Kyle Le – YouTuber kết nối Việt Nam với thế giới
(Vui lòng không copy bài viết dưới bất cứ hình thức nào)
“Hồi xưa, anh cứ chú ý đến lượng subcribe hay like nhưng bây giờ, anh không còn chú ý nữa. Anh muốn thực hiện những video khiến bản thân mình hạnh phúc, anh muốn truyền cảm hứng, chia sẻ đam mê của mình để chia sẻ đam mê của người ta. Trong một năm qua, có nhiều những video anh ít xuất hiện, vì anh muốn tạo cơ hội để người ta nói và chia sẻ câu chuyện của họ và trong tương lai anh vẫn muốn tiếp tục như vậy. Nếu quan tâm lượng subcribe, anh sẽ không làm những video này, anh sẽ chia sẻ những clip street food rẻ tiền, mỉm cười khen món này ngon, món kia tuyệt, những clip đó ắt sẽ được nhiều lượt xem, nhưng anh muốn người ta biết đến Kyle như một người đi chia sẻ những câu chuyện thú vị của người Việt sống ở khắp 5 châu chứ không phải là một ai khác.”
“Hồi xưa, anh cứ chú ý đến lượng subcribe hay like nhưng bây giờ, anh không còn chú ý nữa. Anh muốn thực hiện những video khiến bản thân mình hạnh phúc, anh muốn truyền cảm hứng, chia sẻ đam mê của mình để chia sẻ đam mê của người ta. Trong một năm qua, có nhiều những video anh ít xuất hiện, vì anh muốn tạo cơ hội để người ta nói và chia sẻ câu chuyện của họ và trong tương lai anh vẫn muốn tiếp tục như vậy. Nếu quan tâm lượng subcribe, anh sẽ không làm những video này, anh sẽ chia sẻ những clip street food rẻ tiền, mỉm cười khen món này ngon, món kia tuyệt, những clip đó ắt sẽ được nhiều lượt xem, nhưng anh muốn người ta biết đến Kyle như một người đi chia sẻ những câu chuyện thú vị của người Việt sống ở khắp 5 châu chứ không phải là một ai khác.”
Giọng nói của tôi bắt gặp
giọng nói của Kyle vào một trong những ngày cuối cùng của năm 2017, cuộc trò
chuyện kéo dài xấp xỉ 3 tiếng đồng hồ, có những giây phút tôi tự hỏi tại sao lại
xảy ra cuộc đối thoại này, tại sao người bận rộn như Kyle Le lại tạo cho tôi một
cơ hội để có thể lắng nghe câu chuyện của anh. Tôi rõ hơn ai hết rằng Kyle chẳng
biết gì về tôi ngoài những dòng tin nhắn thật dài tôi gửi cho anh trên
Messenger vào ngày hôm trước. Tôi nhớ đó là một đoạn văn tiếng Việt khoảng 300
chữ, tôi giới thiệu mình là ai, đang viết cuốn sách nào và mong muốn được lắng
nghe câu chuyện của anh ra sao. Kyle “seen” tin nhắn nhưng không trả lời, lúc ấy
tôi cảm thấy có chút hụt hẫng. Rồi vài giờ đồng hồ tiếp theo, tôi nhận một lời
đáp trả, anh hi vọng tôi có thể viết bằng tiếng Anh vì anh không thể đọc tiếng
Việt. Tim tôi đập rộn ràng hẳn lên, rồi có chút bối rối, tôi soạn tin nhắn ra một
trang khác để chắc chắn vì vài lần trước, tôi viết tin nhắn cho người ta chưa kết
thúc mà ấn nhầm phải nút enter, tôi không thể phạm thêm lỗi lầm ngốc nghếch này
thêm một lần nào nữa, đặc biệt trong tâm trạng phấn khởi và không thể kiểm soát
như thế này. Vài phút sau, tôi sao chép lời nhắn bằng tiếng Anh rồi gửi anh qua
Facebook. Và ngay sau đó, anh đáp trả tôi rằng hai bên có thể gọi nhau nói chuyện.
Tôi biết lúc ấy anh vẫn đang ở một nơi nào đó xa Việt Nam, tôi không biết rõ
anh ở đâu nhưng chắc chắn không gần đây. Chúng tôi đặt lịch hẹn vào 8 giờ tối
PST, tức là 11 giờ trưa mai tại Việt Nam. Ôi, lúc đó, tôi không nghĩ mọi thứ lại
có thể đến nhanh và dễ dàng như thế này, từ cảm giác phấn khởi, tôi đâm ra lo lắng.
Dù đã biết Kyle từ hơn một năm về trước, xem video của anh cũng phải hàng chục
lần, nhưng tôi chưa chuẩn bị kịp, liệu một đêm có kịp không nhỉ? Từ băn khoăn,
do dự trong lòng, tôi gửi anh câu trả lời ok.
Và ngày mai, một trong những cuộc phỏng vấn đầu tiên sẽ diễn ra, tôi chính thức
phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho cuốn sách này của mình. Tôi nhớ giây phút ấy,
bản thân mình hạnh phúc quá, sáng hôm sau, đến công ty, tôi còn nhớ hình dáng đứng
ngồi không yên, mong gặp được anh bạn để chia sẻ chuyện thú vị và bất ngờ ấy.
Tôi trò chuyện với một
người bạn, anh bảo rằng phỏng vấn qua email là cách mà các nhà báo vẫn thường
làm với những người nổi tiếng. Tôi sẽ không dùng email để phỏng vấn nhân vật của
mình, tôi tự hứa phải gặp mặt họ bằng được, bởi những gì tôi sắp sửa viết ra là
để xuất bản thành một cuốn sách tâm huyết được trau chuốt tỉ mỉ và chu đáo chứ
không phải cho một tờ báo, tạp chí mà người ta đọc rồi có thể quên ngay sau
ngày hôm đó. Nhưng với trường hợp của Kyle, tôi thật sự muốn nói chuyện với
anh, dù hai bên cách xa nhau nửa vòng trái đất, và đặc biệt là khi biết rằng một
thời gian dài nữa anh mới quay lại Việt Nam. Nhưng ít nhất hai giọng nói vẫn có
thể gặp nhau, chỉ là không thể gặp mặt trao đổi ngoài đời thực, sẽ có sự khác
biệt lớn, nhưng tôi vẫn rất mong chờ cuộc nói chuyện này. Bởi, với tôi, Kyle là
nhân vật đặc biệt và cái tên của anh hiện lên trong đầu tôi ngay tức khắc khi
nói về những YouTuber ấn tượng với câu chuyện khác biệt, truyền cảm hứng. Kyle
khiến tôi thật sự tò mò!
Đối với tôi, tiền không
phải là thước đo của thành công và thành công cũng không phải là yếu tố cốt yếu
khi tôi tìm kiếm nhân vật cho cuốn sách này. Ở ngoài kia, bạn sẽ thấy có rất rất
nhiều những người thành đạt nhưng với tôi, điều quan trọng nhất là câu chuyện
đi đến thành công của họ và cách họ trao giá trị cho cộng đồng, sức ảnh hưởng của
họ đến những người xung quanh và họ đã làm gì để thay đổi, truyền cảm hứng và
nâng bước cho những người bất hạnh và nghèo khó khác. Thành đạt không đồng
nghĩa với sự nổi tiếng, hoặc họ chỉ nổi tiếng trong một phạm vi nhất định nào
đó, với độ tuổi nào đó, bởi vậy, có những người trong cuốn sách này, bạn có thể
biết trước, hoặc chưa, nhưng câu chuyện của họ luôn cần sự kiên nhẫn và sự tò
mò của chính bạn. Bạn có thể nghĩ rằng những gì họ làm chưa đủ thuyết phục để
được viết vào sách, hoặc bạn so sánh họ với ai đó để rồi đi đến kết luận rằng
người khác còn cống hiến hơn họ gấp trăm lần hay câu chuyện của người khác thú
vị hơn, thuyết phục hơn. Nhưng đối với tôi, không có thước đo nào chính xác để
cân đo đóng đếm những cảm nhận và đánh giá thuộc về yếu tố chủ quan, và quan trọng
hơn tất cả, những nhân vật tôi tìm đến trò chuyện, và hơn cả trò chuyện là được
hiểu hơn về con người họ, thế giới đa sắc màu ở phần chìm của tảng băng trôi mà
đa số người không hề biết đến và ngờ tới khi nghĩ về những người thành đạt dốc
hết trái tim cống hiến, họ khiến tôi đi từ tò mò đến những phút lặng người thật
lâu, và trong khoảnh khắc nào đó, tôi quên đi câu hỏi tiếp đến là gì để có thể
bình tĩnh cuốn theo những câu chuyện mà họ đang tiếp tục chia sẻ. Và Kyle chính
là người cho tôi cảm giác ấy: gần gũi, mộc mạc, chân thành như cái cách anh xuất
hiện trong từng video và đem câu chuyện của người Việt đi ra thế giới. Tôi nhìn
thấy bóng dáng mình đâu đó trong câu chuyện của anh, và tôi nghĩ, nó không còn
là cuộc phỏng vấn thông thường nữa, anh chia sẻ hơn những gì tôi hỏi và tôi muốn
biết. Và điều đó thật đáng trân trọng biết bao nhiêu!
“Qua Mỹ từ những năm 80 của thế kỉ 20, nhiều
người cứ nghĩ rằng gia đình anh giàu và du lịch như triệu phú”
Để hiểu nhân vật, bắt
buộc bản thân tôi phải đặt những câu hỏi lui về quá khứ, bởi tôi chú trọng quá
trình hơn là những gì mà tôi thấy ở nhân vật ngày hôm nay. Đối với tôi, Kyle đặc
biệt bởi anh là Việt Kiều, sinh ra và lớn lên tại Mỹ và tôi muốn hiểu lý do vì
sao anh quay lại Việt Nam và trở thành người duy nhất từ trước đến nay quay những
phóng sự về người Việt sống khắp mọi nơi trên toàn thế giới, tạo nên ảnh hưởng
tích cực không hề nhỏ cho những người anh gặp và những vùng đất mà anh đi qua.
Gia đình Kyle chuyển
qua Mỹ từ những năm 80 của thế kỉ 20. Anh nhớ lại những câu chuyện cả đại gia
đình 15 người phải sống trong một căn hộ nho nhỏ, rồi từ từ, theo năm tháng mới
tách ra. Thời buổi những năm 80, người
ta phải đi may đồ, làm ca đêm, phải chịu nhiệt độ lạnh thiệt lạnh để nuôi sống cả
gia đình. Kyle nhớ lại những ngày bố phải lái xe nhanh thiệt nhanh chở anh đi học
để quay trở lại làm việc. Người ta nghĩ rằng những người Việt qua Mỹ sẽ có một
cuộc sống xinh đẹp, bởi người ta chỉ nhìn thấy cuộc sống người Việt trên đất Mỹ
của ngày hôm nay mà không bao giờ tìm hiểu câu chuyện của họ ngày hôm qua vất vả
như thế nào. Qua Mỹ, gia đình Kyle cũng như nhiều người Việt khác phải làm lụng
thiệt vất vả, rào cản ngôn ngữ có lẽ là khó khăn lớn nhất, và khác biệt màu da,
tôn giáo cũng là những trở ngại mà chỉ người trong cuộc mới có thể thấu.
Từ nhỏ đến lúc 6, 7 tuổi,
cha mẹ và người thân của Kyle không nhắc gì nhiều đến Việt Nam, sau đó 8, 9 tuổi,
Kyle được đi học tiếng Việt vào mỗi sáng chủ nhật, và cứ liên tục như vậy trong
suốt 2, 3 năm, anh biết căn bản. Và giờ thì tôi hiểu vì sao anh bảo không thể đọc
tiếng Việt dù anh nói tiếng Việt giọng miền nam hoàn hoản như người bản địa. Với
những người làm cha làm mẹ, hẳn ai ai cũng muốn tương lai của con cái mình tốt
đẹp hơn, và bố mẹ Kyle cũng như vậy, họ chuyển đến Mỹ và mong muốn sau này Kyle
sẽ là một người thành đạt. Họ không muốn nhắc đến Việt Nam quá nhiều với Kyle bởi
họ mong muốn anh chú tâm học hành tại Mỹ. Nhưng có những câu chuyện cứ đau đáu
mãi trong lòng anh như kỉ niệm một lần ông bạn ghé thăm nhà, người lớn kể lại
chuyện người Việt phải ăn từng trái chanh để sống qua ngày trên đất bạn. Và khi
Kyle kể lại chuyện đó, tôi nhận ra từng câu chữ nhấn nhá chân thành của anh và
từ tận trái tim, tôi biết rằng với một người đàn ông không thực sự biết chính
xác mình là ai trên một đất nước rộng lớn như vậy thật sự mong mỏi có cơ hội
chia sẻ với ai đó những kỉ niệm ảnh hưởng mạnh mẽ từ bên trong sâu thẳm con người
anh.
“Anh
chỉ biết, ba mẹ xem tivi và nghe nhạc bằng thứ tiếng khác với những người xung
quanh. Khi ông bà sang Mỹ, họ cũng muốn chăm lo cho hành trình của anh ở bên
này. Anh chỉ biết mình là người, như vậy thôi.”
Kyle kể lại, lần đầu
tiên anh và gia đình về Việt Nam thăm ông bà nội là cuối năm lớp 9. Anh cảm thấy
hồ hởi và vui mừng vì nay có thể gặp những người thân mà ba mẹ đã kể thật nhiều
về họ trước đó. Ở tuổi 14, Kyle cũng không quan tâm gì hơn ngoài những thứ giải
trí, anh không biết nhiều về văn hóa, lịch sử cũng như con người Việt Nam. Trở
lại quê nhà, anh cảm thấy khác biệt, nóng nực, mất tự do bởi lúc nào mẹ cũng
trông chừng.
Những câu hỏi về gia
đình thật không dễ dàng chia sẻ, đặc biệt khi nó được viết ra cho nhiều người
cùng đọc, sự riêng tư là cần thiết cho bất cứ cá nhân nào, và với Kyle, tôi hiểu
và đồng cảm. Nhưng tôi thật sự quý trọng anh bởi như đã chia sẻ từ đầu, anh
không còn coi tôi là một người phỏng vấn hay một nhà báo nữa, tôi nghĩ, anh
đang chia sẻ những câu chuyện của mình với một người em gái thân thuộc và gần
gũi. Và cô em gái đó không những tò mò mà còn đem lòng mến mộ người anh này rất
rất nhiều. Kyle bồi hồi nhớ lại câu chuyện từ lớp 7, anh đã đêm mê đóng kịch bản,
feature art, và kể từ đó cho đến khi lên cấp 3, anh vẫn tham gia biểu diễn các
buổi hài kịch, tham gia các câu lạc bộ kịch, sân khấu khác nhau. Anh thích biểu
diễn lắm. Lên Đại học, anh theo chuyên ngành Lịch sử, Kyle chia sẻ rằng anh viết
giỏi và cực kì dở môn toán. Tôi nhìn thấy những điểm kết nối trong quá khứ với
hiện tại của Kyle bây giờ, tôi hình dung ra một quá trình của một người gốc Việt
sống trên đất Mỹ, dù mang quốc tịch Mỹ nhưng vẫn đau đáu nỗi niềm quê hương.
Tôi nhớ, khi bản thân còn
rất nhỏ, sách báo không có nhiều, những gì tôi có thể chạm tới là những cuốn
sách giáo khoa mua lại từ anh chị khóa trước, có những cuốn rách tươm, nhàu nhĩ
vẫn được mua lại với giá phân nửa. Thời buổi ấy, thèm đọc, thèm được nhìn thấy
những bức tranh, bức ảnh mà chẳng có nhiều. Tôi còn nhớ cuốn sách trong màu giấy
nâu, dày cộm, với chiếc bìa rách 2 góc tập hợp hàng chục câu chuyện cổ tích
khác nhau được tôi đọc đi đọc lại hàng chục lần, vì thích quá, vì sách báo hiếm
hoi. Thư viện trường cứ mỗi tuần lại phát cho mỗi lớp một quyển báo dày tầm 40
chục trang, gương mặt trang bìa thông thường là các bạn dân tộc, những bạn nhỏ
bằng tuổi mình nhưng có thành tích đáng nể, tôi không còn nhớ rõ tên những cuốn
báo ấy là gì nhưng hễ đến trường, tôi luôn mong đợi để được cầm trên tay quyển
báo đó. Nhiệm vụ cao cả của tôi là đọc những mẩu chuyện ý nghĩa cho các bạn
cùng lớp nghe. Tôi mỉm cười khi bắt gặp câu chuyện tương tự trong lời chia sẻ của
Kyle, rằng anh cũng thích đọc sách, hồi xưa, anh ở vùng nguy hiểm, cứ mỗi lần
đi học về, anh lại ngồi nhà đọc hết cuốn sách này đến cuốn sách kia, ba mẹ cũng
gò bó, anh chỉ được phép xem tivi một tiếng đồng hồ mỗi ngày. Kinh tế tại miền
nam California những năm tháng ấy rất cạnh tranh, ba mẹ Kyle cũng là những công
nhân, phải làm lụng thật vất vả nên họ đặt nặng vào thế hệ tương lai, là những
thế hệ thứ 2 như Kyle và tôi. Cha mẹ luôn bảo với tôi rằng phải học hành tử tế
và tự thân vận động sau này, bởi thế suốt 18 năm ngồi trên ghế nhà trường, tôi
luôn đứng đầu lớp về mọi mặt nên đôi lúc cứ tưởng rằng thế giới ngoài kia dễ
dàng.
“Anh
đã từng tự hứa sẽ không trở lại Việt Nam thêm một lần nào nữa…”
5 năm sau, Kyle trở lại
Việt Nam. Và, lần này, anh tự hứa sẽ không bao giờ quay trở lại đây thêm một lần
nào nữa.
Thời điểm ấy, anh đang
học Đại học, ở lứa tuổi đôi mươi, điều một thanh niên thích là sự tự do. Nhưng
trở lên quê hương, khí hậu vừa nóng nực, gò bó, anh không được đi đâu, không có
điện thoại, không internet, cảm giác bị tách biệt khỏi thế giới. Bởi chỉ loanh
quanh bên người thân, Kyle nhìn thấy Việt Nam thu lại nhỏ bé chỉ là một bức
tranh nghèo khó, nắng nôi với những con người nhà quê không cho anh thấy một Việt
Nam to lớn, đa dạng.
Tôi hỏi Kyle liệu cuộc
sống gia đình không mấy khá giả như vậy thì anh đã làm gì trong những năm tháng
đại học để có thể nuôi sống bản thân. Kyle không ngại ngần bất cứ câu hỏi nào
và câu hỏi này cũng như vậy. Anh chia sẻ, lên đại học, anh vừa học kịch bản, vẫn
là đam mê nối tiếp từ thời anh học lớp 7, vừa học Lịch sử trên giảng đường, lấy
2 bằng trong vòng 4 năm. Ngoài ra, anh trông coi tiệm cá kiểng, anh thích cá lắm,
bán cá, dọn dẹp trong tiệm, và khi người ta hỏi gì liên quan đến cá, anh cũng
có thể trả lời. Ngoài ra, Kyle cũng sản xuất video cho một công ty bất động sản,
từ những trải nghiệm đó, anh có kinh nghiệm quay video cho những chuyến đi sau
này. “Cuộc sống không hề dễ dàng.” – anh trầm ngâm giây lát. Câu chuyện của
Kyle khiến tôi nhớ lại những ngày lần đầu tiên tập tành viết lách, bị chê bai
vì văn phong lan man, cộc cằn, dùng từ ngữ thiếu trau chuốt, những năm tháng ấy
cho đến bây giờ cũng phải tận 5, 6 năm. Tôi đã từng dành vài tiếng đồng hồ ngồi
trong xóm trọ nóng nực, không quạt điện vào trưa hè mất điện để chỉ hoàn thành
những bài luận cuối cùng, từng giọt mồ hôi ướt đẫm lưng, từng giọt chảy từ thái
dương xuống cằm hòa lẫn vào môi, mặn mòi, chát đắng. Nhưng phải có những giây
phút vất vả, chăm chỉ ấy mới có những giây phút tự tin viết sách như ngày hôm
nay. Rồi, tôi nhớ lại, những cái gật gù của mình, chăm chú nghe từng câu từng
chữ Kyle kể lại. Anh tự dạy bản thân cách chỉnh sửa video, tự sửa những clip ngắn
vài ba phút, những năm tháng miệt mài như thế trong căn phòng. Tôi có thể hình
dung đấy là một cuộc sống bận rộn nhưng xứng đáng để mỉm cười, hạnh phúc từ bên
trong.
“Từ
lời hứa ấy, anh bỗng bất giác giật mình vì nhận ra hình ảnh trước đó không phải
là một Việt Nam anh biết”
Năm 2010, anh dự tính
đi tình nguyện tại Peru, rồi vì cơ duyên nào đó, anh gặp một cô gái và cô ấy bảo
rằng sẽ đi tình nguyện tại Hà Nội. Đấy là cái tên hoàn toàn xa lạ với anh từ thời
điểm ấy. Lịch sử Mỹ không dạy về Việt Nam nhiều, họ cũng chỉ dạy về chiến
tranh, còn anh lại chuyên Lịch sử Mỹ. Anh nói chuyện với cô ấy, rồi tò mò tìm
kiếm Hà Nội trên Google, nhìn thấy thủ đô Việt Nam lộng lẫy, cổ kính, thú vị, từ
Hà Nội anh biết thêm Hạ Long, Ninh Bình, Đà Nẵng, Hội An,… Anh bất ngờ “ô, đây
đâu phải là Việt Nam mà mình biết đâu? Đây chính là Việt Nam hay sao?” Giây
phút đó, Kyle không kiềm được sự xúc động của mình, anh hồ hởi kể lại cho tôi
nghe bằng thanh âm dồn dập. Anh dùng toàn bộ số tiền đi Peru để thực hiện chuyến
thăm Việt Nam, 23 ngày 10 thành phố. Anh cũng quay video, những video chỉ vài
phút với nội dung vô cùng đơn giản. Suốt năm 2011 ấy, anh cứ mơ mộng về Việt
Nam hoài. Anh nhớ lại năm 2010, có một người Mỹ dạy tiếng Anh tại Biên Hòa tìm
thấy video về thành phố này của anh trên YouTube rồi liên lạc cho anh, năm
2011, anh nhớ lại người ấy, và tìm lại họ để liên lạc. Kyle nhớ những đêm những
ngày tại Mỹ cứ mơ mộng về Việt Nam, anh không sao vứt đi được nó ra khỏi đầu của
mình. Với tính cách của anh, đã muốn gì là anh sẽ làm cho bằng được. Một người
đàn ông liên lạc anh, đề nghị anh dạy Lịch sử theo chương trình anh học tại Mỹ
cho một trường đại học ở Việt Nam thời điểm đó. Anh có thêm những công việc dạy
tiếng Anh. Vậy là cuộc sống của anh tại Việt Nam chính thức bắt đầu.
“Anh
cũng mang theo máy quay phim, viết blog, làm YouTube, nhưng thời điểm ấy, anh
chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thực sự nghiêm túc với công việc này.”
Thời điểm qua Việt Nam
dạy Lịch sử tại ngôi trường đại học ấy và dạy tiếng Anh, anh đâu có nhiều tiền,
thậm chí còn nợ một khoản lớn tiền học phí ở bên Mỹ. Những người tốt nghiệp đại
học ở Mỹ không nợ tiền của nhà trường mới là chuyện lạ. Kyle cũng mang theo máy
quay phim theo nhưng chưa bao giờ định nghĩa trong đầu rằng bản thân sẽ quay loại
video nào. Blog Kyledotnet có lẽ được lập ra từ thời điểm đó. Tôi nhớ mình có
theo dõi những bài viết mà hầu như bất kì tựa đề nào cũng có từ Vietnamese trên
tờ báo Huffington Post được viết bởi Kyle. Tôi đọc blog của anh cách đây khá
lâu, nhưng xem video anh làm phải hơn 1 năm về trước. Tôi không nhớ cơ duyên
nào khiến tôi bắt gặp video của Kyle, nhưng tôi là một người cực kì thích du lịch,
tôi cũng thường chủ động tìm kiếm những từ khóa tiếng Anh liên quan, và có thể,
vì thế mà tôi bắt gặp những clip Kyle làm rồi cứ xem mãi xem mãi kể từ lúc đó
cho tới bây giờ.
Kyle nhớ lại ngày trở lại
Việt Nam, anh định mướn chung cư nhưng đâu có rẻ đâu, anh quen một người Việt
Kiều, rồi từ đó, ở 3 – 4 tháng tại phòng khách của người bạn, lấy ghế sofa làm
giường, sửa video, soạn giáo án từng ngày từng giờ ở đó. Khi người bạn dẫn bạn
khác về, anh cảm thấy áy náy trong lòng, đó là cái cảm giác mà những người chưa
từng trải qua sẽ khó lòng hiểu được. Mới
qua Việt Nam, anh cũng không rành xe máy. Anh nhớ lại lúc ấy anh mua chiếc xe
cup cũ, màu xanh lá cây, không đề, mỗi lần leo lên xe đi đâu là phải giẫm đến
khi nổ mới đi được. Bảo vệ chung cư thấy cảnh tượng ấy mỉm cười, bảo “mua nhầm
rồi đấy”. Lập nghiệp ở một đất nước khác, văn hóa khác là một vấn đề nhưng tài
chính hạn hẹp mới chính là khó khăn lớn nhất. Tôi nhớ lại những tháng ngày gap
year, sống trong một cái vali, đi từ nơi này đến nơi khác, thật không dễ dàng
chút nào. Tôi nghĩ nó không dễ dàng không phải vì hai chữ tự lập mà yếu tố tiền
bạc luôn là thứ ràng buộc nhiều người. Nếu bạn có thật nhiều tiền, đi đến đâu,
dù có khác biệt ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, bạn vẫn có thể xoay xở tốt. Nhưng,
với một người không có tiền mà phải tự lập nữa, họ sẽ đi qua rất nhiều khó khăn
và thử thách.
“Anh
cũng như nhiều người Việt Kiều khác, từng nghĩ Việt Nam không hay. Nhưng đừng
đánh giá bất cứ thứ gì hay bất cứ ai khi chưa thực sự trải nghiệm và hiểu rõ.
Không có đất nước nào là lý tưởng hay hoàn hảo 100%. Anh muốn thấu Việt Nam nhiều
hơn từ khía cạnh con người, du lịch và nhiều thứ khác nữa.”
Kênh YouTube Kyle Le
Dot Net được lập ra từ năm 2011, nhưng phải đến năm 2015, anh mới thực sự thực
hiện hàng loạt phóng sự, quay video một cách nghiêm túc. Anh nhớ lại, vào năm
2014, host show truyền hình (travel channel) là Bizarre Food, rất nổi tiếng, mà
hồi nhỏ anh cũng hay xem, xem những video anh làm rồi liên lạc anh, bảo rằng:
“Take it seriously” (hãy làm nó thật sự và nghiêm túc, hãy ráng làm tiếp đi).
Lúc đầu, anh cứ tưởng đây là trò đùa, tưởng lời nói chơi, nhưng ai ngờ, kênh của
anh lại có ảnh hưởng và lan rộng đến một show truyền hình lớn như vậy. Bởi thời
điểm đó, tại Việt Nam, không nhiều người làm video du lịch về Việt Nam và đăng
một cách liên tục giống như anh. Thật vậy, cứ đều đặn mỗi tuần vào năm trước,
lúc nào tôi cũng nhận thông báo Kyle vừa đăng một video mới, và rảnh rỗi tôi lại
xem. Tôi không xem video của Kyle như một hình thức giải trí, bởi nếu giải trí,
tôi sẽ tìm thứ khác, những gì anh làm thiên về phóng sự, con người, văn hóa và
được trau chuốt tỉ mỉ về nội dung và cách chọn câu chuyện để sản xuất được một
video như thế. Vì xem nhiều, tôi mới dám đánh giá như vậy, nếu xem ít, tôi sẽ
không mạnh bạo mà viết ra những lời này.
Tôi bất ngờ khi Kyle bảo
rằng những video dài 20 phút, có lúc 30 phút như vậy lại tự mình anh quay, thi
thoảng đi cùng bạn anh mới nhờ họ cầm giùm máy quay chứ không đạo diễn, chỉ bảo
bất cứ ai phải quay thế này, quay thế nọ. Những ngày mới bắt đầu làm YouTube,
anh cũng chỉ làm chơi, để ba mẹ thấy, cuối năm 2014, anh có 10 ngàn lượt đăng
ký trên YouTube (và nay con số đã hơn 100 ngàn). Có những ngày anh dạy 12, 13,
14 tiếng đồng hồ. Anh làm nhiều để có thể tiết kiệm tiền, sống ở Phú Mỹ Hưng.
Ai cũng muốn cuộc sống của mình hạnh phúc, giàu có thể không hạnh phúc nhưng
nghèo chắc chắn khổ. Làm nhiều, Kyle có tiền sống căn hộ tốt hơn, mua máy quay
phim, laptop xịn hơn. Tôi nhớ anh lặp đi lặp lại câu nói “anh cứ tập trung làm,
làm, làm hoài như vậy.” Khi kênh YouTube của Kyle phát triển, vào năm 2014, vì
lời khuyên của 2 người Mỹ, họ bảo rằng: “Hãy ráng tiếp tục đi và nên xuất hiện
vào video nhiều hơn”, Kyle giảm bớt dạy, anh nghỉ trường, nghỉ giờ, và xin nghỉ
sáng thứ 7, chủ nhật, cứ có lễ hội nào ở Việt Nam, anh đều đi. Đam mê quá, có lần
anh muốn đi quay ở Cà Mau, sáng thứ 7 anh đi đến, sáng thứ 2 lại quay về Sài
Gòn rồi lao vào dạy luôn.
“Anh
cũng nhiều lần tự hỏi tại sao mình phải khổ như vậy. Anh cứ tiếp tục đi nhiều
nơi, thứ 6 đi, thứ 4 tuần sau lại về dạy bù.”
Tôi hỏi Kyle tại sao
anh có thể tiếp cận được nhiều người Việt Nam trên khắp thế giới như thế, và bất
ngờ khi anh bảo rằng, hầu như 90% những câu chuyện ấy đều là do người ta liên lạc
anh. Tôi nhớ video khiến bản thân mình cảm động nhất là phóng sự người Việt ở
Campuchia, họ phải sống ở trên những con thuyền chật chội ven sông, trẻ con học
trong một chiếc thuyền, cái cảnh Kyle bước vào rồi sững sờ bắt gặp các em thơ
ngơ ngác nhìn người lạ, tôi xúc động đến tóe nước mắt. Chuyện người Việt tại
Campuchia ấy là do bà hiệu trưởng trường anh dạy trước đó đi về kể lại, Kyle
quyết tâm lên đường. Và cũng sau chuyến đi ấy, Kyle chân thành chia sẻ rằng anh
có cảm tình sâu sắc với những người Việt sống ở nước ngoài, họ thay đổi cách
anh suy nghĩ, và họ cũng giống như những người thân trong gia đình anh vậy. Anh
muốn thông qua những video anh làm, người ta có thể xem và giúp đỡ người trong
cuộc, anh hi vọng có thể bằng cách nào đó có thể kết nối tâm hồn của những người
không cùng chung màu da, sắc tộc, không cùng chung tôn giáo, ngôn ngữ, nhưng có
thể nâng đỡ nhau, xích lại gần nhau.
Trước chuyến đi
Campuchia, anh muốn biết nhiều về những người Việt Nam khác, có nhiều người Việt
Kiều xem video của anh, rồi liên lạc anh, họ bảo muốn gặp anh, khắp nơi, người
ta viết thư cho anh, có những người Việt tại Thụy Sĩ, Đan Mạch,… Trước đó, Kyle
đâu biết là sẽ có những người Việt ở những nơi xa xôi như vậy. Nếu Kyle kể chuyện
bằng những thước phim, tôi là người kể chuyện bằng con chữ. Nhưng để sản xuất một
chiếc video dài 15 – 30 phút, Kyle phải quay trong nhiều ngày, sửa video trong
nhiều đêm liên tục. Anh kể lại câu chuyện người Việt Kiều tại Úc mất tích, người
em của ông viết thư cho anh, Kyle nhận thấy đó là một tin nhắn thật sự nghiêm
túc, rồi họ bàn với nhau về kế hoạch ra sao, như thế nào. Rồi như chuyến đi gặp
người đàn ông người Việt tại châu Phi, anh được Bizarre Food giới thiệu.
“Đa
phần, những video Kyle làm đều do anh tự bỏ tiền túi ra. Người ta nghĩ rằng có
người mua vé máy bay cho anh, lo chi phí tiền khách sạn cho anh, nhưng đâu có
phải. Vé máy bay rất đắt, anh phải mua vé rẻ nhất có thể, có những lúc phải ngủ
ở sân bay, rồi sống tại nhà những người bạn.”
Tôi hỏi anh tại sao lại
chọn quay những thước phim về người Việt trên khắp thế giới. Kyle chân tình
chia sẻ rằng anh muốn làm những thứ khiến anh vui, anh hạnh phúc, những thứ mà
có thể tạo ra giá trị thật sự, những thước phim có thể thay đổi cuộc đời của ai
đó, dù không nhiều người, theo hướng tốt đẹp hơn. Những video ngắn dài dưới 10
phút về street food, review khách sạn, thức ăn, nhà hàng đã có quá nhiều người
làm rồi, và họ làm rất giỏi, nên anh không muốn làm nữa, dù biết rằng loại nội
dung đó có thể đạt lượt xem gấp 10 lần video của anh. Nhưng Kyle không quan
tâm. Anh muốn dùng đam mê của mình để chia sẻ đam mê, khát vọng của người ta.
Trong một năm vừa qua, anh ít xuất hiện trong video vì anh muốn nhân vật có cơ
hội nói và chia sẻ, và anh muốn tiếp tục như vậy. Nếu anh quan tâm lượt
subcribe, anh sẽ làm những loại video street food rẻ tiền, sẽ được nhiều lượt
xem. Tất nhiên, nếu được nhiều lượt xem thì anh sẽ vui, nhưng lương tâm anh nhắn
nhủ anh không cho phép anh chạy theo những thứ như vậy. Có nhiều công ty du lịch
đài thọ anh nếu anh quảng cáo thương hiệu của họ, nhưng anh từ chối. Thứ nhất,
anh không muốn sản xuất loại video đó, anh không biết nhiều về sản phẩm của họ,
và thứ 2, số tiền ít ấy không giúp anh tiến bộ mai sau này. Giống như video gần
đây nhất mà tôi xem là người Việt Kiều ở Thụy Sĩ, Kyle bảo anh có thể sản xuất
3 video, sẽ gấp 3 lần tiền, nhưng anh không muốn, vì 1 video sẽ ý nghĩa hơn, liền
mạch hơn. Nếu một người có lượng subcribe lớn thì người ta cũng có thể quên bạn.
“Video
của anh ít khán giả, vì nó không thuộc loại thị trường dễ xem. Vì anh muốn làm
những gì khiến anh hạnh phúc, và vì cái hạnh phúc đó nó có thể thay đổi cuộc đời
hay lối sống của nhiều người. Anh muốn người ta nhớ đến anh theo một góc nhìn
khác, như một người tạo ra những câu chuyện, và có những câu chuyện không phải
lúc nào cũng rõ ràng trắng đen.”
Anh nhớ câu chuyện từng
quay video về một anh nuôi cá, và video đó được rất nhiều người xem. Và sau chiếc
video ấy, anh ý có thể bán cá sang Mỹ, Philippines,…Người ta cám ơn anh dữ lắm.
Rồi có câu chuyện anh quay video về anh lái xe ôm, rồi cũng có nhiều người giúp
anh ta. Cái gì đó nó đáng thì cũng sẽ phải có sự đau khổ. Nếu việc quay video
này vui vẻ, anh nghĩ nó không có ý nghĩa đâu. Anh phải trải qua những cảm xúc
này, mới trọng những khoảnh khắc ý nghĩa.
Kyle chân thành bảo tôi
rằng hồi trước, anh nhìn người ta trở thành YouTuber triệu đô, với hàng triệu
subcribe, Kyle cũng hướng đến mục tiêu ấy. Nhưng rồi anh thấy, nhiều khi thành
công được định nghĩa rất khác nhau, đôi lúc, việc khiến mình hạnh phúc, và nhiều
người cũng hạnh phúc sẽ không thể định nghĩa bằng vật chất, con số. Dù Kyle không
là YouTuber triệu đô, không thành công như anh từng mong đợi, nhưng điều khiến
anh hạnh phúc là anh có bạn ở khắp muôn nơi, họ biết anh không chỉ qua YouTube,
trang mạng xã hội mà gặp anh ở ngoài đời thực, và những người đó mới thật sự biết
anh là người như thế nào. Có lần, Kyle được mời đến nhà của một gia đình vào dịp
lễ Noel, họ không những hạnh phúc khi anh đến mà còn trao anh quà, anh xúc động
lắm, nhiều khi cảm tưởng họ còn hơn gia đình anh nữa, mà họ chỉ là người dưng
thôi. Họ bảo rằng họ nhớ Việt Nam lắm, và nhờ có video của Kyle, họ hiểu rõ về
Việt Nam hơn, và không còn nhìn về đất nước, nguồn cội của họ qua ống kính một
màu nữa.
“Thành
công không được định nghĩa bằng tiền hay bằng tương lai, và lượng subcribe
không quan trọng bằng số người anh gặp.”
Tôi rất tò mò về dự định
tương lai của Kyle, tôi muốn biết liệu anh có còn quay những video về người Việt
trên khắp thế giới nữa hay không. Kyle bảo rằng anh sẽ không bao giờ từ bỏ, nếu
một ngày anh còn trên trái đất, thì ngày đó anh sẽ còn muốn là người gieo câu
chuyện người Việt ở vùng đất anh đi qua. Anh vẫn muốn quay về cuộc sống của
anh, dù trong video đó, không còn nhiều người Việt Nam nữa.
Tôi cảm thấu từng câu chữ thốt ra mỗi lúc mỗi sâu
đậm của anh ở những phút cuối cùng của cuộc trò chuyện. Phải trải qua mới biết
được, anh không bao giờ khuyên người ta bỏ công việc để làm YouTube, vì sau tất
cả, những gì bạn thấy ngày hôm nay có màu hồng, thì ngày hôm qua phải là những
thức màu đen tối lẫn lộn không như người ta tưởng tượng.
“Hãy
bỏ qua màu da, tôn giáo, chính trị, màu cờ. Mỗi người có một lá cờ riêng, cờ
anh khác cờ em, nhưng cuối cùng, chúng ta vẫn là thế hệ thứ 2, và đất nước này cần
những người như anh và em mới có thể nâng quốc gia này lên được.”
Trong đời, cái gì xảy
ra cũng có lý do riêng của nó. Người ta luôn nghĩ tại sao anh cứ đi hoài, ăn
hoài, nhưng họ không biết anh phải sống trong một cái va li, đặt vé máy bay rẻ
nhất, và ăn thức ăn ngon ở trên video thôi chứ ngoài đâu phải lúc nào cũng như
vậy. Có những người chỉ xem 1, 2 video rồi dễ dàng đánh giá con người làm ra
video đó, rồi phán xét, họ thiếu đi lòng khoan dung. Những thứ đó, anh chấp nhận.
Kyle ôn tồn bảo: “Có những câu chuyện anh ước ao kể được. Anh nghĩ nếu anh nổi
tiếng quá thì nó sẽ thay đổi lối sống và bản tính của mình, nên anh muốn là người
bình thường thôi, anh muốn sống sâu hơn, và đơn giản như vậy.”
Tôi hỏi Kyle liệu khổ
như vậy nhưng anh vẫn cảm thấy xứng đáng chứ? Kyle thẳng thắn bảo rằng nó cũng
chỉ xứng đáng trong một thời gian nào đó thôi. Anh luôn dạy học trò của mình phải
biết nóng là gì, lạnh là gì. Có những video hay thiệt hay nhưng rồi họ cũng quên.
Tháng 3 năm 2017, anh quay về Mỹ, có một người Việt Kiều tại Texas xem video của
anh và muốn gặp anh, sẵn tiện, anh bay về California, sau mấy năm không gặp mà
anh thấy sao họ giàu quá. Anh cũng nhiều lúc tự hỏi “Tại sao mày còn ở Việt
Nam, sống khổ sở đến như vậy?” Mỗi ngày anh nhận được trên dưới 20 tin nhắn, họ
tìm đến anh, anh bỏ thời gian ra gặp họ, anh muốn học hỏi từ họ, anh cũng muốn
bản thân mình tiến bộ nữa, rồi anh xem mình có giúp được gì cho họ hay không.
Có lần, anh qua Canada, thấy cảnh tượng người Việt phải đi nhà thờ trong thời
tiết lạnh thiệt lạnh, anh rất đau lòng. Anh cứ bay như một con chim, từ Ý, Hà
Lan, rồi châu Phi, châu Á, ba mẹ anh muốn anh ổn định chứ, năm nay anh đã 28 tuổi
rồi, lại là con một nữa, ai ai rồi cũng sẽ có lúc như vậy, ổn định ở đây là ổn
định về mặt tài chính, nhà cửa. Nếu ba mẹ Kyle biết anh làm video này nhiều tiền
thì họ sẽ không bận tâm, nhưng thực tế lại không phải như vậy.
Kyle dừng lại một chút,
suy ngẫm, rồi bảo tiếp rằng thế hệ thứ 2 này, chúng ta có nhiều sức, nhiều lực
để phát triển lên và mình phải theo chiều hướng phát triển của thế giới, của Mỹ,
của Âu Châu. Có những chuyện mình nên theo, có những chuyện mình cần thay đổi,
nhưng đừng bao giờ chấp nhận bình an. Anh thích sự tiến bộ, không phải là mỗi
năm tiền phải gấp đôi, vật chất là một phần, nhưng tận sâu bên trong mới là
quan trọng. Anh ủng hộ thế hệ thứ 2 phải
làm cái gì đó cho riêng họ, và từ cái riêng như việc xây dựng ước mơ cho chính
họ, họ xây dựng nên giá trị cho cộng đồng.
Dù thời gian tới không ở
Việt Nam, nhưng Kyle sẽ sang Âu Châu, vừa làm việc vừa quay những video về người
Việt ở đấy. Vì anh biết, xứ sở ấy có nhiều chuyện hay ho và anh muốn lan tỏa nó
cho nhiều người biết. Kyle thật sự mong muốn người Việt ở mọi nơi trên thế giới
sẽ hướng về đất nước này và hiểu đất nước này với đa dạng các màu sắc khác nhau
qua ống kính của anh. Kyle đã từng có những cái nhìn tiêu cực về Việt Nam, bởi
anh từng bị vây quanh bởi những người có suy nghĩ tương tự. Nhưng thời gian sống
tại Việt Nam 6 năm, quay video, làm phóng sự về người Việt trên khắp thế giới,
anh đã cống hiến thanh xuân của mình cho những điều tốt đẹp mà không mong nhận
lại bất cứ điều gì liên quan đến vật chất hay sự đền ơn.
Kyle tổ chức nhiều buổi
gặp gỡ (meetup) tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới, và hầu hết họ là những
người Việt Nam hải ngoại, họ là thanh niên cho đến người già, và họ xem video của
tôi để hiểu hơn về Việt Nam.
“Sự
kiên định luôn là chìa khóa.”
YouTube mang tính chất
tạm thời. Tháng nay, video của anh có 100 ngàn lượt xem nhưng tháng sau không
có nghĩa cũng có con số tương tự. Nếu anh biến mất một tuần, anh sẽ mất khán giả,
nhưng nếu làm quá nhiều, người ta sẽ thấy chán. YouTube không phải là công việc
toàn thời gian, đó là sự tận tâm toàn thời gian, cho cả cuộc đời. Nếu chạy đuổi
theo thành công, thành công sẽ không theo đuổi bạn. Bởi thành công là cả quá
trình, nếu cứ chú trọng vào thành công, bạn sẽ càng đánh trượt nó. Nó phải được
công nhận bởi những người xung quanh khi họ nhìn vào thành quả và giá trị mà bạn
tạo ra cho cộng đồng, và góp phần thay đổi, ảnh hưởng tích cực đến xã hội. Đừng
tạo áp lực để trở thành một người thành công mà hãy trở thành một người có ích
và sống hạnh phúc cho mình để lan tỏa hạnh phúc cho người khác. Và một tác phẩm
tuyệt vời bao giờ cũng cần sự miệt mài, kiên định.
Trò chuyện với Kyle gần
3 tiếng đồng hồ, tôi nghĩ đó không phải là một lượng thời gian dài, vì với bản
thân tôi, tôi có thể trò chuyện với anh bất cứ lúc nào, nếu anh cho phép. Tôi hạnh
phúc và trân trọng anh thật nhiều khi Kyle bảo nếu muốn khám phá gì thêm, hãy
liên lạc anh và anh sẽ dành thời gian thêm cho tôi nữa. Tôi mong chờ những câu
chuyện tiếp theo của anh, và thật sự, những gì anh làm xứng đáng được nhiều người
biết hơn nữa.
Cám ơn Kyle Le vì đã
cho tôi cơ hội được trò chuyện cùng anh!
Gửi chị Trang, thật sự em rất ấn tượng với dự án của chị, hàng ngày đều đọc những bài viết của blog, đọc những chia sẻ suy nghĩ của chị. Sau khi đọc bài này em cảm thấy thật sự rất ấn tượng. Mỗi người sinh ra có một cách nhìn về cuộc sống khác nhau, phải chăng hiện tại em và chính mọi người xung quanh chỉ đang sống vô hồn và theo đuổi theo một cái bóng nào đó, vẫn chưa tìm ra được mục đích sống và những việc mình thích làm. Em đọc và đang cảm nhận những suy nghĩ khác nhau, cách mà những người thành công suy nghĩ. Em sẽ luôn luôn ủng hộ chị phát triển dự án và xuất bản cuốn sách.
ReplyDelete