Điều chúng ta nên cân nhắc nhất
Và tôi bắt đầu nhớ một câu chuyện vặt vãnh cách đây đã khá
lâu giữa những người bạn. Giá trị sống thực sự của bạn là gì? Bạn chọn sống cuộc
đời mình như thế nào? Ít ai có thể đi vào trọng tâm câu hỏi, bởi không phải câu
hỏi mơ hồ, mà nhiều người chọn sống một cuộc đời vô mục đích.
![]() |
Khi thay đổi, đừng run rẩy, nếu run rẩy bạn sẽ bị rơi khỏi mục tiêu |
So với hàng tá người ngoài kia, những kẻ đã đi hàng trăm
hàng vàn cây số chưa biết mệt, chưa có dấu hiệu dừng chân và có một cuốn sổ
dày để ghi lại những chặng đường thú vị
thì với bản thân, tôi chỉ là một đứa con nít tí tuổi đầu vắt nước mũi chưa sạch.
Tôi lắm lời! Ok! Nhưng hôm nay, tôi thấy mình đang đi trên con đường chung của
những người trưởng thành, dù đang ở đoạn đầu, chập chững những bước đầu tiên
nhưng thế giới mở ra trong tôi nhiều câu chuyện đáng viết.
Bill Gates đã từng nói rằng: “Nếu bạn sinh ra trong nghèo
khó, đó không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu bạn chết trong nghèo khó, thì đó
chính là lỗi của bạn.” Khoảng thời gian
về Tết hơn 2 tuần qua, bao cảm nhận về câu nói này khiến tôi không ngăn nổi bản
thân viết một điều gì đó liên quan. Người Việt Nam mình cần thay đổi ở những chỗ
nào?
Bạn có quyền chọn lựa cuộc sống của mình như thế nào. Người
giản đơn ưa một cuộc sống không bon chen, có đủ tiền trang trải cuộc sống. Người
đớn hèn phó mặc số mệnh. Người nghĩ lớn mà còn dám làm thì chắc chắn làm chủ số
phận. Nhưng, có lẽ, còn có một bộ phận người nữa, bạn và tôi đều biết nhưng ít
ai đề cập, kẻ thiếu giáo dục – những người không làm chủ được bước đi trong đời
của mình.
Tôi đến một miền quê mà hầu như thanh niên ở đây đều chỉ học
hết cấp 3 rồi đi làm thuê, hoặc cách đây vài năm về trước có những người đã
mang ba lô đi làm tiền từ những năm vừa bước ra khỏi trường cấp 2. Từ Nghệ An
vào Sài Gòn làm đủ mọi nghề, từ rửa bát thuê, bưng bê trong nhà hàng, đến lau dọn
và đi ở tại một gia đình thành phố. Ở lứa tuổi đó, tôi sợ đi xa, sợ đi một
mình, nhưng vì sự mưu sinh những người cùng tuổi 15 ngây thơ, thiếu kiến thức
ra đi không một chút nuối tiếc gì.
Giáo dục ở miền quê xa xôi luôn thiệt thòi và thiếu thốn. Bạn
sẽ thấy những con đường chưa bao giờ được trải nhựa, đất bùn tung toé những
ngày mưa hay bụi đỏ hoà trong làn gió những ngày nắng nóng. Học sinh đến trường
với khuôn mặt còn lấm lem và đôi dép hơn một năm khâu lại bằng những sợi chỉ
hay dán bằng thứ keo con voi không dám chạy nhảy nhiều hay bước đi mạnh. Miền
quê là thế, sáng đi học, chiều đi chăn trâu, cắt cỏ, cuộc sống tuổi thơ trôi nổi
giữa đồng quê. Thử hỏi, rồi cuộc đời những đứa trẻ ấy sẽ thay đổi như thế nào nếu
không có một sự tác động nào đó?
Tôi đến những lớp học dành cho những đứa trẻ tròn 12, 13 tuổi.
Một khối 6 chỉ 2 lớp, mỗi lớp 20 đến 25 em, vùng quê mà, heo hắt cả về người lẫn
sự náo nhiệt và ồn ào. Thầy cô phải dạy cho các em tận tình và nhiệt huyết thì
may ra các em còn hiểu, nhưng tôi thấy nhiều thầy cô không dốc hết cái tâm của
mình để trao đi cái chữ. Hình phạt là roi thước, không bao giờ mang đến lời động
viên hay khuyến khích nào. Nhưng , các em cần điều đó!
Những đứa trẻ 15 tuổi sau khi tốt nghiệp cấp 2 sẽ tiếp tục
đi lên cấp 3, nếu là những đứa có chí hay gia đình có điều kiện hoặc giỏi giang
đỗ đạt một trường công lập trong huyện. Hiện nay, ở miền quê ấy, có vẻ đã khấm
khá hơn, bậc phụ huynh vẫn để con theo học dân lập nếu trượt kì thi cấp 3. Nhưng,
môi trường cấp 3 nhiều cám dỗ, liệu những đứa trẻ từ miền quê bắt nhịp với sự ồn
ào và náo nhiệt của đô thị có làm chủ được chính bản thân mình?
Vấn đề đặt ra: Giáo dục là điều tối quan trọng trong việc định
hướng nhân cách và mục tiêu của con người. Giáo dục nên bắt đầu từ những vùng
quê, nơi thiếu thốn đi về cơ sở vật chất lẫn chất lượng dạy học. Xin bàn thêm về
chuyện cộng điểm trong kì thi THPT Quốc gia vừa rồi. Tôi cho rằng, đó không hẳn
là một sự thương hại, nhưng về căn bản, nó không công bằng và dấy lên một làn
sóng phẫn nộ không ít từ trên mạng xã hội đến những câu chuyện của các bậc phụ
huynh có con đi thi. Có những người thực sự nên được cộng điểm xứng đáng nhưng
có những cá nhân không hề xứng đáng cho việc đó. Bởi, giáo dục không phát triển
một cách đồng đếu và đó là lí do vì sao những người 22 điểm lại đỗ đạt vào trường
top với điểm cộng là 3. Xin hãy thôi đầu tư vào những công trình tốn kiếm, thay
vì trau dồi sự trù phú và đẹp đẽ hơn cho thành phố thì hãy dành số tiền đó để
phát triển giáo dục ở những vùng quê. Cùng là một vấn đề, ngành sư phạm là ngành ccho ra lò những giáo viên, những người trao đi kiến thức và biến đổi giáo dục của quốc gia này, nhưng hãy thử nhìn xem, tuyển sinh viên vào ngành này điểm lại cực kì thấp hoặc vì càng ngày càng ít học sinh có xu hướng chọn ngành nên điểm càng giảm, đầu tư số lượng thay vì chất lượng, thử hỏi như thế mà được hay sao. Nhiều sinh viên ra trường ngại dạy ở những miền cao, nhưng thử hỏi, nếu bạn chê miếng rau thì ai ăn miếng rau đó thay bạn. Đó là những vấn đề của người trẻ tuổi.
Tôi đã chứng kiến những bản sao của Chí Phèo trong đời sống
hiện tại, đó chính là di căn của cái lò gạch cũ năm xưa, sự thu dọn không sạch
sẽ của xã hội khiến photocopy con người càng
phát triển và lan rộng, âm thầm hoặc công khai. Anh không bỏ học đi kiếm tiền
nhưng vì học quá dốt đến nỗi không lấy nổi bằng cấp 2, gia đình đi thầy mãi,
quà cáp nhiều vô số nhưng tính thầy thẳng, không chữa dốt thành trung bình bao
giờ nên cuộc đời anh trôi nổi và lửng lơ giữa cái ao tù nước đọng. Suốt thời
gian nghỉ hè năm đó, bạn bè anh, những đứa cũng học không hơn anh là mấy nhưng
vì đủ điểm tốt nghiệp cấp 2 nên theo một trường dân lập trong huyện mà đi học.
Gia đình tất nhiên là nuôi nổi anh, nhưng anh quyết định vào nam kiếm tiền.
Không biết vào trỏng, anh làm những gì. Nhưng Tết về, không một đồng dính túi,
cuộc đời lang bạt, nay đây mai đó, chỗ ở chuyển nhiều, gia đình nhiều khi còn
phải chu cấp tiền vào trong. Qua bao năm tháng, nay anh đã 23, đi làm từ thuở
15, nay đã được 8 năm nhưng chưa bao giờ gửi một đồng nào về cho mẹ tiêu Tết,
thậm chí một chiếc áo làm quà 8-3 cũng không. Về quê thì rượu chè be bét, dễ
tin người do trong đầu không có chút kiến thức gì, thấy người ta bảo làm giàu đầu tư 1 lãi
100, tin ngay lập tức, vì sách vở kém mà, nên chỉ có nước chết. May mắn còn anh trai học hết lớp 12, đi cao đẳng
một năm sau đó bỏ về đi học nghề còn có sự giáo dục đầy đủ, bon chen, bươn chải
nhiều nên hiểu và sớm can ngăn không thì gia đình chuốc thêm cục nợ lớn. Nay
anh hãy còn ở nhà, cuộc đời không biết rồi sẽ đi đâu về đâu. Đó là kết quả của
sự giáo dục không đến nơi đến chốn.
Vấn đề mà người ta không nói ở “Thế giới phẳng hay không phẳng”
là đây, hãy bắt đầu thay đổi từ những nơi thiếu giáo dục nhất, những nơi thiếu
thốn sự học nhất, rồi muốn làm nghiệp lớn gì thì làm!
No comments: