Tôi nợ Phú Yên một lời cám ơn
Ở lứa tuổi này, tôi có chút tự hào khi đã đặt chân đến tất cả các vùng miền trong nước, từ Bắc chí Nam, có mấy nơi được báo chí, truyền thông nhắc tới mà tôi chưa có dịp trải nghiệm. Nhưng để chọn lấy một nơi trở về, tôi nghĩ ngay đến Phú Yên, miền "đất phú trời yên" ở duyên hải Nam Trung Bộ, nó gợi nhắc trong tôi bao kỷ niệm đầy thương nhớ với những con người địa phương chân chất và thật thà.
Điều đáng quý ở một người viết là họ có con mắt quan sát và tấm lòng đồng cảm sâu sắc với những số phận xung quanh mình. Tôi nhớ chuyến đi một mình đầu tiên ở Sapa, và tôi đã trở lại Tây Bắc bao nhiêu lần để tìm nguồn cảm hứng sáng tác. Tôi nhớ những ngày học thiền ở chùa Lân, Quảng Ninh, thức dậy từ 4 giờ sáng trong cái lạnh tê tái còn sót lại của những ngày cuối xuân. Tôi nhớ chuyến bay vào Sài Gòn, bắt chuyến xe qua Vũng Tàu và bắt đầu hành trình của một sinh viên gap year. Và cứ mỗi lần bay, tôi lại nhớ đến kỉ niệm ngồi máy bay lần đầu tiên đến Đà Nẵng. Lúc ấy, tôi 19 tuổi. Những chuyến đi khiến tôi trưởng thành quá nhanh, và những thăng trầm cũng khiến tôi bình tĩnh đối mặt. Có khi, người ta nghĩ tôi vô cảm trước điều tiêu cực.
Năm nay, tôi bay nhiều không kém. Tôi không còn nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu chuyến bay trong suốt 4 năm qua. Thời gian trôi qua quá nhanh và nó khiến tôi giật thột mỗi lần nhìn lại. Tôi đã lớn. Đã sống tự lập, biết thế nào là kiếm tiền và không còn dựa dẫm tài chính gia đình gần hai năm nay. Cha mẹ tôi cũng vui vì điều đó. Và mỗi lần quá khứ ùa về, tôi nhớ Phú Yên. Nơi đó, tôi cảm nhận sâu sắc tình người, tròn trịa và nồng ấm biết bao nhiêu. Tôi nhớ câu nói của chị Hà Vũ, nữ doanh nhân từng xuất hiện nhiều trên báo chí với tiêu đề "bán trái cây, xây tủ sách": "Nếu em có thời gian bay vào Phú Yên thì quá tốt, chị cũng sắp xây dựng thư viện sách cho các em nhỏ trong này và thời gian tới còn ở Đăk Lắk... Những ngày cuối tháng 4, khi kết thúc hành trình gap year, tôi bay từ Sài Gòn ra Hà Nội và may mắn có cuộc trò chuyện với chú Nguyễn Quang Thạch. Tôi muốn phỏng vấn chú cho dự án của mình. Chú gợi ý tôi nên gặp chị Hà Vũ, nữ tướng trong công cuộc "Sách Hóa Nông Thôn" với lý do đơn giản: vì chị ấy quá xứng đáng. Không do dự, tôi đồng ý ngay, vì cuốn sách vô cùng cần những câu chuyện thú vị và truyền cảm hứng từ những người phụ nữ khác biệt trên dải đất hình chữ S này.
Máy bay đáp xuống sân bay Tuy Hòa, tôi nhắn tin chị Hà ngay. Chị hướng dẫn tôi đường đến nhà tỉ mỉ. Tôi bắt taxi, sau 15 phút thì có mặt trước ngôi nhà truyền thống của miền biển, nổi bật với những bức tranh tường tuyệt đẹp. Chị Hà chia sẻ chị đang xây dựng một làng homestay tại đây, chỗ này cách sân bay chỉ tầm 15 - 20 phút di chuyển, mà còn giữ được nét đẹp của người dân làng chài với những nguyên sơ và chân chất nhất. Tôi hỏi chị mình sẽ xây dựng homestay như thế nào. Chị chia sẻ:
"Chị sẽ xây dựng một làng Friends Homestay Phú Yên, trang trí nhà cửa bằng những bức tranh tường đậm phong vị miền biển, và tại đây sẽ có một thư viện sách lớn để các em đọc. Chị đến đây và nhận ra, cũng như những vùng quê nghèo khác, trẻ em rất đói sách. Chúng muốn đọc, nhưng hầu như không có điều kiện để tiếp cận nguồn tri thức, như vậy thì quá thiệt thòi. Và em cũng nhìn thấy đấy, những tháng này, biển đói vô cùng, dân làng chài đánh bắt qua đêm và trở về với nguồn hải sản khiêm tốn. Làm như vậy chỉ đủ ăn chứ không có dư. Mình xây dựng làng homestay, biến du lịch trở thành một phần thu nhập cho họ. Du lịch địa phương thường hút khách Tây, và thậm chí nhiều khách ta bây giờ cũng thích kiểu du lịch trải nghiệm này."
Mỗi bức tranh là một câu chuyện tri thức. Từ con thuyền sách, cô giáo đọc sách cho các em nghe đến mũi Đại Lãnh, và các cảnh quan nổi tiếng khác ở Phú Yên được đôi bàn tay khéo léo của anh Nguyen Decor sáng tạo nên. Tôi và các anh chị đi dạo một vòng làng và quan sát những ngôi nhà một gian, hai gian miền biển được xây dựng từ cách đây nhiều thập niên, đứng chễm chệ trên cát, và xung quanh là những cây xương rồng vẫn vươn mình sống tốt giữa cái nắng vàng ươm.
Tôi có một tuần tại Phú Yên với chị Hà Vũ và đây là nhân vật đặc biệt nhất của dự án khi tôi có cơ hội ăn - ngủ - trải nghiệm cuộc sống làng chài cùng chị. Cùng chị đi mua đồ ở chợ, chứng kiến cách chị nhắc nhở người dân không nên dùng túi ni lông bừa bãi, hay khi gặp mẹ con đi ăn xin kia, chị bảo thằng bé qua nhà lấy sách về đọc, hay những lớp dạy vẽ, dạy tiếng Anh được tổ chức đều đặn tại Friends Homestay Phú Yên. Những đứa trẻ nay đã không còn đói sách, còn tôi thì mỉm cười suy nghĩ: "Mỗi một mảnh đất mà chị Hà đi qua, chị đã để lại không chỉ tri thức mà còn là xây dựng một văn hóa mới, tích cực hơn, tiến bộ hơn."
No comments: