Tại sao bạn cần trò chuyện với người lạ?
Thời đại công nghệ
thông tin, người ta có thể dành thời gian nhắn tin cho nhau nhiều hơn ngồi cạnh
nhau trò chuyện. Người ta có thể video call cho nhau cả tiếng đồng hồ vì không
có điều kiện gặp gỡ nhau. Điều đó chứng tỏ, cảm giác nhớ nhung và muốn chế ngự
sự cô đơn trong bản thân mỗi con người luôn thường trực. Tại sao bố con lâu
ngày không gặp lại dành cho nhau cái ôm thật chặt ở sân bay, tại sao người phụ
nữ không kìm chế được sự xúc động khi được thấy chồng mình bằng da bằng thịt
ngoài đời, được cầm nắm, ôm hôn anh sau quãng thời gian anh kham khổ trong quân
ngũ? Dù xã hội có hiện đại đến mấy, công nghệ thông tin có khiến con người dễ
liên lạc trong tích tắc với ai đó nhưng không bao giờ bù đắp khoảng trống trong
con tim mỗi con người. Sự kết nối về thể xác và tâm hồn là hoàn toàn cần thiết,
là không thể thay thế. Bạn nghĩ bạn không thể thiếu internet một ngày, không thể
sống nổi nếu thiếu wifi, nhưng thật ra, chẳng qua là bạn không thể sống nổi nếu
thiếu đi sự tương tác với ai đó mà chỉ có wifi mới có thể hiện thực hóa điều ấy.
Công nghệ có hiện đại đến đâu đi nữa mà không có sự tương tác trực tiếp ngoài đời
thì chỉ mang lại một khối khổng lổ lấp đầy sự cô đơn.
Cha tôi là người có
tính quảng giao, còn mẹ tôi lại hơi rụt rè và thiếu phần tự tin khi đứng giữa
đám đông. Cha tôi luôn mỉm cười và tự hào khi thấy tôi có cơ hội đi đây đi đó
nhiều, thời ông sinh ra và lớn lên đều trong kham khổ, chiến tranh lúc ấy hãy
còn chưa ngừng. Cha tôi cũng là bộ đội, những ngày đi lính hàng ngàn cây số từ
Nghệ An vào Quảng Bình, cha cũng đã từng qua Lào và Campuchia, ông biết được cuộc
sống khi đi mới khiến con người ta mở mang đầu óc. Lớn lên, tôi thấy mình giống
cha. Tự tin, kiên cường và thích đi đây đi đó. Và việc du lịch nhiều khiến tôi
không những mở mang đầu óc mà rất thích thú khi được ai đó khen bản thân có
tính quảng giao. Nhưng để trở thành một người quảng giao như ý muốn, trước hết,
bạn phải là một người ham hố kiến thức. Kiến thức có thể từ ham đọc sách, ham
chắt lọc kiến thức từ người khác, từ đời sống xã hội nói chung. Việc đọc sách
giúp ích cho tôi rất nhiều. Nhưng, lạ thay, cha mẹ tôi lại không phải là những
người nghiện con chữ. Nhưng bà tôi thì có. Bà hay đọc báo, hễ có cuốn sách nào
đặt lên bàn, bà đều cầm lên, mắt nheo một lại một chút để con chữ nét hơn trong
ánh nhìn. Trẻ con hay bắt chước người lớn, thấy bà đọc, tôi cũng đọc theo. Hồi
xưa, tôi rất thích đọc cách cuốn phiêu lưu và du lịch. Truyện ngắn về gia đình
hay tình bạn tôi cũng thích nữa.
Hành trình trở thành một
người quảng giao của tôi bắt đầu khi tôi tham gia các chương trình câu lạc bộ
(CLB) của trường, tham gia các sự kiện lớn được tổ chức ở phòng hội thảo D201.
Cả khán phòng lớn như vậy, tôi bước vào với tư cách của một phóng viên, nhà báo
nghiệp dư đến từ CLB Truyền thông. Họ thấy thẻ thành viên CLB bèn mời tôi vào với
sự niềm nở. Thế là, tôi được vào thẳng thay vì phải xếp hàng. Việc tham gia các
sự kiện và được vây quanh bởi những người lạ như vậy khiến tôi quen hơn với cảm
giác xa lạ ấy. Tôi thấy họ cũng là những người trần mắt thịt như mình, cũng có
những bạn bước vào một mình và đi ra một mình. Sau sân khấu, những khách mời ngồi
kia nói chuyện vẫn rất thân thiện và dễ gần. Với những người trẻ vừa bước vào một
môi trường mới, đặc biệt là những ai còn ít trải nghiệm sống, họ sẽ lầm tưởng rằng
những người ngồi trên sân khấu sẽ khác người, ta sẽ còn lâu mới có thể trò chuyện
với họ. Thế nhưng không, tôi bước lại gần họ, và xin số liên hệ để sau này có
việc còn email, họ niềm nở cho tôi ngay. Tôi còn nhớ cái cảm giác ấy, lồng ngực
đập thình thịch, tiếng nói hòa với tiếng đập dồn dập của con tim, lời nói phát
ra xen lẫn từng hơi thở hổn hển, tôi cố gắng nuốt chúng vào trong, dãn cơ mặt
ra, kèm theo một nụ cười với đôi mắt sáng trưng nhìn vào mặt người đàn ông đối
diện. Khi một ai đó quá run nhưng vẫn cố tỏ ra tự tin, dáng vẻ của họ sẽ trông
hơi cứng, mắt họ đảo liên tục và không nhìn trực diện vào đối phương, thậm chí
nếu họ quá run, giọng nói của họ sẽ không thể liền mạch mà cứ phát ra tiếng thở
hoài, câu nói sẽ bị ngắt quãng, họ nghe tiếng đập lồng ngực mình nhiều hơn là
chú tâm vào việc mình sẽ nói cái gì tiếp theo. Ngày lễ tổng kết cuối cùng của
thời học sinh, tôi đứng trước toàn trường đọc diễn văn tốt nghiệp. Giữa cái nắng
hạ oi ả đến vậy mà sau khi nghe tôi đọc xong, cả trường đồng thanh hoan hô, tiếng
vỗ tay nồng nhiệt. Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi đứng giữa đám đông gần
2000 người để chia sẻ những cảm xúc về thời học sinh. Nhưng, trước đó một tuần,
tôi run, lo lắng và không ngủ được. Tôi đọc đi đọc lại bài diễn văn hàng chục lần,
diễn trước gương mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi tối, đọc thử cho cô giáo chủ nhiệm và
cô hiệu trưởng nghe, khi trở về nha, tôi lại bật YouTube nghe đi nghe lại những
chỉ dẫn của các chuyên gia làm bằng cách nào để tự tin trước đám đông, để có
bài diễn văn truyền cảm hứng nhất có thể. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo cả tuần
đó, tôi đã có bài nói thành công trước gần 2000 người.
Nói chuyện với người lạ
cũng vậy, nó cho ta những lần tập duyệt đầu tiên, nó gạn lọc cảm giác tự ti, sự
yếu kém, run sợ nói riêng và toàn bộ những
cảm giác tiêu cực nói chung ra khỏi thân thể, thay vào đó, sự dũng cảm và tự
tin dần dần thay thế vào các chỗ trống khiến ta trở nên mạnh mẽ và tự nhiên
hơn. Vì thế, tôi không bao giờ bỏ lỡ cơ hội với người lạ. Dù đó là một cá nhân,
hai cá nhân hay một tập thể ít người hay nhiều người. Chúng ta phải đi từ từng
cá nhân đến đám đông, ta mới thấy sức mạnh của sự thay đổi ấy lớn lao và nhanh
chóng đến thế nào. Ngồi xe buýt, hãy chào hỏi người kế cạnh một tiếng. Mỗi một
con người đều có nhu cầu chia sẻ, và sự chia sẻ đó sẽ khiến nỗi cô đơn và nỗi
niềm nặng nề của họ được vơi đi bội phần. Lớn lên, ta nhận thấy có những chuyện
bản thân không thể chia sẻ với bạn bè hay người thân, ta sợ phiền đến họ và có
những bí mật ta muốn giữ cho riêng mình nhưng lại không thể chịu được cảm giác
ôm ấp nó vào lòng khiến tâm nặng nề, khó chịu. Nếu tìm được một người lạ chịu lắng
nghe câu chuyện của ta, ta sẽ kể câu chuyện ra không đắn đo, không lo lắng và
không suy nghĩ gì cả, vì cảm giác tâm sự cùng người lạ rất an toàn, và ta nhẹ
nhõm và thoải mái ngay trong lúc ấy. Lần đó, trong chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà
Nội, trong tôi có nhiều cảm giác khó tả, một phần vì rời xa mảnh đất Sài Gòn mà
mình đã gắn bó hơn 6 tháng, cuộc sống hãy còn rất tốt, thế mà tôi đành phải ngậm
ngùi chia xa để ra Hà Nội tiếp tục học tập và theo đuổi sự nghiệp của mình. Ngồi
bên cạnh tôi là người đàn ông đứng tuổi, khoác lên mình bộ com lê trông tướng
tá khá sang trọng nhưng vẫn toát lên sự giản dị, chân phương. Tôi quay sang
chào chú, rồi mới biết chú ở quận Thanh Xuân, là giám đốc của một công ty mỹ phầm
ngoài đó. Chú và tôi trò chuyện qua lại với nhau như vậy cho tới khi máy bay hạ
cánh tại sân bay Nội Bài. Trước khi máy bay chạm đất, chú ôn tồn nói: “Đây là lần
đầu tiên chú kể ra những chuyện cá nhân của mình cho một người lạ như thế. Gặp
cháu cởi mở và chân thành, chú nghĩ cũng là dịp mình có thể giãi bày tâm sự.”
May mắn và có duyên làm sao, khi rời khỏi sân bay, chú và tôi lại ngồi trên một
chuyến xe về lại trung tâm, chú bảo tôi đi cùng xe taxi về cùng, vì chỗ ở của
hai người khá kề cạnh nhau. Hôm đó, chuyến bay rơi vào buổi tối, nhớ có chú,
tôi có người bầu bạn, tâm sự trên quãng đường xa. Thời gian nhanh hay chậm đều
tùy thuộc vào cách cảm nhận của từng người. Ngồi không mà chờ thời gian trôi
thì một tiếng có khi như mười tiếng. Trên máy bay, tôi không thấy nhiều người
trò chuyện với nhau, thậm chí hiếm, rất hiếm. Đa số trong đó dành thời gian ngủ
hoặc nghịch điện thoại, đôi người đọc báo. Tôi nhớ trong chuyến bay đi Bangkok,
tôi ngồi kế cạnh một chị người Phi líp pin, chúng tôi thi thoảng quay sang trò
chuyện với nhau. Chị này rất cởi mở và đang dạy tiếng Anh ở Sài Gòn. Lúc máy
bay hạ cánh là hơn 12 giờ đêm. Tôi vẫn chưa đặt khách sạn, cứ tính ngủ ở sân
bay nhưng sức khỏe lại không tốt, tôi còn bị ù tai nữa. Chị ta thấy thế bèn bảo
tôi đi cùng về khách sạn mà chị ta đã đặt trước rồi đặt phòng ngủ sau. May nhờ
có chị đó mà tôi thoát cảnh ngủ ở sân bay trong tình cảnh ù tai và nước mũi chảy
liên tục này.
Con người ta nếu có nhu
cầu muốn được lắng nghe có nghĩa rằng họ có nhu cầu muốn chia sẻ. Trong cuộc sống,
nếu nắm bắt được nhu cầu của đối phương, chúng ta sẽ dễ dàng đối nhân xử thế. Về
sau, công việc của chúng ta sẽ liên quan trực tiếp đến rất nhiều người lạ. Nếu
là nhân viên ngân hàng, bạn sẽ phải nói chuyện với các khách hàng lạ mỗi ngày.
Là nhân viên khách sạn, bạn không những phải nói chuyện với khách lạ từng phút
mà còn phải khiến họ chọn dịch vụ mà bạn cung cấp, giữ chân họ thật lâu và khiến
khách sạn của mình trở thành lựa chọn số một của họ khi đến vùng đất này. Là
nhân viên bán hàng, để bán được sản phẩm, để có hoa hồng, bạn bắt buộc phải bán
được hàng và điều đó khiến bạn phải học cách giao tiếp với khách hàng lạ thuần
thục, nắm bắt nhu cầu và ứng xử khôn khéo và thông minh làm sao để họ tin và cảm
thấy sản phẩm của bạn không thể không mua. Tôi nhận ra, ở đời, kĩ năng giao tiếp
tốt là thứ khiến con người ta dễ dàng được yêu quý nhất, dễ gây ấn tượng nhất.
Ngoại hình chỉ là lớp vỏ mong manh, sau cái lớp vỏ đó, nếu ngôn ngữ bạn sử dụng
không khéo léo, không khiến người ta tâm phục khẩu phục, hay làm tan vỡ ấn tượng
đầu tiên của người ta về bạn, đó là một điểm yếu mà mỗi người cần cân nhắc
trong bước đà phát triển sự nghiệp của mình.
Khi còn trẻ, người ta
nói chuyện với người lạ không những để có những lần tập duyệt đầu tiên mà còn để
học hỏi thêm kiến thức, hiểu thêm về một con người, nền văn hóa và trong câu
chuyện đó với con người đó, biết đâu họ lại nhận thấy ở bạn tiềm năng gì đó,
trao cho bạn một cơ hội nào đó, hay cả hai trở thành mối quan hệ gì đó của nhau
về sau. Tôi nhớ hồi làm việc cho Toong, một coworking space (không gian làm việc
chung) tại quận 2, Sài Gòn. Tôi có quen một anh là nhà sáng lập của một công ty
về công nghệ. Anh kể cho tôi rằng hồi xưa, anh còn gọi vốn ngay cả trong nhà vệ
sinh. Đấy mới thấy con người ta nắm bắt cơ hội ở mọi lúc mọi nơi.
Tại sao phải nói chuyện
với người lạ? Vì họ ở cạnh xung quanh ta!
x
No comments: