Cô lao công FTU thu mình trong góc tường nhỏ
Trong góc nhà B, tầng 2, một nơi khá kín đáo và xung quanh
chỉ toàn những căn phòng dán giấy “niêm phong”, một người phụ nữ nhỏ bé, thu
mình ngồi trên chiếc chổi. Mặt cô đeo hờ chiếc khẩu trang chỉ còn hai sống mũi
và con mắt để thở và đọc báo. Chiếc mũ len cũ kĩ và sờn màu…Cô là lao công của
trường tôi!
Hôm ấy trời lạnh, nhiệt độ chắc phải xuống tầm khoảng 12 độ
C, tôi không biết vì sao từ tầng 5 tôi lại xuống đây làm gì, có lẽ vì muốn tham
quan một nơi nào đó, có thể vì sự tò mò. Tôi chưa bao giờ nói chuyện với một
người quét dọn nào ở trong trường nhưng luôn muốn tìm hiểu về công việc và cuộc
sống của họ, những con người có địa vị thấp và nói thẳng ra là không bao giờ nhận
được cái quan tâm từ người khác. Tôi muốn được gần họ hơn!
Tôi ngồi xuống bên cạnh cô, mỉm cười rồi nói:
- - Cô đọc gì vậy ạ?
- - Đọc báo cháu ạ… bây giờ cô mới ngẩng mặt lên một
chút, đôi mắt nhỏ và như ngấn nước, làn da khô ráp vì thời tiết lạnh se se và cả
đôi bàn tay gầy gò cầm chắc lấy tờ báo cũ.
Cô tên là Chuyên, người Hà Nam, làm lao công ở Ngoại thương
đã 1 năm. Cuộc chuyện trò giữa chúng tôi chỉ kéo dài khoảng độ 10 phút nhưng
cho đến bây giờ, trong tôi vẫn ẩn hiện từng
câu nói và lời chia sẻ của người phụ nữ bất hạnh.
Không chồng không con, cũng lang bạt khắp nơi, tiền lương kiếm
được ít ỏi, không đủ nuôi sống bản thân lại còn mang nhiều bệnh tật. Cô bắt đầu
câu chuyện của mình với những lời lẽ khiêm tốn và chút bi thương như vậy.
- - Người Hà Nội thì ai làm những công việc thấp hèn
như thế này hả cháu. Những người vệ sinh ở đây đều đến từ những vùng ngoài. Các
cô làm việc cho một công ty, họ đấu thầu trường này và bảo các cô đến làm việc ở
đấy. Lương bèo bọt lắm cháu ạ, tháng chỉ 2 triệu rưỡi mà tính cả tiền thuê
phòng với ăn uống nữa thì còn lại là bao nhiêu đâu. Tết được nghỉ có mấy ngày
thôi, người ta lại bắt mình lên làm lại. Lau dọn, chùi rửa, quét sân,…cũng vất
vả và kịch liệt lắm. Cô lại thêm bệnh tật nữa, tóc cô rụng gần hết rồi, chưa có
tiền chữa. Người ta đi giám sát thường xuyên, lúc này do chưa bắt đầu làm
nên cô mới ngồi nghỉ đọc báo một tý.
Có những lúc ta nên dừng lại và hỏi thăm hay tìm hiểu những
người bên cạnh…Nó cho phép ta sống có tình nghĩa hơn và tránh xa những xô bồ và
bận rộn của thời thế. Tôi nhìn sâu vào đôi mắt của người phụ nữ ấy,công việc dù
thấp hèn nhưng họ tốt bụng và lương thiện. Những người nghèo, họ không có tội.
- - Sao cô không giúp việc ở những gia đình ngoài
này ạ? Ở chỗ quê bọn cháu, người ta cũng đi ở và tháng kiếm được hơn 3,4 triệu
nhưng mà có chỗ ở, có cơm ăn, công việc cũng không quá vất và phải dầm mưa
dãi nắng như thế này…
- - Ừ thì cô cũng biết như thế nhưng mà liệu người
ta có nhận mình không, tóc cô cứ rụng suốt, phải đội mũ như thế này. Thuốc
thang cũng nhiều, sợ gia đình người ta không ưng lại đuổi sớm…
Cô kể về những bất công mà người quét dọn ở đây gánh chịu.
Tiền lương thấp, xem như không có nghỉ Tết, đôi khi làm thêm công việc cũng
không được trả thêm tiền, uất ức lắm chứ nhưng có ai dám lên tiếng đâu. Có lẽ với
những người như cô Chuyên, họ mặc định cuộc sống của mình là làm theo lời người
khác, có bức xúc nhưng không hành động, có oan ức nhưng không dám kêu, vì những
nỗi sợ: sợ mất việc, sợ trừ lương, sợ tiếng xấu, sợ những thứ mà tấm thân nhỏ
bé của mình không thể gánh lấy.
“Cuộc sống vốn không công bằng, hãy tập quen dần với điều đó”.
Có lẽ là như thế. Nhưng môt ai đó có thể lên tiếng thay họ, tôi có thể không, bằng
cách nào? Chúng ta đang tìm lời giải đáp. Tôi tạm biệt cô và chúc cô sức khoẻ.
Ánh mắt ấy vẫn ánh lên một nụ cười mãn nguyện nhỏ nhoi nào đó, có thể khi giải
bãy những tâm trạng xấu và bất ổn, ta có cảm giác an yên và thoải mái hơn. Cô
Chuyên cũng vậy, và tôi hiểu rằng, trong môi trường nhỏ bé này cũng đâu đó xuất
hiện những vấn đề sâu sa và lớn lao như thế!
No comments: