống thú vị
muốn thử xem cô suy nghĩ thế nào.
“Giả sử, có chiếc ô tô
đang đi trên đường và sắp lao xuống vực vì bị đứt thắng xe. Tình huống gồm có
người lái xe, trên xe có 10 hành khách và người chứng kiến là một người đàn
ông. Trước mặt người đàn ông có một người khác và bạn biết chỉ cần đẩy người
này xuống thì chiếc xe sẽ dừng lại. Vậy hành động của người đàn ông này đúng
hay sai?”
“Tất nhiên sai. Anh ta
đã giết người, anh ta vi phạm pháp luật mà.” – Cô gái nhanh chóng phản ứng.
“Một trường hợp khác.
Trước kia, có bà mẹ giấu bộ đội trong nhà và quân Mỹ đến lục soát. Bỗng dưng đứa
con sơ sinh của bà ta khóc, bà đã giết đứa con để quân Mỹ không phát hiện ra.
Trường hợp này, hành động của bà ta là đúng hay sai?”
“Theo em, bà ta đúng.
Bà ta đã hi sinh đứa con của mình để cứu bộ đội.” – Cô bé suy nghĩ một lát rồi
trả lời với thái độ chắc nịch.
“Thế theo em, hai trường
hợp này, về bản chất, có giống nhau không?”
“Tất nhiên không ạ.”
“Vậy khác nhau chỗ
nào?”
Cô không trả lời. Tôi
tiếp:
“Giả sử, người đàn ông ấy
đẩy đứa con mình để cứu lấy những hành khách trên chiếc xe đó, nó sẽ giống với
trường hợp thứ 2 hơn đúng không nào. Xã hội nghĩ hành động của người đàn ông và
bà mẹ kia là một sự hi sinh. Với pháp luật, hành động của người đàn ông kia là
sai. Vậy, vấn đề ở đây không có đúng hoặc sai.”
“Vậy là gì ạ?”
“Đạo đức là do con người
đặt ra và được số đông chấp nhận, và con người cần đạo đức để vận hành xã hội.
Có người nhìn nhận hành động của bà mẹ và người đàn ông kia thật tàn bạo, thật
thiếu tính người. Nhưng với người khác, hành động của họ thể hiện sự hi sinh.
Em có hiểu ý anh không?”
Cô gái gật đầu, suy ngẫm.
“Khi con người ta có
suy nghĩ về đúng hoặc sai nhiều quá, điều đó sẽ gây ra quá nhiều đánh giá và
phán xét một chiều. Mọi vấn đề trong cuộc sống giống như đồng xu, luôn có hai mặt
của vấn đề, kể cả trong vấn đề sai luôn có mặt đúng. Quan trọng là ta chọn nhìn
theo mặt nào và nó có tác dụng gì.”
Cô gái mỉm cười, gật đầu
lần nữa.
Khi con người ta nhìn vạn
vật và chấp nhận mọi thứ như nó đang là, ta sẽ không còn phán xét nữa. Vấn đề
cơ bản là nó giúp ta không sản sinh ra những phản ứng tiêu cực. Vì khi bạn nghĩ
một vấn đề sai, nó khiến cảm xúc của bạn trở nên rất tiêu cực. Hãy lấy Adolf
Hitler là một ví dụ. Mặt tiêu cực của Hitler là ông ta gây nên chiến tranh thế
giới và giết rất nhiều người Do Thái. Nhưng nếu ai hiểu về bản chất vận hành của
tự nhiên đều hiểu rằng cuộc chiến tranh do Hitler dấy lên tạo ra sự chuyển biến
khoa học kĩ thuật, thúc đẩy cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật lần thứ 2 để lại nền
tảng khoa học công nghệ cho hậu thế và cân bằng lại thế giới, Tôi từng nhớ, trong một buổi tưởng niệm những
người đã khuất, Bộ trưởng Nhật từng nhắc đến mặt tích cực của việc Mỹ ném hai
quả bom xuống hai thành phố Hisoshima và Nagasaki vì nhờ đó mà cuộc chiến tranh
thế giới thứ 2 kết thúc.Vì câu nói đó mà ông ta bị lên án. Nhưng, câu nói của
ông ta, về bản chất, là đúng nhưng lại không phù hợp để nói ra vào thời điểm
đó.
Đôi khi, trong cuộc sống
cần phải có sự hi sinh. Giống như người lãnh đạo chân chính luôn phải nghĩ cho
số đông, anh ta phải nghĩ cách làm sao để tập thể đó đi lên chứ không phải là một
vài cá nhân đi, vì thế, con sói đầu đàn luôn luôn có sự hi sinh.
Khi xét đến vấn đề
không đúng hoặc không sai, tôi suy ngẫm về cuộc đời mình. Bố tôi mất khi tôi vừa
tròn 2 tuổi, một mình mẹ nuôi hai anh em tôi khôn lớn trong vất vả và khó nhọc.
Tôi tự trách thân trách phận tại sao tuổi thơ mình lại nghèo khó đến như vậy,
khi so sánh một thứ thôi đã không thấy bằng bạn bằng bè. Đó là mặt tiêu cực.
Nhưng khi đánh giá tổng quan, đặc biệt đến giờ, nhìn lại, tôi nghĩ nếu không có
những ngày tháng ấy có thể không có tôi của ngày hôm nay.
Vì thế, mỗi người làm
gì đều có mục đích của họ và vấn đề xảy ra đều có tính hai mặt.
Thành
công và thất bại
Nếu con người ta hiểu chân lý vũ trụ
thì họ sẽ sống rất đơn giản.
Hôm nọ, có cô bé kia vừa
tốt nghiệp đại học bèn xách balo lên và đi như một phần thưởng cho mình sau
quãng thời gian 4 năm mài mông ở giảng đường. Tính cô khá cởi mở, chỉ có phần
thiếu trải nghiệm cuộc sống. Gặp tôi, cô mới hỏi:
“Trước khi chạm đến vị
trí hôm nay, anh Phi đã trải qua những thất bại nào ạ?”
Đó là một câu hỏi thú vị
khiến tôi liên tưởng đến thành công và thất bại trong cuộc sống. Quay trở lại
vấn đề đã bàn luận “không đúng hoặc không sai”, chỉ ra rằng mọi thứ đều có hai mặt. Và thế,
thành công và thất bại chính là hai mặt của vấn đề, nếu không có mặt còn lại
thì mặt kia cũng phải không có. Giả sử trong cuộc sống, nếu một người cứ quan
tâm đến thành công, họ sẽ có thất bại. Nếu bạn làm mọi thứ mà không quan tâm đến
thất bại thì bạn sẽ không cho việc gục ngã đó là thất bại vì trong bạn không hề
có cảm giác đó. Cuộc đời giống như một con đường, và việc đi trên con đường đó
khiến bạn trải qua nhiều câu chuyện khác nhau, có người cho rằng không vượt được
qua khó khăn là thất bại và vượt được qua trở ngại là thành công. Nhưng với cá
nhân tôi, trong đầu tôi không có khái niệm thành công và thất bại, tôi cho rằng
những thứ xảy đến trong cuộc đời tôi đều phải xảy ra.
Cô bé kia nhìn tôi và
chia sẻ những nỗi băn khoăn về tương lai của mình. Sinh viên vừa ra trường, có
nên chạy đuổi một công việc và gắn bó trong căn phòng bốn bức tường? Có nên
theo đuổi thành công và lấy đó làm mục tiêu và động lực cuộc sống?
Thành công không phải
là thứ tôi theo đuổi. Tôi theo đuổi tri thức, theo đuổi cái việc mỗi ngày mình
phải hiểu rộng hơn một chút. Tôi phải hiểu thêm một vấn đề, một kĩ năng hay ngộ
thêm một điều mới mẻ hơn. Khi nói về thành công, đa số mọi người bàn thành công
về mặt tiền bạc. Nhưng thực tế, tiền bạc lại không mang lại cho tôi cảm xúc
nào. Khi con người ta không quan tâm đến thành công hay thất bại, họ cứ đi, cứ
tiếp tục đi, và khi vấp ngã, nó không hề cho họ cảm giác thất bại. Cũng giống
như bạn có một cái đích trên kia, bạn phải vượt qua 2000 bậc thang mới có thể
chạm đến cái đích đó và đó là cái bậc thang mà bạn phải đi qua, vì cuộc sống
đang cần dạy cho bạn điều gì đó, và ấy là thứ mà bạn vẫn còn thiếu. Giống như một
đứa trẻ lớp 1 không thể lĩnh hội được kiến thức lớp 12, nó phải đi qua từng lớp,
từng lớp một. Khi bạn tham gia một cuộc chơi, bạn thua và bạn chấp nhận bởi bạn
hiểu luật chơi là vậy. Nhưng nếu không hiểu luật đó, khi bị thua, người ta sẽ
có cảm giác hết sức tiêu cực về điều đó. Bạn sẽ hỏi tại sao điều tồi tệ này lại
xảy đến với bạn, bạn sẽ than thân trách phận về mọi thứ.
Khi không quan tâm đến
thành công, bạn sẽ chẳng để tâm đến thất bại mà chỉ chú tâm vào con đường và mục
đích tối thượng trong cuộc đời. Tôi tin những người khởi nghiệp cũng không quan
tâm đến thành công hay thất bại mà họ chỉ quan tâm đến việc họ có đạt được mục
đích đặt ra ban đầu hay không. Chẳng qua, khi không đạt được mục đích đó, con
người mới xuất hiện những cảm xúc tiêu cực.
(còn tiếp)
Trang ơi, Cám ơn em vì bài viết.
ReplyDeleteAnh góp ý: Theo anh được biết, hình như Đức Phật chưa từng làm vua, chỉ là tương lai sẽ là vua, lúc ngài bỏ đi thì đang là Thái tử.
Mong em sửa lại để tránh người đọc hiểu sai...
Chúc em thành công!
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%A5t-%C4%91%E1%BA%A1t-%C4%91a_C%E1%BB%93-%C4%91%C3%A0m
"Tại sao vậy?
Đức Phật đã từng là một người vô cùng vô cùng ích kỷ. Ông là vua nhưng lại bỏ việc triều chính và gia đình để đi tu, để đạt giác ngộ. Ông ta cũng chỉ vì muốn giải thoát khổ đau trong chính bản thân, ông ta đã nghĩ cho mình trước cơ mà. Ấy không phải ích kỷ thì là gì?"